Hiện nay, tuy được sống trong hòa bình, nhưng áp lực của cuộc sống lên mỗi người dân nói chung và các em học sinh nói riêng không hề nhỏ. Số lượng người mắc các bệnh thần kinh ngày càng gia tăng. Nhẹ thì ở dạng rối loạn hành vi, trầm cảm, stress, nặng hơn thì không thể học tập, làm việc được.
Chỉ vì mặc cảm trước sự đánh giá không tốt của gia đình, nhà trường, xã hội về bản thân, ngày 25/5/2006, tại Hải Dương, 5 em học sinh nữ lớp 7 sau khi đi học về đã dùng khăn quàng đỏ buộc tay nhau cùng nhảy xuống sông tự tử, để lại những lá thư tuyệt mệnh. Đây là hồi chuông cảnh báo lớn nhất của các em cho toàn xã hội chúng ta về cách giáo dục, đối xử với chúng.
Theo các chuyên gia về tâm lý giáo dục, có hai nguyên nhân dẫn tới kết cục bi thảm của các em kể trên.
Thứ nhất, người lớn đã có những hành động, lời nói xúc phạm sâu sắc tới các em, làm cho các em cảm thấy mình là đồ vô dụng, là cái tội, cái nợ, không nên tồn tại nữa thì hơn.
Thứ hai, các em đã không được dạy, được rèn luyện về mặt cảm xúc để có thể chịu đựng và biết cách vượt qua những áp lực do cuộc sống đưa tới.
Vì vậy, nên chăng có môn học dạy cho các em các trải nghiệm về cảm xúc, cách xử lý khi đối mặt với những tình huống thực, gay cấn, khó xử trong cuộc sống thường ngày.
Cứ theo cách học hiện nay thì hình ảnh của các em học sinh phổ thông tới đây phổ biến sẽ là “đầu to, lưng còng, mắt cận, chân tay lòng khòng, mặt sần sùi”.
Dành thời gian cho giáo dục thể chất
Người Việt Nam ta đang thua kém về tầm vóc so với ngay các nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Khi xem đội tuyển bóng đá quốc gia của ta thi đấu quốc tế, nhiều khi thấy chạnh lòng vì cầu thủ của ta quá nhỏ, vất vả, loi choi, tranh bóng với đội bạn. Trong việc cải thiện tầm vóc, thể lực cho người Việt Nam sắp tới, trường phổ thông đóng vai trò rất quan trọng nếu không muốn nói là có tính quyết định.
Tôi được biết các trường phổ thông tại các nước tiên tiến cũng dành rất nhiều thời gian (khoảng 50%) cho việc này nhằm nâng cao sức khỏe, sự khéo léo, tinh thần đồng đội, sự giao lưu, tính dũng cảm, quyết đoán… cho các em thông qua thể dục, thể thao.
Vì vậy tới đây, tôi đề nghị tỷ lệ thời gian cho các môn giáo dục thể chất (các trò chơi vận động, thể dục, thể thao, lao động chân tay, hoạt động ngoại khóa…) sẽ chiếm từ 40 đến 50% thời gian học trong trường phổ thông.
![]() |
Đề nghị tỷ lệ thời gian cho các môn giáo dục thể chất (các trò chơi vận động, thể dục, thể thao, lao động chân tay, hoạt động ngoại khóa…) sẽ chiếm từ 40 đến 50% thời gian học trong trường phổ thông |
Trong giai đoạn học phổ thông, các em cũng cần có thời gian rảnh rỗi, tĩnh lặng để suy nghĩ, để làm những việc riêng như giúp đỡ gia đình, thăm hỏi người thân, họ hàng, làm những việc mà mình thích… chứ không ngập đầu vào sách vở, học tối ngày như hiện nay.
Những điều giản dị cho cuộc sống "phổ thông"
Gần đây, số lượng người trẻ tuổi nghiện, buôn bán, đi tù và chết vì ma túy là rất lớn. Tệ nạn cá độ, cờ bạc, trộm cắp, lừa đảo, mại dâm, HIV… ở đâu cũng gặp.
Vì vậy, môn “Cách nhận biết, tác hại, cách phòng và chống lại những tệ nạn, cái xấu, cái ác” là môn học rất cần thiết phải đưa vào chương trình phổ thông.
Hiện nay, tuy được sống trong hòa bình, nhưng áp lực của cuộc sống lên mỗi người dân nói chung và các em học sinh nói riêng không hề nhỏ. Số lượng người mắc các bệnh thần kinh ngày càng gia tăng. Nhẹ thì ở dạng rối loạn hành vi, trầm cảm, stress, nặng hơn thì không thể học tập, làm việc được.
Vì vậy, những môn học về các biện pháp, kỹ thuật để giữ gìn và giúp cho con người luôn cân bằng, hài hòa cả về thể chất và tinh thần nên được biên soạn và dạy cho học sinh phổ thông.
Ngoài ra, còn có thể đề cập tới hàng trăm, hàng nghìn những điều bình thường, giản dị, thông dụng từ xe đạp, xe máy, ô-tô cho đến rượu, bia. Từ ti-vi, tủ lạnh, máy tính, điện thoại, mạng internet, karaoke, tú lơ khơ cho đến các món phở, cà-phê.
Từ cách khen ngợi, tán tỉnh cho đến nghệ thuật giải quyết những khó khăn, xung đột. Từ những quan niệm về sự sống, cái chết của con người, các tôn giáo phổ biến hiện nay cho đến việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh thông thường.
Từ chiến tranh, hòa bình, giàu, nghèo cho đến việc… pha một ấm trà cho đúng cách. Từ âm nhạc, nghệ thuật đến cắt tóc, trang điểm. Từ cao ốc, khách sạn, nhà hát, sân bay, bến cảng… đến nhà thổ, nhà tù. Từ việc giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường sống xung quanh cho đến cách thức phòng chống cháy nổ, mưa bão, lũ lụt.
Từ các vĩ nhân, các nhà tư tưởng, các ngôi sao ở các lĩnh vực cho tới việc chăm sóc cho trẻ em, cách phục vụ người già, người đau ốm, tàn tật trong gia đình…
Đó đều là những kiến thức, kỹ năng hết sức cần thiết cho một cuộc sống “phổ thông” sau này. Bộ Giáo dục – Đào tạo nên biên soạn những giáo trình kiểu như “100 tình huống trong cuộc sống” hoặc “50 khó khăn thường gặp trong đời người”… và dạy cho học sinh phổ thông.
Những kiến thức phổ thông nêu trên cứ khoảng 5 năm Bộ giáo dục – Đào tạo lại rà soát lại, bổ sung thêm hoặc loại bớt đi những gì không còn phù hợp.
![]() |
Các em cần có thời gian rảnh rỗi, làm những việc riêng như giúp đỡ gia đình, thăm hỏi người thân, họ hàng, làm những việc mà mình thích… chứ không ngập đầu vào sách vở, học tối ngày như hiện nay – Ảnh : VnExpress.net |
Hiểu về bản sắc quê hương
Tôi cũng đề nghị các kiến thức phổ thông này khi biên soạn có chú ý tới đặc điểm vùng khác nhau ở nước ta, đó là thành thị, nông thôn, miền núi, miền biển. Ngoài ra, mỗi tỉnh thành cũng có những nét đặc trưng riêng, vì có kiến thức rất cần, rất phổ thông ở vùng này lại không cần cho vùng khác. Vì vậy, hiểu biết của các em ở địa phương, vùng núi khác thành phố là rất bình thường.
Bên cạnh cái chung cho học sinh cả nước, sẽ có cái riêng, bản sắc của từng vùng. Ví dụ, học sinh phổ thông ở Bắc Ninh cần phải thuộc một số bài hát quan họ, học sinh ở Quảng Ninh cần biết nhiều về khai thác mỏ than hoặc du lịch Hạ Long…
Tóm lại, các em cần phải biết rõ những kiến thức liên quan đến nơi mình sống, địa phương mình ở. Kiến thức đặc trưng mỗi vùng là rất quan trọng và hữu ích cho các em, vì 80 đến 90% học sinh sẽ ở, làm việc tại địa phương mình sau khi học xong phổ thông và sẽ sống một cuộc đời “phổ thông” .
Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ nắm phần chung, các Sở Giáo dục ở các địa phương phải chịu trách nhiệm về phần “bản sắc quê hương” của mình. Có vậy mới sát thực, hữu ích, người học không chán vì toàn phải học những thứ đẩu đâu.
Nếu những người biên soạn sách giáo khoa, các thầy cô giáo trước khi biên soạn và dạy cho học sinh tự hỏi mình rằng những thứ mình sắp dạy cho các em đây, mình đã áp dụng được vào cuộc sống của mình bao giờ chưa, cuộc sống hiện nay có cần đến những thứ này không? Những kiến thức này liệu có giúp được gì cho các em khi rời ghế nhà trường?
Trả lời nó một cách khách quan, trung thực thì sẽ biết nên dạy môn gì, nên làm thế nào với các em học sinh phổ thông.
Vũ Mạnh Tiến – Theo TVN