Tiếng nói Hà Nội

Không nghi ngờ gì nữa, người Hà Nội gốc có một giọng nói rất chuẩn mực. Tiếng Hà Nội không “chắc nặng” như tiếng miền Trung, cũng không khác biệt quá xa về từ ngữ, thậm chí đến mức khó nghe như với một số địa phương khác và điều chắc chắn, người Hà Nội phát âm “chuẩn” hơn. Cấu trúc âm tiết tiếng Hà Nội phù hợp với tiếng Việt chuẩn, có đầy đủ yếu tố lục thanh (không, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng). Tiếng Hà Nội khiến những người ở các nơi khác đến dễ nghe, dễ hiểu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn và gây thiện cảm nhất của người Hà Nội chính là cách nói năng, ứng xử của họ trong giao tiếp.

Một nhà nghiên cứu đã khẳng định rất ngắn gọn : Chỉ cần nghe tiếng nói cũng biết đó có là người Hà Nội gốc hay không và nhìn chung, người Hà Nội không nói tục.

Từ khi nước nhà thống nhất, tiếng nói Hà Nội càng có điều kiện lan tỏa ra mọi miền của Tổ quốc, khiến chúng ta có cảm tưởng rằng trong không gian của dải đất hình chữ S này, đâu đâu cũng âm vang tiếng nói của người Hà Nội. Cũng từ đó, đã từng có những đề án chuyên biệt về hệ thống âm chuẩn (chính âm) của tiếng Việt, trong đó “cái khung” là tiếng nói của Thủ đô Hà Nội đã được nâng lên đặt xuống, song chưa đi đến một kết luận dứt khoát nào. Nhưng cũng chính trong thời gian gần đây, dân số Hà Nội tăng vọt, đa số là tăng cơ học, đã khiến cho tấm “bản đồ tiếng nói Hà Nội” bị biến dạng đến khó tin và đặt ra những bài toán hóc búa cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, kể cả các vấn đề thuộc về chính sách văn hóa.

Hiện tại, tiếng Hà Nội gốc đang được bảo lưu ở không gian địa lý nào khi tiến trình đô thị hóa đã và đang dồn dập đến độ người các địa phương đang sống áp đảo ở Hà Nội? TS Vũ Kim Bảng thuộc Viện Ngôn ngữ học thì cho rằng, đó là khu vực 36 phố phường. Rộng hơn là vùng đất được ba con sông bao bọc : sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu – lũy thành tự nhiên bảo vệ Thăng Long từ thời Lý Thái Tổ dời đô. Còn khu vực ngoại thành ổn định nhất sau mọi biến thiên của lịch sử là hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Nhà văn Tô Hoài lại giải thích đơn giản hơn : “Không nên xem ngang nhau tiếng bờ hồ Hoàn Kiếm hoặc chợ Đồng Xuân với tiếng vùng ngoại ô. Bởi nguồn gốc hình thành và tạo nên tiếng nói, giọng nói hai vùng này hoàn toàn khác nhau”. Và nhà văn coi tiếng bờ hồ Hoàn Kiếm là tiếng Hà Nội và tiếng ngoại ô là tiếng… các làng.

Tiếng nói Hà Nội đang đứng trước ngã ba đường : hoặc cố gắng để giữ cho được vẻ đẹp vốn có khi xưa, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước sự pha tạp của thứ ngôn ngữ thời A-còng, hoặc chấp nhận hiện tượng “tiến hóa” theo nghĩa tích cực, vừa tôn trọng nét truyền thống, vừa dung nạp những nét mới phù hợp với cuộc sống hiện tại trên cơ sở thừa nhận chân lí “Không có gì là chuẩn vĩnh viễn, chuẩn chính là hướng vận động”.

Rất đúng khi cho rằng, có nhiều lối nói khác nhau cũng góp phần làm đa dạng thêm bức tranh ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, sự tồn tại các hành vi nói năng phá lệ, thiếu chuẩn mực đều là những biểu hiện khác nhau về trình độ, văn hoá, lối sống… và rất cần có sự điều chỉnh, uốn nắn.

Gần đây, chuyện nói ngọng đang trở nên đề tài nóng. Thực ra, đó không là chuyện mới mẻ. Cách đây 15 năm, người viết bài này và nhà sử học Dương Trung Quốc đã có cuộc trò chuyện trên mặt báo với cái tít “Hà Nội hay Hà Lội?”, trong đó, câu kết thúc là việc chúng tôi nói vui rằng : “Có lẽ tới đây, nên tổ chức một hội đồng hương Hà Nội giữa lòng Hà Lội”. Còn bây giờ là sự báo động, lý do là nhiều người nghĩ rằng người dân ở thủ đô không nói ngọng, nhưng thời gian gần đây, không ít người kịp nhận ra rằng tỷ lệ thanh niên Hà Nội nói ngọng khá cao.

Những chuyện hài hước là quá nhiều, điển hình vẫn phải nhắc lại rằng bên lề thảo luận của Quốc hội, được VTV đưa tin, đã có “ông nghị” hồn nhiên bày tỏ rằng : “Nếu mà dân bị đói là chúng tôi lại no” (lo). Trên màn ảnh nhỏ, trên mặt báo và đi trên đường phố, Hà Nội hay nhiều nơi khác, có thể nói vẫn bắt gặp nhiều người nói ngọng, hay nói nhịu, nói sai ngữ pháp, từ “n/ l” cho đến “b/ p”, “x/ s”… song nặng nhất, phản cảm và dễ nhận ra nhất là lỗi nói ngọng ở cặp “n/ l”.

Tôi tâm đắc với ý kiến của một nhà văn khi ông nói : “Nhìn vào một ngành có liên quan nhiều tới chữ nghĩa và tiếng nói là ngành văn chương mà tôi đã làm việc mấy chục năm nay, bước sang thời buổi thị trường, không ai ngồi trau chuốt một câu một chữ nữa. Viết bừa viết ẩu. Sai câu. Sai chính tả. Chỉ cùng một ý mà mấy lần lặp đi lặp lại… Bấy nhiêu căn bệnh không gì khác chính là những biến dạng của sự phi chuẩn trong văn hóa giao tiếp. Mang danh chuyên nghiệp đã thế, còn nói chi tới những người dân”. Tuần rồi, có tờ báo kinh tế mà lại viết “Nóng nòng chờ dự án”, một tờ báo thể thao in đậm hàng tít “Inter làm lên lịch sử”… Biết là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng vẫn thấy buồn cho báo chí Hà thành!

Có nhà sư phạm đã đề cập việc ngành giáo dục hãy kết hợp gia đình để mở hẳn chiến dịch chống nói ngọng. Đây là ý tưởng hay, nếu kiên quyết và có lộ trình cụ thể, ý tưởng này có thể đem lại hiệu quả toàn diện, song cái cốt lõi của vấn đề vẫn là quyết tâm của mỗi chủ thể.

Người xưa bảo “Học ăn học nói, học gói học mở” không chỉ là cái việc hãy học nói cho hay, mà còn phải nói đúng nữa. Và câu “Trước khi nói hãy uốn lưỡi 7 lần” cũng nên nhớ gắn thêm hàm ý là nói đúng ngữ pháp nữa cho trọn ý.

Khi sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trong đó có cả vấn đề nói ngọng. Đã có cả một cuốn sách rất đầy đặn bàn về đề tài này và nhiều tờ báo tham gia. Tiếc là bây giờ không chỉ nói ngọng, mà trong cơ quan, trường học và cuộc sống vẫn còn rất nhiều cách ăn nói khá là buồn cười. Suy cho cùng, giọng nói và những hành xử trong giao tiếp vẫn là một tiêu chí hết sức quan trọng của người Hà Nội trong một xã hội văn minh, hiện đại và thanh lịch… như truyền thống Hà Nội.

Vẻ đẹp trang phục Hà Nội

Người Hà Nội luôn tự hào với sự vinh danh ấy, đặc biệt là những chàng trai, cô gái của 36 phố phường thuở xưa. Họ mặc đẹp, đó là cái đẹp của sự nền nã, kín đáo chứ không phô trương, lòe loẹt, rất thanh lịch. Nét văn hóa đặc trưng này luôn được các thế hệ Hà Nội gìn giữ ngay cả trong thời chiến tranh gian khổ đến những năm bao cấp khó khăn hay trước cơn lốc ở thời kinh tế thị trường.

Mẹ tôi, một người Hà Nội gốc, đã kể rằng, trước năm 1954, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản hễ ra đường, dù chỉ là đi chợ cũng phải mặc áo dài. Nhiều gia đình buôn bán đông khách thì phụ nữ trong gia đình ngay khi ở nhà cũng mặc áo dài, còn ngày lễ tết lại có những thứ áo đẹp và sang trọng hơn. Những người phụ nữ chân lấm tay bùn thì mặc áo tứ thân mớ ba mớ bẩy… Theo thời gian, trang phục Hà Nội đã có những biến động đa chiều, nhưng người Hà Nội không bao giờ quên niềm tự hào với truyền thống trang phục của mình, cho dù con cháu họ đã nhanh chóng hòa nhập với các loại váy áo phương Tây trẻ trung và hiện đại. Đối với nhiều người Hà Nội, điều rất may mắn là lớp trẻ hôm nay thanh lịch trong cách ứng xử với văn hóa ăn mặc, và vẫn nhớ, vẫn tự hào vì truyền thống ông bà…

Sử sách chép rằng, trang phục của người Hà Nội cổ thời kỳ “tiền Thăng Long” không mấy khác biệt nhiều so với trang phục của người dân Văn Lang – Âu Lạc nói chung : Nam mình trần, đóng khố, thân thể, chân tay đều có xăm hình giao long (rồng) và các hình khác; Nữ mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực bó sát vào người, phía trong mặc yếm che kín. Hai loại áo này có thể là chui đầu hoặc cài khuy bên trái, trên áo cũng có hoa văn trang trí. Thắt lưng có ba hàng chấm trang trí cách đều nhau quấn ngang bụng làm cho thân hình tròn lẳn. Đầu và cuối thắt lưng thả xuống phía trước và sau người, tận cùng bằng những tua rủ. Váy bó sát thân với mô-típ chấm tròn, những đường gạch chéo song song và hai vòng tròn có chấm ở giữa. Màu sắc thường là màu vàng, đen, đỏ nâu, xám nhạt, vàng nhạt. Nên nhớ, chi tiết này là sự khác biệt với trang phục ở những nơi khác.

Cũng như những cộng đồng khác, người Hà Nội khi ấy ưa dùng các loại vòng tay, vòng cổ chân và vòng tai bằng đá, bằng đồng, cũng là những vật liệu trang sức phổ biến cho cả  nam và nữ. Lại có cả những vòng hoa tai bằng đá gắn quả nhạc hay hình con thú, bên cạnh là những chuỗi hạt đeo ở cổ khá cầu kỳ. Cũng thế, đàn ông đàn bà đều nhuộm răng đen và có tục ăn trầu cho đỏ môi chắc răng. Chỉ riêng việc nhuộm răng của người Hà Nội cũng khác với cách thức của người Dao, người Khơ-me hay cư dân ở Huế, lại gắn bó với cách hiểu về trang phục của phụ nữ. Đến kỷ nguyên Đại Việt ở thế kỷ X, do điều kiện ổn định cả về chính trị, xã hội và đặc biệt là về kinh tế, Hà Nội đã trở thành một kinh đô sầm uất và là một trung tâm kinh tế chính trị của cả nước.

Những cơ sở nuôi tằm dệt lụa thi nhau ra đời, việc bang giao với bên ngoài cũng tạo nên một “con đường tơ lụa” và gián tiếp làm cho nhu cầu ăn mặc ngày một phong phú, kéo theo sự hình thành nhiều phong cách và kiểu dáng của lối ăn mặc. Vua, quan lại các ngạch bậc, đại phu cho đến thứ dân đều có y phục tương xứng, nghiêm cẩn đúng như câu ngạn ngữ “Y phục xứng kỳ đức”. Có lẽ chỉ riêng với Hà Nội, người ta mới chăm sóc và quan tâm đặc biệt việc ăn mặc như thế, chỉ với Thăng Long – Hà Nội mới có những sách chuyên khảo về nếp trang phục của con người, chẳng hạn như cuốn Vũ Trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ, chi tiết và tinh tế đến mức phân biệt rành rọt được hầu hết những nguyên liệu dành cho y phục Hà Nội, từ sồi, the, lĩnh, lượt, là cho đến sa, xuyến, đoạn, gấm, vóc, nhung, nhiễu… Áo cánh nâu non, yếm lụa, thắt lưng màu hoa hiên, là “mốt” một thời của các cô gái Hà Nội, lại thắt dây lưng màu quan lục để nổi rõ cái lưng ong khiến bao chàng trai ngây ngất. Nhưng phổ biến nhất vẫn là áo tứ thân, thắt lưng bằng dải lụa màu, gọi là “ruột tượng”, còn với dân Kẻ Chợ hay những gia đình khá giả còn đeo vào thắt lưng một bộ “xà-tích” bằng bạc với chiếc ống vôi nhỏ và một quả đào xinh xinh đựng thuốc lào cũng bằng bạc, bên cạnh chùm chìa khoá. Ngoài sự cầu kỳ và thanh lịch của trang phục ra, trong cách ăn mặc của người Hà Nội còn có nhiều thứ đi kèm như giày dép, mũ, nón, ô, kể cả đồ trang sức bằng vàng, bạc như vòng, nhẫn, dây, xuyến… để làm tăng vẻ đẹp ngoại hình.

Đến thời Âu hóa, trang phục Hà Nội càng đẹp hơn và lịch sự hơn. Những bộ com-lê Hà thành có nét đẹp riêng khó lẫn, những chiếc áo dài Thủ đô là niềm tự hào của thợ may đất Thăng Long. Khi chúng tôi còn là những học sinh trung học, Hà Nội đã nổi bật những nhà may danh tiếng : com-lê Chấn Hưng, sơ-mi Vũ Bảo Lâm hay quần Âu Cát Long, Cát Tường… Mà cái khéo cái tài của những thợ may Hà thành là ở chỗ họ đã làm đẹp cho khách hàng từ những loại vải đơn giản nhất như chéo, ka-ki, gabadin, simili một thời gian khó cho đến sec, tecgan cùng những hàng cao cấp khác.

Như một quy luật tất yếu của lịch sử, trang phục của người Thăng Long – Hà Nội đã có nhiều thay đổi qua từng thời đại. Tuy nhiên nét riêng độc đáo từ vẻ đẹp lịch sự, trang nhã trong phong cách ăn mặc và trong kiểu cách quần áo cùng với lối trang sức Hà thành  vẫn được bảo tồn như là một đặc trưng riêng của văn hóa Hà Nội. Chào đón Đại lễ ngàn năm của Thủ đô, có nhà văn nói rằng, người Hà Nội trong bộ quần áo cần lao giản dị mà vẫn đượm vẻ phong lưu, thật chí lý.

Nguyễn Lưu – Theo HNVVN   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *