II
Người Nga có một câu thành ngữ khá nổi tiếng : “Không cần một trăm rúp, mà cần một trăm người bạn”. Chuyến đi của tôi vào sứ sở của hoa tuy-lip và pho-mát đã kiểm chứng chân lý trên là hoàn toàn chính xác. Với hầu bao khiêm tốn, nhưng có được những người bạn tốt, mến khách và cởi mở, tôi đã thâm nhập được vào đời sống của người Hà Lan khá tường tận chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Những cảm xúc trực quan đầu tiên, dù chỉ thoáng qua rất nhanh, nhưng bao giờ cũng chính xác, giống như yêu từ cái nhìn đầu tiên vậy. Đất nước Hà Lan cũng giành ngay được tình yêu trong tôi từ cái vẫy tay chào và ánh mắt thân thiện của hai vợ chồng hàng xóm người Hà Lan đang lúi húi làm vườn bên cạnh ngôi nhà xinh xắn của mình vào buổi sáng sớm đầu tiên khi tôi mở cửa sổ căn phòng trên tầng hai tại nhà của người bạn thủa sinh viên. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là các ngôi nhà riêng tại đất nước này hoàn toàn không có tường rào bao quanh bảo vệ như tại Nga. Những thảm cỏ xanh mịn màng được cắt tỉa công phu, những bồn hoa rực rỡ đủ các loại chạy thẳng từ đường quốc lộ vào sát mép tường nhà. Cửa sổ tầng một chỉ có lớp kính, không hề có chấn song sắt “chống trộm”, ngoài cổng không thấy những tấm biển đề : "Cẩn thận, có chó dữ!" như nhà ở tại Liên Xô cũ. Người Việt vốn dĩ thấp bé nên nhà cửa nhỏ hẹp thì đã đành, người Hà Lan cao lớn nhưng nhà ở lại nhỏ bé, đường phố cũng nhỏ hẹp, công viên, cửa hàng… đều xinh xắn, gọn gàng và ngăn nắp. Hà Lan là nước đứng thứ 3 về mật độ bình quân dân số, đứng sau Bănglades và Hàn Quốc. Từ xa xưa rồi, người dân Hà Lan đã lĩnh hội được nghệ thuật sử dụng từng centimet không gian sinh tồn. Bản năng và tài năng này được phát triển bởi một thực tế : gần một nửa lãnh thổ Hà Lan là do lấn biển tạo nên, và quá trình khó nhọc này vẫn còn tiếp tục đến tận ngày hôm nay. Đất nước Hà Lan nhỏ, đi ô-tô chỉ 3 tiếng đồng hồ từ đầu này sang đầu kia, nhưng người Hà Lan có tầm nhìn rộng bao quát cả thế giới và là những thương gia có năng khiếu bẩm sinh. Điều này được chứng minh bởi thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới được thành lập từ năm 1406 tại thành phố Bruige của Hà Lan, cạnh nhà của ông Van Der Bursa. Trên cổng ngôi nhà này có biểu tượng của ba cái ví tiền mà theo tiếng La-tin cổ có nghĩa là Bursa, từ đây có xuất phát nguồn gốc của từ Thị trường chứng khoán, nơi mọi người đổi tiền lấy cổ phần của các doanh nghiệp khác. Đến năm 1608, một thị trường chứng khoán có tổ chức qui mô lớn được ra đời tại Amstedam, sớm hơn 100 năm so với thị trường chứng khoán đầu tiên xuất hiện tại San-Peterburg (Nga) vào năm 1703 do Pie Đại đế du nhập từ Hà Lan về cùng với các nghề như đóng tàu thuỷ, công nghệ về vũ khí và cả thói quen hút thuốc lá nữa.
Tôi tá túc tại ngôi nhà hai tầng khang trang của anh Littooij Siep, một nhà xã hội học, một kỹ sư nông nghiệp đã gắn bó với Việt Nam hơn 20 năm qua nhiều công trình của các tổ chức khoa học Hà Lan, các tổ chức của Liên Hiệp quốc và phi chính phủ để giúp nông thôn Việt Nam. Mười năm gần đây, anh chuyển sang giúp đỡ các trường đại học Việt Nam nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giảng dạy, chương trình giảng dạy (capacity building). Tất nhiên, công trình mà anh trân trọng và quí giá hơn cả là hai đứa con khôi ngô, thông minh mang hai dòng máu Hà Lan và Việt Nam. Đã lâu lắm, tôi mới lại được nói chuyện với một người nước ngoài không chỉ thông thạo tiếng Việt, mà còn phong tục tập quán của người nông dân Việt Nam sâu sắc đến như vậy. Điều làm tôi cảm phục là anh nghiên cứu tiếng Việt không qua một trường lớp chính qui nào, mà chỉ tự học, vừa làm vừa học. Trình độ tiếng Việt của anh ở mức chính phủ Hà Lan đã mời tham gia kiểm tra dịch thuật trong cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai Thủ tướng năm 2001. Anh đưa tôi đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước, song có lẽ chuyến đi về nông thôn thăm trang trại của một nông dân Hà Lan điển hình để lại nhiều ấn tượng và suy tư hơn cả.
![]() |
Chính phủ Hà Lan đã đa dạng hóa các hình thức giúp đỡ cho người nông dân của mình có thêm thu nhập như : khuyến khích du lịch tham quan các trang trại của nông dân, cho phép nông dân hoạt động ngoài nông nghiệp, mở các tuyến đường xe đạp đi qua các trang trại vì du lịch bằng xe đạp đến nông thôn vào các ngày nghỉ là một hoạt động rất đặc thù của người Hà Lan. Trang trại của người nông dân nằm ngay sát đường quốc lộ, thoạt mới trông, tôi cứ tưởng đây là một quán hàng bên đường. Trên thực tế, đó cũng là một quầy bán các loại hàng nông sản khác nhau như : pho-mat, bánh mì, sữa, mật ong, giò… Chủ cửa hàng là một phụ nữ cao lớn, da đỏ hồng hào và có giọng nói trầm trầm như đàn ông. Anh Siep cho tôi biết là giá mua trực tiếp tại nhà của người nông dân đắt hơn so với giá tại siêu thị, bởi vậy, mua đồ thực phẩm tại đây chỉ những người có yêu cầu cao về chất lượng thực phẩm. Họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để được mua các sản phẩm chính gốc của người nông dân, các sản phẩm sạch, chế biến thủ công, không phải các sản phẩm chế biến công nghiệp. Các sản phẩm mua trực tiếp sẽ tươi hơn, ngon hơn và có tính đặc thù của từng vùng, từng trang trại. Ngoài ra, đây là cách để hỗ trợ nông nghiệp phát triển, giúp người nông dân không phải bán hàng qua trung gian thường bị mua với giá rất rẻ như tại Nga và Ucraina chẳng hạn. Chị chủ cửa hàng, sau khi nghe câu hỏi của tôi qua lời phiên dịch của anh Siep, đã vui vẻ trả lời : “Nếu chúng tôi muốn nâng cao thu nhập thì phải đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất hoặc đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh trong cửa hàng này. Nhưng không phải nông dân nào cũng có vốn hoặc chấp nhận vay vốn để đầu tư kiểu này. Hậu quả là hàng năm, số lượng nông dân ở Hà Lan giảm đi khoảng từ 3 – 5%”.
Chị lấy dao cắt cho chúng tôi thưởng thức những lát pho-mat chính gốc Hà Lan thơm ngậy và có hương vị hoàn toàn khác pho-mat của Nga. Tôi đã được nếm nhiều loại pho-mat của nhiều nước khác nhau, song thực sự, hương vị của pho-mat nông dân Hà Lan rất đặc biệt. Chị chủ không hề có ý định dấu nghề và khi được hỏi về bí quyết của loại pho-mat số một thế giới này, chị cười và hạ giọng nói : “Chẳng có bí mật gì ghê gớm cả, khí hậu, đất đai, chất lượng cỏ đã ảnh hưởng và quyết định đến chất lượng sữa bò. Pho-mat làm tại nhà máy thường phải có chất bảo quản, còn ở đây, chúng tôi làm khi sữa còn nóng ấm. Trong quá trình tiến hành hâm nóng và cô đặc sữa, chúng tôi bỏ thêm vào vài giọt chất dịch vị lấy từ trong dạ dày của con bê… ”
Chính cửa hàng này là một ví dụ cụ thể về việc đa dạng hóa thu nhập. Chủ cửa hàng đã lấy thêm mật ong, bia, giò, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng vùng Deventer… của các hộ nông dân khác để bán, còn các hộ kia lại lấy sữa, pho-mat của gia đình này bán thêm. Ngay đằng sau cửa hàng là khu vắt sữa bò và khu chăn nuôi hàng trăm con bò sữa do người chồng của bà chủ đảm nhiệm và được chia thành nhiều ngăn chuồng sạch sẽ, thoáng mát. Xa hơn nữa là một khoảng không gian rộng lớn chỉ có hai màu xanh : xanh ngăn ngắt của cánh đồng cỏ chạy hút tầm mắt và xanh mênh mang của bầu trời mùa thu không có một gợn mây…
Khi bước lên xe chuẩn bị rời trang trại, tôi trông thấy một chiếc tủ gỗ lớn đựng đầy các sản phẩm của gia đình nông dân này ở ngay đầu hồi khu nhà sát đường cái lớn. Hiểu ánh mắt tò mò của tôi, anh Siep cho biết, khi hết giờ làm việc, gia đình về nhà cả, nếu khách hàng đi ngang qua muốn mua gì đó thì tự lấy đồ và bỏ tiền vào trong tủ một cách tự giác. Tôi đã sống ở Nga vào những thời mà chủ nghĩa xã hội đang còn thịnh vượng nhất, nhưng cũng chưa thấy điều tương tự về tinh thần tự giác cao như vậy của người dân. Không phải vô cớ mà người Nhật đã chọn Hà Lan trong số rất nhiều nước tư bản lớn hồi đầu thế kỷ 19 là nước để học tập và bắt chước về nhiều phương diện, khi Minh Trị Thiên Hoàng bắt đầu chính sách mở cửa học tập Phương Tây để phục hưng đất nước mình.
Vũ Tuấn Hoàng – HNV