III
Khi nói về một gia đình thành đạt, ngoài cơ ngơi gia thất của nả, người ta còn chú ý nhiều hơn đến nề nếp giáo dục học hành của con cái trong gia đình đó. Những điều mắt thấy tai nghe trên đất nước Hà Lan khiến tôi không thể không tò mò muốn biết xem, nền giáo dục của đất nước này có điều gì nổi trổi so với các nước khác, đặc biệt là giáo dục đào tạo ở bậc đại học?
Hà Lan là một đất nước công nghiệp phát triển với hệ thống giáo dục không vay mượn của bất cứ nước nào. Hệ thống giáo dục này nảy sinh và phát triển ngay trong lòng đất nước, liên hệ máu thịt với các truyền thống, phong tục của Hà Lan. Với dân số 16 triệu người thì có khoảng 450.000 có trình độ đại học ở các hình thức khác nhau (27% dân số ở độ tuổi từ 15 đến 64). Ở Hà Lan, người ta chia bậc đại học thành 3 loại tồn tại song song với nhau :
– Universities (Đại học Tổng hợp), toàn đất nước có 14 trường, bao gồm cả trường Đại học Tổng hợp mở (Open University). Những trường này cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức để họ trở thành các nhà nghiên cứu, bác học. Tuy nhiên, đại bộ phận sinh viên tốt nghiệp lại tìm việc làm ở các môi trường khác.
– Universities of Applied Sciences (Đại học Khoa học ứng dụng). Tất cả các chương trình học của trường kiểu này đều hướng vào giáo dục nghành nghề cụ thể. Tại Hà Lan có 50 trường kiểu này.
– International Education (Đào tạo quốc tế) : Trên lãnh thổ Hà Lan có 15 trường loại này. Tại đây thường tiếp nhận các sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Các bài giảng được tiến hành chỉ bằng tiếng Anh và làm sao để thoả mãn các yêu cầu của sinh viên nước ngoài. Đã thành một nguyên tắc, để được nhận vào một trong những trường này, người dự tuyển phải có bằng đại học và vài năm công tác thực tế.
Cả ba loại hình đại học kể trên của Hà Lan đều có thể được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chất lượng giáo dục đại học tốt ở Hà Lan đã nổi tiếng từ rất lâu trên toàn thế giới. Bằng tốt nghiệp của các trường đại học tại Hà Lan được thừa nhận tại tất cả các nước trên thế giới. Để đạt được điều này, trong các trường đại học vận hành một hệ thống riêng để kiểm soát chất lượng đào tạo sinh viên. Bởi vậy, khi đã chọn được trường cho mình, thí sinh không phải băn khoăn lo lắng đến chất lượng giảng dạy, mà chỉ cần suy nghĩ làm sao để việc học trở nên thú vị và hấp dẫn. Mỗi trường đại học trên đất nước Hà Lan có một phong cách riêng và một không khí làm việc và giảng dạy riêng.
![]() |
Để có được những ấn tượng cụ thể sinh động, tôi được vợ chồng anh Siep mời đến tham quan trường Đại học Tổng hợp Khoa học ứng dụng Saxion tại thành phố Deventer cách Amstedam hơn một tiếng tàu. Vì được đào tạo tại Việt Nam và ở Liên Xô cũ nên tôi hoàn toàn có đủ cơ sở để so sánh và rút ra những kết luận sau khi đi tham quan và tiếp xúc nói chuyện với các sinh viên, giáo viên của trường Saxion. Điều đầu tiên đập vào mắt khi đến dự các tiết học là : Trong thời gian suốt cả tiết học, người sinh viên là trung tâm chứ không phải là giáo viên như ở Việt Nam hay ở Liên Xô cũ. Thầy giáo ở đây chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn chứ không phải là người đọc tràng giang đại hải, còn sinh viên muốn ghi gì thì ghi như tại các giảng đường của Nga.
Ông giáo sư Johan Wempe nói : “Thầy giáo không phải cái gì cũng biết và không phải lĩnh vực nào cũng giỏi hơn trò. Chúng tôi không làm hộ sinh viên, mà cùng nhau trao đổi thảo luận. Có như vậy, sinh viên mới chủ động, không bị động. Sinh viên phải đọc trước tư liệu ở nhà để hôm sau đến trao đổi thảo luận với thầy và các bạn. Một vấn đề được đưa ra có nhiều cách trả lời, miễn làm sao để người sinh viên biết cách lập luận, biết cách tìm ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình”. Đây không phải là nhận xét của riêng tôi, mà những ai đã từng học tập và làm việc ở Châu Âu đều có chung ý kiến này : khả năng phát biểu trước đám đông của người Việt rất hạn chế. Sinh viên Châu Âu ăn nói đĩnh đạc, tự tin hơn rất nhiều.
Qua việc tìm hiểu cơ cấu của một tiết học tại Saxion, tôi mới thấy được rõ câu nói : “Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy giáo tổ chức một giờ học dưới dạng “Project”, tức là theo chuyên đề và buộc sinh viên phải làm việc theo nhóm để kích thích tinh thần làm việc tập thể, nâng cao khả năng quản lý, điều hành nhóm. Điều này rất có lợi và thiết thực cho sinh viên ra trường, rơi vào một môi trường mà mỗi người mỗi ý, mỗi cách làm việc khác nhau. Làm thế nào để mình kết hợp được điểm mạnh của mỗi người và tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề tốt nhất. Chính những đặc điểm và phong cách học tập rất đặc thù Hà Lan này đã khiến cho sinh viên cảm thấy tự tin khi giải quyết các công việc vì tự tin vào khả năng của mình là chìa khoá dẫn đến thành công của sinh viên khi ra trường. Trình độ lý thuyết chỉ là một phần nhỏ, nhưng chính các kỹ năng để áp dụng lý thuyết vào thực tế tuỳ theo thời điểm, điều kiện và môi trường sẽ dẫn đến thành công. Chính vì thế maà sinh viên Đại học Khoa học ứng dụng phải học 4 năm, trong đó có một năm thực tập tại các nhà máy, công ty để áp dụng lý thuyết vào thực tế. Đây là điều kiện bắt buộc để được làm luận văn tốt nghiệp. Các trường đại học ở Hà Lan có mối quan hệ mật thiết với các công ty và đào tạo sinh viên theo nhu cầu của thị trường. Ở đây không có chỉ tiêu đào tạo mỗi nghành do chính phủ đưa ra. Nhà trường tự quyết định số lượng sinh viên đào tạo dựa vào chất lượng đầu vào của sinh viên năm đó và dựa vào nhu cầu của xã hội, của các doanh nghiệp.
Đó là điểm ưu việt nổi trội nhất của nền giáo dục đại học tại Hà Lan, một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới.
IV
"Phố đèn đỏ" (red light districts) là điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tại Hà Lan, chẳng kém gì Pháp có tháp Ép-phen và Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành. Thân thể của người phụ nữ là tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất của tạo hoá. Mà đã là tác phẩm nghệ thuật thì phải có công chúng thưởng thức và đương nhiên, phải mất tiền như nghe hoà nhạc hay xem Bảo tàng tranh vậy. Xuất phát từ quan điểm như vậy, Hà Lan là nước duy nhất cho phép khai thác công khai và hợp pháp nghề mại dâm. Phố đèn đỏ có ở hầu hết các thành phố lớn của Hà Lan, nhưng tại Amstedam là sầm uất và đông đúc nhất.
Tôi không phải là thánh và cũng không phải là sư nên việc đến thăm khu phố đèn đỏ, chen vai thích cánh với hàng ngàn khách du lịch từ khắp năm châu đổ về đây, cũng là lẽ thường tình. Khu phố này nằm dọc các con kênh nổi tiếng của Amstedam, rất thơ mộng và hữu tình.
Những chiếc lá vàng đầu tiên của mùa thu buông mình rơi xuống mặt nước xao động vì tàu thuyền đi lại ngược xuôi.
Những cô gái điếm ăn mặc mát mẻ đứng trong các khung cửa kính nhìn ra nở nụ cười mời gọi.
Trên những đường phố chính của khu đèn đỏ là những cô gái trẻ đẹp đến từ các nước Đông Âu, châu Phi… Các cô đều thông thạo tiếng Anh. Còn những phố ngách nhỏ hẹp, các cô trông già, xấu hơn vì ở đây giá thuê thấp hơn và cũng ít khách hơn. Tôi còn nhìn thấy một bà già ở độ tuổi hưu trí, mắt đeo kính, tay đan len ngồi sau cửa kính, tất nhiên là cũng chờ khách, chờ các cụ hưu trí đến gõ cửa. Cái quan trọng là không để mình cô đơn khi về già, vẫn giúp ích gì đó cho đời !
Không phải ai đến Hà Lan cũng có cơ may được vào trong lòng chiếc cối xay gió, một biểu tượng của đất nước, để tham quan xem nó vận hành ra sao. Tại Hà Lan có một phong tục : vào một ngày trong năm, người ta mở cửa các khu nhà cổ có tuổi hàng vài trăm năm cho khách thăm quan. Cối xay gió cũng thuộc loại nhà cổ. Bên trong là một cửa hàng bán các loại nông thổ sản. Người Hà Lan vẫn thích xay bột bằng cối xay gió. Mỗi cối xay gió là một doanh nghiệp tư nhân mang tính chất gia đình, truyền từ đời này sang đời khác.
Còn, cối xay gió quay về hướng nào? Tất nhiên, dù là cối Hà Lan hay cối Tây Ban Nha của Đông Ki-sôt thì cũng quay về hướng có gió thôi.
Deventer – Amstedam – Kiev
Vũ Tuấn Hoàng – HNV