Bây giờ thì hai đứa bé đã mồ yên mả đẹp rồi, nhưng chẳng lẽ không ai có lỗi. Phải gọi là tội ác mới đúng, trước cái chết của chúng. Nghĩ thế mà cứ day dứt mãi. Chúng ta giáo dục lệch quá, có vẻ như cái gì cũng biết nhưng rồi lại… chả biết cái gì. Có được ông Ngô Bảo Châu, thế là xúm vào ca, trong khi có những người mẹ trẻ hai lăm tuổi hồn nhiên nấu cháo trứng cóc cho con ăn, trong khi rất nhiều cử nhân học mười mấy năm ngoại ngữ từ phổ thông đến đại học nhưng ra đường gặp người nước ngoài là chạy mất dép vì sợ… nói…

Tôi đã bàng hoàng tự hỏi tại sao lại có người mẹ kém hiểu biết (tôi tránh dùng chữ ngu dốt) đến như thế. Tôi biết người mẹ này (ở Đồng Tháp) đang chịu nỗi đau rất lớn nên nói nặng lời thế có thể làm chị thêm đau đớn. Thế nhưng còn hai đứa bé vô tội kia thì sao. Nhà chị chắc cũng nghèo, chồng đi ruộng bắt được một con cóc, chị làm thịt nấu cháo cho cả nhà ăn. Chắc chắn là hoàn toàn không hiểu gì nên chị đã cho cả bộ trứng cóc vào nồi cháo. Hai cháu bé, thằng anh 4 tuổi và con em 15 tháng tuổi chết ngay tại chỗ. Mẹ chúng, người đàn bà mới 25 tuổi kia, may mắn thoát chết vì mới ăn ít…

Từ bé tí, tôi đã được mẹ cho ăn rất nhiều thịt cóc, và tôi (cũng như rất nhiều người khác nữa) đã biết là mật cóc rất độc, ăn vào là chết ngay. Mỗi lần mẹ cho anh em chúng tôi ăn, bà đều ném cho chó xơi trước một miếng. Thế mà có lần, tôi doạ mẹ, giả vờ lăn đùng ra. Bà hốt hoảng kêu la ầm ĩ thì tôi mới cười và ăn mấy cái phát vào mông. Thế mà người mẹ trẻ và rất thương con này, cho đến tháng 9 của năm 2010 thế kỷ XXI vẫn không được ai nói cho biết rằng là ăn thịt cóc thì phải chừa mật, gan cóc ra. Tức là chị đã không được giáo dục chu đáo để làm một con người bình thường tự biết bảo vệ mình.

Thấy ông tân Bộ trưởng Giáo dục tuyên bố từ nay sẽ chú trọng dạy kỹ năng sống cho học sinh mà mừng. Sáng nay ngồi uống cà-phê với Phó Giám đốc Sở Giáo dục cũng bàn đến chuyện này, bảo các chú cứ toàn dạy trên trời dưới bể mà chả dạy những điều bình thường nhất cho bọn trẻ con. Rồi từ trẻ con, chúng thành người lớn, cứ mang cái bản năng hoang dã ấy vào đời. Nhà tôi ở trước một trường mẫu giáo và đã rất nhiều lần chứng kiến hoạt cảnh sau : Con ngồi sau xe tranh thủ uống sữa, đến cổng trường vừa hết thì đưa vỏ hộp cho mẹ. Mẹ cầm và… liệng thẳng xuống đất. Nhà tôi thi thoảng lại có một cái vỏ hộp "tự nhiên" xuất hiện. Hay ngoài công viên, rất nhiều gia đình đưa nhau ra đấy và mang theo đồ ăn. Họ thản nhiên vất đầy ra xung quanh, coi xung quanh là bãi rác nhà họ… Người lớn mà như thế thì làm sao dạy được trẻ con. Và cứ cha truyền con nối như thế, cái tật xấu kia bao giờ mới bỏ được. Bản thân những người lớn ấy cũng chịu một sự giáo dục què quặt nên giờ thành bố mẹ ông bà ở giữa thành phố, họ vẫn hành xử như ở dưới quê. Mà ở quê bây giờ cũng phải nghiêm ngắn chứ đất đâu mà bạ đâu vất đấy được nữa. Các vị làm giáo dục thường xuyên được ra nước ngoài "trao đổi học tập" mà sao không học lấy một phần nhỏ thôi cũng được. Ấy là trẻ con từ nhỏ đã được dạy rất kỹ kỹ năng sống cụ thể, chứ không lý thuyết cao siêu, tư tưởng này lý tưởng nọ, chủ nghĩa kia lý thuyết kìa… để rồi gặp những sự việc cụ thể, bình thường thì lúng túng như gà mắc tóc.

Thôi thì đành chia buồn với hai cháu bé. Dù có gì đi nữa, các cháu cũng chả sống lại được nữa. Chả bao giờ các cháu biết khai trường là gì nữa, dù khai trường kiểu Việt Nam là dành cho… người lớn, học cả tháng rồi mới khai giảng, để nghe đọc các bài diễn văn rất dài, để vỗ tay rất nhiều, khen nhau rất nhiều, còn các cháu thì đội mưa đội nắng và xong buổi hỏi có bác nào đến nói chuyện và nói gì thì đều ngơ ngác lắc đầu…

Văn Công Hùng – Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *