Một đoạn video nổi tiếng trên YouTube ghi cảnh Kellie Pickler, người đẹp tóc bạch kim của cuộc thi “American Idol”, xuất hiện trong game show của Fox mang tên “Bạn có thông minh hơn một học sinh lớp 5 không?” Câu hỏi trị giá 25.000 USD là một câu hỏi về địa lý : “Budapest là Thủ đô của quốc gia châu Âu nào?”

Pickler tung cả hai tay lên không trung và nhìn về phía tấm bảng đen với vẻ bối rối. “Tôi tưởng châu Âu là một nước chứ” – cô nói. Và để an toàn, cô lựa chọn trả lời theo đáp án của một học sinh lớp 5 “chính hiệu” : "Hungary. Đói ấy à?”[i] – cô hỏi với đôi mắt mở to đầy nghi ngờ – “Đó là một nước sao? Tôi đã nghe về Gà Quay[ii]. Nhưng Đói ư? Tôi chưa từng nghe tới… ”

Chính những sự thiếu hiểu biết về thế giới như vậy đã thôi thúc Susan Jacoby, tác giả cuốn “Thời đại của sự điên rồ kiểu Mỹ”. Bà là một trong những tác giả đang viết sách bày tỏ sự tiếc nuối cho tình trạng văn hoá Mỹ.

Trong số những tác giả bị coi là điên rồ này còn có Eric Wilson. Cuốn “Chống lại hạnh phúc” của ông cảnh báo rằng “việc bị ám ảnh về hạnh phúc theo kiểu Mỹ” sẽ “dễ làm mất tính sáng tạo và kết cục có thể là sự huỷ diệt, cũng kinh khủng như những gì đã được dự báo về việc trái đất nóng lên, môi trường bị huỷ hoại và làm giàu phóng xạ.”

Tiếp đó là cuốn “Chống lại máy móc : Làm người trong thời đại của thiết bị điện tử” của Lee Siegel. Cuốn sách buộc tội mạng Internet đã cổ vũ thuyết duy ngã, làm giảm khả năng trao đổi và thúc đẩy thương mại hoá vô tội vạ.

Susan Jacoby

Jacoby vừa cho ra mắt cuốn sách của mình mới đây, không nhắm vào một thứ công nghệ hay cảm xúc nhất định nào, mà tới những điều bà cảm thấy. Đó là một thái độ thù địch chung đối với tri thức.

Bà biết rõ nhiều người sẽ phản đối hành động lập dị của mình. “Tôi đang chờ bị chỉ trích” – người phụ nữ 62 tuổi này nói. Bà không phát biểu với tư cách một người già đang trách mắng thanh niên vì đã vi phạm các giá trị chuẩn mực, hay một người theo chủ nghĩa thế tục, tôn sùng khoa học để phủ nhận tôn giáo.

Tuy nhiên, bà Jacoby cũng sớm chỉ ra rằng, những chỉ trích của bà không giới hạn ở tuổi tác hay tư tưởng. Bà biết những người mọt sách, chỉ biết lý thuyết hoặc chỉ quan tâm tới các vấn đề hàn lâm đều bị coi là ngớ ngẩn, bị nhạo báng và xua đuổi trong suốt lịch sử nước Mỹ. Các tác giả, từ tự do đến bảo thủ, từ Richard Hofstadter đến Allan Bloom, đều thường xuyên phân tích vấn đề này và đưa ra lời khuyên.

Nhưng bà Jacoby cho biết một điều gì đó khác đang diễn ra : anti-intellectualism (thái độ cho rằng “học nhiều quá có thể nguy hiểm”) anti-rationalism (“tư tưởng cho rằng không hề có những điều hiển nhiên hay tất yếu, chỉ có quan điểm mà thôi”) đang lan rộng một cách đáng lo ngại.

Bà cho rằng, người dân không chỉ thờ ơ với kiến thức khoa học thường thức hay hiểu biết văn hoá, đời sống phổ thông, mà họ còn cho rằng những chuyện đó (không có kiến thức) chẳng có hại gì.

Bà ví dụ bằng điều tra của Hội Địa lý quốc gia (Mỹ) năm 2006. Kết quả cho thấy gần một nửa thanh niên tuổi từ 18 đến 24 cho rằng chẳng cần phải biết những quốc gia mà đài báo đưa tin nằm ở chỗ nào. Hơn ba năm kể từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, chỉ có 23% thanh niên trong độ tuổi đó và một số ít học sinh trung học xác định được vị trí của Iraq, Iran, Ả rập Xê-ut và Israel trên bản đồ.

Bà Jacoby – tác giả của 7 cuốn sách – trong chiếc áo cao cổ màu đỏ tươi và son môi cùng màu, đang ngồi trong ngôi đền của tri thức – Thư viện công cộng New York, toà nhà Beaux Arts trên Đại lộ Thứ năm khi có ý tưởng viết sách trở lại. Đó là vào năm 2001, ngày 11 tháng 9.

Khi trở về nhà ở khu Upper East Side, cảm thấy kiệt sức và rối bời, bà dừng lại ở một quán rượu. Vừa nhấm nháp rượu, bà vừa lặng lẽ lắng nghe hai người đàn ông ăn mặc sang trọng. Trong một giây, bà nghĩ họ sẽ so sánh cuộc tấn công kinh hoàng ngày hôm đó với sự kiện quân Nhật ném bom Trân Châu cảng năm 1941.

– "Chẳng khác gì Trân Châu cảng" – một trong hai người đàn ông lên tiếng.

Người thứ hai hỏi : – "Trân Châu cảng là cái gì?"

– "Là khi mà người Việt Nam ném bom xuống cảng và khơi mào cuộc chiến ở Việt Nam” – người thứ nhất đáp.

"Chính trong khoảnh khắc đó – bà Jacoby nói – tôi quyết định viết cuốn sách này”.

Bà Jacoby không hy vọng sẽ làm nên cuộc cách mạng trong hệ thống giáo dục của đất nước hay làm cho vài triệu người Mỹ vứt bỏ “thần tượng Mỹ” và quay sang ngưỡng mộ triết gia Đức Schopenhauer. Nhưng bà muốn bắt đầu một cuộc đối thoại về việc tại sao nước Mỹ lại đặc biệt dễ bị tổn thương trước một xu hướng tư tưởng độc hại như vậy.

Dù sao, “đế chế truyền thông không dừng lại ở biên giới nước Mỹ” – bà nói. Sinh viên ở nhiều quốc gia còn giỏi hơn hẳn sinh viên Mỹ về khoa học, toán học và đọc hiểu trong các kỳ thi.

Bà phần nào cho rằng, trách nhiệm thuộc về hệ thống giáo dục kém hiệu quả. “Dù người ta đi học càng lúc càng lâu năm hơn, nhưng chẳng có gì chứng tỏ họ biết nhiều hơn” – bà nói. Bà cũng phản đối trào lưu chính thống tôn giáo (tuyệt đối tin vào Kinh thánh) có tư tưởng chống lại khoa học khi chỉ ra các kết quả điều tra cho thấy, gần hai phần ba dân Mỹ muốn được học thuyết sáng tạo (Thượng Đế tạo ra vạn vật) cùng với thuyết tiến hoá.

Bà muốn tránh bị gọi là tự do hay bảo thủ, mà muốn được coi là “người bảo tồn văn hoá”.

Tác phẩm của Susan Jacoby

Với toàn bộ nhiệt huyết dành cho giáo dục của mình, bà Jacoby cho biết, bà đã nhận ra việc thay đổi nền văn hoá giải trí 24/7 khó đến mức nào. Vài năm trước, bà từng tham gia một chiến dịch thường niên, vận động tắt TV trong vòng một tuần. “Tôi choáng váng khi biết việc đó khó đến thế nào với mình” – bà nói.

Chính sự ngạc nhiên vì mình quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử và truyền thông đa phương tiện đã giúp bà nhận ra nền văn hoá giải trí đã lan rộng đến đâu và con người dễ bị ảnh hưởng đến mức nào, kể cả những người lập dị.

Đông Quang (Vietimes) dịch từ International Herald Tribune
——————————— 
[i] Trong tiếng Anh, tên nước Hungary đọc gần giống từ hungry, có nghĩa là đói. 

[ii] Vì đang nhắc đến “đói” nên cô gái nghĩ tới chuyện ăn uống và món gà quay mà người Mỹ gọi là turkey, trùng tên với nước Turkey, tức Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *