Nằm cách bờ sông Cổ chiên khoảng 100 mét, trên địa bàn xã Thanh Đức, đình Khao được chúa Nguyễn cho xây dựng từ năm 1817. Nơi đây vừa là chỗ để thờ phượng, vừa là đồn binh phòng ngữ thành Vĩnh long, vừa là nơi khao quân tưởng thưởng cho binh sĩ, vì vậy mới có tên gọi là đình Khao. Xưa kia, trước đình có bài trí súng thần công. Trong đình thờ 85 sắc thần do nhà Nguyễn phong tặng cho những bậc khai quốc công thần đã có công giúp vua Gia Long thống nhất đất nước. Năm1867, thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh long, phá hủy ngôi đình này. 85 sắc thần được nhân dân đem về thờ ở miếu Công thần thuộc Phường 5 – TXVL. Bảy năm sau, trên nền đình Khao cũ, chùa Bửu long được dựng lên và tồn tại cho đến ngày nay. Dấu tích duy nhất còn lại của đình Khao xưa có lẽ chỉ là đôi gốc dương và cây bồ đề cổ thụ. Tuy nhiên, cái tên đình Khao đã được đặt cho bến phà qua sông Cổ chiên. Từ Vĩnh long, nếu muốn đi Bến tre theo quốc lộ 57, bạn sẽ phải qua phà đình Khao. Cổ chiên, đình Khao – những cái tên đã rất quen thuộc trong đời sống của người dân Vĩnh long chính là những cái tên phản ảnh một giai đoạn lịch sử của vùng đất phương Nam.


Ấp Sơn đông ở Thanh đức, xưa kia là quê hương của một con người rất nổi tiếng, đó là nhà thơ trào phúng Nhiêu Tâm. Là một nhà nho có tài nhưng không gặp thời, Nhiêu Tâm về sống ẩn dật ở làng Sơn đông. Tại đây, ông vừa dạy học, hốt thuốc cho dân làng, vừa làm thơ. Rồi tài thơ của ông vượt qua ranh giới làng Sơn đông, được truyền đi trong dân gian và trở nên nổi tiếng trên thi đàn miền Nam trong khoảng những năm cuối thế kỷ 19. Thơ ông một mặt hàm chứa những nỗi đau sâu sắc bởi thế thái nhân tình, mặt khác, lại thấm đượm tình cảm thương yêu đối với nhân dân lao động. Chính vì vậy, thơ Nhiêu Tâm có một sức sống bền lâu trong dân gian, được người đời sau xem như là một tài sản quý trong số những di sản văn hóa ở địa phương.

Thời kháng chiến, Thanh đức nằm trong vùng kiềm tỏa gắt gao của kẻ thù. Cán bộ cách mạng từ Mỹ an lên hoạt động không bám địa bàn được lâu, mà chỉ xây dựng cơ sở tại chỗ, dựa vào cơ sở để tổ chức đánh địch, rồi phải rút lui. Thời đó, có một con người rất nổi tiếng, đó là đồng chí Phạm Văn Lâm – Bí thư Chi bộ xã Thanh đức trong giai đoạn 1960 – 1967. Đồng chí Lâm gan dạ, kiên cường, đánh giặc giỏi khiến kẻ thù khiếp sợ nên nhân dân đặt cho đồng chí biệt danh là Tổng Lâm. Nguyên thuở đó, dưới thời chính quyền ngụy, cai quản vùng này là Tổng Hiếu, quyền uy rộng khắp. Đặt cho đồng chí Lâm biệt danh Tổng Lâm, ngụ ý của nhân dân là bên kia có Tổng Hiếu thì bên này có Tổng Lâm. Bọn giặc đã từng treo giải thưởng 100.000 đồng tiền thời đó cho ai bắt sống được Tổng Lâm. Năm 1963, trong một trận du kích tiến công đánh phá cầu Bà Bổn, vì không bắt được quân du kích, bọn giặc đã đem ông Phạm Văn Tạo là cha ruột của Tổng Lâm bắn chết trên cây cầu này. Năm 1967, trong một trận đụng độ với tàu Mỹ trên rạch Sơn đông, đồng chí Phạm Văn Lâm đã anh dũng hy sinh. 40 năm sau ngày đồng chí Lâm ngã xuống, đến hôm nay, nhiều người dân Thanh đức vẫn còn nhớ những kỷ niệm về người chỉ huy du kích gan dạ này.

Thanh Đức có diện tích đất tự nhiên 1.234 hécta, dân số vào khoảng gần 11.000 người. Nền kinh tế của Thanh đức bao gồm ba lĩnh vực chính là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ, trong đó, sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm ưu thế. Tuy nhiên, chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên không thuận lợi như đất đai có độ phèn cao, môi trường bị ảnh hưởng bởi khói đốt lò nên sản xuất nông nghiệp ở Thanh đức thường cho sản lượng không cao như ở những nơi khác. Ít năm trước đây, trong khi tỷ trọng sản xuất nông nghiệp của Thanh đức chỉ chiếm 27,6% trong nền kinh tế địa phương thì sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã chiếm đến 55,4%. Vào năm 2004, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Thanh đức đã đạt xấp xỉ 79 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2003 và 355% so năm 2000. Sản xuất gạch ngói và gốm sứ xuất khẩu từ lâu đã là những nghề truyền thống nổi tiếng ở khu vực này. Đất tự nhiên của Thanh đức có đặc điểm là vừa có thể sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, vừa có thể khai thác làm nguyên liệu cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Trữ lượng đất của Thanh đức còn khá lớn, có thể cung cấp cho ngành nghề sản xuất gạch ngói và gốm sứ xuất khẩu trong nhiều chục năm nữa. Đó là một trong số những tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Thanh đức.


Xưa kia, sản xuất gạch ngói là nghề truyền thống của Thanh đức. Tuy nhiên, tuân theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, Thanh đức phải chuyển hướng sang sản xuất gốm sứ xuất khẩu. Trên địa bàn Thanh đức ngày nay có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân ăn nên làm ra nhờ nghề gốm sứ xuất khẩu, điển hình như các doanh nghiệp Nam hưng, Hiệp lợi, Nam Hiệp hưng, Hưng lộc, Hiệp phát v.v… Sản xuất phát triển đã giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm được đời sống không chỉ cho người dân ở địa phương, mà còn cho người dân lao động ở nhiều tỉnh lân cận. Sản phẩm gốm xuất khẩu hiện nay chủ yếu là các chậu cây cảnh và tượng mỹ nghệ sử dụng trang trí cho sân vườn. Thuộc thể loại gốm thô, có màu sắc độc đáo, giá thành rẻ nên sản phẩm gốm mỹ nghệ của Thanh Đức được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Hiện nay, gốm Thanh đức được xuất đi nhiều nơi trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Nhật bản, Hàn quốc v.v…

Từ trước đến nay, hầu hết sản phẩm gốm mỹ nghệ ở Thanh Đức đều được sản xuất theo đơn đặt hàng và mẫu mã từ nước ngoài gửi về. Ngành gốm của Thanh đức nói riêng cũng như của Vĩnh long nói chung chưa có sự chủ động trong việc tạo mẫu gốm, nói cách khác là gốm mỹ nghệ Vĩnh long chưa tìm được tiếng nói riêng mang bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương mình. Điều đó làm giảm năng lực cạnh tranh cũng như hạn chế khả năng phát triển của gốm mỹ nghệ Vĩnh long. Những năm vừa qua, Hội Mỹ thuật TP.HCM kết hợp với Hội Văn học – Nghệ thuật Vĩnh long đã có một số lần tổ chức trại sáng tác gốm tại Vĩnh long, trong đó, lò gốm Năm Nhiên ở Thanh đức là một trong hai lò gốm ở Vĩnh long đã tự nguyện tham gia vào các trại sáng tác này. Sau khoảng 10 ngày làm việc, hàng trăm tác phẩm của nhiều tác giả là các họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của TP.HCM được hoàn thành. Các tác phẩm của họ đã thổi một làn gió mới vào làng gốm Vĩnh long. Thực tiễn và kinh nghiệm ở nhiều làng gốm khác cho thấy, sản phẩm gốm Vĩnh long hoàn toàn có thể được sản xuất như những tác phẩm mỹ thuật riêng biệt và độc đáo, hoặc đưa vào sản xuất hàng loạt thành những sản phẩm mỹ nghệ thông dụng. Cả hai loại sản phẩm này đều có khả năng đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Thanh đức hiện có những điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển ngành gốm xuất khẩu. Bên cạnh hệ thống giao thông đường thủy đường bộ đều thuận tiện, trữ lượng tài nguyên, nhân công lao động tại chỗ rất dồi dào, nếu biết phát huy nội lực, tính toán tiết kiệm nguyên liệu, chắc chắn, ngành gốm mỹ nghệ của Thanh Đức sẽ còn có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc giữ vững ngành kinh tế chủ lực của địa phương, điều này còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn cũng như thu hút thêm lao động ở nhiều nơi khác, tạo điều kiện cho ngành thương mại – dịch vụ phát triển, đóng góp một phần rất lớn vào việc phát triển nền kinh tế – xã hội ở địa phương.

Từ năm 2002, tỉnh Vĩnh long đã có chủ trương quy hoạch tuyến công nghiệp Cổ chiên. Tuyến công nghiệp này chạy dọc theo sông Cổ chiên từ địa bàn Phường 5 – TXVL đến hết địa phận xã Chánh an thuộc huyện Mang thít, bao gồm một diện tích khoảng 250 hécta, trong đó có 25 hécta nằm trên địa bàn xã Thanh đức. Theo dự án quy hoạch này, 156 doanh nghiệp hiện đóng trên địa bàn Thanh đức, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xuất khẩu và một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác như chế biến lương thực – thực phẩm, kinh doanh xăng dầu, khí đốt v.v… sẽ được tiếp tục tạo điều kiện để phát triển sản xuất – kinh doanh và xây dựng thêm những công trình công nghiệp mới. Ngoài ra, dọc theo quốc lộ 57 và tỉnh lộ 31, nơi phát triển các cụm dân cư, thương mại – dịch vụ sẽ có điều kiện phát triển mạnh để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt – tiêu dùng của nhân dân ở địa phương. Từ đó, Thanh đức sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng, thiết lập bộ mặt khu công nghiệp hiện đại, tạo đà thúc đẩy cho việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Sau ba năm thực hiện, đến nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở Thanh Đức về cơ bản đã hoàn tất. Tại khu 4 là khu giải tỏa trọng điểm của Thanh đức, có 155 hộ gia đình và 64 cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời. Hơn 90% số hộ và cơ sở này đã nhận được tiền bồi hoàn của Nhà nước. Nhìn chung, chủ trương giải phóng mặt bằng xây dựng KCN của Nhà nước được chính quyền và nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Tất nhiên, việc rời bỏ nơi sinh sống, môi trường thiên nhiên quen thuộc và gắn bó suốt nhiều năm không khỏi làm cho nhiều người dân cảm thấy băn khoăn và tiếc nuối, song vì tương lai của một Thanh đức phát triển mạnh mẽ và hiện đại, họ đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý để ra đi xây dựng một cuộc sống mới.

Hiện nay, các cơ quan chức năng ở Vĩnh long đang nỗ lực để hoàn tất các quy trình trong việc quy hoạch – xây dựng KCN Cổ chiên và các khu dân cư mới. Thanh đức – ngôi làng bên sông Cổ chiên, có thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, giao thông thủy – bộ thuận tiện, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nhân dân có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó. Đó là những điều kiện rất thuận lợi để Thanh Đức sớm trở thành một làng công nghiệp, một làng đô thị hiện đại, văn minh và giàu đẹp trong một tương lai không xa, là cánh tay nối dài của thành phố Vĩnh long vươn đến những KCN hiện đại ở xa hơn mai này. Rồi đây, khi nhìn lại những tháng năm này, người dân Thanh đức sẽ có quyền tự hào bởi những đóng góp của họ vì sự phát triển, sự đổi mới của quê hương và vì một tương lai tươi sáng của những thế hệ mai sau.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *