Nếu ai đó đã từng đến thăm Thái Lan mà chưa thưởng thức bữa tối truyền thống khantoke của Vương quốc Lanna cổ xưa thì chưa thực sự được coi là đã tận hưởng ẩm thực Thái. Nhiều người cho rằng, bữa ăn tối với âm nhạc và các vũ điệu sôi động của miền Bắc Thái Lan này được sáng tạo ra nhằm phục vụ cho du khách đến thăm quan, nhưng thực tế, từ nhiều thế kỉ trước đây, bữa tối khantoke đã rất phổ biến ở Thái Lan rồi. Ngày nay, người dân địa phương thường kỉ niệm nhiều ngày lễ tại nhà với bữa tối khantoke.

Du khách đang thưởng thức bữa tối truyền thống khantoke của người Thái Lan – Nguồn ảnh : Internet

Tất cả chúng ta ai cũng đều mong muốn được thưởng thức một bữa ăn với các món ăn được bày biện đẹp mắt và có hương vị tuyệt hảo. Ở đây có cả những bữa tiệc đứng, cho ta cơ hội hòa cùng với nhiều thực khách, cùng nhau thưởng thức cocktail và dùng bữa bằng tay. Đôi khi có nhiều người cho rằng, ăn bằng tay có vẻ không lịch sự và không vệ sinh, nhưng từ thuở xa xưa, ông cha ta đã sinh sống cùng với thói quen ăn như vậy và chẳng có vấn đề gì. Tất cả chúng ta đều làm điều ấy mà không hề băn khoăn hay nghĩ ngợi gì.

Ở Thái, nhiều người vẫn ăn bằng tay và chẳng ai đánh giá tầng lớp, địa vị xã hội của họ qua hành động ấy. Tuy nhiên, việc này cũng còn tùy thuộc vào từng địa điểm và tùy vào những dịp khác nhau, với những bữa ăn khác nhau. Khi mời khách dùng bữa bằng tay, chủ nhà Thái thường sử dụng những phép xã giao thông thường và khi tất cả mọi người cùng ăn theo cách đó, bữa ăn sẽ trở nên rất lịch sự, thanh nhã.

Trong bữa ăn truyền thống, người Thái hiếm khi để tất cả các món ăn đựng chung trong một chiếc đĩa. Chính vì vậy, lối ẩm thực theo kiểu của phương Tây với thịt, rau và nước sốt đựng chung có vẻ như hơi khác lạ so với ẩm thực Thái Lan. Tuy nhiên, người Thái lại sử dụng dao, dĩa rất thành thạo. Hầu hết tất cả những người Thái đều có thể ăn được bằng dĩa và thìa khi họ không trực tiếp dùng tay để ăn. Trừ khi ai đó được mời đến dùng bữa tại một gia đình Thái, còn theo lẽ thường thì chỉ có những vị khách đặc biệt thân thiết với gia đình mới được mời dùng bữa tối khantoke, do đó, bạn nên tận dụng cơ hội của mình để thưởng thức bữa ăn độc đáo này. Những vị khách du lịch từng có cơ hội thưởng thức một bữa ăn truyền thống của người Thái ở Bangkok thường bỏ lỡ bữa khantoke vì họ luôn nghĩ rằng hai bữa ăn này là một. Bữa ăn khantoke kèm với việc được thưởng thức các màn trình diễn vũ điệu thường được yêu thích hơn bất kì bữa ăn nào khác của Thái bởi không khí thân mật bao trùm và phong cách ẩm thực độc đáo cùng với những giai điệu êm dịu.

Nguồn ảnh Internet

 
Khantoke tượng trưng cho một nét văn hóa truyền thống độc đáo của Vương quốc Lanna, tên gọi trước đây của miền Bắc Thái Lan, và đó hoàn toàn không phải chỉ là một bữa ăn được sáng tạo ra để làm hài lòng du khách. Vua Mengrai là người đã khởi lập triều đại trị vì ở Lanna và lập kinh đô nơi đây. Ông đã có công rất lớn và góp phần đem lại sự phồn vinh cho đất nước trong nhiều lĩnh vực như khoa học, chính trị, đạo Phật, nghệ thuật và văn hóa.

Khantoke là một trong những di sản văn hóa của miền Bắc Thái Lan. Cho đến ngày nay, khantoke vẫn được dùng để gọi tên của những bữa ăn trưa hay tối do chủ nhà tự tay làm để mời khách vào những dịp lễ tết hay kỉ niệm như lễ cưới, khánh thành nhà mới, mừng sinh nhật, tiệc mừng thăng chức, mừng thọ. Ở các đình chùa, khantoke thường được thưởng thức trong các buổi lễ như Bhote, Wiharn, Sala, các lễ hội lớn hàng năm như Khao Pansa, Og Pansa, Loy Krathong và mừng năm mới.

Khay, dao bay, muôi và các đồ dùng đựng thức ăn là những thứ không thể thiếu trong một bữa khantoke. Những vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, mây và vỏ dừa thường được dùng để tạo ra khay và nhiều vật dụng đựng thức ăn. Vỏ dừa dùng để làm dao bay và muôi, tre dùng để tạo ra bát, đĩa, hộp, khay và những thứ tương tự như thế.

Bệ đặt khay trong bữa ăn khantoke thường là những chiếc bàn tròn, thấp, chân gắn vào đáy tròn của khay. Khay ăn khantoke (đôi khi được gọi tắt là toke) ban đầu được làm từ những khúc gỗ tếch rỗng, tiện và khắc bằng máy. Sau khi đã được tiện, khắc và sơn bóng bằng vecni, những chiếc khay được đem ra sử dụng. Đôi khi người ta cũng dùng cả tre và mây để thay cho gỗ tếch, do đó, những chiếc khay ăn khantoke được làm từ tre, mây và phủ một lớp sơn mài giờ đây đã trở nên rất phổ biến ở Thái. Trong tiếng Thái, “kian” là từ dùng để chỉ sự tiện, khắc, vì vậy “baan chang kian” hay “wat chang kian” là nơi ở của các thợ tiện thủ công thời xưa.

Điểm thú vị ở những bữa ăn truyền thống khantoke là sự kết hợp của những vũ điệu cổ điển cùng âm nhạc và những món ăn tuyệt hảo. Có lẽ chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả hết được những vẻ đẹp nghệ thuật của di sản văn hóa này. Xem các màn trình diễn, đặc biệt là những màn có sự góp mặt của nhiều vũ công, gợi cho tôi liên tưởng đến những cánh đồng rực rỡ hoa hướng dương, những cánh đồng lúa trĩu bông đung đưa trong thanh âm ồn ã của những chiếc máy tời trong đêm gió mơn man, hay hình ảnh của những cánh chim biển chao liệng trong làn gió ấm nồng. Các vũ điệu Thái như một sự phơi bày những cảm xúc trong muôn vàn ý thơ. Xuất phát từ vũ điệu hoàng cung của vua Siam, những vũ điệu này đã lan rộng đến tận những nước phương đông như kinh đô Angkor của Khmer và được các vũ công biểu diễn thành công, làm toát lên được vẻ cao quý, trang trọng.

Trong bữa ăn Khantoke, du khách sẽ được thưởng thức
những vũ điệu cổ điển độc đáo như thế này – Nguồn ảnh : Internet

Thực khách phải cởi giầy trước khi vào hội trường rộng để thưởng thức bữa tối khantoke. Đó là một căn phòng làm bằng gỗ tếch, được trang trí toàn bằng những nguyên vật liệu tự nhiên. Nhân viên phục vụ trong những bộ trang phục truyền thống sẽ niềm nở dẫn bạn đến chỗ của mình, một vị trí thoải mái với đệm trải trên thảm. Bạn có thể di chuyển thảm đến gần bàn ăn, hoặc bất cứ chỗ nào bạn thích. Chỉ trong chốc lát, những nhân viên phục vụ nhiệt tình chu đáo sẽ mang đồ uống và khantoke đến cho bạn. Tôi có thể đảm bảo rằng đó sẽ là một trong những bữa ăn ngon nhất mà bạn từng có dịp được thưởng thức.

Bạn phải dùng tay vê một ít xôi đặt trong những giỏ tre đan thành những viên nhỏ, tròn (việc này phải thực hiện một vài lần mới có thể thành thạo được). Sau đó, nhúng những nắm xôi này vào đĩa đựng các món ăn chính. Khi ăn, bạn không nên đưa cả tay vào miệng, như vậy sẽ rất bất lịch sự và làm mất đi sự tao nhã của bữa ăn. Sau khi ăn hết, rửa sạch tay và vê những nắm xôi tiếp theo. Tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp địa vị trong xã hội cùng nhau ăn theo cách ăn truyền thống này trong các bữa ăn kỉ niệm lễ hội văn hóa hay các bữa tiệc gia đình. Chính điều đó đã khiến cho cách ăn này trở nên dễ dàng hơn và thêm phần thanh lịch hơn.

Nhưng trước hết, bữa ăn sẽ được bắt đầu bằng món bí ngô chiên, sau đó, thực khách có thể ăn xen kẽ các món ớt đỏ cay dịu, cà chua và thịt lợn băm nhúng, hay những miếng gà rán mỡ màng, món cà-ri thịt heo của Miến Điện, mềm, dễ ăn mà chắc chắn bạn sẽ rất muốn được thưởng thức lần thứ hai.

Ớt nhúng gọi là nam prik awng, được trộn đều với những miếng tóp mỡ hoặc những lát dưa chuột tươi ngon, hay trộn với bất cứ thứ gì bạn thích. Thịt gà và hangleh, tên gọi của món cà-ri heo, ăn rất hợp với bắp cải rán trộn hoặc xôi hay cơm trắng. Bên cạnh cơm, bạn còn có thể thưởng thức phở xào trong bữa khantoke. Các món tráng miệng được phục vụ riêng và bao gồm cơm rang giòn, hoặc nếu bạn muốn phá bỏ những thông lệ thì có thể uống trà hay cà-phê.

Khi các thực khách đã dùng được nửa bữa ăn của mình, ban nhạc cổ điển sẽ hòa tấu cho đoàn vũ công biểu diễn trong những trang phục đẹp mắt, hoặc đôi khi là những diễn viên múa . Những vũ điệu cổ điển thông qua những bước di chuyển nhịp nhàng của các vũ công sẽ khiến bạn hài lòng. Đó là những vũ điệu rất riêng của miền Bắc Thái Lan, hoàn toàn khác biệt so với những vũ điệu vẫn được trình diễn ở Bangkok hay Ayutthaya, và được bắt nguồn từ lịch sử, nền văn hóa, từ lối sống của người dân khu vực này.

Một vài vũ điệu như fingernail (múa bằng móng tay) chỉ được biểu diễn trong các dịp đặc biệt như trong các cuộc thăm viếng quốc gia, bởi đó là những vũ điệu chậm, trang trọng và uyển chuyển, tạo nên sự trang nhã. Những vũ điệu như múa gươm đơn lại mang vẻ đẹp của sự mạnh mẽ với những đường gươm sáng lóa. Trong khi đó, các màn trình diễn những vũ điệu đi săn lại mang đầy sự kì bí, được dàn dựng từ các tác phẩm văn học dân gian của nhiều vùng miền khác nhau. Thể loại thứ tư là điệu múa xoay uyển chuyển cùng với dải lụa mềm, lột tả được nhiều khía cạnh của cuộc sống nơi làng quê.

Vũ điệu fingernail đặc biệt – Nguồn ảnh : Internet

Trước đây, trong một số trường hợp, các vũ điệu hoặc là được dàn dựng, hoặc được làm tăng tính nghệ thuật bởi các thi sĩ và những biên đạo múa của Hoàng cung để kỉ niệm nhiều dịp đặc biệt như chuyến thăm viếng Hoàng gia của vua Prajadhipok và vua Rama thứ 17 đến Chiang Mai vào năm 1927. Một số vũ điệu khác thường lấy nguồn cảm hứng từ các thành viên của gia đình Hoàng tộc Chiang Mai cổ đại.

Dòng tộc Hoàng gia Shan và Miến Điện thể hiện bản sắc của họ qua vũ điệu Mahn Mui Chiangta, còn điệu nhảy Thái Lue là điệu nhảy đặc trưng của người Thái Lue sinh sống tại làng Nong Bua, thị trấn Nan. Tại Thái còn có điệu Ramwong (điệu xoay vòng), là một điệu nhảy dân gian đặc trưng, rất phổ biến ở thời điểm 60, 70 năm trước đây.

Chương trình biểu diễn trở nên đặc sắc hơn khi các vũ công hướng dẫn các thực khách nhảy và mời họ cùng tham gia, tạo một không khí đầm ấm, thân mật, vui vẻ cho đoạn kết của chương trình.

Bữa ăn kéo dài khoảng hai tiếng bao gồm cả màn biểu diễn các vũ điệu. Đây thực sự là một bữa ăn bạn nên tham gia khi đến thăm Chiang Mai. Thậm chí, những người Thái ở Bangkok hay ở những vùng khác của Thái Lan vẫn luôn mong được đến các nhà hàng khantoke khi họ đi du lịch đến Chiang Mai.

Dịch từ Things Asian
Linh Nga (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *