(TuanVietNam) – Nguyễn Thu Uyên, cô học sinh lớp 12 Anh THPT Chuyên ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu được chú ý đến nhiều qua khả năng hùng biện tiếng Anh ở Trại hè Thanh niên Châu Á năm 2008. Những cơ hội và ước mơ mà cô gái tuổi 9X này đang chinh phục có thể khiến nhiều "người lớn"… giật mình!
Tự tin nắm bắt cơ hội
![]() |
Cô gái 9X nhí nhảnh Nguyễn Thu Uyên (Ảnh: Nguyễn Thu Hà) |
Năm 2005, Nguyễn Thu Uyên lỗi hẹn với một cuộc thi hùng biện tiếng Anh mà mình ghi danh. Một năm sau, tại cuộc thi hùng biện tiếng Anh tiếp theo có tên “September Star”, đúng nghĩa "thất bại là mẹ thành công", Thu Uyên xuất sắc vượt qua gần một trăm thí sinh giành giải nhất toàn cuộc thi.
Kể từ đó, Uyên tích cực tham gia các diễn đàn học tập quốc tế và tiếp thu những kiến thức nói trước công chúng bằng tiếng Anh từ bạn bè quốc tế.
Năm 2007 là "bước ngoặt" đáng kể khi cô đăng kí tham gia cuộc thi tiếng Anh “Khám phá nước Úc”. Đây là cuộc thi có quy mô lớn do Đại sứ Australia tại Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, phần thưởng là một chuyến đi du lịch Melbourne để đến thăm các trường THPT trong 4 tuần tại quốc đảo này.
Trước khi đăng kí qua mạng, Uyên đã phân vân rất nhiều, vì chưa có nhiều kinh nghiệm để đương đầu với nhiều đối thủ có tuổi đời và tuổi học khá hơn nhiều.
Nhưng trong suy nghĩ của cô gái 16 tuổi, nếu không biết chớp lấy cơ hội để tự tin khẳng định những gì bản thân có thì sau đó sẽ không khỏi hối tiếc. Năm đó, Uyên giành chiến thắng và có chuyến đi đầu tiên sang Úc.
Các thành tích đã đạt được : – Giải nhất cuộc thi hùng biện September Star 2006 do Language Link tổ chức. – Giải nhất cuộc thi hùng biện Khám phá Australlia 2007 do Đại sứ quán Úc và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. – Là một trong 10 đại diện của Việt Nam tham gia Trại hè Thanh Niên châu Á tại Hàn Quốc năm 2008. – Lọt vào Chung kết cuộc thi hùng biện Tìm hiểu môi trường thiên nhiên hoang dã 2008 do Đại Sứ quán Nam Phi và Cathay Pacific tổ chức. |
Thu Uyên xúc động kể : “Khi nhận được phần thưởng lớn như thế, Uyên thấy vô cùng hạnh phúc vì thực ra nói được tiếng Anh nhưng chưa bao giờ được sống trong một môi trường mới mẻ có nhiều bạn trẻ nước ngoài. Uyên đã có quyết định đúng đắn. Là người trẻ, Uyên nghĩ mình cần phải biết đâu là cơ hội để nắm bắt và tận dụng nó, để biến nó thúc đẩy ước mơ của mình. Đó là những điều mình học được thông qua những cuộc thi”.
Điều quan trọng nữa mà Uyên học được là : “Nếu bạn không sợ hãi, bạn sẽ làm được”.
Uyên cũng nói, vấn đề của nhiều người trẻ hiện tại là không biết vượt qua chính mình, tự ti, chưa sẵn sàng thích ứng và thiếu sự chuẩn bị đầy đủ để có thể phản xạ kịp với những tình huống xảy ra đột ngột.
Việc học tiếng Anh của Uyên diễn ra thật tự nhiên. Cô luôn chọn cho mình những phương án tối ưu như : tận dụng cơ hội tiếp cận với môi trường học tập tốt hơn, tận dụng cơ hội nói cùng bạn bè và mạnh dạn tạo ra những topic tiếng Anh ngay cả trên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa nhận xét : “Uyên là cô bé thông minh, bắt kịp thời cơ và sẵn sàng tranh luận bằng tiếng Anh để sửa sai và để tạo cho mình thêm tự tin khi giao tiếp bằng ngoại ngữ. Đặc biệt, để áp dụng những kiến thức đã học trên lớp, Uyên đã thực hành trong những cuộc thi và đạt kết quả rất cao”.
Nguyễn Thu Uyên còn lập Pobbing Club – một câu lạc bộ để các bạn trẻ trong và ngoài trường THPT Chuyên ngữ đến nói tiếng Anh. Đó là một sân chơi hoàn toàn mới mẻ khi dân chuyên Ngữ được thể hiện giao tiếp và tự tin khi nói chuyện với người nước ngoài.
![]() |
Uyên (giữa) và nhữngngười bạn ở Autralia |
Uyên đã bắt trúng cơ hội bằng những cuộc thi để thực hiện được mục đích của mình, đó là giao lưu, tiếp thu những nền văn hóa khác nhau để có cách nhìn và sự so sánh không bị khập khiếng.
Quan niệm sống của Uyên là : “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Thu Uyên muốn dùng tiếng Anh để hiểu biết hơn rộng hơn về thế giới, về những thứ bạn bè quốc tế có mà tại sao bạn bè tại Việt Nam không có?
Lần đầu tiên mặc áo dài đi trên thang máy ở siêu thị của thành phố Melbourne, Thu Uyên vinh dự và hãnh diện vì có rất nhiều quan chức địa phương và bạn bè trầm trồ vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam.
Từ sách về Obama đến quảng bá văn hóa
Qua những chuyến đi ra nước ngoài, Thu Uyên không chỉ biết về văn hóa các nước, mà thực sự, cô đã cảm thấy bản thân được trưởng thành và được tôi luyện.
Khi đến Úc, cô học được tính dũng cảm, can đảm và đối mặt với những thử thách của những bạn trẻ phương Tây. Và khi đến Trại hè Thanh niên châu Á tại Hàn Quốc, Uyên thấy ở đất nước này có những con người biết quảng bá những nét riêng của dân tộc họ.
Cô gái 17 tuổi trăn trở qua những chuyến đi : Vì sao Việt Nam chưa tạo dựng được một làn sóng văn hóa như ở Hàn Quốc, như nhiều nước châu Á khác?
Uyên tự tìm câu trả lời và điều đầu tiên Uyên nghĩ tới, đó là vấn đề giáo dục. Uyên nghĩ cần phải đi và học hỏi thì mới có khả năng tìm ra được hướng giải quyết.
![]() |
Uyên (đeo kính) và những người bạn Hàn Quốc |
Có thể ngồi 10 tiếng đồng hồ đọc tất cả các loại sách và tài liệu bằng tiếng Anh liên quan đến người nổi tiếng như : Martin Luther King, Bin Clinton hay Hồ Cẩm Đào và đặc biệt, Uyên rất quan tâm đến Barack Obama. Uyên coi đây là hiện tượng của nước Mỹ. Đọc sách của Obama, Uyên muốn tìm kiếm đâu là mấu chốt cho sự thành công của người đàn ông này trên con đường chính trị.
Những trang sách khích lệ giới trẻ của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama làm cho khát vọng cháy bỏng của Nguyễn Thu Uyên càng sôi sục.
Uyên tâm sự : “Uyên đã xem một buổi diễn thuyết của một giáo sư trường Harvard tại Việt Nam. Ông ấy nói rằng “nên tiến tới những điều kiện tốt nhất”, mình chỉ đi học để mang những kiến thức đó về nước, biến nó thành những việc làm có ý nghĩa thực tiễn ở đất nước mình”.
Một bảng thành tích dày đặc và bằng những kiến thức được học qua sách vở "ngoài luồng" bằng tiếng Anh, Uyên tự tin nộp đơn xin học bổng vào trường ĐH Harvard không phải vì tiếng tăm của nó, mà vì Uyên muốn được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt. Đó sẽ là tiền đề để Uyên thực hiện ước mơ trở thành nhà quảng bá nền văn hoá Việt Nam ra thế giới và tự tin hơn trong việc đưa ra tiếng nói riêng của mình – cô gái 9X tâm niệm.
Thu Uyên chia sẻ : “Bằng tất cả những gì có thể làm được, nếu mình vào Havard thì chắc chắn mình sẽ vào khoa Quản lý kinh tế vì mình muốn dùng nó phát triển vào văn hoá Việt. Không chỉ đưa văn hoá Việt ra với nón lá, áo dài, mà mình sẽ tập trung đào sâu về nhạc Việt và điện ảnh của Việt, tìm nét khác biệt thực sự của ta so với bên ngoài, để bạn bè quốc tế đến với chúng ta bằng sự tò mò và thích thú”.
Uyên rất ấn tượng với cách quảng bá thương hiệu Hàn Quốc của nhà quản lí và người dân xứ Kim Chi, vì thế, nếu có thể, Uyên sẽ làm việc ở đó vài năm sau khi học đại học.
Không chỉ là lời nói, mà Thu Uyên đã thực hiện bằng hành động. Mùa hè năm nào Uyên cũng cũng đưa bạn bè các nước đi thăm thú khắp nơi ở Việt Nam. Năm ngoái, trong lúc các bạn cùng lớp đi học thêm hay ôn luyện cho kì thi đại học tới thì Uyên khăn gói vào Đà Nẵng tham gia đoàn tình nguyện trẻ đến từ Hồng Kông và Malaysia.
Qua chuyến đi này, Uyên đã để lại ấn tượng tốt cho mỗi bạn trẻ về văn hoá miền Trung nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung. Theo Uyên, cái quan trọng là hãy tạo cho họ một điểm nổi bật để họ nhớ.
Nguyễn Thu Hà – TVN