Nếu có người phụ nữ nào đó đấm ngực tự bảo : “Tôi chẳng cần đàn ông”, thì tôi ngờ rằng họ nói dối đấy… Phụ nữ chỉ đặt trong quan hệ với đàn ông thì mới biểu lộ hết tính nữ của mình.
Phụ nữ hiện đại là người nắm trong tay số phận mình
Thiên chức của người phụ nữ hiện đại Việt hôm nay rất khó hòa đồng với vai trò xã hội.
Người phụ nữ nông dân ngày xưa là nội tướng trong gia đình, là “tay hòm chìa khóa”, luôn luôn đứng sau chồng : “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, chồng cày đi trước, vợ cấy đằng sau, chứ không có cái lối vợ nhon nhon đi trước. Rồi, “Chồng nóng thì vợ bớt lời/ cơm sôi bớt lửa không rơi hạt nào”.
Hình ảnh đẹp nhất của người phụ nữ hay lam hay làm là đảm nhiệm cùng lúc ba việc khó, mà vẫn tươi như hoa.
Lửa cháy, cơm sôi thì rút củi, dùng đũa cả khuấy cơm cho dịu xuống, không trào ra ngoài, tắt bếp. Chờ cơm cạn, chín trên than hồng. Lợn kêu thì cho ăn cám ngon. Con khóc thì cho bú no, con ngủ… Đó cũng là hình ảnh đẹp nhất, thỏa mãn nhất, chuẩn chọn vợ truyền thống của người đàn ông Việt.
Ở xã hội hiện đại, người phụ nữ Việt phải tham gia công việc xã hội, và trong một xã hội cấu trúc theo mô hình phương Tây, phụ nữ được tôn trọng, được có quyền con người theo kiểu phương Tây, chứ không như xưa, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “Thuyền theo lái, gái theo chồng”.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, do lịch sử để lại một thứ dân chủ làng xã rất hồn nhiên : người phụ nữ phụ trách phần kinh tế, là “nội tướng” trong gia đình, chồng là nóc nhà, giữ vai trò “ngoại tướng”. Sự kết hợp này cực kỳ hay, giữa vị thế người chồng như “nóc nhà”, người vợ quản lý toàn bộ trong nhà.
Ấy là chưa nói đến việc, khi có giặc ngoại xâm, họ cũng nhất định tham gia đánh giặc, và đánh giặc rất giỏi. Như Cụ Hồ phong tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… Nếu người chồng ý thức được điều đó, không đẩy tính cách gia trưởng lên mức cực đoan, thì người phụ nữ xưa có lẽ cũng rất dễ thăng hoa và hạnh phúc.
Gia trưởng đúng cách là biết "giá" của người phụ nữ
Trong quan niệm chung, người đàn ông Việt Nam thường bị đánh giá là gia trưởng. Vì thế khi đi chọn vợ, người đàn ông Việt thường chọn những người phục tùng (dễ bảo, dễ nghe), chứ không thích những người có tư duy độc lập, thông minh (có thể đối thoại ngang bằng, thậm chí phản biện). Gia trưởng, như thế, trong cả thời gian dài, thành áp lực xã hội, và đã thành căn tính đàn ông Việt.
Chủ gia đình hôm nay, có thể không phải do vị trí quy định, mà do truyền thống từ xưa để lại. Vì thế, đã là đàn ông Việt, thông thường đồng nghĩa với tính cách gia trưởng. Nhưng nếu người phụ nữ Việt Nam hôm nay đúng là hiện đại thật, thì có thể tìm thấy trong tính cách gia trưởng của đàn ông Việt Nam có ít nhiều thi vị, dù có thể không dễ chịu.
Tính gia trưởng nếu được phát huy một cách lý tính, có triết học hẳn hoi, biết lọc bỏ những hạn chế lịch sử, biết chấp nhận (một cách khéo léo) sự độc lập của người phụ nữ hiện đại, biết rõ “giá” của phụ nữ thông minh, thì có thể thành vẻ đẹp nam tính, cao thượng chỉ có ở người đàn ông Việt hiện đại.
Đàn ông dẫu gì vẫn là đàn ông, đàn bà vẫn là đàn bà.
Tuy nhiên, cả đàn ông và đàn bà có lẽ đều cần nơi nương tựa lẫn nhau về tinh thần. Khác nhau, chẳng qua là do quan niệm hoặc cách thức. Chỗ nương tựa ấy có thể ngang hàng, hoặc không ngang hàng, tùy theo thời điểm lịch sử, nhưng dẫu sao, đàn ông, theo dòng chảy của truyền thống, vẫn là chỗ dựa chắc chắn về tinh thần của phụ nữ Việt hiện đại.
Nếu có người phụ nữ nào đó đấm ngực tự bảo : “Tôi chẳng cần đàn ông”, thì tôi ngờ rằng họ nói dối đấy. Nhất là trong hoàn cảnh hiện đại riêng biệt của Việt Nam hôm nay.
Ai đã là phụ nữ hiện đại, dù chiếm vị trí nào trong xã hội, đều muốn có một tấm chồng tử tế. Không có duyên ấy thì đành chịu. Phải chịu, nhưng vẫn không hết hy vọng trong cuộc đời sẽ gặp người tử tế. Dù sao, tìm kiếm người chồng tử tế vẫn là ước vọng của người phụ nữ Việt Nam hiện đại đúng nghĩa.
Tôi nhớ mấy câu thơ rất hay của Xuân Quỳnh : Tôi không có một gian phòng/ Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ… / Núi cao biển rộng sông dài/ Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu… Đến khi tìm được người đàn ông của cuộc đời mình rồi, Xuân Quỳnh vẫn cứ ngơ ngơ, tưởng như “giấc mơ giữa ban ngày”…
Ai có thể mơ và cảm được như Xuân Quỳnh cái quá đỗi đơn sơ này của hạnh phúc : …Như lúc này anh ở bên em/ Niềm vui sướng trong em là có thật/ Như chiếc áo trên tường / Như trang sách/ Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà… chứ không phải người phụ nữ Việt Nam hiện đại đúng nghĩa là lấy được chồng Tây, thì mới hạnh phúc…
Ở bầu thì tròn
Trở thành người phụ nữ hiện đại, trong đó có thú vị khủng khiếp của việc tự nắm lấy số phận mình, nhưng cũng có sự không thú vị là phải nhận một vài bi kịch không tránh khỏi. Nhưng vấn đề là nhận theo cách nào? Và, mình có tìm được cách giải quyết?
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, tôi nghĩ, từ lâu, trí tuệ dân gian đã tìm ra cách giải quyết, bằng một triết lý sống : quân bình âm dương, linh hoạt theo hoàn cảnh, không khi nào để xảy ra thái quá, bởi “cứng quá thì dễ gẫy”, “giận quá thì mất khôn”.
Cho nên, cần phải đi tìm một sự cân bằng, giữa mình với hoàn cảnh “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” để mà sống ở đời. Đó tuyệt nhiên không phải là một thái độ sống cơ hội, mà là sự thuận theo những biến chuyến của xã hội để tìm đến sự hài hòa.
Có được sự hài hòa này, lại tùy theo biến chuyển đi lên của xã hội mà thay bằng cái hài hòa cao hơn. Đó là sự quân bình âm dương trong trạng thái chuyển động. Các cụ không bao giờ để thái quá, mà để đến mức nào đó rồi chuyển.
Người phụ nữ Việt Nam hiện đại đang chèo chống sự mất cân bằng. Người thành công là người tìm được bình yên trong khoảnh khắc và biết rằng khoảnh khắc này rồi sẽ bị phá vỡ, để thế chỗ bằng một thời điểm khác, với một một cách bình yên khác.
Vấn đề là phải tìm được ý nghĩa triết học của triết lý “quân bình âm dương” trong cuộc sống đương đại của chính mình, với tư cách là phụ nữ Việt hiện đại.
Làm phụ nữ hiện đại thì phải biết vượt qua những bi kịch một cách có ý thức. Nghĩa là phải dùng đầu óc để nghĩ suy, và lý giải được những vấn đề, những vấn nạn đời sống, đừng giống Mỵ Châu xưa “trái tim nhầm chỗ để trên đầu”…
Bi kịch hoặc do biến chuyển của xã hội, do sự thay đổi trong tính cách của người phụ nữ hay do sự thay đổi về thiên chức của người phụ nữ…?
Do cả ba lý do. Xã hội biến chuyển, tính cách của người phụ nữ cũng biến chuyển theo. Ví dụ như, xã hội “tiền trao cháo múc” thì làm sao đi xin được của ai. Xã hội biến chuyển thì người phụ nữ phải thích ứng. Nhưng sự biến chuyển của xã hội không phải như việc nhấc cái ghế từ chỗ này sang chỗ kia. Nó từ từ và rất âm ỉ, và nó bị sức ép rất nặng.
Đã có những cá biệt về sự biến đổi chức năng của người phụ nữ và đàn ông trong gia đình. Người phụ nữ đi ra xã hội, ứng xử như một thực thể có ý thức, có tài năng thực sự thì đâu kém người đàn ông chút nào.
Ở Việt Nam, tốt nhất là không nên tranh hơn với đàn ông. Ngay cả hơn người đàn ông của mình đi chăng nữa, thì cũng nên tế nhị, làm như chẳng có gì hơn. Và cái hơn ấy phải bọc nó trong một cái vỏ êm ái, để cho người kia không thấy bị mặc cảm, hoặc bị lấn át, cảm thấy bị rơi vào vị trí kinh hoàng – vị trí thứ hai. Đã là người phụ nữ khôn ngoan thì đừng có nống mình lên. “Cứng quá thì dễ gẫy”, “Lạt mềm thì buộc chặt”.
Phụ nữ chỉ đặt trong quan hệ với đàn ông thì mới biểu lộ hết tính nữ của mình. Người đàn ông Việt Nam hiện đại vẫn có sẵn vị trí “nóc nhà”, là chủ gia đình, có sẵn dòng máu gia trưởng chảy trong huyết thống. Nhưng bây giờ, nếu người đàn ông vẫn quá ý thức theo cách truyền thống về tính gia trưởng, sẽ bị phụ nữ Việt Nam hiện đại xa lánh.
Hình ảnh lý tưởng nhất mà người phụ nữ Việt Nam hiện đại có thể chấp nhận có lẽ là người đàn ông Việt gia trưởng ở một mức” vừa phải” nào đó, có thể phù hợp với mẫu hình phụ nữ Việt hiện đại, và xử sự với họ một cách có lý trí sáng suốt, nhưng êm ái, dịu nhẹ, với một nghệ thuật ứng xử “cứ như không”. Và nghệ thuật ứng xử này sẽ đi theo mình suốt cả một cuộc đời dài.
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái
Theo Vietnamweek