Ngoài công cuộc cứu trợ rất quyết định của chính quyền và quân đội, chúng ta gặp lại những hành động, cử chỉ cảm động của người dân – những nhóm – những tổ chức xã hội đến với bà con vùng lũ như ta thường thấy. Từ em bé đến cụ già, từ người nghèo đến đại gia dù đang gặp “lũ” trong suy thoái kinh tế toàn cầu và giá cả sinh hoạt không ngừng lên cao vẫn “múc bụng” mình cứu trợ vùng bão. Thiên tai như cơn lốc làm bật lên những tấm lòng vàng bị giấu kín trong cuộc sống vất vả thường ngày.
Cuộc cứu trợ mới bắt đầu nhưng báo chí cũng đã đăng rải rác và chắc sẽ mỗi ngày một nhiều hơn phản ảnh chuyện tiêu cực giống những năm trước. Đại loại như tiền và hàng cứu trợ được phân phối không công bằng, bị xà xẻo, thậm chí bị hờ hững theo kiểu dân cần nhưng quan không vội. Vẫn có thể xẩy ra như mọi năm một số hàng cứu trợ kém phẩm chất, gạo mốc, thịt hộp quá đát, một số cá nhân hay doanh nghiệp dùng hỗ trợ lũ lụt để PR hứa lèo mười voi không bát xáo…
Phải nói rằng, việc cứu trợ là hành động của con tim, của “bài học làm người” (lời Tổng thống Chi-lê sau vụ cứu thợ mỏ), nhưng khi được lặp đi lặp lại năm này năm khác một cách thụ động “nước đến chân mới nhảy” cùng một phương pháp, một kiểu cách, một số hàng hóa nhất định (như mì tôm) v.v… chắc chắn sẽ làm mọi người mỏi mệt. Với nước ta, lũ lụt không phải là chuyện lạ, chuyện mới. Vậy thì tại sao chính quyền, các tổ chức xã hội và cả dân chúng vẫn luôn phải thụ động và lúng túng đối phó? Chuyện đã xưa như trái đất, nhưng bao nhiêu năm trôi qua mà vẫn chưa có được một kế sách lâu dài đối với vùng lũ? Tuy phương tiện thông tin và kỹ thuật tối tân vượt bực đã làm việc cứu trợ có hiệu quả hơn thời Vũ Trọng Phụng trong Vỡ đê, nhưng cái khốn khó của người dân, cái bất lực của cứu trợ thì vẫn còn đó.
Ngân sách Nhà nước và quỹ dự trữ quốc gia năm nào cũng phải bỏ ra một số tiền gạo rất lớn để cứu trợ lụt bão ở một số vùng hầu như chúng ta đã biết trước. Đã ai nghĩ tới chuyện sử dụng tài lực này chủ động hơn và có hiệu quả hơn đối với những vùng trọng điểm thiên tai? Ví như giúp dân (cho vay hay tài trợ) đóng thuyền con, thậm chí thuyền thúng thay vì vài chục cái ca-nô để cứu hàng chục vạn người bị cô lập trong biển nước? Một cái thuyền con cho mỗi gia đình vùng lũ có giá trên dưới một triệu đồng nhưng có thể cứu được nhiều mạng người, nhiều của cải có giá trị gấp hàng trăm lần. Cũng có thể giúp mỗi hộ vùng trọng điểm xây dựng một cái chòi chống lũ để người dân tự chủ, tự cứu mình và tài sản, đặc biệt là lương thực và nước sạch như một số đồng bào ở miền Trung đã làm một cách hiệu quả? “Một cái thuyền, một cái chòi cho mỗi gia đình vùng lũ”, mục tiêu ấy có thể đạt bằng nhiều cách nhưng chắc chắn trong tầm tay. Chẳng hạn chỉ cần khoảng 20 tỷ đồng là đủ sắm cho 20.000 hộ dân vừa bị ngập ở Hà Tĩnh mỗi hộ một cái thuyền con. Sao vẫn chưa có đề tài nghiên cứu đầu tư một công cụ đưa lại lợi ích lớn như thế? Đã có ai nghĩ tới một “thực đơn” cứu trợ cho vùng lũ ngoài mì tôm? Những ý nghĩ bất chợt ấy nhất định quá thiếu sót, cho nên đòi hỏi phải có một kế sách, một chiến lược lâu dài trên cơ sở những nghiên cứu nghiêm túc. Tình thương đùm bọc, nhiệt tình cứu trợ không thể thay thế trí tuệ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học hiền tài.
Vấn đề cuối cùng là, chúng ta đã đặt lên bàn cân vĩ mô phương án chủ động phải sống chung với thiên tai khi biết chắc rằng chưa có cách gì loại trừ chúng hay chỉ là kêu gọi tình thương lúc hữu sự? Ông Lê Huy Ngọ – nhà “cứu trợ” nhiệt tình cấp quốc gia được dân biết nhiều trước đây – vừa mới phát biểu với báo chí : “Bây giờ có một bàn tròn nho nhỏ để trao đổi về chuyện cứu trợ bão lụt là ý tưởng hay. Nếu thực hiện được việc này, tôi nghĩ nên kêu gọi cả Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… để bàn làm sao việc ủng hộ được thiết thực hơn” (trích).
Một phát biểu rất hay, nhưng xin phép đặt vài câu hỏi : Tại sao “bây giờ” mà không phải mấy năm trước? Tại sao lại “bàn” mà không nghĩ tới những đề tài khoa học nghiêm túc cấp nhà nước? Có câu nói của nhà văn Maxim Goocki : “Mu-jich Nga không mất mùa trên cánh đồng, mà ở trong đầu”. Có thể nói thêm : Thiên tai cũng đến từ những cái đầu lười suy nghĩ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân – Theo VNQĐ