Ảnh: internet

 Hoa anh đào sẽ sớm nở lại ở Nhật Bản khi mùa Đông sắp qua.

Với người Nhật, đó là một sự kiện mang tính biểu tượng đặc biệt. Ngay trong cuộc sống thường nhật, những đóa hoa này đã là biểu tượng cho Nhật Bản, sự kết hợp giữa vẻ đẹp tinh khôi và nỗi buồn vì cuộc sống của nó quá ngắn ngủi: hoa anh đào rụng cánh đúng vào lúc nó nở rực rỡ nhất. Những cánh hoa là tượng trưng cho một từ tiếng Nhật khó dịch: hakanasa nói về sự mỏng manh của đời sống.

Với Nhật Bản, đó cũng là nguồn gốc của sức mạnh. Trong lúc cả nước Nhật đang than khóc này, hoa anh đào nở rộ nhắc lại tinh thần hakanasa, mang đến cả nỗi buồn lẫn niềm an ủi. Sự mỏng manh của một nước Nhật hiện đại đã được bộc lộ theo cách kinh hoàng nhất trong trận động đất và sóng thần tàn phá miền đông bắc, cộng thêm cuộc khủng hoảng hạt nhân không biết bao giờ mới kết thúc.

Hiroyuki Yoneta, một người đưa hàng ở khu chợ cá Tsukiji tấp nập ở Tokyo, nói với phóng viên AP về sự mỏng manh của đời sống khi anh đang ngồi nghỉ sau vài tiếng đồng hồ chất tôm và cua vào quầy hàng của mình trước giờ mở cửa, 4 giờ sáng: “Thử nghĩ xem, những người đang sống một cuộc đời bình thường bỗng nhiên biến mất, không khỏi nghĩ cuộc đời, giống như những đóa hoa anh đào, chỉ là thoáng qua”.

Nhưng trong sự đối lập đến cùng cực, đóa hoa anh đào nở mong manh cũng là biểu tượng của tinh thần samurai, trung tâm của lòng can đảm Nhật Bản. Tầng lớp chiến binh trong quá khứ yêu những đóa anh đào vì họ cũng không tham lam cuộc sống này như thế, họ chỉ coi cuộc đời là vô thường, và vui lòng ngã xuống vào những khoảnh khắc đẹp nhất đời mình.

Ngày nay, khi người ta so sánh những người làm công ăn lương ở Nhật như các samurai hiện đại, không có nghĩa là họ sẵn sàng chết bất cứ lúc nào, mà là ở cách họ trải qua công việc đơn điệu buồn tẻ với tất cả cố gắng, cách họ thể hiện sự trung thành với một mục tiêu chung mà hiếm khi nào đặt câu hỏi.

Giờ đây, sau những chết chóc và thảm họa, tinh thần đó đang xuất hiện khắp nơi ở vùng thiên tai. Một gia đình đã mất nhà cửa ngồi xung quanh một đống lửa đốt tạm khi tuyết rơi xuống vào ban đêm, khuôn mặt lặng lẽ của họ sáng lên trong ánh lửa màu cam. Một ông cụ đạp xe qua những con đường đã biến mất ngập dưới bùn đất với tấm ảnh cưới của cậu con trai trong giỏ xe. Những tài xế chờ đợi một cách kiên nhẫn nhiều giờ liền trước một cửa hàng xăng hiếm hoi không bị hủy hoại trong vùng động đất.

Và đương nhiên, cả những câu chuyện hy sinh.

Kennichi Takeuchi, 81 tuổi và vợ, 78 tuổi, đã sống trong chiếc ô tô Mitsubishi màu đen bé xíu của họ từ sau động đất, giữa tuyết rơi và gió lạnh, dù họ cách trung tâm sơ tán chẳng bao xa. Cụ bà Yukiko bị viêm khớp nặng và không thể ngủ dưới sàn gỗ ở các trung tâm sơ tán. Ông Kennichi, đã sống với bà 56 năm qua, quyết định ở lại với vợ. “Chúng tôi qua ngày trong ô tô”, Yukiko nói khi con chó của bà, Meg, đang ngủ dưới chân. “Không tệ chút nào”.

Giống như cặp vợ chồng già, nước Nhật không bao giờ lùi bước trước nghịch cảnh. Những thiên tai khủng khiếp đã tấn công đất nước này, và lần nào cũng vậy, họ đều đứng lên huy hoàng hơn. Những ai từng đến thăm cố đô Kyoto đều sẽ biết rằng trong gần như toàn bộ lịch sử nước Nhật, người dân sống trong những căn nhà gỗ. Truyền thống này giúp người Nhật gần gũi với thiên nhiên hơn, và cũng giúp họ ý thức được sức tàn phá của những thiên họa rõ ràng hơn. Năm nay, nhiều người sẽ không có những ngôi nhà như thế để trở về nữa, cũng như không được thấy hoa anh đào nở nữa.

Nhưng anh đào không chỉ nở trên cây, mà còn trong lòng mỗi người Nhật. “Sau mùa Đông, chúng tôi sẽ lại thành anh đào nở và sự thay đổi trong tâm hồn”, Haruhiko Fukuda, chủ một quán ăn ở Yoneta, nói. “Tôi hy vọng điều này giúp ích cho quá trình xây dựng lại vùng động đất. Từng bước một, sửa chữa những gì đã bị phá hủy, một nhiệm vụ lớn và bước đầu tiên là có gì đó giúp chúng tôi thêm vững lòng về tinh thần”./.
 

Theo Trần Trọng (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *