Một trong những luận điểm chính của bộ phim Countdown to Zero là dù các kho vũ khí hạt nhân có tác dụng ngăn chặn chiến tranh lạnh, nhưng chúng vẫn không có chỗ ở một thế giới mong manh như thế giới của chúng ta.

***

Bộ phim tài liệu mang tên Countdown to Zero, dự kiến ra mắt khán giả Mỹ vào thứ sáu tuần này, được xây dựng nhằm xóa bỏ sự thờ ơ lãnh cảm của khán giả đối với vấn đề hạt nhân.

Tình trạng khủng bố toàn cầu gia tăng, sự mở rộng không ngừng của CLB hạt nhân, sự xuất hiện ngày càng nhiều các vật liệu phân hạch trên thị trường chợ đen – tất cả đều góp phần chỉ ra rằng, nguy cơ về các cuộc tấn công hạt nhân đang ở mức đáng báo động hơn bao giờ hết. Nhưng nếu chú ý lắng nghe các cuộc đối thoại hàng ngày của người dân, chúng ta sẽ thấy rằng, trong nhận thức của quần chúng, chiến tranh lạnh cũng có nghĩa là không còn tồn tại kỷ nguyên hạt nhân.

Năm 2006, thành công vang dội của bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar về tình trạng ấm nóng toàn cầu An inconvenient truth (tựa tiếng Việt : Hiểm họa trên Trái đất) đã chứng tỏ những bộ phim nhằm khơi dậy ý thức xã hội về các thảm họa có thể vừa giúp nâng cao nhận thức quần chúng, lại vừa kiếm về bộn tiền.

Lawrence Bender – một "lão làng" của Hollywood, đồng thời cũng là một trong những nhà sản xuất bộ phim – cho hay, sau thành công đó, nhiều người ủng hộ ông làm tiếp các bộ phim có chủ đề liên quan An inconvenient truth (Hiểm họa trên Trái đất) về nước hay An inconvenient truth (Hiểm họa trên Trái đất) về đói nghèo.

Nhưng gợi ý khiến ông quan tâm nhất là ý tưởng của vị Chủ tịch tổ chức nghiên cứu World security institute An inconvenient truth (Hiểm họa trên Trái đất) về mối đe dọa hạt nhân. Bender chia sẻ, ông và Jeff Skoll – người sáng lập Công ty Participant Media và cũng là nhà sản xuất của bộ phim An inconvenient truth – đã nhận ra rằng, giống như thay đổi khí hậu, hiểm họa hạt nhân cũng là một vấn đề toàn diện, có sức ảnh hưởng tới sự sống còn của cả hành tinh. Vì thế, đây là một chủ đề đáng cân nhắc để thực hiện bộ phim cảnh báo tiếp theo.

Bộ phim Countdown to Zero ra đời và truyền tải thông điệp : Đã tới lúc chúng ta bắt đầu lo lắng trở lại. Thông điệp này được thể hiện lặp đi lặp lại với những yếu tố tạo cảm giác sợ hãi, trong đó đề cập tới các viễn cảnh kinh hoàng qua lời phát biểu của các chuyên gia, các hình ảnh đồ họa và các thước phim tư liệu. Lucy Walker – đạo diễn bộ phim – cho biết, bà đánh giá cao những thử thách gặp phải khi theo đuổi một "chủ đề không hợp thời". Bà nói : "Không phải vì chúng ta không nói về nó mà nó không nguy hiểm."

Bà Walker đã thực hiện gần 100 cuộc phỏng vấn (chưa kể vô số các cuộc phỏng vấn không ghi hình) với các nhà vật lý học, nhà văn, các chuyên gia về vũ khí hạt nhân và một danh sách dài dằng dặc các nhà lãnh đạo thế giới (trong đó có Tony Blair, Mikhail Gorbachev và Pervez Mussharraf). Bà còn quan sát các đặc vụ an ninh trong khối Đông Âu cũ và phỏng vấn Oleg Khinsagove – một tay buôn lậu người Nga bị các quan chức bang Georgian bắt giữ trong khi chuyển giao chất uranium làm giàu cho một người bị tình nghi có liên quan tới một nhóm khủng bố.

Một trong những luận điểm chính của Countdown to Zero là dù các kho vũ khí hạt nhân có tác dụng ngăn chặn chiến tranh lạnh, nhưng chúng vẫn không có chỗ ở một thế giới mong manh như thế giới của chúng ta. "Dù trước đây bạn nghĩ gì đi chăng nữa, thì giải pháp bền vững nhất ngày nay vẫn là số 0" – bà Walker nói.

Trong số các chính khách đã thay đổi quan điểm của mình về vũ khí hạt nhân, nổi tiếng nhất là bốn nhân vật thời kỳ Chiến tranh lạnh. Đó là các cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry A. Kissinger và George P. Shultz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William J. Perry và cựu Thượng nghị sĩ Sam Nunn. Bốn người này từng có lần hợp tác viết một bài báo cho The wall street journal năm 2007 với tựa đề A world free of nuclear weapons (Một thế giới không vũ khí hạt nhân).

Tuy nhiên, họ lại không xuất hiện trong Countdown to Zero, bởi lẽ cả bốn người này đang là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu ủng hộ giải trừ vũ khí khác có tên Nuclear tipping point do Nuclear threat initiative – một tổ chức do Sam Nunn sáng lập và Ted Turner sản xuất. Tương tự Countdown to Zero, bộ phim tài liệu dài một tiếng này (có thể xem miễn phí tại nucleartippingpoint.org) đề cập tới bài phát biểu của Tổng thống John F. Kennedy về "hiểm họa nhãn tiền của vũ khí hạt nhân" và cuộc gặp thượng đỉnh năm 1986 giữa Reagan và Gorbachev tại Reykjavik – Iceland. Tuy nhiên, trong phim này, những sự chứng thực của bốn vị chính khách mới là tâm điểm.

Giống An inconvenient truth, Countdown to Zero được công chúng biết đến trước khi chiếu ở rạp thông qua Liên hoan phim Sundance và Cannes và đang được coi là đối thủ đáng gờm của các bộ phim bom tấn trong hè khác với tư cách là một bộ phim hiện thực về thảm họa : Tất cả những vụ nổ do máy tính tạo ra trong các bộ phim đó đều trở nên mờ nhạt so với một vụ nổ khủng khiếp ngoài đời. Nhưng có một điểm khác là trong khi An inconvenient truth lên tiếng phản đối một chính quyền vốn không có nhiều thành tích về cải thiện môi trường thì Countdown to Zero lại khá ăn nhập với các chính sách của chính quyền.

Từ trước tới nay, giải trừ vũ khí hạt nhân luôn là một chính sách trọng tâm của Tổng thống Obama. Năm nay, ông đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về vấn đề hạt nhân tại Washington và ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Nga (hiện Hiệp ước này đang chờ Thượng nghị viện phê chuẩn). Bender cho hay, với Countdown to Zero, "chúng tôi hy vọng rằng vấn đề này sẽ được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự". Ông cũng thừa nhận rằng, một số người đã có ý chỉ trích rằng mục đích của chiến dịch Global Zero (Zero toàn cầu) là ngây thơ hoặc không an toàn, song ông vẫn ủng hộ chính sách bãi bỏ hoặc giảm trừ vũ khí hạt nhân.

Cũng giống phần lớn các bộ phim tài liệu mang tính cảnh báo khác, Countdown to Zero sử dụng biện pháp "đe dọa" để khiến khán giả phải hành động. Nhưng do ở góc độ này, hành động đó chủ yếu dừng lại ở việc gây áp lực tới các nhà lập chính sách, nên phần lớn bộ phim đều đề cập tới những chi tiết đáng sợ.

Trong một cảnh quay gợi nhiều cảm giác đau đớn nhất, nữ đạo diễn Walker đã lồng giọng kể về những nỗi kinh hoàng sau một vụ nổ hạt nhân với thước phim tư liệu về cảnh bữa tiệc liên hoan năm mới đầy vui vẻ trên Quảng trường Thời đại.

Theo bà, "mục đích của việc làm này là "đo lường" mức độ thiệt hại trong một chuỗi sự kiện đầy chiêm nghiệm và có tính truyền đạt cao". Bà cho biết thêm : "Tôi rất nhạy cảm với việc lạm dụng nỗi sợ hãi để làm công cụ chính trị. Tuy không bị mất ngủ vì những gì tôi đã được đọc, nhưng tôi lại mất ngủ vì cái trách nhiệm mà tôi cho rằng cần phải thực hiện phương pháp đó một cách có chừng mực."

Lời quảng cáo cho An inconvenient truth là "bộ phim đáng sợ nhất bạn đã, đang và sẽ xem". Nhưng đối với Countdown
to Zero,
các nhà sản xuất không có ý định lạm dụng yếu tố sợ hãi này. Bender cho biết : "Cái không may mắn ở đây là bản thân sự thật mà bộ phim nói đến đã rất đáng sợ rồi". Ông còn cho biết thêm, một số người khi được hỏi chuyện cho rằng, thảm họa hạt nhân chỉ là vấn đề thời gian, song các nhà làm phim không đề cập tới những ý kiến tiêu cực đó. "Chúng tôi xây dựng bộ phim để huy động quần chúng. Chúng tôi không muốn đe dọa để rồi bắt họ phải hành động theo ý mình" – Bender chia sẻ.

Dennis Lim
Bùi Thu Trang dịch từ The New York Times – VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *