Bây giờ cứ nghe một cô xinh xinh đang làm người mẫu hay diễn viên gì gì đó thổ lộ “em muốn làm ca sĩ” tự dưng thấy sợ. Những kí ức về “thảm họa nhạc Việt” mới ngày nào vẫn còn chưa phai…
Nhà báo đặt câu hỏi với một nữ ca sĩ trẻ: “Một ca sỹ mà hát không hay thì theo chị có nên tiếp tục đi hát không?”. Cô ca sĩ trả lời: “Thế một cô thợ may làm nghề chưa giỏi, cô ta có nên bỏ nghề không? Hay nên tiếp tục học nghề, bồi dưỡng kỹ năng và kinh nghiệm để trở thành một thợ may bậc cao trong tương lai? Vậy một võ sĩ quyền anh, rất yêu nghề, đánh không hay ở thời điểm hiện tại liệu anh ta có nên bỏ nghề không? Hay anh ta nên khổ luyện, bồi dưỡng thêm cho mình các kỹ năng tấn công đối thủ làm sao có thể đạt được sự khéo léo, đủ lực, ở mức độ hiểm hóc đến hoàn hảo, nhằm đưa anh ta lên một vị thế cao hơn nhiều không?”.
Người đọc phải khen cô ca sĩ kia là người khéo trả lời và có chí khí. Nhưng cũng phải nhắc khéo cô rằng có một số ngành mà người học không phải cứ có ý chí và quyết tâm là đạt được sở nguyện. Mà cụ thể ở đây chính là nghề hát – nghề của những nghệ sĩ.
Nghề hát hoàn toàn khác với nghề may, nghề đấm bốc. Ở đây, người viết không có ý so sánh nghề nào cao cấp hơn nghề nào, mà chỉ muốn khẳng định nghệ thuật là một nghề rất đặc thù. Người làm nghệ thuật muốn vươn lên tầm nghệ sĩ phải có năng khiếu, có tố chất vượt qua những khả năng thông thường. Mà năng khiếu là thứ trời cho. Những ai đã có năng khiếu ca hát rồi, thì dù không qua trường lớp, khi gặp điều kiện thuận lợi vẫn có thể bộc lộ tố chất. Còn không có giọng, không có năng khiếu thì có đi học đến già, vẫn chỉ là một giọng ca thường thường bậc trung, tạm đủ để đi hát karaoke với bạn bè mà thôi.
Đáng buồn hiện nay thị trường có quá nhiều giọng karaoke như thế. Và còn buồn hơn khi một bộ phận công chúng dễ dãi, chấp nhận những giọng ca này. Có lẽ cần phải nhắc lại vài thảm họa V-pop như Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như để làm ví dụ. Có ai ngờ những giọng ca “miệt vườn” này có ngày lại được lên TV hát cho hàng triệu người nghe? Những cơn ác mộng như thế đã trở thành cơm bữa trong đời sống âm nhạc. Đáng sợ thay ác mộng của người này là mộng đẹp của người khác. Người trẻ có thể vin vào cái cớ hát dở như thế cũng có thể lên sân khấu, lên truyền hình, vậy không có lý gì một giọng ca như mình lại chịu ngồi xó bếp.
Sự bất lực của những nhà quản lý, sự dễ dãi của một bộ phận công chúng và sự tham lam hám lợi của một số ông (bà) bầu đã cùng đưa những giọng ca tầm thường lên bục vinh quang. Dù cái vinh quang đó chỉ như bong bóng xà phòng nhưng nó khiến cho khối bạn trẻ bằng mọi giá để đạt được tới cái vinh quang giả hiệu đó.
Có ai cấm con người ta thôi ước mơ đâu, cũng như chẳng có mấy ai bỏ công can gián những con ếch cứ muốn to bằng bò. Những con ếch cứ tự thổi phồng mình để to bằng con bò, cuối cùng bị nổ tung (truyện ngụ ngôn Ê-dốp).
Theo TT&VH