Nghệ sĩ múa người Pháp Fabrice Lambert đã mang đến công chúng TPHCM một tiết mục biểu diễn múa trừu tượng đương đại độc đáo và tinh tế

Người đàn ông đứng trên nước, giữa tâm điểm giao thoa của sóng. Im lặng, cô độc mà vững chãi. Những con sóng lăn tăn, rồi bất ngờ chuyển động mạnh mẽ, mỗi lúc một dữ dội như muốn xô ngã cái hình thể đang đứng trên mặt nước…

Khi nhân vật bước ra từ trong không gian nước, kết thúc buổi biểu diễn thì cũng là lúc khán phòng Nhà hát Bến Thành – TPHCM vang lên những tràng pháo tay nồng nhiệt. Nghệ sĩ múa người Pháp Fabrice Lambert đã mang đến cho công chúng TPHCM một tiết mục biểu diễn múa trừu tượng đương đại độc đáo và tinh tế bằng những ngôn ngữ hình thể cùng cách phối hợp, xử lý kỹ thuật với nước thật tuyệt vời. Chương trình mang tên Ảo biến và Trọng lực (Abstraction và Gravity) vừa diễn ra tại Nhà hát Bến Thành vào đêm 9-6, do Đại sứ quán Pháp tại Việt tổ chức.

Nước và sự chuyển động

Nước và sự chuyển động là hai yếu tố chính được nghệ sĩ – biên đạo múa Fabrice Lambert chọn để chuyển tải hành trình đi tìm, đấu tranh và băng qua cuộc sống của nhân vật – đại diện cho con người. Sân khấu được trải một thảm vải màu trắng đơn giản.

Người nghệ sĩ bước ra từ bóng đêm. Ánh sáng được tiết chế tối đa. Âm thanh tạo nên một sự ngắt quãng, chập chùng và đè nặng cảm giác. Ở phần 1, Ảo biến, tâm điểm chú ý của khán giả tập trung vào những cử động của người nghệ sĩ múa. Đó là những động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng lại là một sự chống chọi, vươn dậy mạnh mẽ của một cơ thể đang bị đè nặng trước những tác động của ngoại lực. 

Nghệ sĩ Fabrice Lambert trong Ảo biến và Trọng lực. Ảnh: N.Minh

Bằng cách thể hiện mới lạ và ý tưởng uyên bác, Fabrice Lambert đã cuốn người xem vào một sự chuyển động khác ở phần 2, Trọng lực. Đó là một hành trình tìm kiếm, hòa tan và tự thích nghi của mỗi cá thể với môi trường sống. Cũng là một sự đấu tranh kiệt lực trước thiên nhiên và với chính bản thân mình. Con người có lúc chìm khuất giữa mênh mông nhưng cũng là một sinh thể mang sức mạnh vô biên có thể chiến thắng trước cả sự rợn ngợp của vũ trụ.

Không gian trắng trên sân khấu được phối hợp với ánh đèn, tạo nên một sự phản xạ ánh sáng độc đáo. Khi kết hợp biểu diễn cùng với nước thì sức hút không còn là hình ảnh thực của người nghệ sĩ trên sân khấu nữa, mà đó là những hình ảnh được phản xạ từ những thao tác biểu diễn của nghệ sĩ trong nước.

Di chuyển của nhân vật – chiếc bóng lúc nhẹ nhàng, lúc dữ dội; khi tràn đầy sức sống khi cô đơn hoang hoải. Lúc lặng im và chìm xuống cõi mơ, khi lại vẫy vùng giành lại bản ngã của chính mình. Con người cô độc trước không gian bao la nhưng cũng mang một sức mạnh và ý chí mãnh liệt đủ để xoay vũ trụ dưới chân mình…

Cảm nhận đa chiều từ ngôn ngữ hình thể

Không cần đến sự hỗ trợ quá nhiều của âm thanh, những động tác múa của Fabrice Lambert tự thân làm nên sức hút của “trọng lực”. Sân khấu đôi lúc chỉ còn lại là bóng đêm cùng im lặng bao trùm, và sự chuyển động lên ngôi. Giá trị của những thao tác hình thể được tôn vinh tuyệt đối. Sự pha loãng, hấp thụ, dãn nở và sự co lại của nước trong Ảo biến và Trọng lực vừa như một bức tranh hội họa đa chiều, vừa như một tác phẩm sắp đặt thị giác; lại giống như những thước phim nghệ thuật với những khung hình đen trắng tạo ấn tượng chiều sâu.

Biên đạo múa Fabrice Lambert có gần 10 năm điều hành một công ty giải trí tại Pháp. Anh thành lập và điều hành đoàn múa L’Expérience Harmaat từ năm 2000. Chọn chuyển động là chủ đề sáng tác và biểu diễn, Fabrice Lambert đã thành công với loại hình biểu diễn bằng ngôn ngữ hình thể qua các sáng tác: Topo, No body never mind, Play Mobile, Meuters… Anh cũng cho ra đời nhiều vở múa đương đại gây tiếng vang tại nước Pháp.

Với Ảo biến và Trọng lực, Fabrice Lambert kỳ vọng chuyển tải nhiều những tư tưởng về hành trình chiêm nghiệm sự sống của con người. Nói theo ý tưởng cao xa của biên đạo múa Fabrice Lambert là: “Sự hiện hữu của mỗi sinh thể là một điều kỳ diệu, như là một giấc mơ ảo biến nhưng cũng đầy tham vọng. Mỗi cá thể tự thân đi trong hành trình của mình và phải tự tìm kiếm, đấu tranh với khát vọng vươn lên.

Mỗi cá thể sinh ra đều mang trong các tế bào của mình ký ức của lịch sử, của nhân loại. Chúng ta hoạt động theo phương thức các lớp địa tầng hình thành từ sự trầm tích, như tổng thể các thềm lục địa xếp chồng lên nhau tạo đường cho chúng ta băng qua để sống”.

Ảo biến và Trọng lực không phải là những tiết mục múa dễ xem, dễ hiểu. Và dùng ngôn ngữ hình thể để chuyển tải tư tưởng về hành trình con người cũng không hề dễ dàng. Nhưng nghệ sĩ Fabrice Lambert đã đủ sức kéo khán giả vào đỉnh điểm cảm xúc cùng anh khi cả khán phòng im lặng, tập trung dõi theo từng động tác chuyển động rất nhỏ của người nghệ sĩ. Con người phải đối diện với tất cả cung bậc cảm xúc của cuộc sống: Lặng lẽ, cô độc, sám hối, tự vấn, đau khổ, đấu tranh…; đi tìm giá trị của sự tồn tại, vượt qua tất cả những rào cản, thách thức của cuộc sống.
.
Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *