"Ngôn ngữ của Tổng thống Obama trong giai đoạn tới là ngôn ngữ đa phương, nhưng ông Obama cũng sẽ kiên quyết không kém gì ông Bush, thậm chí có thể còn kiên quyết hơn, bởi sức trẻ và sự hậu thuẫn tự nhiên của cộng đồng quốc tế. Ông Obama sẽ mềm mỏng và đa nguyên về mặt hình thức, nhưng ý chí để giải quyết các điểm nóng thế giới thì không "mềm yếu" – Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt tiếp tục phân tích.

Nghi vấn : Yếu tố của sự phát triển

Vào thời điểm này, nhiều người cũng đặt nghi vấn về chất lượng của các tiêu chuẩn Mỹ khi bản thân những tiêu chuẩn và giá trị Mỹ bị tổn thương từ cuộc khủng hoảng và nhiều quốc gia đặt câu hỏi về mô hình phát triển Mỹ. Sự nghi vấn đó là đương nhiên và bản thân người Mỹ cũng nghi vấn về giá trị Mỹ.

Tuy nhiên, sự ngờ vực về những giá trị của mình chính là một yếu tố để tạo ra sự minh mẫn của một dân tộc. Nếu người Mỹ không nghi vấn về các giá trị Mỹ thông thường thì người Mỹ mù quáng. Nghi vấn luôn luôn là một đại lượng có thật và là khả năng lành mạnh của tất cả các cộng đồng xã hội. Nghi vấn là động lực cơ bản của sự tìm tòi phát triển. Việc nghi vấn này cũng không hề ảnh hưởng tiêu cực đến địa vị có thật của nước Mỹ đối với tiến trình phát triển của thế giới.

Câu chuyện mô hình phát triển chỉ đặt ra với những nước đang dò dẫm con đường đi lên phía trước, không phải vấn đề đặt ra với những nước như Mỹ. Người ta có thể nói về một số lý thuyết phát triển, nhưng mô hình của quốc gia thì không ở đâu trong khu vực phát triển nói đến cả. Chỉ ở những khu vực lạc hậu, người ta mới đi tìm mô hình.

Dù người Mỹ có tích cực hướng dẫn thế giới phát triển đến mức nào đi nữa thì thế giới cũng vẫn phải trải qua, vẫn phải trả giá cho sự mò mẫm của mình. Thành tựu quan trọng nhất của nhân loại vào thế kỷ XXI là kết luận rằng con người là vấn đề trung tâm của mọi chương trình phát triển. Khi lấy con người làm trung tâm thì mô hình quốc gia không có ý nghĩa gì cả.

"Khi lấy con người làm trung tâm thì mô hình quốc gia không có ý nghĩa gì cả" – (Ảnh nguồn : maarg.co.uk)

 
Mô hình quốc gia là con đường hay là cái mẫu mà các nước đang cố gắng tìm để đi một cách ngắn nhất. Nhưng dù là mô hình nào thì cuối cùng, nó vẫn đi đến một mô hình xã hội chung là Dân chủ và Pháp quyền. Mô hình nào thì cuối cùng đều phải có tiêu chuẩn cơ bản là tôn trọng con người, con người là cao nhất, pháp luật là cao nhất.

Bây giờ, người ta không tìm mô hình quốc gia, mà tìm cách thức để đạt được các điều kiện để con người sống một cách bình đẳng với những xã hội đang phát triển. Và nếu đi theo hướng ấy thì, một cách tự nhiên, người ta sẽ tìm đến những giá trị của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Vì thế, tôi không cho rằng, khủng hoảng kinh tế sẽ làm cho Hoa Kỳ mất uy tín, mất vai trò hướng dẫn thế giới phát triển, bởi vì Hoa Kỳ không định hướng dẫn thế giới phát triển, mà là thế giới hướng theo Hoa Kỳ để phát triển. Các nhà chính trị Mỹ cũng chưa có ý thức lợi dụng ưu thế của Hoa Kỳ để áp đặt các tiêu chuẩn chính trị. Tổng thống Bush là trường hợp hiếm hoi đã trót nói to lên cái ưu thế của nước Mỹ để thể hiện ưu thế chính trị của đảng, của cá nhân, và đã vấp phải sự thất bại và phản ứng của thế giới.

Nước Mỹ vẫn đơn cực dù Tổng thống nói tiếng nói đa cực

Tổng thống Obama cũng sẽ nói tiếng nói đa cực, nhưng nước Mỹ vẫn là đơn cực – (Nguồn ảnh : smh.com.au)

 
Cùng với sự khủng hoảng của nền tài chính và sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, nhiều người cho rằng, vị thế, vai trò của nước Mỹ đang mất đi, chí ít là trong tương quan với con rồng Trung Quốc trỗi dậy, và chú gấu Nga thức giấc sau giấc ngủ đông quá dài. Tuy nhiên, theo tôi, nói như vậy là không đúng về vị thế của nước Mỹ.

Chưa bao giờ, vai trò, vị thế của Mỹ, với tư cách là cường quốc số một, người điều khiển đời sống kinh tế và chính trị quốc tế, lại được thể hiện một cách rõ rệt như giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa rồi.

Theo tôi, ngay cả các chính trị gia Mỹ cũng không ý thức được một cách đầy đủ về vấn đề này. Mỗi Tổng thống Mỹ có cách lạm dụng khác nhau đối với vị thế của nước này, nhưng bản thân họ cũng không ý thức đầy đủ về vai trò hay sự quan trọng thực sự của nước Mỹ đối với toàn bộ tiến trình kinh tế và chính trị trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 làm bộc lộ một thực tế là nước Mỹ từ lúc ấy về bản năng đã bắt đầu trở thành yếu tố chi phối thế giới. Cho nên, trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, việc lôi kéo nước Mỹ tham gia chiến tranh là cả một sự vất vả khổng lồ của tất cả các nhà chính trị ở Tây Âu và Liên Xô. Để ngăn chặn người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh, người Nhật đã đánh vào Trân Châu cảng nhưng ngược lại, đấy chính là động lực để người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh ấy. Sau 80 năm kể từ cuộc đại suy thoái, chúng ta lại đang chứng kiến một lần nữa vai trò của nước Mỹ hiển lộ.

Tôi không tin là có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có thể thay thế người Mỹ để trở thành nhân tố chi phối sự phát triển chính trị và kinh tế của thế giới trong thế kỷ XXI. Người ta đồn rằng đến năm 2040, 2050 của thế kỷ này, các quốc gia khác sẽ thế này thế khác và thế giới sẽ trở thành đa cực.

Thế giới sẽ luôn luôn trở thành đa cực trên miệng của các chính trị gia, nhưng rất khó đa cực trên thực tế. Và để trở thành một quốc gia có sức mạnh, có chất lượng đơn cực thì nước Mỹ phải thể hiện thái độ đa cực để đoàn kết thế giới và để giải quyết các xung đột của thế giới một cách đỡ tốn kém và yên ổn. Còn sự đa cực trên thực tế là chưa hình thành được ở thế kỷ XXI.

Trung Quốc có trở thành một cực chính trị không? Nước Nga có quay lại để trở thành một cực chính trị không? Không đưa ra bất kỳ sự tiên đoán tiêu cực nào về vai trò của hai nước này, nhưng theo tôi, trong thế kỷ này, họ chưa làm được gì hơn.

Tính tiên tiến về chính trị của các quốc gia này là chưa xuất hiện. Đối với những quốc gia khổng lồ như nước Nga và Trung Quốc, để xác lập một nền chính trị tiên tiến theo tiêu chuẩn của thế giới, theo tiêu chuẩn của hội nhập chứ không phải theo định nghĩa khu trú và cá biệt của từng quốc gia một là rất khó. Cả hai quốc gia này đều không thống trị được thế giới. Hai nước chỉ có thể can thiệp vào hệ thống tiêu chuẩn của thế giới về chính trị chứ không đủ tiềm lực để áp đặt cho thế giới tiêu chuẩn chính trị của nó.

Về cơ bản, để xác lập tính tiên tiến về mặt chính trị thì Nga và Trung Quốc vẫn buộc phải trải qua một thời kỳ rất dài để xây dựng nền chính trị của mình theo tiêu chuẩn của nhân loại chứ không phải theo tiêu chuẩn của chính họ. Một vài thế kỷ nữa, các quốc gia này cũng không làm được cái việc áp đặt tiêu chuẩn chính trị của mình cho thế giới. Cho nên, cái gọi là đa cực hoá đời sống quốc tế sẽ chỉ có trong thái độ của các quốc gia, và trong lời nói của các nhà chính trị.

Tổng thống Obama cũng sẽ nói tiếng nói đa cực, nhưng nước Mỹ vẫn là đơn cực. Nước Nga và Trung Quốc trong thế kỷ XXI chưa có được triển vọng trở thành một đối tượng có quyền áp đặt tiêu chuẩn chính trị của mình cho thế giới và nhiệm vụ của hai nước này là phải tự cải tạo mình theo tiêu chuẩn của thế giới.

Chống khủng hoảng : Không đợi Mỹ thuyết phục, thế giới sẽ thuyết phục nước Mỹ giữ vị trí số 1

Cùng với việc khôi phục lại trạng thái tự nhiên của nền kinh tế tài chính, ông Obama sẽ buộc phải đoàn kết thế giới, bắt đầu bằng sự đoàn kết các đồng minh, giảm bớt các hành vi đơn phương trong những vấn đề quốc tế.

Hiện nay, lòng tin của thế giới đối với nước Mỹ đã bị suy giảm, cho nên, nước Mỹ buộc phải tự uốn nắn thái độ phù hợp với trạng thái hiện có. Ông Obama buộc phải tham gia một cách tích cực với thái độ vừa phải trong những vấn đề nóng của thế giới : chống khủng hoảng kinh tế, giải quyết các điểm nóng…

Trong cuộc chiến chống khủng hoảng kinh tế, nước Mỹ tự nhiên đứng địa vị số một. Nước Mỹ không cần phải thuyết phục thế giới, mà thế giới sẽ thuyết phục là nước Mỹ có trách nhiệm số một. Hiện tượng Thủ tướng Gordon Brown thay mặt châu Âu sang vận động các nước Arab để góp tiền chống khủng hoảng tài chính cho thấy các nước cũng không yên tâm khi để nước Mỹ làm một mình. Tuy nhiên, ông Gordon Brown cũng chỉ làm với tư cách là người phó thứ nhất cho Bộ Chỉ huy của nền kinh tế thế giới.

Ngôn ngữ của Tổng thống Obama trong giai đoạn tới là ngôn ngữ đa phương, nhưng ông Obama cũng sẽ kiên quyết không kém gì ông Bush, thậm chí có thể còn kiên quyết hơn, bởi sức trẻ và sự hậu thuận tự nhiên của cộng đồng quốc tế. Ông Obama sẽ mềm mỏng và đa nguyên về mặt hình thức, nhưng ý chí để giải quyết các điểm nóng thế giới thì tôi không tin là mềm yếu.

Đồng thời, ông Obama buộc phải tổ chức các quan hệ, các trục quyền lực thế giới. Ông ấy buộc phải giải quyết vấn đề quan hệ với Nga theo xu hướng hoà hoãn.

Đối với quyền lợi Mỹ thì nước Nga là nguy cơ trước mắt, Trung Quốc là nguy cơ lâu dài, nhưng nếu xử lý không khéo thì nước Nga rất có thể trở thành một nguy cơ trước mắt, thậm chí thành cuộc khủng hoảng thế giới ngay lập tức. Ông Obama chắc chắn sẽ rút kinh nghiệm về hành vi của ông Bush, sẽ cùng với châu Âu giải quyết vấn đề nước Nga.

Ông Obama sẽ hành động bằng tư duy lợi ích trong điều kiện tôn trọng các trật tự pháp lý. Không phải là một nhà chính trị cách mạng hoặc nhà chính trị thương mại, ông ấy là một nhà chính trị dựa trên những công nghệ pháp lý cho phép. Vấn đề Nga phải giải quyết cùng EU và vấn đề Trung Quốc, chắc chắn phải giải quyết cùng với Nhật Bản.

Tuy nhiên, tỷ trọng châu Âu cùng Mỹ giải quyết vấn đề Nga cao hơn nhiều so với tỷ trọng Nhật Bản cùng Mỹ giải quyết vấn đề Trung Quốc. Ông Obama sẽ sắp xếp lại được trật tự quyền lực của các cường quốc trên thế giới và sẽ làm tốt hơn ông Bush.

Sau Iraq, vấn đề là kiểm soát dầu lửa Trung Đông ra sao?

Rút quân khỏi Iraq sẽ là một trong những ưu tiên lựa chọn chính sách đối ngoại cho Iraq, dù còn nhiều người băn khoăn về vai trò của Mỹ đối với khu vực Trung Đông và Iraq sau hậu chiến. Nhưng ngay cả khi Mỹ ở lại thì nước này cũng không làm gì tốt hơn được cho vấn đề Trung Đông. Khả năng về một cuộc nội chiến sau đó là hoàn toàn có thể. Sai lầm của Mỹ là để người Mỹ chết thay người Iraq ở đất nước này.

Ngay cả Tổng thống Bush nếu có một nhiệm kỳ thứ 3 thì cũng sẽ rút quân khỏi khu vực này. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh ấy đã được bắt đầu bằng một sự chuẩn bị không cẩn thận về mặt chính trị, cho nên, khi rút ra khỏi cuộc chiến tranh ấy phải rất cẩn thận. Đối với ông Obama thì ý chí rút quân mạnh hơn, cho nên sự khó khăn về mặt chính trị sẽ không thể ngăn cản hoặc làm chậm lại việc rút quân ra khỏi Iraq.

Việc rút quân ra khỏi Iraq nếu thành công sẽ là một thắng lợi chính trị của chính phủ Obama. Bởi vì suy ra cho cùng, sai lầm cơ bản của ông Bush là đã để cho những tình cảm mang màu sắc tôn giáo, cá nhân trở thành một trong các thành tố của động cơ tạo ra cuộc chiến tranh ấy.

Vấn đề sau khi người Mỹ rút quân là dầu lửa ở Trung Đông được kiểm soát như thế nào trong điều kiện Iraq có nội chiến và Iraq là một trong những nước xuất khẩu dầu lửa lớn.

Nếu như nước Mỹ đầu tư nghiên cứu để chuyển dần, giảm dần tỷ trọng của năng lượng carbon thì Iraq sẽ không còn nhiều giá trị. Dù ít dù nhiều, cuộc chiến này có mùi dầu lửa, và câu chuyện của nước Mỹ chính là giải quyết vấn đề phụ thuộc năng lượng, tạo sự độc lập của Mỹ. Xăng ethanol là một phương án thử nghiệm.

Tuy nhiên, bản thân cuộc chiến Iraq đã phần nào mang tính quán tính do sự lôi kéo của sự kiện 11/9. Theo tôi, chỉ bắn mấy quả tên lửa hay làm một cuộc không kích để làm suy sụp hoặc suy yếu Saddam Hussein là vừa đủ cho cuộc chiến tranh Iraq, nếu thấy thực cần thiết. (Người Mỹ đã từng làm như vậy khi người Pháp giúp đỡ Saddam Hussein xây dựng cơ sở hạt nhân đầu tiên). Nếu không có cuộc chiến tranh Iraq, rất có thể người Mỹ đã giải quyết được vấn đề Iran. Bởi vì trong khi Saddam Hussein vẫn tồn tại thì người Iran chẳng có tỷ trọng gì bên cạnh Iraq cả.

Nước nhỏ trong ván cờ chính trị : hoặc làm đồng minh,
hoặc làm quần chúng

Tân tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama – (Nguồn : static.guim.co.uk)

Trong tất cả các ván cờ chính trị, các nước nhỏ bao giờ cũng là đồng minh hoặc quần chúng của tất cả các ván cờ về chính trị. Rất khó có những nước nhỏ trở thành yếu tố có chất lượng trung tâm của đời sống chính trị, nếu nước ấy không đủ mạnh dạn để trở thành một nước thật thông thái hoặc là thật liều mạng.

Vì thế, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, giai đoạn buộc phải giải quyết những vấn đề chiến lược của thế giới, những nước bé không có địa vị gì đáng kể trong sự sắp xếp chính trị của ông Obama, trừ trường hợp ông ấy muốn lôi kéo để tạo ra quần chúng trong cuộc chơi. Ví dụ, nếu ông ấy định ngăn chặn Trung Quốc thì sẽ lôi kéo những nước như Việt Nam.

Ông Obama là một người rất thực tế. Vì thế, ông biết rằng một nhiệm kỳ của Tổng thống không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề, cho nên ông ấy sẽ tác động một cách cầm chừng để những vấn đề nhỏ không biến thành vấn đề trầm trọng cho nhiệm kỳ sau, vì quyền lợi của nước Mỹ. Các nước nhỏ ở châu Á, trong đó có Việt Nam, nằm ở mức cầm chừng này.

Lựa chọn Obama chính là người Mỹ muốn chấm dứt giai đoạn dính líu đến Chiến tranh lạnh. Nếu với ông McCain, Việt Nam là một vấn đề, thì với ông Obama, Việt Nam không phải là một vấn đề. Trong các nền kinh tế hoặc nền chính trị ngoại vi của Hoa Kỳ thì châu Phi mới là trung tâm chú ý của ông Obama. Các nước châu Phi sẽ được nhờ, sẽ được khích lệ bởi sự trúng cử của ông Obama. Và Việt Nam sẽ càng ít được chú ý nếu như ông Obama cầm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Nhân tố duy nhất làm cho người Mỹ nghĩ đến, để ý đến Việt Nam một cách bản năng chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc vốn sẽ ảnh hưởng đến địa vị và quyền lợi của nước Mỹ. Việt Nam đã từng bỏ lỡ cơ hội vàng trong quan hệ với Mỹ vào những năm cuối của thập kỷ 70 và giờ đây, thời điểm đã qua.

Sau khủng hoảng, đầu tư Mỹ vào Việt Nam cũng sẽ thận trọng, dè dặt hơn. Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ cũng sẽ không nở rộ như năm trước, bởi xã hội Mỹ muốn lành mạnh trở lại thì phải duy trì tâm lý tiêu dùng ở trạng thái hợp lý, không đi vay để tiêu dùng như trước. Điều may mắn là chất lượng tiêu dùng của xã hội Mỹ trong vài năm tới sẽ giảm xuống và nó phù hợp với năng lực sản xuất của những nền kinh tế như Việt Nam.

Như nhiều người đánh giá, Obama sẽ quay về với các chính sách bảo hộ, cái được gọi là chủ nghĩa biệt lập chân chính : Nước Mỹ trước hết phải lo việc của mình. Với Obama, thay vì lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh cứng, sức mạnh của sự có mặt của Mỹ ở nhiều chỗ trên thế giới, nước Mỹ sẽ xây dựng sức mạnh và thiết lập các quan hệ quốc tế dựa trên sự tự làm mạnh mình. Và do đó, sự chú ý của tân Tổng thống đến các nước nhỏ sẽ không nhiều như thời ông Bush hay theo quan niệm của ông McCain.

Vì thế, Việt Nam rất khó có một địa vị gì thật sự đặc biệt trong sự chú ý chính trị của ông Obama, nếu chúng ta không biết cách để tạo ra nó. Làm thế nào để tạo ra nó lại phụ thuộc vào tài năng của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Cam kết không phải là đơn hàng của chính trị gia

Nhiều người cho rằng phải nhìn những cam kết tranh cử của ông Obama với con mắt thực tế hơn, đơn cử như chuyện Iraq, chuyện giảm thuế… Bao giờ cũng có một khoảng cách giữa thực tế và lời hứa của các chính trị gia. Những ai tin rằng có mối quan hệ 1 – 1 giữa lời hứa và thực tế chính trị thì những người đấy là những người đứng ngoài chính trị. Người Mỹ không phải là những người đứng ngoài chính trị. Họ cũng không nghĩ rằng ông Obama thực hiện 100% lời hứa.

Người dân Mỹ bầu cho khuynh hướng của ông Obama chứ không phải bầu cho lời hứa cụ thể của ông ấy. Những lời hứa cụ thể là nguyên liệu để mô tả khuynh hướng chính trị, chứ không phải các đơn hàng của chính trị gia. Vì thế, người Mỹ sẽ không thất vọng một cách dễ dàng.

Vấn đề mà mỗi ứng viên Tổng thống phải xác định là giữa năng lực áp đặt và khống chế thế giới với tiềm năng của nước Mỹ thì cái gì là sức mạnh thật của nước Mỹ; giữa việc xây dựng nước Mỹ trở thành một quốc gia mạnh với nước Mỹ có những hành động mạnh ở ngoại vi thì đâu là quyền lực thật?

Ông Obama cho rằng, nước Mỹ mà không mạnh thật thì vị thế của nước Mỹ cũng không có thật. Còn ông McCain thì cho rằng sự có mặt của nước Mỹ ở những điểm nóng, ở những vấn đề nóng trên thế giới chính là sức mạnh của nước Mỹ. Trong hai khuynh hướng này, khuynh hướng của ông Obama đúng hơn.

Nói cách khác, công việc số một của một nhà chính trị Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay là khôi phục lại sức mạnh thật sự của nước Mỹ, mà chủ yếu là sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học và công nghệ. Tôi nghĩ rằng khuynh hướng ấy đúng, cho nên người Mỹ bầu cho khuynh hướng ấy.

Phương Loan (ghi) – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *