Ở các trường đại học các nước đều có thư viện và sinh viên mượn sách ở đó để học tập, chứ không có chuyện mỗi người mỗi năm mua một bộ sách riêng. Tại sao không áp dụng điều đó cho trường phổ thông?

Cách đây mấy tháng, cả nước có phong trào quyên góp sách giáo khoa (SGK) cũ để tặng cho các em học sinh nghèo, điều đó thật đáng quý. Tuy nhiên, ta hãy tự hỏi : tại sao chỉ có học sinh nghèo mới sử dụng lại SGK cũ, mà không phải tất cả học sinh?

Báo điện tử Dân trí đưa tin : “Theo dự kiến, trong năm học 2008 – 2009, cả nước sẽ cần 99 triệu bản SGK mới. Song đến thời điểm này, trước khi bắt đầu năm học mới một tuần, có 94 triệu bản SGK mới được phát hành trên toàn quốc và khoảng gần 5 triệu bản SGK cũ được tái sử dụng, giảm bớt số lượng in mới, tiết kiệm nhiều tỷ đồng” (29.8.2008).

Tính ra, mỗi năm các gia đình phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng riêng cho SGK và đồ dùng học tập – Ảnh : vietnamnet.vn

Chỉ có 5% số SGK được tái sử dụng, vậy số 95% còn lại kia chạy đi đâu? Nhiều phần là các gia đình vứt lăn lóc đâu đó, rồi sau một thời gian, khi bụi đã phủ kha khá, sẽ đem bán tống bán tháo cho ve chai, với giá 2.500 đồng/kg (khoảng 4 cuốn SGK), chỉ bằng 1/15 giá trị ban đầu của cuốn sách.

Nếu tính trung bình một cuốn SGK giá 10.000 đồng, thì mỗi năm các gia đình đã phải bỏ ra xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Ấy là chưa kể các sách tham khảo đủ loại. Ấy là chưa kể các dụng cụ học tập, như “Bộ dụng cụ học Toán”, “Bộ dụng cụ học kỹ thuật” v.v… mỗi bộ giá 40 – 50.000 đồng, và sau mỗi năm học lại bị vứt bỏ.

Ấy là chưa kể những bộ sách cực kỳ đắt tiền, nhưng không biết vì lý do quan yếu bí ẩn gì mà ngành Giáo dục nhất thiết buộc học sinh một nước thuộc loại nghèo nhất thế giới như Việt Nam phải sử dụng, chẳng hạn như bộ sách học tiếng Anh “Let’s go” cho các lớp tăng cường tiếng Anh bậc tiểu học, giá hơn 200.000 một bộ 4 cuốn cho mỗi năm học (1 cuốn chính, 1 cuốn bài tập, 1 cuốn Toán, 1 cuốn Tự nhiên)…

Tính ra, mỗi năm các gia đình phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng riêng cho SGK và đồ dùng học tập, thực là một gánh nặng đối với hàng triệu gia đình có mức thu nhập ở mức nghèo và cận nghèo, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, gạo châu củi quế này.

Đó mới chỉ là xem xét vấn đề trên khía cạnh kinh tế. Nếu xét vấn đề từ khía cạnh môi trường, thì hàng trăm triệu bản SGK, hàng triệu bộ dụng cụ học tập bằng nhựa được sản xuất mỗi năm có nghĩa gì?

Nó đồng nghĩa với một số lượng khổng lồ cây cối bị chặt, một lượng hóa chất độc hại dùng trong ngành giấy và in ấn, một lượng lớn dầu mỏ để sản xuất chất dẻo, rồi tiêu tốn vô khối năng lượng, vân vân, toàn bộ quá trình sản xuất đã hủy hoại môi trường nghiêm trọng.

Chưa hết, tất cả những cái đó, khi biến thành rác, lại làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường thêm một lần nữa.

Vì sự nghiệp giáo dục, người ta có thể chấp nhận điều đó. Nhưng vấn đề ở chỗ, đâu phải nhất thiết mỗi năm lại in từng đó bộ SGK!

Trước đây mỗi bộ SGK được sử dụng rất nhiều lần, qua nhiều lứa học sinh, mà hoàn toàn không ngăn cản học sinh vẫn học giỏi. Vậy tại sao chúng ta không tiếp tục truyền thống đấy? Thay vì chỉ quyên góp một ít SGK cho các em học sinh nghèo, một công việc tốn công sức và thời gian, lẽ ra chúng ta đã có thể làm cách khác, triệt để, tiết kiệm và đỡ tốn công sức hơn rất nhiều.

Đó là cuối mỗi năm học, nhà trường thu lại toàn bộ SGK, bộ dụng cụ học tập v.v… của học sinh, sau đó chuyển cho lớp kế tiếp. Hàng năm, nhà trường chỉ phải thu của mỗi học sinh một số tiền nhỏ để mua bù số SGK, dụng cụ học tập còn thiếu do hư hỏng, mất mát, hoặc do không tái sử dụng được (như các cuốn bài tập).

Vì số học sinh mỗi khối lớp ở từng trường là một con số nhất định, không thay đổi nhiều, nên rất dễ dàng tính toán quỹ SGK của trường là bao nhiêu. Ví dụ, mỗi khối lớp có 500 học sinh thì thư viện trường cần có khoảng 550 bộ sách, dụng cụ học tập là tạm ổn. Quỹ này sẽ thường xuyên được đổi mới để đảm bảo SGK luôn ở trong tình trạng sử dụng được.

Cuối mỗi năm học, học sinh nào lỡ làm mất hay làm hư hỏng SGK thì gia đình phải mua hoặc nộp tiền cho nhà trường để bù vào.

Nếu việc này được tiến hành trong toàn quốc thì chúng ta không những không tốn công thu gom SGK, rồi vận chuyển, phân phát đến các em học sinh nghèo như trước, mà tất cả học sinh trong toàn quốc đều có SGK học miễn phí, chứ không chỉ các em học sinh nghèo.

Khi đó, ngay cả những ý định có vẻ tốt đẹp như NXB Giáo dục giảm 35% giá SGK lớp 12 cho những học sinh thực sự khó khăn, hay áp dụng chương trình mua trả góp SGK (học sinh có thể mua SGK lớp 12 trả góp từ 8.000 – 12.000 đồng/tháng trong khoảng thời gian từ 10/2008 đến tháng 4/2009) cũng trở nên không cần thiết.

Thiết nghĩ đây là một việc rất nên làm, và làm ngay từ năm học này, vì nó vừa đơn giản vừa mang lại lợi ích to lớn, nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang cần tiết kiệm từng đồng từng xu như hiện nay. Ngoài lợi ích kinh tế thì kèm với nó là môi trường bớt bị hủy hoại. Chưa kể, nó còn có khả năng khiến trẻ em có ý thức giữ gìn sách vở, không như lúc trước cứ dùng xong là vứt nên không cần quan tâm lắm.

Đây không hề là một sáng kiến gì mới mẻ. Ở các trường đại học các nước đều có thư viện và sinh viên mượn sách ở đó để học tập, chứ không có chuyện mỗi người mỗi năm mua một bộ sách riêng. Tại sao không áp dụng điều đó cho trường phổ thông?

Dĩ nhiên chỉ có NXB Giáo dục, một vài nhà in và hệ thống phát hành sách là có thể hơi… buồn một chút, vì họ mất đi nguồn thu lớn. Nhưng hy vọng, họ cũng sẽ hiểu được ý nghĩa của sự mất mát đó.

Điều khó khăn nhất có thể xảy ra nếu ý tưởng này được đưa vào hiện thực, ấy là liệu bản thân các trường học có thấy thích thú v
ới việc này không? Khi mà chính nhà trường có nguồn thu nhất định từ việc đứng ra phân phối SGK cho học sinh, để phần nào bù đắp cho thu nhập còn rất thấp của các thày cô giáo?

Nhưng chúng ta có quyền tin tưởng, với thiên chức thiêng liêng của mình, các thày cô là người ủng hộ ý tưởng này hơn ai hết, và xã hội sẽ có trách nhiệm đền bù công sức của các thày cô bằng con đường khác.

Đoàn Tiểu Long – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *