(TuanVietNam) – Great Gatsby (tựa đề bản dịch của Trịnh Lữ là "Đại gia Gatsby") dựng lại bối cảnh xã hội Mỹ những năm 1918 – 1929. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, nước Mỹ giàu lên nhanh chóng nhờ việc bán vũ khí cho các nước tham chiến. Lúc này, nước Mỹ hùng cường trở thành một miền đất hứa, một nơi mà người ta hy vọng sẽ được hưởng hết thảy mọi quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. "Giấc mơ Mỹ" trở nên ám ảnh với những người vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh.
Tên sách : ĐẠI GIA GATSBY (Great Gatsby)
Tác giả : Francis Scott Key Fitzgerald
Dịch giả : Trịnh Lữ
Phát hành : Nhã Nam Books & NXB Hội nhà văn
*****
Đây cũng là thời kỳ mà xã hội thượng lưu ở Mỹ phát triển nhanh chóng nhờ sự tăng trưởng kinh thế thần kỳ. Tuy nhiên, xã hội Mỹ trong thời điểm đó cũng chứa đựng những sự thay đổi to lớn : sự suy đồi về đạo đức, sự bất công bằng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, phong trào đấu tranh của phụ nữ…
![]() |
Bìa cuốn Đại gia Gatsby – bản dịch của Trịnh Lữ (Nhã Nam Books & NXB Hội Nhà văn, 2009) |
Ẩn mình trong nhân vật người kể chuyện, tác giả ghi lại hành trình khám phá thế giới bên trong của tầng lớp thượng lưu ở xã hội Mỹ. Đó là những người giàu có theo kiểu "cha truyền con nối", dù đã bị sa sút ít nhiều nhưng vẫn cố gắng giữ những thói quen nhung lụa. Đó là những người mới giàu lên từ sau chiến tranh nhờ nắm bắt, lợi dụng và lừa đảo. Đó là thành phần trung lưu, đóng vai trò "góp vui" trong những bữa tiệc tưởng chừng không bao giờ kết thúc ở những gia đình giàu có…
Bên cạnh đó là những con người khao khát làm giàu, thành đạt bằng mọi cách, những người sùng bái cuộc sống hào nhoáng của tầng lớp thượng lưu. Tất cả họ làm nên một bức tranh nhốn nháo, hỗn tạp và giả dối của thời đại mà tác giả gọi bằng cái tên "Thời đại Jazz".
Nhân vật trung tâm trong tác phẩm là Gatsby. Đây là con người vừa đại diện cho những kẻ sẵn sàng làm tất cả để trở nên giàu có, vừa đại diện cho những kẻ quý tộc, cho tầng lớp thượng lưu. Ngay từ những trang đầu, tác giả đã bày tỏ thái độ khá rõ ràng của mình khi xây dựng nhân vật :
"Khi từ miền Đông trở về vào mùa thu năm ngoái, tôi đã có cảm giác mong muốn thế giới này phải vĩnh viễn mặc toàn đồng phục và trong một tư thế kiểu như đang đứng nghiêm về đạo đức, tôi không còn muốn vùng vẫy nổi loạn cùng những hé lộ ưu tiên nào nữa vào lòng người. Chỉ có Gatsby, người mà tôi lấy tên để đặt cho cuốn sách này là ngoại lệ trong mong muốn ấy của tôi – Gatsby, người đại diện cho tất cả những gì mà tôi thực lòng khinh miệt."
Đánh giá của tác giả về Gatsby thay đổi từ chỗ tò mò về sự giàu có của nhân vật trong những buổi tiệc ồn ào thâu đêm suốt sáng đến chỗ choáng váng vì sự phất lên nhanh chóng và mối quan hệ lén lút giữa Gatsby và Daisy. Mối tình giữa Gatsby và Daisy có những điểm tương đồng với chính mối tình của tác giả với người vợ Zelda. Cả Gatsby và Fitzgerald đều vươn tới sự giàu sang để thỏa mãn cuộc sống nhung lụa cho những người phụ nữ.
Cuộc sống tưởng cứ miệt mài quay cuồng phóng túng như vậy, nếu như không có những bước ngoặt định mệnh xảy ra với Gatsby.
"Gastby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai, chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn… Rồi một sáng đẹp trời… Chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ."
Và liệu sức mạnh niềm tin có thắng được tâm lý bi quan của chính người kể chuyện, hay của chính những kẻ cùng thế hệ với ông khi nhìn thấy sự thật : "Trước mắt tôi là cả một thập kỷ mới trải dài như con đường đầy bất trắc và đe dọa."
Điều Fitzgerald muốn nói thông qua cuộc đời đầy thăng trầm, những mộng tưởng và cả những bi kịch của Gatsby không chỉ là sự tôn sùng đời sống vật chất, mà còn là sự suy đồi đạo đức và nhân phẩm con người.
Thói ưa chuộng vẻ ngoài lộng lẫy, phù hoa mà rỗng tuếch không chỉ tồn tại trong những kẻ giàu có, mà còn nằm trong những người vốn nghèo túng. Những kẻ giàu có lấy việc tụ tập tiệc tùng để phô trương sự giàu có của mình, còn những người nghèo lấy nó làm bằng chứng phủ nhận "sự quê mùa" của mình.
Mối quan hệ giữa con người với con người bị vật chất hóa. Rất nhiều người tham gia bữa tiệc của Gatsby thậm chí không hề biết ông là ai và ông cũng không quen họ… Nền tảng đạo đức gia đình lung lay xiêu đổ, thói ngoại tình được thừa nhận như một lẽ hiển nhiên, tất cả tạo nên một bức tranh xã hội hỗn tạp.
Fitzgerald chuyển tải tất cả những nội dung ấy với giọng văn giản dị, đa phần là lời kể thông qua sự hồi tưởng của nhân vật. Hội thoại ngắn và thể hiện rất rõ tính cách của nhân vật. Bằng ngôn từ đôi khi rất hài hước, tác giả đã bóc trần tính cách giả tạo kệch cỡm của nhân vật hoặc dựng lên những bức chân dung hóm hỉnh : "Cô Catherine là một cô gái thon thả, trải đời, khoảng 30 tuổi, mớ tóc đỏ lởm chởm cứng nhắc, da dẻ thoa phấn trắng như sữa. Lông mày bị cô nhổ sạch đi để vẽ lại cho có nét táo bạo, nhưng lông thật vẫn nỗ lực mọc lại theo nét tự nhiên khiến mặt cô trông cứ nhòe nhòe nhoẹt nhoẹt."
Trước đây, tác phẩm đã từng được chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhan đề Gatsby vĩ đại, nhưng gần đây, dịch giả Trịnh Lữ đã chuyển ngữ một lần nữa dưới nhan đề Đại gia Gatsby với lời giải thích : Đại gia Gatsby là đại diện cho tầng lớp người giàu có mới nổi lên trong xã hội Mỹ. Sau khi đổ vỡ mọi ảo vọng về tiền tài và tình ái, nhân vật này hoàn toàn chìm vào quên lãng của các nhân vật khác trong tác phẩm. Có chăng, người duy nhất trở nên vĩ đại từ tác phẩm này chính là tác giả Fitzgerald.
Được viết năm 1925, cuốn sách cách chúng ta đ&a
tilde; 84 năm, thế nhưng đến tận ngày hôm nay, "Giấc mơ Mỹ" vẫn là nguồn cảm hứng cũng như đề tài tranh cãi trên toàn thế giới, vậy nên Gatsby và Fitzgerald vẫn hiện diện thật sinh động, với những thông điệp không thể bỏ qua!
Great Gatsby đã trở thành một tiểu thuyết kinh điển được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới, là cánh cửa mà qua đó, chúng ta hiểu hơn về bối cảnh xã hội Mĩ những năm 1918 – 1929 và nền văn học Mĩ hiện đại . Tác phẩm đã được dựng thành phim tại Hollywood và kịch tại Broadway.
Great Gatsby cũng đứng thứ 2 trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ XX của Modern Library và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.
Phương Thảo – Theo TVN