Đã có thời, người nông dân quan niệm : “vác giạ vay lúa, không ai vác giạ vay chữ”. Tâm lý “trọng nông khinh sĩ “ ấy cho đến nay vẫn còn bám rễ sâu ở những miền quê nghèo khó… Song, trong buổi bình minh đi lên công nghiệp của đất nước, có những nông dân đã bấm bụng cắt đi từng thửa ruộng màu mỡ của mình để tiếp sức cho các con bước vào giảng đường đại học.
Mỗi lần về quê, đi trên con đường làng quen thuộc, nhìn cánh đồng thân thương mà lòng tôi dâng tràn bao cảm xúc. Ở Vĩnh Hội quê tôi, cũng như ở nhiều làng quê khác trong tỉnh Vĩnh Long, cuộc sống của người dân quanh năm chỉ trông cậy vào cánh đồng. Nơi những giọt mồ hôi từ bao đời đổ xuống cho cây lúa trĩu hạt, cho những khát vọng vươn lên từ đồng khô cỏ cháy.
Xa quê, công việc cuốn hút vào nhịp sống phố thị rộn ràng, tôi vẫn nhớ da diết về ngôi nhà bình dị nhưng rất đỗi thân yêu của mình. Bởi nơi ấy, ba mẹ và sáu anh em chúng tôi đã sống quây quần bên nhau, cùng trải qua những năm tháng thật đầm ấm. Ngày anh Hai đậu đại học Chế biến Cần Thơ, cả nhà rất vui. Nhưng vì cảnh nhà thiếu trước hụt sau, ba phải lội đi hỏi mượn tiền người quen để lo cho anh khăn gói qua Cần Thơ nhập học. Đến lượt tôi đậu đại học Sư phạm, sau phút mừng vui, cả nhà lại rơi vào cảnh lo âu. Một hôm đi ruộng về, tôi thấy ba mẹ lúi húi bên đống giấy tờ. Ba lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay vốn làm kinh tế tổng hợp. Vay được tiền, mẹ cho tôi một ít đi học, số còn lại mua heo về nuôi. Heo đang lớn, bỗng dưng mắc bệnh chết sạch chuồng. Nhà đã túng thiếu, lại mất vốn, nợ nần chồng thêm lên. Hết cách xoay xở, ba tôi quyết định cầm cố đất.
Chín công ruộng của ông bà để lại, quanh năm ba tôi chăm chút nhổ từng bụi cỏ, quý nó hơn vàng. Ông thường nói : nghèo cạp đất ăn chứ nhất định không bán. Bây giờ, vì lo chuyện học hành của con cái mà ba tôi bấm bụng cầm cố 3 công. Ba an ủi mẹ : mình chỉ cầm thôi. Mình mượn đất của ông bà để giúp cho các con có cái nghề. Tội nghiệp em gái Thanh Thiện của tôi! Em mới học xong cấp hai đã phải nghỉ học khi ba bị bệnh đau mắt không thấy đường đi. Nghĩ đến trách nhiệm làm chị, tôi thấy ngậm ngùi. Đôi lúc, tôi muốn nghỉ học khi thấy em mình phải dầm mưa dãi nắng lo việc đồng áng. Nhưng ba bảo : đứa nào học được thì phải cố gắng học cho nên người. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, sau giờ lên giảng đường, tôi đi làm gia sư, kiếm tiền trang trải chuyện học hành.
Năm sau, em trai Đức Thiên tiếp tục đậu đại học ngành xây dựng ở Cần Thơ. Việc học hành của em chi phí nhiều. Không còn cách nào khác, ba tôi đành vác tầm đi đo đất cầm cố thêm 2 công nữa. Vậy là 9 công đất ruộng của gia đình, giờ chỉ còn 4 công. 5 công đã thuộc về chủ khác. Ba tôi nói : cực chẳng đã mình mới cắt đi núm ruột của mình. Không hiểu sao nước mắt tôi nhạt nhòa khi nhìn những cánh cò lặn lội côi cút trên cánh đồng.
Năm 1996, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm và được phân công về dạy ở một trường phổ thông trung học trong Thị xã Vĩnh Long. Có được đồng lương, tôi quyết tâm đưa em gái Thanh Thiện trở lại trường. Nghỉ học trong khoảng thời gian 9 năm, những tưởng chữ nghĩa đã nhạt nhòa qua mấy ngàn ngày mưa nắng. Thế nhưng, cô “chiến sĩ thần nông” – biệt danh mà dân làng phong cho Thanh Thiện – ấy vẫn âm thầm nung nấu ước mơ cắp sách đến trường. Thanh Thiện đã tự học giữa đồng lúa quê hương.
Năm 1998, đến lượt em trai Đức Thuấn vào đại học Chăn nuôi – Thú y. Từ làng quê nghèo khó, em được ba mẹ và các anh chị tiếp sức vào giảng đường đại học. Năm 2000, em gái út Thanh Thuần cũng bịn rịn từ giã mẹ khăn gói sang Cần thơ học đại học Kinh tế ngoại thương. Lúc bấy giờ, các anh chị ra trường trước, có thu nhập, góp sức cùng ba mẹ lo cho các em học hành.
Sau khi lo ổn thỏa chuyện học hành của các em, tôi xin chuyển trường từ thị xã về Trà Ôn. Về đây gần gia đình, tôi có điều kiện chăm sóc ba mẹ thường xuyên hơn. Em gái Thanh Thiện – “chiến sĩ thần nông” của gia đình tôi – nay đã làm công tác quản lý ở Trường phổ thông cơ sở xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm. Sau khi tốt nghiệp bổ túc văn hóa, em đã thi vào trường Cao đẳng sư phạm. Ra trường, em vừa dạy, vừa theo học lớp đại học từ xa. Năm sau, em sẽ hoàn thành khóa học. Em trai Đức Thiên của tôi là kỹ sư dây dựng, hiện đang công tác tại Công ty Xây dựng và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long. Tháng trước, em đã về sửa chữa lại căn nhà cho ba mẹ, sau mấy năm dột mưa dột nắng.
Em trai út Đức Thuấn và em gái út Thanh Thuần sau khi tốt nghiệp đại học đã xin được việc làm ở thành phố Mỹ Tho. Những ngày nghỉ lễ Tết, chúng tôi tranh thủ về thăm ba mẹ. Mơ ước cho các con có cái nghề để nuôi sống gia đình và giúp ích xã hội của ba mẹ tôi giờ đây đã trở thành hiện thực. Ở quê tôi, cũng có nhiều gia đình cầm cố hoặc bán đất lo cho con ăn học. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng có chung một khát vọng, là muốn tương lai của con cái tươi sáng hơn, rộng mở hơn.
Trong sự thành đạt của chúng tôi hôm nay, bên cạnh công lao nuôi dưỡng và định hướng vào đời của ba mẹ, chúng tôi còn món nợ với cánh đồng. Ngày chuộc lại đất hôm nay có lẽ là ngày ba tôi vui nhất, mặc dù bước đầu chỉ chuộc được 3 công. 2 công còn lại, chúng tôi sẽ dành dụm tiền để chuộc tiếp. Nhớ khi cắt đất cầm cố, ba tôi cứ thẫn thờ trên cánh đồng. Bây giờ, mỗi đầu tầm chạm đất, tôi như thấy ruộng nhà mình trải rộng thêm. Tôi như thấy hành trình đưa các con vào đời của ba tôi gian truân mà đúng hướng.
Xin cảm ơn ba mẹ! Cảm ơn các bậc sinh thành ở những miền quê nghèo khó đã mang “báu vật” ngàn đời của cha ông ra cầm cố để đổi lấy kiến thức và khát vọng vươn lên cho con cháu mình. Xin cảm ơn những cánh đồng luôn dang tay trải rộng, muôn đời tích tụ phù sa và giọt mặn mồ hôi… để bồi lắng cho tâm hồn chúng tôi một hình bóng quê hương sâu nặng nghĩa tình.
Tư Duy
* Tác phẩm đoạt Giải đặc biệt dành cho thể loại PSTL tại Giải Báo chí Nguyễn Minh Điền năm 2007 – Hội Nhà báo Vĩnh Long