"Hãy cứ sắm vai chính trong bi-hài kịch ấy đi, cho đến khi những âm thanh và cuồng nộ lùi xa dần, tấm màn từ từ hạ xuống, và người diễn viên mệt mỏi gỡ bộ mặt nạ của mình cúi chào lần cuối".
Tôi đã viết như vậy về Nguyễn Khải trong bài Tôi đọc hắn, ngay khi Thượng đế thì cười ra mắt trên Tạp chí Nhà văn – vừa may trước khi truyện bị đưa vào tình trạng bị coi như không tồn tại(?) một thời gian khá dài.
Giờ đây thì Nguyễn Khải đã đi xa hẳn những âm thanh và cuồng nộ của cuộc đời. Tôi bao giờ cũng là người biết sau cùng những gì cần biết: tình cờ liếc trang đầu của một tờ báo, thấy bộ mặt quen thuộc, mới hay tin ông đã ra đi mà không kịp cúi chào lần cuối, hãy còn tác phẩm viết dở dang.
Tôi nhớ lần cuối cùng gặp ông, năm 1994 của thế kỉ trước, vậy là đã 14 năm rồi. Mưa phùn như mùa xuân, dù đó là một ngày tháng tư. Đường làng Bát Tràng quanh co, quanh co…. Chuyến ấy Nguyễn Huy Thiệp mời chúng tôi đi chơi, và anh ta đang ở thời kì mê vẽ chân dung trên đĩa gốm.
Ở xưởng Bát Tràng, Thiệp vẽ rất nhanh. Tôi vẫn còn nhớ một chuyện xảy ra làm tôi rất áy náy. Vẽ xong chân dung Nguyễn Khải, Thiệp xếp lên dãy đĩa chưa khô, để đến tối mang đi nung một lượt. Tôi thấy bức vẽ Nguyễn Khải hay quá, vội cầm đĩa lên xem, lập tức, nó méo mó, rơi rụng. Thiệp trấn an: "Vẽ lại vậy". Nhưng cái vẽ lại không đẹp như cái trước.
Trong lúc viết về "hắn" – nhân vật mà tôi nghĩ là hóa thân của Nguyễn Khải trong Thượng đế thì cười – tôi đã nhắc rằng bên cạnh món nợ của tôi với ông (làm ông "vỡ mặt" ở đĩa gốm) tôi còn mang ơn, đó là thời dạy văn học Việt Nam đương đại, học sinh và tôi đã có được cái hạnh phúc không phải bị tra tấn văn chương. Quả thật, bên cạnh một số chân dung của những "nhân vật tích cực", "con người mới" liền mảnh, nguyên khối thời ấy, Tuy Kiền của Xung đột đã có màu sắc dị biệt.
Đó là một nhân vật khó quên, nhưng cũng quen thuộc bởi một nét rất nông dân: vừa tinh ranh vừa thật thà, tham lam nhưng cũng hào sảng, tốt bụng. Chỉ dăm năm sau sự xuất hiện của nhân vật mà có lẽ nhà văn có ý phê phán ấy, tôi đã tự nhủ: bây giờ thì Tuy Kiền thuộc loại tích cực rồi.
Thời đó, chúng tôi theo dõi tác phẩm của Nguyễn Khải khá sít sao, bởi lẽ, với tôi, ở tác phẩm nào của ông cũng "có một cái gì đó" – để diễn đạt một điều mà tôi coi như tính độc đáo. Đọc Hãy đi xa hơn nữa, tôi cảm nhận được hơi thở của tuổi trẻ, giống như một số đoạn tràn ngập không khí cách mạng trong Thép đã tôi thế đấy.
Xung đột, Mùa lạc… để lại dư vị của bầu không khí thoáng đãng ruộng đồng, những khoảng không gian trong trẻo và rộng lớn, giống như biển Cồn Cỏ ở bút kí của nhà văn vào thời còn là "anh bộ đội". Tới Gặp gỡ cuối năm, khung cảnh và nhân vật chuyển đổi đột ngột. Sài Gòn sau 1975 – không có may mắn được là một trong những người đầu tiên tới mảnh đất mà tôi chưa hề bao giờ nhìn thấy ấy, tôi đã hình dung nó qua câu chuyện của Nguyễn Khải.
Hồi đó người ta nói "miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ". Nhưng trong Gặp gỡ cuối năm, tôi thấy chính Nguyễn Khải đang nhận "họ". Quả là vào tay Nguyễn Khải, "họ" mới độc đáo làm sao. Rồi mâm cỗ dưới mắt nhà văn đang sống trong chế độ tem phiếu…
Hồi đó, tôi rất ấn tượng với món những khẩu lạp xường để nguyên cả tảng "cắn ngập răng". Người miền Bắc thái lạp xường mỏng dính, vốn lối ăn là vậy nhưng vào thời đó, thái càng mỏng, bởi hiếm có nên nó mỏng đến mức gió thổi bay được như miếng thịt lợn trong Tắt đèn.
Sau đó, đọc trên báo thấy Nguyễn Khải phàn nàn rằng vì viết Gặp gỡ cuối năm mà sau đó ông mất họ hàng, một số người giận ông. Nhà văn ngạc nhiên không biết vì sao mình viết như vậy mà lại bị coi là đã biến họ thành người xấu!?
Tôi cũng chia sẻ sự ngạc nhiên ấy: Hóa ra cái thật, độc đáo đều bị coi là khó chơi, đối với cả một số người vốn xa lạ với nguyên tắc thể hiện "nhân vật tích cực", họ cũng thích được nhà văn lí tưởng hóa!
Còn Nguyễn Khải, ở câu chuyện, tôi thấy ông vẫn nguyên xi như vậy, cố gắng hòa vào môi trường những nhân vật ông từng gặp gỡ, như ở nông trường, đồng ruộng trước đây, nhưng vẫn có phần đứng bên ngoài, giữ khoảng cách và cũng cười… như Thượng đế! Vậy thì người ta khó chịu cũng phải.
Kể cũng lạ, cho đến tác phẩm muộn mằn Thượng đế thì cười, tôi mới nhận rõ cái chất "con chiên" ở Nguyễn Khải. Đọc nó, giống như đọc một bản tự kiểm điểm tràng giang đại hải của đồng chí Nguyễn Khải, vừa như nghe một con chiên đấm ngực mea-culpa. Tôi đã lưu ý đến cả một hệ thống từ vựng liên quan đến những việc ấy, rất nhiều trong tác phẩm giống như một tự truyện ấy (dù Nguyễn Khải cố tình ghi rõ dưới tác phẩm là "tiểu thuyết").
Kiểm điểm, phê bình, nhận tội lỗi, xưng tội, xóa tội, sám hối v.v… "Thành khẩn" đến đâu thì không biết, bởi kèm theo đó là những từ phái sinh từ chuyện nọ: thanh minh, tố cáo, vu khống… Đúng là Nguyễn Khải nhận mình là một vai hề, nhưng tôi thấy ông giống một diễn viên của một tấn bi hài kịch thì đúng hơn.
Tôi tìm thấy dư âm của Kafka, nhà văn đã dựng lên hình ảnh của con người có phần giống như Nguyễn Khải, ở Thượng đế thì cười "không bao giờ nghĩ rằng mình có tội mà hóa ra đã phạm tội, một cái tội vô tình đụng phải nó rồi nhập vào nó, nằm trong danh sách của những kẻ phạm tội"…
Bây giờ, những người của thế hệ Nguyễn Khải, những "anh bộ đội" ngày xưa, nếu còn sống, ít nhiều cũng đã trở thành những ông cụ, có người đã lẩm cẩm. Các chiến sĩ Điện Biên còn sống sót thỉnh thoảng vẫn tập hợp nhau lại, người thì được con cái "đã lên đời" cho quá giang bằng xe ôtô riêng của nó, người thì vẫn lạch cạch đạp chiếc xe đạp không có tuổi. Chủ đề câu chuyện: chống tham nhũng. Tôi có quen một chị thường hay đi chợ giúp tôi. Một hôm chị trỏ vào một ông chiến sĩ Điện Biên tới nhà tôi chơi, với vẻ hóm hỉnh tinh vi chị bảo tôi: "Trùm bến bãi". Tôi tỏ ý không hiểu. Hóa ra chị ấy bảo: Ông ấy chuyên trông xe đạp ở chợ…
Tôi nghĩ tới câu "Mĩ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu". Thực ra, các "anh bộ đội" của Nguyễn Khải chẳng mặc cảm gì. Họ vẫn đạp những chiếc xe đạp tòng tọc đi gặp nhau, cho tới khi không còn đủ sức để đi nữa, hoặc "đi" hẳn, như Nguyễn Khải.
Mấy hôm nay báo chí đăng tin nước sông Hồng cạn tới mức kỉ lục, chỉ còn hơn một mét. Tôi chợt nhớ tới những lời Nguyễn Khải kể lại về ngôi nhà nhỏ của ông bên sông Hồng một ngày nào đó, cái nơi "mãi mãi là thiên đường của một thời đối với Hắn lại hiện ra ghê rợn đến như thế"… "Đi họp về đứng bên bờ đê nhìn xuống cái vực đen thăm thẳm, le lói những chấm đen vàng sẫm mà ghê quá, ngại quá, như sắp bước xuống cõi âm ti địa ngục nào".
Dòng sông cũng đã đổi thay, chỉ trong vài thập niên. Nhưng sao mà tôi cứ nghe thấy giọng nói, cách nói hàng ngày của Nguyễn Khải, qua câu văn trên. Nếu nó cạn như bây giờ, sẽ không có nỗi đau mất đứa con trai. Nhưng nước cạn như vậy, giờ đây nó lại báo hiệu một điềm xấu cho những người Hà Nội như Nguyễn Khải. Mọi sự đều trái khoáy, giống như văn của Nguyễn Khải.
Theo Đặng Anh Đào – CAND Online