Giá lương thực – thực phẩm (LTTP) cơ bản đang tăng với tốc độ chóng mặt. Một châu Á thịnh vượng hơn đang có nhu cầu thực phẩm chất lượng cao hơn và những người nông dân không thể đáp ứng đủ nhu cầu đó. Nói một cách ngắn gọn, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng LTTP và ở nhiều nơi cuộc khủng hoảng này đã diễn ra khá lâu.

Trên toàn thế giới, nhiều người đang biểu tình phản đối bởi giá cả thực phẩm tăng cao. Các chính phủ phản ứng lại bằng những biện pháp kiểm soát giá cả và hàng xuất khẩu không có mấy tác dụng. Việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm đang trở thành một thách thức lớn trong thế kỷ XXI.

Do thời tiết khắc nghiệt ở những quốc gia sản xuất thực phẩm và sự bùng nổ nhu cầu của những quốc gia đang phát triển nhanh, dự trữ gạo đang ở mức thấp trong vòng 30 năm trở lại đây. Từ đầu năm đến nay, giá gạo trên thị trường châu Á đã tăng gấp đôi. Giá ngũ cốc lên cao trong vòng năm năm qua, kết thúc hàng thập kỷ giá thực phẩm không quá đắt đỏ.

Hạn hán, đồng đô-la sụt giảm, sự chuyển đổi vốn đầu tư sang những hàng hóa tiêu dùng khác và việc sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo ra nhiên liệu sinh học là những yếu tố dẫn tới "thảm họa" thực phẩm. Nhưng tốc độ tăng dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như của nhiều quốc gia đang nổi lên khác là những nguyên nhân lâu dài hơn.

Nông dân tỉnh An Huy – Trung Quốc đang phơi thóc –
Nguồn : AP

 
Dân số thế giới ước tính đạt 9 tỷ người vào năm 2050. Hầu hết 2,5 tỷ người tăng thêm sẽ sinh sống ở thế giới của các nước đang phát triển. Như vậy có nghĩa là ở những quốc gia này, nhu cầu của người dân về bơ, sữa và thịt sẽ tăng lên. Điều này đòi hỏi thêm nhiều đất để sản xuất.

Ông Angel Gurria – Tổng Thư ký OECD – cho hay : "Đây là bước lùi đối với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, nó diễn ra ở thời điểm chúng ta đang phải trải qua những biến động lớn, nhưng bi kịch lớn nhất là tác động của giá thực phẩm tăng cao đối với người nghèo".

Ở quê hương Mexico của ông Gurria, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình vào năm ngoái do giá bánh ngô tortilla tăng cao. Bánh ngô tortilla là một loại lương thực chủ yếu của quốc gia này. Giá bánh ngô đã tăng vọt cùng với giá ngô.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, giá cả thực phẩm toàn cầu đã tăng 35% trong năm 2007 đến cuối tháng Một đầu năm nay. Kể từ cuối tháng Một đầu năm nay, giá cả đã tăng 65%.

Chỉ tính riêng năm 2007, theo chỉ số thực phẩm thế giới của Tổ chức Lương thực và Thực phẩm của Liên Hợp Quốc, giá bơ sữa đã tăng gần 80% và giá ngũ cốc tăng 42%.

Tháng Một vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu Chatham House của Anh đã cho hay : "Sự tăng giá LTTP toàn cầu không chỉ là một "tiếng nổ" trong ngắn hạn".

Tổ chức này nhận định : "Xã hội sẽ cần phải quyết định giá trị của thực phẩm", và làm thế nào để "các lực lượng thị trường có thể "hòa hợp" với những mục tiêu chính sách của quốc gia".

Rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những lựa chọn này.

Sau một cuộc đối đầu kéo dài, chính phủ Mexico đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm những vụ mùa biến đổi gen cây trồng, để nông dân nước này có thể cạnh tranh với Mỹ – nơi mà những cánh đồng ngô biến đổi gen cho năng suất cao là điều phổ biến.

EU và châu Phi cũng có những lệnh cấm tương tự có thể cần được xem xét lại.

Một số chính phủ, như chính phủ các nước Ai Cập, Argentina, Kazakhstan và Trung Quốc, đã áp đặt những biện pháp ngặt nghèo nhằm giới hạn lượng ngũ cốc xuất khẩu và tăng lượng dự trữ trong nước.

Hành động này là phản ứng đối với tình thế khẩn cấp của thực phẩm, có thể bắt nguồn từ việc nông dân ít sản xuất thực phẩm hơn và điều đó đe dọa việc hủy hoại nhiều năm nỗ lực mở cửa thương mại quốc tế.

Tuần trước, Ấn Độ đã đặt mục tiêu mới cho thị trường : 1.000 USD/tấn là giá xuất khẩu gạo thấp nhất, nhằm tăng lượng gạo bán ra trên thị trường trong nước thay vì để nông dân chờ giá cao rồi mới bán. Nhưng nông dân ở Thái và nhiều nơi khác dường như sẵn sàng chờ giá cao hơn.

Vấn đề trở nên rắc rối hơn khi Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan – ông Mingkwan Saengsuwan – đưa ra dự đoán rằng giá gạo có thể lên đến mức 1.000 USD/tấn.

Robert Zeigler, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI), nói rằng thị trường có thể sẽ cần nhiều tháng để xác định rõ xem giá gạo lên cao tới mức nào. Ông nói thêm : "Thị trường gạo có thể trở nên tê liệt. Ai sẽ bán 750 USD/tấn nếu biết rằng giá gạo có thể lên tới 1.000 USD/tấn?"

Theo ông Mingkwan Saengsuwan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, giá gạo có thể lên đến mức 1.000 USD/tấn

 
Ông Joachim von Braun, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) tại Washington, nói : "Một quốc gia sau khi đã áp dụng chính sách "làm láng giềng chết đói" thì cuối cùng, sản phẩm nông nghiệp mà quốc gia đó giao dịch trên thị trường nông nghiệp thế giới sẽ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Đổi lại, điều đó dẫn tới giá cả dễ biến động hơn".

Ở Argentina, thuế đánh vào mặt hàng ngũ cốc đã dẫn tới đình công của nông dân. Cuộc đình công ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu ngũ cốc của quốc gia này.

Việt Nam và Ấn Độ, hai quốc gia xuất khẩu gạo chủ yếu trên thế giới, đã thông báo giảm số lượng bán trên thị trường nước ngoài, đẩy giá gạo cao hơn trên thị trường Mỹ.

Những loại LTTP khác cũng giảm xuống từ những mức giá cao kỷ lục trong những ngày gần đây. Nhưng theo các nhà phân tích thì đó là do có ít dự trữ và do các nhà đầu tư thu về ít lợi nhuận hơn.

Theo một dự báo thăm dò của Liên Hợp Quốc và UNCD đưa ra hồi tháng hai vừa qua, thì trong vòng mười năm tới, giá ngô có thể tăng 27%, giá các hạt có dầu như đậu nành sẽ tăng 23% và giá gạo tăng 9%.

Những làn sóng bất mãn đã bắt đầu dâng cao. Những cuộc biểu tình bạo lực đã đánh bại Cameroon và Burkina Faso (Tây Phi) vào tháng Hai vừa qua. Những người biểu tình mới đây cũng tập hợp tại Indonesia và báo chí đưa tin có nhiều người chết đói. Ở Philippines, các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh bị buộc phải cắt giảm tỷ lệ gạo trong sản phẩm để đối phó với sự tăng giá gạo.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ, ông Kamal Nath, hôm thứ hai (31/3) nói rằng chính phủ Ấn Độ đang xem xét khả năng cắt giảm thuế đánh vào hàng hóa thực phẩm nhằm kiểm soát giá cả đang tăng cao.

Phát biểu trước thềm cuộc họp nội các nhằm thảo luận phương thức ngăn chặn giá cả tăng cao hơn nữa, ông nói : "Chúng tôi đang xem xét khả năng cắt giảm thuế đánh vào các sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm". Đầu tháng ba vừa qua, chính phủ nước này đã giảm thuế nhập khẩu dầu cọ thô từ 45% xuống còn 20%, giảm thuế dầu cọ tinh luyện từ 52,5% xuống còn 27,5%.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương của Úc đã đặt câu hỏi : liệu giá cả hàng hóa tăng cao có thể là một trong những điều to lớn hiếm hoi trong lịch sử thế giới, giống như sự tăng giá hàng hóa những năm 1930, 1970 hay không.

Giá cả hàng hóa thực tế đã gần như không tăng hay thậm chí là giảm sau cuộc công nghiệp hóa nhanh chóng của Mỹ và Đức đầu thế kỷ XX. Nhưng theo Ngân hàng Trung ương Úc thì quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc với 1,3 tỷ dân hoàn toàn ở một cán cân khác.

Ngân hàng này cho biết : "Dân số Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với dân số của những quốc gia đã công nghiệp hóa ở những thời kỳ trước đó và gần như gấp đôi dân số của tất cả các nước G7 hiện nay cộng lại".

Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu Trung Quốc góp phần khá lớn vào nhu cầu các loại LTTP cơ bản như ngô, đậu nành, bột mì cũng như thịt, sữa và những thực phẩm giàu protein khác.

Trung bình, mỗi người dân Trung Quốc tiêu thụ 20 kg thịt/năm vào năm 1985. Con số này đã bắt đầu tăng lên đáng kể từ năm 2001 và hiện nay đã là 50 kg/năm.

Mỗi một kg thịt bò cần khoảng 7 kg ngũ cốc. Điều đó có nghĩa là đất nông nghiệp sử dụng để trồng lương thực cho con người đang được chuyển sang để chăn nuôi gia súc.

Khi các nước phương Tây tìm cách giải quyết mối nguy nóng lên toàn cầu thì xu thế tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh hơn cũng mang trong nó vấn đề lương thực toàn cầu. Người ta ước tính rằng, một trong số bốn giạ ngô từ vụ mùa ngô của Mỹ năm nay sẽ được chuyển sang sản xuất xăng ethanol.

Bà Janet Larsen, Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Earth Policy, một tổ chức môi trường đặt tại Washington, cho biết : "Chuyển thực phẩm thành xăng cho xe ô-tô là một sai lầm lớn trên nhiều phương diện. Thứ nhất, chúng ta đã thấy giá thực phẩm ngày càng tăng ở các siêu thị trên toàn nước Mỹ. Thứ hai, có lẽ quan trọng hơn trên phương diện toàn cầu, là giá thực phẩm leo thang ở những quốc gia đang phát triển – nơi mà ngày càng nhiều bạo loạn xảy ra vì vấn đề thực phẩm".

Tương tự như gạo, giá dầu cọ đang ở ngưỡng cao kỷ lục do nhu cầu sử dụng dầu cọ cho nhiên liệu sinh học, gây nên những khó khăn cho những hộ gia đình thu nhập thấp ở Indonesia, Malaysia.

Nhưng mặc dù người ta ngày càng chỉ trích gay gắt nhiên liệu sinh học, sản xuất ethanol từ ngô của Mỹ vẫn được sự ủng hộ rộng rãi về mặt chính trị, bởi nó mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân – những người phải chịu nhiều năm giá cả thấp.

Sản xuất ethanol từ ngô của Mỹ vẫn được sự ủng hộ rộng rãi về mặt chính trị, bởi nó mang lại lợi ích cho người nông dân – Nguồn : NYT

 
Ông John Bruton, Đại sứ Liên Hợp Quốc tại Mỹ, dự đoán rằng thế giới sẽ phải đối mặt với 10 đến 15 năm giá lương thực tăng. Và những người nghèo ở châu Phi, Đông Nam Á sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ điều đó.

Bà Josette Sheeran, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang trong chuyến công du toàn thế giới nhằm tìm kiếm những nhà tài trợ để bù đắp khoản quỹ thiếu hụt 500 triệu USD gây ra bởi giá cả tăng cao. Chương trình viện trợ lớn nhất của Mỹ, Chương trình Thực phẩm vì Hòa bình, cũng đã phải chứng kiến giá cả hàng hóa tăng 40% và có thể sẽ phải cắt bớt các khoản viện trợ.

Những người khác tin rằng, những cánh đồng cho năng suất cao hơn và sử dụng phân bón chất lượng – trong số đó có những cánh đồng biến đổi gen – sẽ làm sản xuất theo kịp với nhu cầu.

Bruce Babcock, một nhà kinh tế học tại Trường Đại học Bang Iowa, nói rằng các thị trường đang tăng giá là một dấu hiệu để những người nông dân thấy rằng họ cần sản xuất nhiều hơn.

Babcock nói : "Đây thực sự là thời điểm tuyệt vời nhất trên thế giới để làm một người nông dân. Chúng ta sắp sửa được chứng kiến một sự gia tăng đáng kể trong sản xuất, bởi người nông dân chưa từng có những ích lợi lớn đến như vậy khi gia tăng sản xuất".

Nhưng những người khác lại lưu ý rằng, hạt giống và phân bón đắt đỏ nằm ngoài tầm tay của nông dân ở những quốc gia nghèo.

Khoảng đầu thế kỷ XIX, nhà kinh tế – chính trị học của Anh – Thomas Malthus – nói rằng, dân số có khả năng tăng nhanh hơn rất nhiều so với cung thực phẩm. Những phương pháp trồng trọt năng suất cao đã chứng minh dự đoán này là sai. Hiện nay, vào đầu thế kỷ XXI, một vài người đang xem lại những dự đoán của Thomas.

Mai Phương (Tổng hợp từ IHT, WSJ)

Theo Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *