Năm 1997, Kazik đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trên bản vẽ trùng tu Thế Miếu, Tả Vu tại Đại Nội Huế. Ngày đưa tiễn ông trở về với quê hương, là ngày hàng trăm bạn bè ông từ nhà văn, hoạ sĩ, kiến trúc sư đến những con người bình thường đã từng gặp, sống và làm việc với ông rơi nước mắt

Một nghi lễ đưa tang rất Việt Nam được sở Văn hoá thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức cùng với sự có mặt của một đội kèn ta. Tất cả mọi người đều đã xem ông là người Việt Nam.

Ký ức bạn bè

Kazik trong một lần đi khảo sát Hội An. Ảnh: tư liệu

Năm 1999, tại Việt Nam, cuốn sách Kazik, ký ức bạn bè được xuất bản. Từ GS-KTS Hoàng Đạo Kính, nhà Quảng Nam học, cố giáo sư Nguyễn Văn Xuân đến hoạ sĩ Lưu Công Nhân hay cô nhân viên ở khách sạn Phương Đông, Đà Nẵng đều dành cho Kazik một vị trí ở trong tim mình. “Mọi kỷ niệm về Kazik sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức những người đã từng được gặp và trò chuyện với ông. Suốt cả thời gian hai năm, sau khi ông ra đi, anh em, bạn bè chúng tôi lúc nào cũng thấy cái bóng dáng to lớn, kềnh càng của Kazik, nhớ cảnh Kazik nằm gác chân ngắm trăng bảo là đang nhớ nhà.

Hai năm sau, kể từ khi Kazik ra đi; Huế, Mỹ Sơn, Hội An, lần lượt được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đây có lẽ chính là lời tri ân cao quý nhất mà Kazik nhận được. Cả một cuộc đời ông đã dành trọn cho những di tích này. Sống gian khổ để trùng tu Mỹ Sơn, phát hiện và làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO để giới thiệu Hội An, chết khi đang tham gia trùng tu ở Huế. Một sự xâu chuỗi cuộc đời không phải là ngẫu nhiên của kiến trúc sư Kazik.

Tháng 5.2005, chính quyền Hội An quyết định cho xây dựng một công viên mang tên Kazik. Và công viên Kazik, toạ lạc trên đường Trần Phú, thành phố Hội An với bức tượng bán thân làm bằng sa thạch.

Các chuyên gia trùng tu càng cảm nhận rõ ràng là đã đến lúc cần phải công nhận những nhận định cũng như phương pháp về trùng tu bảo tồn của cố kiến trúc sư Kazik là đúng. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà hàng loạt các công trình, di tích đang bị đập phá vô tội vạ để được “lên đời”. Đến lúc này, người ta mới nhìn lại tại sao một con người không phải là người Việt Nam lại biết yêu quý những di tích và cống hiến cả cuộc đời mình để gìn giữ. Ông Lê Văn Giảng, chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: “Trong tương lai, nếu được sẽ có một con đường mang tên Kazik ở Hội An. Chúng tôi – người dân Hội An đều biết rằng Kazik luôn sống trong lòng Hội An”.

Cuộc sống đổi thay

Công viên Kazik ở Hội An. Ảnh: Thanh Minh

Lễ hội Quảng Nam hành trình di sản lần thứ 4 (tháng 6.2009), ngoài các chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, có một sự kiện đặc biệt được sự quan tâm của nhiều người, đó là lễ khởi công xây dựng tượng Kazik tại Mỹ Sơn.

Ông Lê Trung Hoa, phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “Ý tưởng đặt tượng Kazik tại Mỹ Sơn đã được chính quyền ở đây nghĩ đến từ lâu. Nhưng chúng tôi phải chờ cho đến khi có quyết định chính thức về việc quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn mới có thể thực hiện được điều này. Nguyễn Thu, một người dân ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên nhớ lại: “Lúc tôi còn là đứa trẻ mười tuổi, ông Kazik thường ghé nhà tôi để chơi với bọn trẻ con trong làng. Khi nào có bánh kẹo, ông đều chia cho chúng tôi. Ông rất thương trẻ con. Ông ở với người dân Duy Phú hơn mười năm, khi tôi trưởng thành được nhận vào làm bảo vệ trong Mỹ Sơn là lúc tôi không bao giờ gặp ông nữa. Mấy năm sau mới nghe tin ông đã mất tại Huế, về nói với cha mẹ, mẹ tôi đã khóc”.

Tấm lòng của ông Kazik và những gì ông đem lại cho Mỹ Sơn cũng chính là đem lại sự đổi thay cho cuộc sống người dân nơi đây. Khi nghe tin sẽ đặt tượng ông ở đây, ai cũng vui mừng. Đường đến Mỹ Sơn nay đã được trải nhựa phẳng lì, con suối Khe Thẻ ngày xưa Kazik bắc dây lội qua nay đã được thay bằng một chiếc cầu to, đẹp. Khu di tích Mỹ Sơn giờ đây cũng tấp nập du khách khắp nơi trên thế giới. Chính những điều Kazik đã làm cũng đã tạo nên cho điêu khắc gia Phạm Hồng – người sẽ tham gia tạc tượng Kazik ở Mỹ Sơn những ý tưởng mới: “Tôi cũng là người tạc tượng Kazik ở Hội An, chính vì vậy với Kazik ở Mỹ Sơn tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Không gian ở Mỹ Sơn khác Hội An, Kazik ở Mỹ Sơn khác xa ở Hội An. Làm sao để thể hiện được một Kazik to lớn, phơi trần giữa nắng để ghép từng viên gạch, trám từng vết nứt và yêu thương từng con người nơi đây là điều tôi cần cho bức tuợng của mình”. Ông Trịnh Sơn Hải, trưởng phòng văn hoá thông tin huyện Duy Xuyên, người trực tiếp chỉ đạo công trình tượng Kazik ở Mỹ Sơn chia sẻ. Phù điêu những ngôi tháp cổ sẽ làm nền cho bức tượng Kazik ở Mỹ Sơn và khắc câu Kazik từng nói: “Người Chămpa cổ đã gởi tâm linh vào đất đá và dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn thâm nghiêm, tráng lệ. Đây là một bảo tàng điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật vô giá của nhân loại mà còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.

Mọi người, ai cũng hiểu, tất cả những ngôi tháp Chăm, những di tích ông từng đi qua đều hiểu và cảm nhận được tấm lòng cùng tình yêu thương kiến trúc sư Kazik đã gởi vào đó.        

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *