Tôi thường không giấu nổi sự thèm muốn khi ngồi cà-phê với những người bạn gái cùng lứa, đến giờ còn chưa lập gia đình. Thường thì các bạn đều là những người thành đạt, có một địa vị nào đó, có một số tài sản trong tay, vẫn còn nguyên quyền tự quyết định đời mình. Tôi hay than rằng, tôi đã mất quá nhiều thời gian với ông xã và những đứa con. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã gần bốn mươi, vẫn ăn bữa nay lo bữa mai.
Tiền là một chuyện đã đành, nếu bạn có nhắn tin rủ đi xem triển lãm tranh, đi tọa đàm sách văn học, thì tôi cũng phải nhăn nhó mà rằng : “Tớ muốn đi xem lắm, rất muốn đi. Nhưng những đứa con tớ cần có mẹ ở nhà!”. Rõ ràng, tài sản tinh thần của mình cũng chả tích lũy gì thêm, chỉ tiêu hao đi mà thôi. Bạn bè tôi lại thường trầm trồ thèm khát lũ con của tôi cùng vị trí bà vợ an phận của tôi. Như thể nếu chỉ cần có lũ trẻ này là bạn bè tôi sẽ trở nên những phụ nữ hạnh phúc nhất trần đời. Có lần, một cô bạn học cũ của tôi còn bảo, giá mà cậu cho tớ một đứa con của cậu, tớ nhường cho cậu ghế giám đốc của tớ thì tuyệt biết bao, cả hai chúng ta đều trở nên giàu có. Tôi hiểu cái chữ giàu có mà cô bạn tôi nói đến là sự no đủ trong dạ dày lẫn sự ấm áp trong tim, sự đủ đầy toàn vẹn trong cuộc sống. Tôi hỏi, sao cậu không tự đẻ một đứa? Bạn tôi nói, đã đi học bao năm, học nhiều hơn người khác cả non mười năm rồi, sau đó, vì sợ bị tụt lùi trong xã hội và phí công ăn học nên phải cố phấn đấu, mỗi thành công lại thấy có động lực để tiếp tục… từ chối đám cưới. Đến giờ, người yêu mình thì họ đã lấy vợ, người mình yêu thì họ chẳng muốn cưới mình, người muốn cưới mình thì mình không dám lấy họ làm chồng. Tuổi gần bốn mươi, có những thứ không còn nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa. Tôi ngạc nhiên, bảo, chứ không phải lần nào gặp, tớ cũng trầm trồ ghen tị với sự tự chủ độc lập và sự tự do của cậu đó thôi. Không lẽ tớ lầm? Bạn tôi bảo, cô ấy cũng có những vấn đề của cô ấy. Phụ nữ sau tuổi ba mươi, kinh nghiệm đường đời tích lũy đủ nhiều để nhìn người đoán bụng họ nghĩ gì, cũng có ít tiền và tài, chút địa vị cũng như những tinh tế của người từng trải, rõ ràng bản thân mình cũng đã “kén chọn” hơn một chút so với khi mới đôi mươi ai tỏ tình cũng đáp lại ít nhiều. Ngày xưa, chỉ cần bạn trai đứng giữa sân trường gọi tên rồi chờ đưa về đã thấy cảm động, họ tặng bông hồng cũng thấy lãng mạn, họ tỏ tình mình cũng chờ mong. Còn giờ đây, đàn ông chưa mở mồm mình đã biết họ định nói gì, đàn ông chưa tấn công mình đã biết mình sẽ không yêu được người “dưới cơ” mình, họ có tặng cả triệu bông hồng hay cả một căn nhà, mình cũng không “rung rinh” gì nữa, vì bản thân mình cũng tự mua được căn nhà. Và nam giới, nếu họ tài giỏi nhiều tiền như mình, họ lại chẳng thích những phụ nữ ngang ngửa họ. Hầu như, họ thích những cô trẻ hơn ngoan ngoãn hơn. Còn nam giới kém tuổi mình thì sợ mang tiếng là “lái máy bay bà già”, mình cũng sợ gặp phải chàng đào mỏ.
Tôi chưa từng nghĩ đến những lo âu của những cô bạn gái lưng chừng tuổi ba mươi như mình. Chỉ bởi, tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi những lo âu ấy. Nếu phụ nữ giàu, đó phải chăng là lỗi của cô ấy? Nếu yêu một nàng hơn tuổi và hơn cả tài sản lẫn bằng cấp, phải chăng là một điều ảnh hưởng đến thể diện đàn ông? Chúng ta đôi khi đã không công bằng với chính phụ nữ chúng ta. Khi tự đổ lỗi rằng mình học nhiều, làm nhiều, tiền nhiều, tuổi nhiều, tức là lý do khiến mình không vui, không hài lòng, không hạnh phúc. Trên đời này làm gì có chữ Không, chỉ có chữ Chưa mà thôi. Ai cấm bạn hài lòng và hạnh phúc, ai đưa ra quy định rằng gái nghèo thì mới hạnh phúc vui sướng bên người đàn ông giàu sang và hơn tuổi? Hay bắt một cô gái tài năng giàu có và chững tuổi phải trở nên nghèo và phụ thuộc thì mới có hy vọng gặp một người đàn ông như ý muốn? Tôi luôn tự hỏi rằng, tại sao đàn ông không mấy người chấp nhận khi mình thua kém người yêu, và tại sao họ không hài lòng khi họ được sở hữu một tình yêu và một người con gái giỏi giang hơn, làm họ giàu có hơn? Có nhất thiết đàn ông luôn phải “trên cơ” đàn bà không? Một người đàn ông chỉ tự tin và thấy an toàn khi ở bên một phụ nữ thua kém họ, thực ra đó mới là một người đàn ông hẹp hòi. Yêu sếp thì đã sao, yêu máy bay bà già thì đã sao, yêu người giàu hơn thì đã sao, nếu thực sự là yêu? Hay trước khi yêu, chúng ta đã đặt những tiền tài tuổi tác lên tối thượng, và đặt cảm xúc xuống dưới cùng? Hay đàn ông cho rằng thể diện của mình là ở chỗ kiếm được một cô nàng kém cỏi hơn? Nếu nhìn ngược lại, đàn bà sợ chàng trẻ tuổi yêu mình chỉ vì đào mỏ, vậy tại sao không nghĩ rằng, nếu đã yêu nhau, nên đưa cánh tay ra cho nhau dựa vào mà sống. Phụ nữ tuy không chấp nhận đàn ông đào mỏ nhưng lại mặc nhiên cho rằng phụ nữ nghèo hơn, sống dựa vào tiền đàn ông (tức là đào mỏ đàn ông) thì lại là việc đương nhiên? Trong khi tôi thấy, việc người này “đào mỏ” người kia dù nam hay nữ thì chả khác gì nhau, và thậm chí, cũng chả tới mức đáng kỳ thị như chúng ta thường nghĩ. Tôi dễ dàng bước vào một tình yêu, chỉ bởi tôi không còn thời gian để ý đến tài sản của họ, tuổi của họ, năng lực địa vị của họ, tôi còn bận nhìn vào đôi mắt và tâm hồn họ và cảm nhận những tình cảm gì họ có, họ dành cho mình. Chính vì lẽ đó, tôi phần nào không hiểu những lý do của tuổi sau ba mươi trước tình yêu. Bằng hình thức này hay hình thức khác, tình yêu đã mất đi lần lượt những cơ hội của nó, khi chúng ta đã đặt quá nhiều tiêu chuẩn lên đời chúng ta. Chả trách trong thành phố, ngày càng có nhiều con người “cô đơn tự chọn”.
Trang Hạ – Theo VNQĐ