(TuanVietNam) – Hầu hết độc giả các tạp chí thời trang đều biết rằng, ở một mức độ nào đó, tất cả các bức ảnh đều không thật. Nhưng khi sự chỉnh sửa đã quá lộ liễu thì người ta nhận ra rằng, một bức ảnh thật sự có khả năng kích động chứ không phải là vẻ hoàn hảo không có thực.

Lạm dụng kỹ thuật nhiếp ảnh

Trước đây, các hình ảnh thường được can thiệp bằng các thủ thuật ánh sáng và tráng ảnh. Còn giờ đây, người ta dùng đến phần mềm chỉnh sửa để làm cho các người mẫu và các nhân vật nổi tiếng trông gầy hơn, cao hơn, khuôn mặt không hề có khuyết điểm với đôi mắt sáng và hàm răng cũng trắng tinh. Dường như mọi thứ thật hoàn hảo.

Các tiến bộ trong nhiếp ảnh kỹ thuật số đã làm cho việc chỉnh sửa ảnh quá dễ dàng và những người mẫu thì khác với ngoài đời một cách kỳ lạ, như cách mà nhiếp ảnh gia Peter Lindbergh mô tả : “Họ giống như những sinh vật đến từ sao Hoả”.

Không một ai lại không có lý khi cho rằng, làn da của Gwyneth Paltrow thực sự được làm từ silly putty (một loại chất dẻo) khi người ta thấy cô xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue tháng 5/2008. Người ta cũng băn khoăn, làm thế nào mà cằm, má lúm đồng tiền và màu mắt của Reese Witherspoon lại có thể biến đổi đáng kinh ngạc như thế từ hình dáng thiên thần như Marie Claire hồi tháng 2/2008 đến khuôn mặt được đánh bóng tháng 11.

Một số blogger nổi tiếng đã chế giễu các bức ảnh lạm dụng photoshop một cách quá đáng, nhưng mức độ mà những thay đổi này được thực hiện thì hiếm khi được tiết lộ. Nhưng khi việc chỉnh sửa đã trở nên quá lộ liễu và hình ảnh chỉnh sửa khác xa với người thật, một cuộc tranh cãi chống lại sự lạm dụng kỹ thuật nhiếp ảnh đã dấy lên trong công chúng.

Nhiếp ảnh gia Lindbergh bày tỏ quan điểm của mình trong một e-mail : “Vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ ngày nay đóng một vai trò quá lớn. Nhưng những hình ảnh lạm dụng photoshop không nên được chọn để đại diện cho vẻ đẹp người phụ nữ thế kỷ này”.

Những bức ảnh cho thấy vẻ ngoài của một ngôi sao ở
mỗi tạp chí có thể khác nhau như thế nào (Nguồn: Nytimes)

 
Cuộc tranh cãi không phải lần 1

Tháng trước, ông Lindbergh đã khuấy động cuộc tranh cãi bằng cách chụp một serie ảnh các ngôi sao như Monica Bellucci, Eva Herzigova và Sophie Marceau cho Elle – tạp chí phụ nữ của Pháp – mà không trang điểm hay viện tới sự chỉnh sửa của kỹ thuật số.

Vấn đề này đã gây chấn động độc giả Pháp, nơi các nhân viên y tế lúc ấy đang phát động một chiến dịch tìm kiếm biện pháp buộc các tạp chí phải ghi chú các bức ảnh đã được can thiệp như thế nào. Còn các nhà biên tập tạp chí Mỹ, những người năm ngoái chống lại một lời đề nghị tương tự trong Hiệp hội Thương mại của mình, thì nay lại bộc lộ sự phản ứng dữ dội chống lại các bức ảnh được photoshop can thiệp quá sâu để đạt đến một vẻ đẹp hoàn mỹ.

Có vẻ cuộc phát động đã bắt đầu thành công và rất đáng khích lệ khi một tạp chí giới thiệu một bức ảnh để tự nhiên không có một sự can thiệp nào. Ví dụ tháng trước, tạp chí Life & Style đã tiến hành một bước đi hiếm thấy – đăng tải bức ảnh Kim Kardashian 100% không chỉnh sửa. Sự việc đã gây được tiếng vang lớn trong làng báo chí. Và People, tháng năm đã công bố danh sách 100 người đẹp nhất thế giới, trong đó có chân dung của 11 ngôi sao không dùng đến kỹ thuật chỉnh sửa hình ảnh nào ngoại trừ trang điểm.

Cindi Leive – Tổng Biên tập tạp chí Glamour – nói : “Các tạp chí thời trang luôn tiềm tàng những sáng tạo kỳ lạ. Nhưng những gì tôi nghe được từ độc giả gần đây cho thấy, trong làng thời trang cũng như trong mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội đang có một cơn khát “cái thật”. Nhìn chung, sự giả tạo chỉ phù hợp với 5 năm trước”.

Cuộc tranh cãi này thật kỳ lạ. Năm 2003, một trong những cuộc thảo luận sôi nổi nhất về kỹ thuật chỉnh sửa nổi lên khi Kate Winslet xác nhận tạp chí GQ (Anh) đã can thiệp quá sâu vào một bức ảnh của cô để khiến cô trông gầy hơn. Sau đó, nhiều ngôi sao cũng bắt đầu lên tiếng. Bắp tay của Andy Roddick trông to hơn trên trang bìa tạp chí dành cho phái mạnh Men’s fitnes. Katie Couric thì cân đối hơn và Faith Hill thì có vẻ gầy hơn trên Redbook.

Năm 2007, một cuộc thi khám phá các khuyết điểm của các ngôi sao khi chưa chỉnh sửa đã diễn ra sôi nổi trên trang web thời trang Jezebel. Một lần nữa, Glamour phải đối mặt với những lời buộc tội can thiệp quá sâu vào các bức ảnh, trong đó có lời buộc tội họ đã dùng kỹ thuật số để làm cho nữ diên viên Mỹ Ferrera trông thon thả hơn trên trang bìa một số phát hành trong năm 2007. Nhưng Glamour đã phủ nhận chuyện đó.

Tuy nhiên thời gian này, trào lưu chụp ảnh các ngôi sao không cần đến kỹ thuật số đã chậm lại. Như một số nhà biên tập tiết lộ, có thể vì nhà quảng cáo mà các ngôi sao đang ký hợp đồng hầu như luôn luôn đòi hỏi từng khuyết điểm phải được chỉnh sửa và các nếp nhăn phải biến mất. Kết quả là một ngôi sao có thể trông rất khác nhau ở các tạp chí khác nhau.

Peter Linbergh đã chụp ảnh các ngôi sao như Sophie Marceau với dung mạo không trang điểm trên bìa tạp chí Elle

To hay không to?

W là một tạp chí chuyên sản xuất những bức ảnh theo hai hướng khác nhau: hoàn toàn tự nhiên hoặc căn chỉnh bằng kỹ thuật số. Dennis Freedman – Trưởng Phòng Sáng tạo của tạp chí này – nói : “Những bức ảnh được xử lý nhiều không phải là vấn đề gì to tát, nhưng đôi lúc cũng cần tung ra những bức ảnh hoàn toàn tự nhiên”.

Các quy định về chỉnh sửa đã được thảo luận ít nhất là từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi George Hurrell xử lý những nét đặc trưng trên những bức ảnh của các nữ diên viên Hollywood để biến họ thành biểu tượng của sự quyến rũ. Nhưng công nghệ đã làm thay đổi phạm vi cuộc tranh cãi này, đồng thời tiếp sức cho sự chỉ trích dài hơi, cho rằng các tạp chí đang quảng cáo cho một chuẩn mực cái đẹp không thể nào đạt tới.

Đầu những năm 90 thế kỷ XX, các chương trình xử lý kỹ thuật số đầu tiên đã được ứng dụng. Lúc đó, một số đạo diễn nghệ thuật bắt đầu khám phá ra khả năng tiềm tàng của loại kỹ thuật này trong việc tạo ra những tấm ảnh làm cho các siêu mẫu trở nên quá hoàn hảo. Họ say mê tạo ra những hình ảnh giống như những gì họ đạt được nhờ các hiệu ứng đặc biệt trong điện ảnh.

Các tạp chí như The Face đã cực lực bảo vệ cho phong cách được đạo diễn nghệ thuật của họ – Lee Swillingham (nay đã là Trưởng Phòng Sáng tạo của Love) – đặt nền móng. Phong cách gọi là “cường điệu sự thật” được các nhiếp ảnh gia như Norbert Schoener, Inez van Lamsweerde, Mert và Marcus phát triển. Các người mẫu hiện lên như những nàng tiên với chiếc cổ thiên nga và eo thì nhỏ đến mức khác thường. Nhưng người ta đề cao vẻ đẹp đó và cho rằng đó là sự hoàn hảo không thể đạt được trong cuộc sống thực.

Chọn sự thật hay chọn sự hoàn mĩ giả tạo?

Ông Swillingham nói : “Chúng tôi đang tạo ra một vẻ đẹp tương lai. Bạn có thể lựa chọn sự thật nhưng không hoàn mỹ hoặc là thứ gì đó giả tạo”.

Không ai có thể dự đoán được tương lai đó sẽ đến nhanh như thế nào. Đột nhiên, các bức hình có thể được thay đổi ngay cả khi chúng đang được chụp, khung cảnh được thay thế chỉ bằng một cái nhấn nút, lúc đó, ngày cũng biến thành đêm. Bước tiếp theo trong làng thời trang sẽ là một phản ứng chống lại tất cả những điều này.
Phil Poynter, người phát động chiến dịch cho Tommy Hilfiger và các nhà biên tập cho các tạp chí LovePop bình luận : “Bất kỳ ai đã trải qua vài ngày huấn luyện với photoshop đều có thể thay đổi hình nền hoặc xoá đi một vết mụn nhỏ trên mũi một cô gái. Cuộc thảo luận lớn trong ngành kinh doanh thời trang luôn xoay quanh vấn đề : Chúng ta nên thay đổi dung nhan các cô gái hay tạo ra một bức chân dung mà một người thật không bao giờ có được?”.

Jessica Simpson qua  

photoshop và đời thường khác nhau như thế này

 
Vấn đề này một lần nữa lại nổi lên trong bài phỏng vấn mang tên “60 phút” của nhà biên tập Vogue Anna Wintour. Anna đã mô tả một bức ảnh của Irving Penn để minh họa cho một bài báo về sự nguy hiểm của bệnh béo phì. Bức ảnh đó được xem là một bức ảnh đẹp nhất chưa từng xuất hiện trên tạp chí của cô. Chân dung nhân vật hoàn toàn không trang điểm, cho thấy đó không phải là hình ảnh của một người mẫu trong một bộ thời trang cao cấp. Đó là phụ nữ béo phì đang khoả thân.

Cô Wintour trả lời ông Safer : “Đó là bức ảnh thực sự làm cho mọi người phải chú ý và làm họ kích động”.

Hàm ý mà cô muốn nói ở đây, đó là : “Những hình ảnh có thể được cho là kích động trong tạp chí thời trang ngày nay là hình ảnh chất chứa điều gì đó chân thực”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, những tấm ảnh hấp dẫn nhất là những tấm ảnh chỉ ra đặc điểm có thật, ông Freedman – thuộc tạp chí W – nói. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra câu hỏi, liệu sự chú ý của giới truyền thông vào các bức ảnh trên trang bìa tạp chí Elle của ông Linbergh có tạo nên một sự thay đổi đáng kể trên các tạp chí hay không.

Ông Freedman băn khoăn không hiểu sự thay đổi này sẽ kéo dài trong bao lâu, mặc dù nó có thể là một bước đột phá đầy thú vị và bản thân nó cũng chỉ là một thủ thuật quảng cáo. Ông nói : “Tôi sẽ không đặt hết số tiền tiết tiệm của mình để đặt cược đó là lối đi mà các tạp chí sẽ tiếp tục”.

Thanh Huyền – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *