Nhớ Sài Gòn hồi trước, đường rầy xe lửa chạy tới gần chợ Bến Thành. Năm tôi vào lớp đệ thất trường Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai), bắt đầu mặc áo dài trắng, mang guốc gỗ, chiều tan trường cùng nhỏ bạn đi dọc đường Bà Huyện Thanh Quan, qua vườn Tao Đàn, dài theo đường Lê Lai đến đại lộ Nguyễn Huệ ra bến Bạch Đằng, gọi là “bát phố”. Có lần dừng chân ở chỗ bây giờ là công viên cạnh khách sạn New World, nhỏ bạn nói : Đây là nhà ga. Tôi nói, mình thử đi theo đường rầy coi tới đâu. Nhỏ bạn làm ra vẻ nghiêm trang : Bố bảo tới Hà Nội đấy. Nhưng mình không thể đi tới đâu. Xa lắm.
Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe một người bằng xương bằng thịt, chứ không phải sách vở báo chí, thốt ra hai tiếng Hà Nội. Một người trang lứa với tôi, ngồi bên cạnh tôi trong lớp, cùng tôi “bát phố” mỗi ngày, nói với tôi đủ thứ chuyện trên đời, cùng tôi ăn vụng me cóc ổi trong giờ học, cười khúc khích và ngắt véo nhau đau điếng. Một người quê ở Hà Nội, nhưng chưa bao giờ về quê. Hà Nội xa lắm.
Thỉnh thoảng đôi bạn mộng mơ. Bạn tôi nói nếu sau này tàu hỏa chạy, chúng mình sẽ đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, tàu sẽ ngang qua Nha Trang, Đà Nẵng, Huế… Hai đứa tìm trong thư viện trường tấm bản đồ Đông Dương thời Pháp có vẽ tuyến đường sắt, dò theo từng địa danh không dấu, tưởng tượng từng mảnh đất xa lạ nằm dọc bờ biển hình chữ S. Theo bản đồ này Việt Nam bị chia làm 3 kỳ. Ở thời điểm hai đứa tôi mơ mộng, đất nước còn chia làm hai miền. Tụi tôi lớn lên cùng chiến cuộc leo thang, không biết bao giờ quê hương thanh bình, thống nhất.
Phố Ngõ Gạch trong chiều mưa. Tranh Bùi Xuân Phái |
Một mai đất nước thanh bình, ta sẽ đi thăm khắp quê hương, Huế – Sài Gòn – Hà Nội một nhà… Tôi nhớ như đó là lời ca tiếng hát của thời tụi tôi trẻ, cũng là ước nguyện của rất nhiều – nếu không phải là tất cả – người Việt Nam. Dù rất mơ hồ, dù không tin tưởng lắm, ước mơ một ngày nào đó sẽ đi tàu hỏa ra Hà Nội nhen nhúm trong lòng tôi, có khi chìm lắng vào góc khuất nào đó, có khi trỗi dậy cháy bỏng. Có lần, tim tôi thắt nghẹn khi nghe hai tiếng Hà Nội, cũng được thốt ra trong nghẹn ngào. Lần đó, trong lớp học, giáo sư bước vào lớp với nét mặt bần thần ngơ ngác như đã thức trắng đêm. Thầy cố giữ bình tĩnh, cố bắt đầu bài giảng như thường lệ, nhưng rồi thầy chợt nghẹn giọng. Nước mắt rưng rưng, thầy nói : “Mỹ đang ném bom Hà Nội”.
Tôi không có thân quyến ở Hà Nội. Bà con ở quê tôi nghe người nói “giọng trọ trẹ” là kể như người “ngoài Huế” hay dân “Bắc kỳ”. Thỉnh thoảng, dân làng tôi đi Nam Vang mua bán, đi bữa nay thì mơi hay mốt là về. Với ông ngoại tôi, Nam Vang là nơi đến được. Ở đó, người ta cũng ăn cơm gạo cá mắm như mình, chứ còn Hà Nội? Tôi nhớ có hỏi thử ông ngoại có biết Hà Nội ở đâu không, ông nói : “Ở Bắc kỳ!”. Tôi hỏi Bắc kỳ ở đâu, ông mắng : “Mồ tổ cha mày, ở Việt Nam chứ ở đâu?”. Tôi nghĩ, do giáo dục ở nhà trường mà tôi có ý thức về một quốc gia, một dân tộc. Tôi không ngờ một nông dân miền Đông Nam bộ như ông ngoại tôi cũng biết Hà Nội với Sài Gòn đều là Việt Nam. Non trăm năm mảnh đất bị chia cắt thành ba kỳ rồi hai miền, nhưng hình như trong lòng người, ai cũng chỉ có một Việt Nam.
Khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, tôi đang tuổi đôi chín đôi mươi, tuổi của những hoài bão lớn và ý tưởng táo bạo. Nhưng cuộc thanh bình không diễn ra như tưởng tượng thuở còn thơ. Thật lòng, tôi bị sốc với những người “từ Hà Nội” vào Sài Gòn những năm đầu hòa bình. Sau này, người ta nói với tôi không phải ai ở Bắc vĩ tuyến 17 đều là “người Hà Nội”, thậm chí khi ra Hà Nội, tôi nghe người ta nhấn mạnh “không phải ai ở Hà Nội đều là người Hà Nội”. Gần đây, đọc một số bài do những người tự nhận là “người Hà Nội gốc”, bảo thủ tiếng nói Hà Nội, phong cách Hà Nội, vân vân, tôi càng cảm thấy ý nghĩa hai tiếng Hà Nội bị thu hẹp.
Từ khi bắt đầu được gieo vào lòng tôi lúc mười hai mười ba tuổi, Hà Nội tựu hình trong tôi như một nửa nước Việt Nam bị tách rời, là tất cả đồng bào bên kia giới tuyến. Đến khi hai miền thống nhất thì Hà Nội, thủ đô của đất nước, mang ý nghĩa tượng trưng cho cả nước. Ước mơ đi tàu hỏa từ Sài Gòn ra Hà Nội là ước mơ hành trình xuyên Việt, thăm thú những miền đất nước mà mình gọi là quê hương Việt Nam.
Mãi đến đầu thập niên 1990, tôi mới có thể thực hiện hành trình mơ ước đó. Ga Sài Gòn lúc ấy không nằm gần chợ Bến Thành nữa, nhưng vẫn gần như trong lòng thành phố, ngay Quận 3. Khi tàu khởi hành, xình xịch chạy qua những đường phố đông đúc xe cộ ngược xuôi, ngang qua những ngôi nhà mở cửa phơi bày gần hết sinh hoạt thường ngày, tôi nghe dậy lên cảm xúc của kẻ hành hương. Tôi có một danh sách mấy chục ga tàu sẽ ghé qua. Tôi canh lúc tàu chạy qua cầu Hiền Lương, tôi nhoài người ra cửa sổ để ngắm đất trời và chính con tàu đang chạy trên đường rầy (hồi đó, cửa sổ tàu hỏa Việt Nam chưa bị bọc lưới sắt). Tôi nghĩ đến người bạn tuổi thơ và người thầy trung học của mình, không biết hai người Hà Nội tôi từng biết ấy bây giờ ở phương trời nào, có về Hà Nội chưa?
Một lần, ở một nơi xa lắm, tôi gặp một người tự nhận là người Hà Nội nhưng “xa Hà Nội khi vừa biết yêu” và hơn nửa thế kỷ qua chưa hề trở lại. Có nhiều lý do người đó không kể ra hết, nhân câu chuyện chỉ nói mình sợ những hình ảnh ký ức nâng niu lâu nay sẽ vỡ tan khi chạm vào thực tế. Tôi không biết chia sẻ với người đó như thế nào. Với tôi, Hà Nội là Hà Nội như nó đang là. Tôi nghĩ đến Hà Nội như nghĩ đến một nơi chốn trên đất Việt Nam, người ở đó là người Việt Nam dù gốc gác tại chỗ hay đến từ khắp nơi. Dù đẹp xấu, dở hay, dù ngàn năm văn vật hay hiện đại, dù thuần chất hay pha trộn biến tướng, Hà Nội, Huế, Sài Gòn, hay Thốt Nốt, đều là những địa danh mà tôi hạnh phúc tìm thấy trên tấm bản đồ Việt Nam hôm nay. Không chỗ nào “xa lắm”. Tất cả gần gũi, thậm chí gọn lỏn trong một hình hài mảnh mai yểu điệu hình chữ S.
Lý Lan – st