Gió mùa đông bắc, như bàn tay của nữ thần mùa đông, lạnh giá nhưng dịu dàng vuốt ve trên mặt tôi. Tôi mê đi trong cái lạnh của giọt mưa bám trên đầu thấm vào từng chân tóc, ngỡ mình đang lạc vào một vùng đất thiêng vừa lạ lẫm vừa quen thuộc.

Tôi đứng lặng bên bến tàu không số. Trời xám một màu chì. Cơn mưa phùn theo chân gió bấc bất ngờ ập xuống. Những giọt mưa trắng như những bông hoa thủy tinh giăng mờ trên mặt biển, huyền hoặc giống hệt bức tranh siêu thực của các họa sĩ tượng trưng. Nghe xao xác những hàng cây đang rụng lá. Gió mùa đông bắc, như bàn tay của nữ thần mùa đông, lạnh giá nhưng dịu dàng vuốt ve trên mặt tôi. Tôi mê đi trong cái lạnh của giọt mưa bám trên đầu thấm vào từng chân tóc, ngỡ mình đang lạc vào một vùng đất thiêng vừa lạ lẫm vừa quen thuộc.

Quen thuộc vì đây là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Cái miền quê nghèo gắn liền với những cơn mưa phùn gió bấc cắt da của một thời thơ ấu cay nghiệt và đói rét. Nhưng lạ lẫm vì tôi vừa trở về từ vùng đất đầy nắng gió phương Nam, từ một đô thị sôi động quanh năm không có mùa đông. Thèm đến nao lòng một giọt mưa phùn, một cơn gió mùa đông bắc. Thèm cảm giác phóng xe trên đường Đồ Sơn, đón nhận vào tận thịt da cơn lạnh tê tê trên mặt, thả mình bồng bềnh trong sương như bước vào một miền cổ tích ở cõi thần tiên.

Không chiến tranh và chết chóc. Đã qua rồi những ngày bom đạn giăng đầy đất cảng Hải Phòng. Thành phố biển cùng với đất nước đang rũ bùn vươn lên như những chàng trai Phù Đổng. Cái làng quê nhỏ của tôi, vốn là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đang đổi thay hàng ngày với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Con đường cái quan lồi lõm ổ gà đã được trải nhựa láng. Con đò chở khách từ bao đời nay được thay thế bằng một cây cầu hiện đại mà ngày ở quê, quần đùi đánh dậm, có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ tới. Vùng đất ao tù, nước đọng đã lột xác thành một tiểu đô thị, có đầy đủ các tiện nghi giống như Hà Nội, Sài Gòn. Người nông dân ở quê tôi bây giờ ngồi ở nhà cũng có thể bàn chuyện động đất ở Tứ Xuyên, chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ. Những làng quê nhỏ bé ấy là thước đo, là minh chứng sống động cho đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta. Nó làm sáng lên gương mặt của đất nước đang vững vàng bước vào thế kỷ 21, đổi mới mà không đổi màu, hòa nhập nhưng không hòa tan. Việt Nam đã trở thành một gương mặt mới, một thế lực kinh tế và chính trị được bạn bè quốc tế nể trọng…

Tôi lắng nghe tiếng rì rào của biển. Hình như mưa đã tan. Cây bàng mồ côi đang đớn đau thả những chiếc lá đỏ cuối cùng. Trong ánh hoàng hôn màu lửa của buổi chiều Đồ Sơn, tôi bần thần nhìn tên tuổi các anh ghi trên tấm bia tưởng niệm mà ngỡ như thấp thoáng đâu đây gương mặt của bạn bè – những chàng trai sông Hồng, sông Mã, sông Thương, sông Cấm. Những người khi ngã vào lòng biển vẫn con trai. Con đường từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Đồ Sơn đến Cà Mau không đơn giản tính bằng cây số. Nó phải được tính bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ đã đổ xuống cho đất nước này, trong đó có các anh. Các anh bước vào cuộc chiến tranh giữa lúc đất nước bước vào cuộc giao tranh khốc liệt nhất. Chấp nhận ra đi là cầm chắc cái chết trong tay. Không ai hứa hẹn với các anh về một thiên đường sau chiến thắng. Chính quả tim biết đau trước nỗi đau chung đã thôi thúc các anh tình nguyện ra đi. Đơn giản là Tổ quốc không có sự lựa chọn nào khác. Dân tộc không có sự lựa chọn nào khác. Đó là sự lựa chọn duy nhất và tất yếu của lịch sử.

Có thể rồi sẽ không còn ai hình dung ra gương mặt các anh. Nhưng điều đó liệu có ý nghĩa gì? Thịt xương các anh đã hòa vào biển cả, hóa thành chất muối mặn cho đời, bồi đắp nên dáng hình Tổ quốc. Tinh anh của các anh thấm vào từng thớ đất, biến thành nhựa trong cây. Nhưng khúc ca bi tráng của các anh không chỉ là khúc ca của một thế hệ. Lòng yêu nước không phải thứ độc quyền của riêng ai, nó như hạt vàng lẩn khuất trong tim mỗi người, chỉ chờ có gió lại rực lên. Nó đã cháy rực lên trong mũi tên đồng Cổ Loa, trong ngọn sóng Bạch Đằng, trong rồng lửa Thăng Long trên con đường thấm máu và nước mắt đến độc lập tự do, xóa đi nỗi nhục mất nước. Nó sẽ tiếp tục cháy lên trên hành trình đầy chông gai, vượt qua mọi khó khăn, vượt qua chính mình, xóa nỗi nhục đói nghèo. Nó như sợi chỉ xanh lóng lánh trong tim mỗi người, nuôi dưỡng hồn vía Việt Nam, làm nên sức sống bất diệt của dân tộc.

Năm tháng sẽ đi qua. Trong tương lai, các thế hệ con em chúng ta sẽ được sống trong hòa bình. Nhưng không ai có quyền quên bến tàu huyền thoại. Huyền thoại về các anh, những người con bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển, huyền thoại về một cuộc chiến tranh nhân dân. Tô
i chợt lạnh người khi nhớ đến giả thiết của một ai đó muốn lật lại lịch sử cuộc chiến tranh bằng luận điểm “Giá như”… Không! Lịch sử là cụ thể. Lịch sử không thể giả định. Không có thứ chủ nghĩa nhân văn chung chung. Chạy theo chủ nghĩa nhân văn kiểu “giá như” là chúng ta phản bội lại xương máu của hàng triệu người đã đổ ra trên chiến trường. Nó có nguy cơ đánh lộn sòng người yêu nước và kẻ bán nước, phủ nhận ý nghĩa tinh thần vô giá của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tôi bỗng nhớ tới lời khuyên của một nhà báo Mỹ trong lần đến thăm và tiếp xúc với các đồng nghiệp Việt Nam : “Các anh đừng đi vào vết xe đổ của Đông Âu. Sai lầm của họ là đạp đổ tất cả, trong khi chúng tôi không lên án các cuộc chiến tranh, không hạ bệ Oasinhtơn. Mỗi dân tộc cần có những cái thiêng liêng để mà thờ”. Tôi nghĩ, đó là một lời khuyên chân thành. Sẽ không có tương lai nếu điên cuồng đào bới lịch sử, tàn phá quá khứ. Phải chăng, lời cảnh tỉnh của người bạn khác chính kiến ấy cũng là bài học đáng suy ngẫm cho mỗi chúng ta…?

Một cơn gió lạnh làm tôi giật mình sực tỉnh. Mưa đã ngừng rơi từ bao giờ. Trong ánh hoàng hôn cuối cùng của chiều tà, tôi ngẩn ngơ nhìn sóng tung bọt trắng xóa như pháo hoa vỗ vào bờ cát. Hình như có ai đó khẽ khàng hôn lên mái tóc trắng bụi mưa, bạc màu vì sương gió của tôi. Tôi lắng nghe tiếng ca rì rầm của biển và có cảm giác mình đang bay lên cùng những cánh chim hải âu. Ngoài khơi, thấp thoáng bóng những con thuyền câu sải mình trên sóng bạc. Tôi nhìn những hàng cây đang rụng lá, cảm nhận đến từng mao mạch của mình dòng nhựa sống đang âm thầm chuyển từ đất lên cây. Trong dáng vẻ gầy guộc của cỏ cây, trải qua cái khắc nghiệt của mùa đông đã nghe một mùa xuân mới đang về. Tôi lặng lẽ ngắm những gương mặt người xung quanh, sáng ngời như những bông hoa, trong đầu chợt hiện lên câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh :

“Nhất đóa hoàng hoa nhất điểm xuân”.

Dương Trọng Dật – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *