Hàng xóm va chạm? Chuyện muôn thuở – Ảnh : businessweek.com

Dẫu vậy, cuộc chiến tranh sẽ tiếp diễn khi quyền lợi bị va chạm. Ví dụ, tranh chấp miếng đất trước nhà kể trên. Có văn hóa thì mời nhau sang chơi và đàm đạo, có lý có tình để hai bên cùng có lợi. Miếng đất được biến thành nơi vui chơi chung và thậm chí mấy nhà gần đó cũng được lợi.

Nếu không may, có anh tham lam chỉ muốn : “Miếng đất đó của nhà tôi, vì ông cố bốn đời nhà này xí phần rồi”. Anh thấp cổ bé họng cãi : “Nhà này mất bao nhiêu công sức lấp, san nền mới được như thế”.

Không phải kẻ mạnh lúc nào cũng "thắng"

Trong tranh chấp mà phải dùng đến cơ bắp, lẽ phải thường thuộc về kẻ mạnh. Tuy nhiên, với cả xóm, điều đó chưa chắc đã đúng. Kẻ mạnh có thể lấn át người yếu, nhưng về chung cuộc, người đời lại nhìn kẻ hay ăn hiếp với một con mắt dè dặt thì anh khổng lồ đến mức nào cũng khó sống trong một cộng đồng như thế.

Người Nga mang quân đánh Grudia – quốc gia hàng xóm bé tý – vì vi phạm thỏa thuận hòa bình với Nam Osertia. Xe tăng Nga cách thủ đô Tbilisi vài chục km, tại sao họ không vào? Tại sao họ dừng lại? Vì đi thêm nữa thì phần thế giới còn lại ít ai có thể hợp tác tiếp với người Nga.

Mang quân đánh Iraq, người Mỹ tưởng rằng sẽ mang lại dân chủ cho quốc gia đạo Hồi ở Trung Đông này. Chiếm được thành Baghda nhưng không chiếm được lòng dân, di sản của thời đại Bush “Thế giới đơn cực, tấn công phủ đầu và sắp xếp lại bản đồ thế giới” đã thất bại vì ông đi quá xa. Đương kim Tổng thống Obama đang lo làm thế nào rút quân ra khỏi Iraq mà không bị mất mặt cường quốc số 1 trên thế giới.

Xã hội toàn cầu hóa đòi hỏi mỗi con người, mỗi làng xóm, mỗi quốc gia phải sống trong một thế giới phẳng. Nước Mỹ không thể làm bá chủ hoàn cầu một mình mà không có đồng minh. Trung Quốc không thể phát triển được kinh tế nếu không bán được hàng hóa sang các nước khác. Người Nga xuất khẩu dầu hỏa, khí đốt đi đâu nếu các nước nổi giận vì các vị vua dầu Siberia đóng – mở khóa van đường ống bất kỳ lúc nào.

Xã hội toàn cầu hóa đòi hỏi mỗi người, mỗi quốc gia phải có những cách hành xử thích hợp (Ảnh: aquasite.net)

Về ngắn hạn, kẻ mạnh có thể gây ra khó khăn nhất định cho người yếu. Nhưng về dài hạn, đó là điểm yếu của những anh chàng hay lên gân cốt. Ai còn tin và làm ăn với những kẻ không có độ tin cậy, mà chỉ thích "choảng nhau" hay đi lấn chiếm.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho giá dầu xuống thảm hại, các tài phiệt người Nga bị mất hàng trăm tỷ đô-la trong nháy mắt. Mạnh đấy, nhưng cũng yếu đấy. Kinh tế thế giới đi xuống thảm hại kéo theo những quốc gia chuyên dựa vào xuất khẩu hàng tiêu dùng như Trung Quốc cũng là một bài học về sự phụ thuộc lẫn nhau và yêu cầu đồng thuận trong thế giới phẳng. Sức mạnh xuất khẩu hàng hóa trước kia lại là điểm yếu bây giờ. Sản xuất ra mà không biết bán cho ai. Nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, tệ nạn nhiều hơn, có thể gây ra sự rối loạn xã hội.

Chuyện những hàng xóm yếu

Thế giới cần những nụ cười hòa bình (Ảnh : cartercenter.org)

Cuộc chiến tranh ngắn ngủi giữa Grudia và Nga đã làm cho Tbilisi thiệt hại vài tỷ đô-la. Nhưng đổi lại, người Nga mất người hàng xóm vĩnh viễn vào tay phương Tây. Tuy vậy, Grudia không thể thiếu người Nga, không thể bỏ hàng xóm để sang Texas với Mỹ. Họ cần bán rượu vang nổi tiếng sang Moscow vì bán sang Mỹ không ai mua. Cách còn lại là “đuổi gà sang hàng xóm”, kiếm cớ làm lành.

Sống cạnh anh hàng xóm mạnh, bị bắt nạt không có nghĩa là mãi chịu lép vế. Không thể chuyển nhà đến một nơi không có láng giềng, nhưng người yếu có thể tìm ra đồng minh mạnh, dư luận ủng hộ và luật pháp. Đó là chìa khóa chế ngự những anh chàng quen ăn hiếp phải dè chừng

Dư luận quốc tế là một vũ khí mạnh trong mọi cuộc tranh chấp. Người Nga phải dừng lại trước cửa ngõ Tbilisi vì dư luận. Người Mỹ không tấn công Iran vì sợ chưa đủ chứng cứ về Iran phát triển bom nguyên tử hay ủng hộ Al-qaeda, cũng vì sợ dư luận.

Obama lên thay Bush có một mục tiêu quan trọng là lấy lại niềm tin của thế giới đối với Mỹ. Nước lớn muốn mạnh phải cần nhóm nước nhỏ đi theo làm đồng minh. Người ta theo vì lợi ích chính trị, kinh tế và cả sự tin tưởng (credibility). Nếu người dẫn đầu đối xử không đàng hoàng thì lòng tin sẽ mất. Đó chính là gót chân Asin của các cường quốc.

Trong tranh chấp, người yếu không thể lôi cơ bắp ra thi thố. Nếu nắm vững luật lệ, lịch sử của miếng đất, biết cách dựa vào bạn bè quanh đó, khó ai có thể tuyên bố chủ quyền của mảnh đất trước nhà.

Đương nhiên, anh hàng xóm yếu thế phải xây dựng nội lực mạnh cho mình, vì yếu ớt thì đi đâu cũng bị bắt nạt. Cần tạo ra một gia đình đoàn kết cao, đủ uy tín để láng giềng nhìn vào, thấy mình bị kẻ khác hà hiếp, có người tốt giơ tay giúp đỡ.

Đất nước nào cũng phải có hàng xóm, trừ vài quốc gia đảo giữa đại dương. Nước mình cạnh Trung Quốc khổng lồ, đối nhân xử thế như thế nào thì các bậc tiền nhân đã làm hết cả rồi. Một thế kỷ gần đây cũng cho nhiều bài học. Vấn đề còn lại là nhớ và áp dụng cho đúng nơi đúng chỗ. Người nhỏ bé tìm ra gót chân Asin của kẻ khổng lồ thì dễ sống.

Thời nào cũng thế, dù hòa bình hay chiến tranh, mỗi quốc gia cần một sự đồng thuận để làm nên sức mạnh. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Thâm Tâm trong Tống biệt hành : “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng”. Mỗi người Việt Nam chẳng cần ra đến Hoàng Sa hay Trường Sa, chỉ đọc, bàn luận hoặc có quyền được nhắc đến những tên đảo thân yêu, vẫn nghe được “tiếng sóng biển Đông”. Đó là một trong những sức mạnh của đất nước nhỏ bé, có từ ngàn năm này.

Hiệu Minh – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *