Thái Lan thì đã quá quen thuộc. Người ta đi Thái như đi chợ. Nhưng nếu để ý thì cũng có những điều thú vị mà nhiều người không biết đến. Chẳng hạn :
1.Chuyên nghiệp
Trong chuyến đi du lịch Thái Lan, qua cửa hàng vàng bạc đá quý, cô em họ tôi mua một chiếc nhẫn mặt là một viên kim cương nhỏ xíu giá 250 đô-la với ý định làm quà cho con dâu. Cô đeo luôn vào tay. Vì biết tay con dâu to hơn, nên cô đeo hơi bị lỏng. Nhưng cũng chẳng sao, cô cứ đeo. Cho tới hôm cuối cùng trên đất Thái…
Trên đường ra sân bay về Hà Nội, cô chợt nhìn vào tay : cái nhẫn đã không còn trên ngón tay nữa. Cô giật mình, vắt óc ra nghĩ xem nó có thể rơi ra lúc nào. Mãi chiều hôm qua vẫn còn. Vậy thì chỉ có thể rơi vào buổi tối, lúc bỏ ra những đồng bath cuối cùng đi mua hoa quả ngoài cửa hàng trước cửa khách sạn, hoặc ban đêm, nó bị tuột ra trên giường khi cô ngủ.
Mấy người bạn tiếc hộ cô, xui cô gọi điện thoại di động về cho người phụ trách khách sạn nhờ tìm hộ, nói rõ tên mình và số phòng. Mười phần chỉ hy vọng có một. Cô cho rằng đa phần chiếc nhẫn bị rơi trước khi trở về khách sạn, mà dù có rơi trên giường, họ bảo không thì cũng chẳng ai dám nghi ngờ gì. Chỉ tiếc rằng đây là lần đầu tiên bà mẹ chồng tỏ tình cảm với đứa con dâu hiếu thảo.
Vậy mà, khi xe bus vừa tới sân bay, thì một chiếc xe du lịch sơn logo và tên khách sạn Royal Benja Hotel phóng vượt lên, rồi đỗ ngay đầu xe bus. Người nhân viên phòng trực ban đã mang trả lại cho cô chiếc nhẫn sau khi đã kiểm tra tên trên hộ chiếu của cô, đối chiếu với tên người đã nghỉ đêm trước tại khách sạn.
Anh ta cho biết, khi người phụ trách nhận được yêu cầu của cô, gọi điện xuống phòng trực ban thì cô dọn phòng đã mang nộp chiếc nhẫn cho họ từ trước rồi.
Mấy người trong đoàn, nhất là cô em tôi, rối rít khen họ thành thật, lại còn đuổi theo hàng chục cây số để trả khách. Tôi chỉ đánh giá đó là tính chuyên nghiệp của họ. Làm nghề ấy thì phải có phẩm chất như thế.
Chẳng trách Thái Lan đã từ lâu là điểm đến của khách du lịch quốc tế.
2.Ý nghĩa của "wai"
Nhiều dân tộc có cách chào là chắp hai tay và cúi đầu như Ấn Độ, Lào, Myanmar… nhưng có lẽ không nơi nào phổ biến như Thái Lan, tuy các nhà học giả bảo gốc gác của nó là Ấn Độ. Chào mừng khi gặp gỡ, làm quen, từ biệt, cảm ơn… tất cả đều dùng một động tác ấy, mà cái bắt tay của người phương Tây chỉ nói lên một phần.
Người Thái gọi động tác ấy là wai (có phải có họ hàng với chữ “vái” của ta không nhỉ?)
Wai cũng có quy luật của nó. Ví dụ khi gặp nhau thì người dưới (hoặc người trẻ hơn) phải wai người trên (hoặc người cao tuổi hơn) trước, người trên chỉ wai đáp lễ sau khi được wai. Độ cao của hai tay chắp lại càng cao càng tỏ ra kính trọng. Đầu hai ngón tay trỏ có thể chạm trán, chạm mũi, chạm cằm hay chỉ để trên ngực thôi, tuỳ thuộc mình phải “tôn kính” người mình wai đến mức độ nào. Và không vái liền mấy cái như khi ta lễ trước bàn thờ hoặc vái chào nhau như các vị Trung Hoa xếnh sáng (dân ta thấy họ wai mình cũng wai lại, nhưng vái lia lịa như kiểu Tàu).
Nếu bạn không wai đúng, có thể là bạn vô lễ (ví dụ wai sau hoặc đầu hai ngón trỏ thấp quá đối với người trên) và cũng có thể làm người được wai lúng túng, ngượng ngập không biết đối xử sao cho phải (ví dụ bạn là người trên lại wai “chạm mũi” đối với người dưới). Thông thường, đối với người phục vụ thì không wai.
Tôi chứng kiến hai cái wai làm tôi ngạc nhiên.
Hôm ấy, tôi đang ngồi trên xe buýt. Chiếc xe đáng ra phải vòng qua điểm giữa ngã tư trước khi rẽ trái, nhưng vòng rộng quá, người tài xế bèn ăn gian đường. Vậy mà một xe mô-tô phân khối lớn của cảnh sát sơn màu trắng có chữ POLICE chẳng biết xuất phát từ đâu phóng vượt lên chặn đường và đỗ xịch. Xe buýt dừng lại. Người lái xe tự biết lỗi, thản nhiên xuống nộp phạt. Nhưng anh ta khinh khỉnh móc ví, đặt 100 bath xuống yên của chiếc xe mô tô cảnh sát, bĩu môi, nhún vai một cái rồi quay lên xe lái tiếp.
Còn anh cảnh sát? Anh ta nhã nhặn wai anh lái xe một cách kính cẩn khi người này đặt tiền xuống yên xe và lấm lét đút vào túi.
Cô hướng dẫn viên thấy chúng tôi đều chứng kiến “màn hài kịch” ấy có vẻ ngượng. Cô bảo :
– Còrắpsân (tham nhũng) đấy. Người lái xe và anh cảnh sát đều sai. Người lái muốn được việc mình, đút lót cho anh ta để khỏi phải mang biên lai đến nộp tiền tại kho bạc. Anh cảnh sát nhận tiền rồi bỏ qua không phạt nữa. Các vị có thấy không, người hối lộ thỉ tỏ vẻ khinh bỉ, người nhận hối lộ thì thẹn thùng, lại còn phải wai cả người phạm lỗi nữa chứ. Em bắt gặp nhiều lần, có điều, tiền còrắpsân chẳng bao giờ vượt quá 100 bath (tương đương 50.000 tiền Việt) đâu. Báo chí họ phê phán chuyện này dữ lắm.
Chuyện thứ hai :
Anh bạn tôi (Thái gốc Việt) cùng thằng cháu 13 tuổi, buổi tối rỗi rãi nằm trên giường “tâm sự” với nó. Anh bảo :
– Cháu xem anh Đeng đấy, học giỏi, đỗ Thạc sĩ rồi, lương 4 – 5 vạn bath, nuôi được cả bố mẹ và đang mua ngôi nhà trả góp này. Cháu phải cố gắng học giỏi như anh Đeng.
Thằng bé bỗng vùng dậy, đứng xuống đất, chắp hai tay tận mũi, wai anh và nói :
– Cháu xin cảm ơn chú về lời dạy bảo. Cháu hứa sẽ cố học cho giỏi.
Và anh bạn tôi cũng buộc phải ngồi dậy, wai đáp lễ. Hình thức quá, phải không? Tôi cứ tủm tỉm cười một mình.
Nhưng thực ra, trong trường hợp này, wai vừa có nghĩa là khẳng định một lời hứa, vừa là chấp nhận lời hứa đó : Thoả thuận như thế nhé!
Lại có trường hợp người ta wai mà không có “đối tác” trước mặt. Wai vọng thôi. Ấy là lúc ông lái xe của chúng tôi mỗi khi đi qua đền chùa, thậm chí một chiếc miếu nhỏ có tượng con voi ở ven đường, cũng bỏ vô-lăng, chắp tay wai. Một bà già ngồi xem ti-vi, khi thấy hình vua Bhumibol Adulyadej trong chương trình Thời sự cũng đứng dậy wai để tỏ lòng tôn kính.
3.Tôi thua cuộc
Dạo này, ở Thái Lan có lệ : Bất cứ nơi nào khi chiếc xe chở khách du lịch vừa dừng là có cả đội ngũ nhiếp ảnh bám theo. Họ cứ chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số, bất kể khách có đồng ý hay không. Vài tiếng đồng hồ sau, khi ra khỏi địa điểm tham quan, ảnh đã bày sẵn sàng và hầu như chẳng thiếu ảnh của một người nào. Họ có nghề và kinh nghiệm chọn những cảnh đặc trưng, nên nói chung đó là những tấm ảnh khá đẹp, in trang trọng trên những tấm nhựa hoặc đĩa nhựa để bảo quản được lâu dài hoặc phóng cỡ lớn, lồng trong khung cac-tông. Ai lấy ảnh mình thì trả đúng 100 bath, không lấy không sao, họ sẽ huỷ toàn bộ những tấm ảnh “ế” đó. Số du khách lấy ảnh thường ít, chỉ khoảng 1/10, còn thì tuy cũng thích đấy, nhưng nghĩ là 100 bath thì nên mua thứ khác có ích hơn nên bỏ lại.
Đoàn chúng tôi xúm quanh cô bé bán những tấm ảnh của mình khi ra khỏi Trại nuôi hổ báo, sư tử và cá sấu xem xiếc do chúng biểu diễn.
Trời nắng, ảnh đẹp, nhưng chỉ có 5 người mua. Tôi ra sau cùng, khi đoàn đã bắt đầu lên xe, nói khẽ với cô bé (chính là con gái ông thợ ảnh) :
– Bán cho bác tấm ảnh này của bác đi, nhưng 50 bath thôi. Đằng nào cháu cũng bỏ mà!
Cô bé lắc đầu :
– Không bán.
– Thôi, 80 bath vậy.
Cô bé trả lời :
– Cũng không bán
Tính hiếu thắng nổi lên, tôi nói nhanh :
– Bác sẽ mua tất cả 25 bức ảnh của 25 người bỏ lại để tặng cho họ, với giá 50 bath một ảnh. Mau lên, xe sắp chạy rồi kìa. Đằng nào cháu cũng bỏ mà.
Rồi tôi mở ví, bồi thêm một đòn nữa để cô bé bướng bỉnh “gục” hẳn :
– Nào, một nghìn hai trăm măm mươi bath. Chà, nhiều đấy!
Cô bé lắc đầu quầy quậy :
– Không bán, không bán mà!
Tôi bước lên xe, nhìn xuống, ấm ức. Mình thua rồi. Hay nó dở hơi, không biết tính toán.
Hai hôm sau. Chúng tôi đi thăm Hoàng cung. Tôi thử lại “canh bạc” hôm nọ. Lần này người bán ảnh là một bà già. Kết quả : y chang lần trước. Tôi thua!
Tôi bỗng ngộ ra : những người chụp ảnh rong xứ Thái chẳng có Hiệp hội hay Nghiệp đoàn nào ràng buộc cách kinh doanh của họ. Điều quan trọng là danh dự nghề nghiệp : Không vì cái lợi mà phá vỡ nguyên tắc thoả thuận với nhau, mà vi phạm cam kết, nói to tát ra là phá giá thị trường. Kể cả một cô nhóc con và một bà già ít học.
Tuấn Hà (Vietimes)