Anh Nguyễn Văn Nhung, 49 tuổi, hiện cư ngụ ở ấp Ninh thới, xã Thới an hội, huyện Kế sách, tỉnh Sóc trăng. Vì không có ruộng đất, không nghề nghiệp, nguồn sống duy nhất của gia đình anh là thu nhập từ một quán ăn bình dân cất ven đường, nên suốt nhiều năm qua, gia đình anh vẫn thuộc diện nghèo ở địa phương. Vì vậy, thật bất ngờ nếu bạn biết rằng, tên anh đã được ghi vào sách “Những kỷ lục Việt nam năm 2005”, tức cuốn Guiness Việt nam, trong mục “Đề xuất kỷ lục Việt nam”, do NXB Thông tấn ấn hành và xuất bản.

Anh Nguyễn Văn Nhung trong Thư viện Bác Hồ tại nhà riêng

Những người được ghi tên vào cuốn sách này thông thường là do họ có những năng lực đặc biệt, hoặc về thể lực, hoặc về trí tuệ, nhờ đó lập nên những thành tích xuất sắc khiến người ta phải kinh ngạc và khâm phục. Riêng Nguyễn Văn Nhung, kỳ tích mà anh đạt được không phải nhờ năng lực của thể lực hay trí tuệ, mà được xuất phát từ trái tim. Đó chính là danh hiệu “Người sưu tầm ảnh Bác Hồ nhiều nhất Việt nam”.

Gần 40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của anh Nhung chưa bao giờ mờ phai kỷ niệm lần đầu tiên được biết về Người. Năm 1969, anh mới 11 tuổi, còn là một đứa trẻ đang sống cùng gia đình trong vùng kềm của địch. Một lần kia, anh về thăm quê ở vùng giải phóng. Đêm đó, anh thấy bà ngoại cầm trong tay tấm ảnh của một người thanh niên có vầng trán cao và đôi mắt sáng mà khóc. Anh hỏi, thì bà nói : “Bác mất rồi. Người là ông Phật sống của nước Nam ta”. Lúc ấy, anh chưa hiểu được những lời này, nhưng chúng đã in sâu trong tâm trí anh. Phải đợi cho đến ngày miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, được nghe các anh bộ đội, rồi các vị cán bộ cách mạng lão thành kể chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, anh Nhung mới dần hiểu ý nghĩa những giọt nước mắt bà ngoại khóc Bác năm xưa. Từ chỗ ngạc nhiên, dẫn đến tâm trạng băn khoăn, trăn trở trước những tình cảm lớn lao mà các tầng lớp nhân dân dành cho Bác, anh Nhung dần cảm thấy bị hấp dẫn bởi ý tưởng muốn được hiểu nhiều hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Người. Năm 1978, anh bắt đầu công việc sưu tầm hình ảnh và tư liệu về Bác. Cho đến nay, 29 năm đã trôi qua nhưng công việc sưu tầm của anh Nhung vẫn chưa ngừng lại.

Ấp Ninh thới – thuộc xã Thới an hội, huyện Kế sách, tỉnh Sóc trăng – là một vùng quê nghèo. Người dân chỉ lo cái ăn cũng đã rất vất vả nên chẳng ai có tâm trí nghĩ đến chuyện mua sách báo, tranh ảnh để đọc, để xem. Muốn sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác, cách thích hợp nhất – anh Nhung nghĩ – là đi xin báo cũ, ảnh cũ. Những nơi có báo, ảnh thường là trụ sở làm việc của chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước, các trường học, bưu điện v.v… Hàng ngày, sau khi tan buổi chợ chiều, cũng là lúc kết thúc công việc mưu sinh thường nhật ở quán ăn, anh Nhung tìm đến các địa chỉ như đã nói ở trên để xin báo. Lúc đầu, anh đi xin ở các cơ quan cấp xã là địa bàn anh quen thuộc nhất. Sau đó, anh đạp xe lên huyện, rồi ngồi đò, mày mò tìm đường lên đến các cơ quan cấp tỉnh. Thoạt tiên, không hiểu việc anh làm, người ta không cho anh, thậm chí còn hiểu lầm thiện ý của anh. Một thời gian dài, anh Nhung đã phải rất kiên trì để làm công việc giải thích ý tưởng của mình. Sau này, khi người ta đã hiểu rõ mục đích công việc của anh thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, có một số bạn bè, hoặc đơn giản chỉ là người quen biết, thông cảm với tấm lòng và ý thức được công việc của anh, từ hàng chục năm nay, mỗi khi đọc báo, thấy có in ảnh hoặc đăng tư liệu về Bác là họ tự động cất giữ để chờ dịp tặng cho anh. Thỉnh thoảng, dành dụm được chút đỉnh tiền, anh Nhung lại ngồi đò lên thị xã Sóc trăng, tìm vào những nơi mua bán sách báo cũ để mua báo cân ký về tra cứu, sưu tầm. Rất nhiều khi, tốn tiền mua báo, mất công tra cứu mà tư liệu sưu tầm được lại không đáng kể.

Xin hoặc mua được báo đem về nhà, đêm đêm, anh Nhung tranh thủ thời gian ngồi soạn báo, tìm đọc, nghiên cứu tư liệu rồi cắt ra, phân loại và sắp xếp chúng theo những chủ đề nhất định, thí dụ như : Bác Hồ với nông dân, Bác Hồ với bộ đội, Bác Hồ với miền Nam, Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với bạn bè quốc tế v.v…, hoặc theo thời gian như : Bác Hồ thuở thiếu thời, Bác Hồ thời thanh niên, Bác Hồ trong thời kỳ hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến v.v… Đó là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và công phu. Khi vốn tư liệu về Bác đã tương đối phong phú, anh Nhung dành hẳn căn phòng khách là nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà để trưng bày những tư liệu này. Nếu tình cờ ghé vào nhà anh, rất có thể bạn sẽ cảm thấy bị bất ngờ bởi một căn phòng mà bốn bức tường của nó đều được treo hoặc dán kín những tấm chân dung Bác Hồ, ảnh và tư liệu viết về Người.

Sau 29 năm ròng rã kiên trì theo đuổi công việc sưu tầm, đến nay, Thư viện Bác Hồ của anh Nguyễn Văn Nhung đã có gần 1.000 tấm ảnh và 5.000 bài báo phản ánh cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác, trong đó có nhiều bài báo và những tấm ảnh quý. Thí dụ như bài báo viết về đề tài những năm thời chiến tranh, thi hài của Bác đã được bảo quản như thế nào, những tấm ảnh chụp Bác chơi bida, chèo thuyền trên sông Ôn tuyền ở Quảng châu – Trung quốc, Bác Hồ tập bơi v.v… Mới đây nhất, anh Nhung tìm được một tấm ảnh mà người cung cấp cho anh cho rằng đó chính là tấm ảnh chụp Bác Hồ trong thời kỳ Bác hoạt động bí mật ở Thái lan với bí danh là Thầu Chín. Bức ảnh chụp Bác đóng giả nhà sư đi khất thực để che mắt bọn mật thám. Bức ảnh này hiện đã được anh Nhung gửi đi Hà nội để nhờ các chuyên gia thẩm định. Nếu nó được xác nhận đúng là chân dung Bác Hồ thì Thư viện của anh sẽ có thêm một tư liệu quý.

Trong Thư viện này, người ta còn dễ dàng nhận ra một số tấm chân dung quen thuộc của Bác Hồ được vẽ bằng bút chì màu hoặc chì sáp. Anh Nhung kể rằng, nhiều năm trước đây, khi mới bắt đầu sưu tầm hình Bác, nhiều lần đến nhà bạn bè, người quen, anh Nhung bắt gặp một số ảnh Bác mà anh không có, nhưng xin không được, anh đành hỏi mượn đem về rồi mua giấy và bút chì màu, nhờ một người bạn của anh là anh Lê Hùng, vốn là giáo viên dạy mỹ thuật ở trường trung học, vẽ lại. Khoảng 20 bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ được trưng bày trong Thư viện Bác Hồ của anh Nhung bây giờ chính là những kỷ vật ghi dấu cái thuở ban đầu khó khăn ấy. Số tài liệu trong Thư viện của anh Nhung lẽ ra cũng sẽ còn nhiều hơn nếu như vào năm 2000, cơn bão số 5 không đổ bộ vào miền Nam. Cơn bão này đã làm hư hỏng, hao hụt mất một phần bộ sưu tập của anh Nhung.

Chúng tôi đã đến thăm căn nhà cũ của anh Nhung, nơi đã lưu giữ Thư viện Bác Hồ trong suốt 26 năm. Đó là một căn nhà nhỏ tạm bợ, mái lá đơn sơ, cất chênh vênh bên bờ một dòng sông nhỏ ở Ninh thới là sông Cầu lộ. Tài sản lớn nhất trong căn nhà này chỉ là mấy chiếc giường gỗ tạp. 26 năm qua, một trong số những ao ước của anh Nhung là có được chiếc tủ gỗ để bảo quản tư liệu cho chắc chắn, nhưng cho đến nay, điều mong ước ấy vẫn chưa thành hiện thực. Suốt 26 năm, toàn bộ số tư liệu sưu tầm được, anh Nhung chỉ có một cách bảo quản duy nhất là trùm nilon phòng mưa gió. Thời gian, nắng mưa, gián, chuột cắn phá đã làm hư hao không ít kho tư liệu này. Đến tháng 10 năm 2005, nhờ một số cơ quan, ban – ngành ở TPHCM và tỉnh Đồng tháp ủng hộ cho anh 75 triệu đồng, anh Nhung mới cất được ngôi nhà tường và dời Thư viện Bác Hồ về đó. Ngôi nhà mới này thật ra cũng không lớn hơn ngôi nhà cũ là mấy, được cái là chắc chắn hơn và đẹp hơn.

Thư viện Bác Hồ ở Ninh thới hàng ngày có các em học sinh đến tham quan, học tập. Nơi đây cũng trở thành điểm hội tụ của các vị cán bộ cách mạng lão thành, các cán bộ hưu trí, hoặc của bất kỳ người dân nào yêu thích việc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi. Được sự giới thiệu từ nhiều nguồn, khách xa gần có công việc đến nơi đây cũng thường tranh thủ thời gian đến tham quan Thư viện Bác Hồ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ngôi nhà của anh Nhung đã trở nên khá nổi tiếng đối với bạn đọc ở nhiều nơi trong nước. Không chỉ có khách đến Sóc trăng trực tiếp ghé thăm nhà anh, mà còn có nhiều bạn đọc trong cả nước viết thư cho anh, trước là để bày tỏ những suy nghĩ, tình cảm khâm phục đối với công việc mà anh đang làm, chia sẻ với anh tình yêu thương, lòng ngưỡng mộ mà họ đã dành cho con người vĩ đại, người con yêu quý của dân tộc là Bác Hồ. Sau nữa, họ còn cung cấp thêm thông tin cho anh biết ở báo nào, nguồn tư liệu nào có thể giúp anh tìm thấy những tư liệu quý về Bác. Quả thật, xuất phát từ ý tưởng làm công việc sưu tầm tư liệu một cách đơn thuần, anh Nhung cũng không ngờ rằng rồi có ngày, công việc của anh đã chứa đựng những ý nghĩa vượt qua mức thông thường – công việc kết nối trái tim những người đương thời.

Tình yêu đối với lãnh tụ là một trong những biểu hiện của tình yêu đối với đất nước, với dân tộc. Chính vì vậy mà bản thân nó luôn chứa đựng một sức mạnh lan tỏa. Bác Hai, một người cán bộ về hưu ở Ninh thới, là người cùng xóm với anh Nhung. Biết anh Nhung sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, mỗi khi đọc báo, thấy có tư liệu hay về Bác, bác Hai lại cắt ra để dành cho anh Nhung. Hay như em Nguyễn Chí Hùng, một em bé khiếm thính bẩm sinh. Ở gần nhà anh Nhung, em Hùng hay sang chơi nhà anh. Thấy anh say mê công việc sưu tầm, trưng bày tư liệu về Bác, do có năng khiếu hội họa, em Hùng nảy sinh ý tưởng vẽ tranh Bác Hồ. Trong nhà em hiện có treo hàng chục tấm tranh Bác Hồ. Toàn bộ số tranh này, em Hùng đã vẽ theo những bức ảnh mà anh Nhung cho mượn. Đó là những bức tranh được thể hiện bằng nét vẽ còn khá đơn sơ, mộc mạc của một em bé khuyết tật chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào, nhưng chúng lại có khả năng làm gợi lên sự xúc động sâu sắc bởi chứa đựng trong đây là biết bao tình cảm chân thành, trìu mến, là sự biểu hiện của một tình yêu thật sự thuần khiết và trong sáng của con người.

Thư viện Bác Hồ ở Thới an hội, dù không quy mô, hiện đại, phong phú như ở các cơ quan, ban – ngành chức năng của Nhà nước, song, nó vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống tinh thần của người dân vùng sâu. Đó là việc cung cấp những thông tin, những tư liệu cần thiết về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, vị lãnh tụ cách mạng của toàn dân tộc cho những đối tượng như học sinh, các cán bộ nhà nước, hoặc những người dân có nhu cầu tìm hiểu thông tin về Bác. Thông qua đó, nó góp phần giáo dục tình yêu đất nước, tình yêu quê hương cho những thế hệ trẻ. Nó làm gắn kết đời sống tinh thần của những người dân sống ở vùng nông thôn sâu là nơi vốn còn có nhiều hạn chế trong việc cung cấp điều kiện cho người dân được thưởng thức những giá trị về văn hóa, tinh thần.

Tuy nhiên, ngoài Thư viện này còn có một thư viện khác cũng quý giá không kém, đó chính là kiến thức, sự hiểu biết sinh động và phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ của chính bản thân anh Nhung. Sau gần 30 năm sưu tầm, nghiên cứu tư liệu về Bác Hồ, anh Nhung gần như đã thuộc nằm lòng cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, am hiểu cuộc sống của Người. Mỗi khi có khách đến tham quan, anh Nhung trở thành hướng dẫn viên trong chính Thư viện của mình. Khi cao hứng, anh còn có thể đọc cho khách nghe những bài thơ rất hay viết về Bác như thơ của nhà thơ Tố Hữu… Có một kỷ niệm mà anh Nhung còn nhớ mãi. Nhiều năm trước đây, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Sóc trăng mở một cuộc triển lãm ảnh Bác Hồ tại địa phương. Biết anh Nhung là người sưu tầm tư liệu về Bác và bộ ảnh này là niềm mơ ước của anh, các cán bộ văn hóa tỉnh đã ra điều kiện, nếu chỉ nhìn ảnh mà nói được nội dung ảnh thì họ sẽ tặng cho anh bộ ảnh này. Lần ấy, anh Nhung đã giành được thắng lợi một cách tuyệt đối. Trong cuộc mưu sinh với gánh nặng là năm đứa con thơ, đã từng có những lần, anh Nhung lâm vào cảnh cùng quẫn. Khi ấy, từng có người hỏi mua số tư liệu quý mà anh có được, nhưng, rất bình dân, anh Nhung đã trả lời rằng : “Chẳng thà tôi cạp đất ăn …” Quả thật, vẫn biết lòng người dân Việt nam dành cho Bác Hồ như biển rộng sông dài, nhưng đến Thới an hội để thêm một lần hiểu rằng tình yêu ấy được biểu hiện dưới những hình thức sinh động và kỳ lạ như thế nào. Với anh Nhung, một người dân lao động nghèo ở nơi xa xôi này, trong lúc miếng cơm manh áo dường như vẫn luôn là gánh nặng muôn thuở thì ước mơ lớn nhất đời mình đến bây giờ cũng vẫn là một khát vọng hướng về Người. Anh Nhung mơ rằng, có một ngày, anh được ra Hà nội và vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để viếng thăm Người.

Gần 30 năm bền bỉ theo đuổi mục đích là một việc lớn trong đời người. Trong suốt gần 30 năm ấy, bất chấp những nỗi lo cơm áo gạo tiền triền miên của phận nghèo, bất chấp những tác động từ một xã hội phức tạp ở bên ngoài, trong đó có không ít những lời dèm pha, anh Nhung đã không hề nản lòng, cứ một đường mà đi. Thư viện Bác Hồ hiện hữu nơi làng quê Ninh thới, tồn tại một cách sống động, tha thiết và nhiệt thành trong kiến thức và tâm hồn anh là một minh chứng cho một tình yêu lớn đối với quê hương, với đất nước của anh Nhung nói riêng và của người dân miền Nam nói chung. Đến thăm Thư viện Bác Hồ của anh Nhung, xem thư viện Bác, nghe anh Nhung nói chuyện, người ta có thể có nhiều cảm nhận ở nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau. Với chúng tôi, may mắn được tiếp xúc với anh Nhung không chỉ một lần, được nghe không chỉ một người kể về anh, cảm nhận lớn nhất mà chúng tôi mang theo khi chia tay với Ninh thới, đó là bất kể ở nơi đâu, bất kể là ai, chỉ cần một tình yêu thật sự chân thành và trong sáng thì người ta luôn luôn có thể làm nên những kỳ tích trong cuộc đời, những kỳ tích của trái tim, như anh Nhung.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *