Thay vì ngăn làn sóng nhập cư đổ về thành thị, xây "bức tường" hộ khẩu hạn chế nhập cư, cần tính tới các giải pháp phát triển nông thôn bền vững, để nông dân thôi ly hương.
Bài toán di dân
Sự chuyển dịch dân cư trong thời gian vừa qua – mà chủ yếu tập trung chính vào các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng – đặt ra nhiều câu hỏi về hoạch định chính sách. Một mặt, với xuất phát điểm từ tăng trưởng kinh tế, hiện tượng lao động từ nông thôn tập trung ra thành thị hay vào những khu công nghiệp đang tạo ra một động lực chuyển đổi có giá trị xét theo khía cạnh quy luật cung – cầu lao động lẫn bình diện mặt bằng chung của phát triển.
Mặt khác, thay đổi mới hình thành những đòi hỏi mới, mà có thể hình dung qua phát biểu của nhà văn nổi tiếng Max Frisch bàn về vấn đề nhập cư của nước Đức sau thế chiến thứ hai : “Chúng ta cần lực lượng lao động, nhưng tới đây là những con người”. Và đúng theo ý nghĩa của cụm từ : hình dung về “con người” không phải chỉ bó gọn qua cách hiểu như một mặt hàng được quy định theo những nguyên tắc thị trường, mà đa nghĩa và phức tạp hơn dưới nhiều góc nhìn tiếp cận.
Song song với đô thị hoá, nếu xem vấn đề di dân là hệ quả tất yếu của phát triển, thì câu hỏi đặt ra là làm sao hưởng tối đa những tích cực, và giảm tối thiểu những tiêu cực phát sinh từ quá trình này. Đây cũng là tâm điểm mở đường cho những cuộc tranh luận tiếp theo về chính sách lâu dài cho bài toán di dân ở Việt Nam.
Những con số biết nói
Có thể nói, trong vòng một thập kỷ vừa qua, mức độ dân cư dồn về các thành thị tạo nên một thay đổi cấu trúc xã hội chưa từng xảy ra trước đó. Theo chỉ số thống kê năm 2004, khoảng 21,6 triệu người – chiếm 26% dân số cả nước – đang tập trung tại các thành phố lớn.
Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí trung tâm của khu vực phía Nam, từ 3,5 triệu dân sau ngày giải phóng, nay đã tăng gấp đôi, cộng với lượng nhập cư, khách vãng lai chưa được tính vào chính thức. Trong đó, ngoài lý do tăng dân số cơ học, hơn 35% xuất phát từ những làn sóng di dân từ các vùng miền khác nhau. Còn ở trái tim của đất nước, thủ đô Hà Nội, một nghiên cứu cũng cho biết rằng, từ 1991 – 2001, 40% tổng tăng dân số là dân nhập cư.
Đi sâu hơn, một nghiên cứu khác của Đại học Oxford xuất bản năm 2004 dự đoán, vào năm 2030, phân nửa dân số Việt Nam sẽ phân bố chủ yếu tại các thành phố trung tâm, nơi sẽ đóng góp 70% tổng sản phẩm nội địa quốc gia (GDP). Như vậy, nếu chấp nhận tương đối dự đoán mà những con số này đưa ra, thì đằng sau đó là những hàm ý gì?
Dưới góc nhìn vĩ mô, ít nhất đặt ra đây ba vấn đề căn bản :
Thứ nhất, sự không đồng đều trong phát triển kinh tế hình thành những chênh lệch về mức sống, cơ hội, điều kiện nghề nghiệp giữa các vùng khác nhau trong cùng một quốc gia. Mức tăng trưởng nhanh thông qua hai kênh chính là sự trỗi dậy của tầng lớp doanh nghiệp tư nhân, cộng với đầu tư nước ngoài tăng vọt tạo ra sức hấp lực từ các thành phố lớn. Hấp lực này được lan toả hơn bởi lượng tăng dân số cơ học từ nông thôn, trong khi quỹ đất ở các vùng nông nghiệp dần dần ít đi.
Song song với thực tế rằng, một nền kinh tế nông nghiệp (và các ngành nghề sản xuất, dịch vụ phụ trội liên quan) còn chưa phát triển, thì hiệu năng đầu tư của khu vực này từ nhiều nguyên nhân khác nhau luôn bị đặt dưới dấu chấm hỏi. Hằng năm, bên cạnh 7 triệu người thất nghiệp tập trung ở khu vực nông thôn, thì con số 85.000 người chuẩn bị gia nhập nhập lực lượng lao động nông nghiệp sẽ hoàn toàn tương phản với thống kê cho biết, lượng vốn đầu tư khu vực này so với thành thị chỉ bằng 1/10.
Đây cũng là nguyên nhân then chốt lý giải hiện tượng làn sóng di dân ồ ạt từ vùng thôn quê đổ về thành thị hay các khu trung tâm. Một thực tế cho thấy, ở nước ta, ngoài những đợt di dân chủ đích sau 1975 tập trung chính vào vùng thuộc khu vực Tây Nguyên, thì hầu hết các dòng chuyển dân cư tự nhiên sau này (đặc biệt là thành phần lao động) đều theo mô hình di dân từ nông thôn ra thành thị.
Theo số liệu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam năm 2007, luồng di dân này mạnh nhất, chiếm 57% trong tổng số 486.500 người di cư giai đoạn 5 năm trước cuộc điều tra.
Những con số này phản ánh đúng hiện thực đang diễn ra : trong khi kẹt xe, quá tải, ô nhiễm môi trường sống đang là vấn đề đau đầu của đô thị, thì có ba nguy cơ rất rõ ràng mà nông thôn phải đối mặt là : “Nông dân mất ruộng, chán ruộng, chán chốn thôn quê”. Một bên thừa, một bên thiếu. Hệ lụy lâu dài của nó sẽ là sự lệch pha phát triển càng ngày càng lớn giữa các vùng miền.
Câu hỏi thứ hai tập trung vào số phận của những người nhập cư khi họ ra đi “tìm miền đất hứa”. Lý thuyết di dân hiện đại nhấn mạnh đến những yếu tố tích cực từ “bàn tay vô hình thị trường” với kỳ vọng phân phối hợp lý nguồn tài nguyên nhân lực sao cho hiệu năng của nó là cao nhất.
Tuy vậy, cầu của thị trường trên thực tế không thể tìm đủ lượng cung trong thị trường lao động nói chung, và đối với lượng dân nhập cư nói riêng. Lý do chính là do đa số những người di dân ra đi từ nông thôn chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, không qua đào tạo, khó lòng đáp ứng được các chuẩn đòi hỏi của thị trường lao động. Vì thế dẫn đến kết quả : Một phần dân nhập cư (may mắn) nhận công việc giản đơn trong các xí nghiệp, khu chế xuất. Họ may mắn vì đảm bảo được mức độ ổn định trong thu nhập hàng tháng hay hằng năm so với thành phần nhập cư thứ hai. Những người, do nhiều lý do, buộc phải tham gia vào khu vực mà các kinh tế gia gọi nôm na là “khu vực phi chính thức” bao gồm các hoạt động buôn bán vỉa hè, bán hàng rong, bốc vác, lượm ve chai… Thu nhập thấp, bấp bênh, tính không ổn định của công việc, cộng với sự thiếu vắng những đảm bảo pháp lý về chỗ ở, quyền công dân, bảo hiểm khi ốm đau, tuổi già… đặt nhóm này vào tình trạng gần như cô lập với xã hội.
Không có sự gắn kết cộng đồng ở khu vực mới, ngược lại, do đặc thù chế độ quản lý theo hộ khẩu, hiện tượng “chân bước đi xa, quyền còn ở lại” mà Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã từng để cập trong một bài viết (TT, 15/03/2006) làm sự quản lý của chính quyền đô thị với thành phần này đã mỏng càng thêm mỏng hơn.
Từ thực tế đó, dân nhập cư một mặt không thể hội nhập vào xã hội mới, một mặt, mối hiểm hoạ từ sức ép cơm áo gạo tiền nhiều khả năng dẫn con người đến hành động đi ngược lại lợi ích chung. Ông bà ta thường nói : “Bần cùng sinh đạo tặc”. Và còn nỗi bần cùng nào hơn, khi vừa phải ly nông, ly hương, vừa bị gạt ra “bên lề” hoặc chịu cảm giác đứng “bên lề”?
Cuối cùng, thay đổi trên phương diện số lượng, mật độ, thành phần dân số cũng đồng nghĩa với việc đồng thời diễn ra một quá trình thay đổi về cấu trúc tâm lý xã hội. Ở đây, chỉ xin bàn về một khía cạnh, đó là góc nhìn từ sự va chạm giữa những giá trị khác nhau về bản chất. Chẳng hạn như người nhập cư từ nông thôn, với truyền thống lâu đời gắn kết với làng xã, gia đình, tự nhiên phải rời quê hương để đến một môi trường sống khác, nơi văn minh đô thị, chiều hướng tự do cá nhân, ít cộng đồng đang dần trở thành các chuẩn mực sống mang tính phổ quát.
Mặc dù chưa có một khu vực thành thị nào của nước ta rõ ràng tất cả những tính chất kể trên, tuy vậy, sự cách biệt lối sống giữa hai khu vực luôn diễn ra. Cách biệt đó dẫn đến sự mâu thuẫn hành vi của những trú khách mới. Giữ lại cái cũ “của mình”, hay thay đổi theo cái đang chuyển động xung quanh? Về phương diện nào đó, di dân trong cùng một quốc gia không phải chịu những cú sốc về văn hoá, ngôn ngữ như di dân từ nước này sang nước khác, nhưng yếu tố thay đổi giá trị giữa cá nhân, hay những nhóm người là điều không sao tránh khỏi.
Ngay cả đối với người chủ nhà – những cư dân thành thị – họ sẽ nói gì với vị khách mới, bao gồm cả những vị khách “không mời”? Họ có cho rằng, chính những người này là nguyên nhân của kẹt xe, ô nhiễm, tệ nạn xì-ke, ma tuý, tội phạm tăng cao hay không? Quan điểm tôi “thành thị”, anh “nhà quê” tác động như thế nào đến sự hình thành tâm lý chung xã hội?
Ở đây, sự va chạm về giá trị sống phần nào bị che khuất với những va chạm về lợi ích thực dụng. Vì vậy, cho đến chừng nào chưa có một nghiên cứu dư luận cụ thể về vấn đề này, thì bài toán thay đổi cấu trúc xã hội nhìn từ góc độ tâm lý, vẫn đặt dưới câu hỏi mở.
(Còn tiếp)
Nguyễn Chính Tâm – Theo Vietnamweek