Tôi từng chứng kiến những bữa tiệc tiếp khách nước ngoài ngập tràn bia rượu, ngập tràn thực phẩm, cứ như là họ chỉ ăn uống lần cuối cùng trong cuộc đời. Và không ít người nước ngoài được tiếp đãi như thế, đã băn khoăn hỏi tôi vì sao người Việt Nam lại có thể lãng phí đến như vậy, trong khi Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Xin thông báo, Việt Nam còn là một quốc gia rất nghèo, nhưng lại tiêu tiền thoải mái nhất. Chúng ta vẫn còn bị chủ nghĩa hình thức thống trị. Và chủ nghĩa hình thức đang biến chúng ta thành những trọc phú.
Mấy ngày trước, tôi đi qua cầu Chương Dương trong một buổi sớm sương mù. Tôi nhìn thấy cầu Long Biên trong buổi sáng ấy. Vẻ đẹp thân quen và kỳ lạ của cầu Long Biên hiện lên. Và tôi mang cảm giác như đã đánh mất cây cầu này từ lâu lắm, giờ mới tìm lại được. Cảm giác ấy với tôi là có thật. Tôi đã đi qua nhiều cây cầu nổi tiếng ở Mỹ, ở Úc, ở Nhật… và bây giờ, tôi có thể nói với một sự công bằng rằng : cầu Long Biên là một cây cầu đẹp trên thế gian này. Thế nhưng, người ta một thời đã quyết định cho phá cây cầu này. Bây giờ, nhiều phần của cây cầu đã bị dỡ. Nhưng nó vẫn đẹp. Đẹp trong một nỗi buồn day dứt và trong cả sự nổi giận của cá nhân tôi. Tôi không làm sao hiểu được người ta lại có thể ký quyết định cho dỡ cây cầu. Chẳng lẽ không bao giờ những người ký quyết định dỡ cây cầu nhìn thấy vẻ đẹp của nó hay sao? Chẳng lẽ chúng ta lại tội nghiệp đến như thế hay sao? Cầu Long Biên do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Đó chính là tác giả Tháp Effen ở Paris. Nếu cầu Long Biên gọn nhẹ như một bức tranh hay một bức tượng, chắc chắn khi bán đấu giá, nó sẽ được người Pháp hoặc những người Châu Âu mang đi từ lâu rồi. Chỉ đơn giản nó là một vẻ đẹp. Mà đã là một vẻ đẹp thì nó thuộc nhân loại, chứ không bao giờ thuộc về bất cứ quyền lực nào.
Tôi nói về cây cầu không chỉ nói về nó. Tôi đang nói về một nguy cơ trong thời đổi mới này. Nguy cơ khi chúng ta có một chút tiền khấm khá trong túi thì chúng ta dễ trở thành một trọc phú. Hầu như hàng tuần, tôi đều từ thành phố về quê. Sự thay đổi quá nhanh của những làng mạc hai bên đường làm tôi vui ít mà buồn nhiều. Nếu vui một vì đời sống của người dân được cải thiện, thì buồn nhiều vì những vẻ đẹp thôn quê đang càng ngày càng bị tàn phá. Cứ mỗi năm một lần, bạn hãy thăm lại một làng quê, bạn sẽ kinh ngạc vì sự đổi thay ở đó. Trong những niềm vui về điều kiện sống của người nông dân được cải thiện, có một nỗi buồn khôn tả dâng lên. Đó là nỗi buồn về hình ảnh làng quê Việt Nam đang ngày ngày mờ đi và có nguy cơ biến mất. Những ngôi nhà mái ngói, những bờ rào dâm bụt, những hồ sen bán nguyệt… được thay dần bằng những ngôi nhà bê-tông mái bằng thô thiển. Có quá nhiều thứ được xây dựng rất kiên cố, nhưng khó gọi đó là nhà, và thật xấu hổ khi gắn từ kiến trúc vào đó. Có những làng quê bây giờ ngỡ đó là một mảnh của một khu cư dân xây cất tạm bợ và bất cần bên sông Hồng lạc đến. Phố không phải là phố và làng cũng không phải là làng. Sự tinh tế, sự yên tĩnh và thơ mộng của một làng quê Việt Nam chỉ mới hơn mười năm về trước giờ đã không còn. Chúng ta vẫn có thể xây những ngôi nhà hai hay ba tầng với mái ngói đỏ tươi ở làng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người nông dân, nhưng không hề mất đi phong vị làng Việt Nam. Kiến trúc sẽ giúp chúng ta làm được điều đó không một chút khó khăn. Nhưng chúng ta đã không làm. Và chúng ta sẽ phải hối tiếc. Tôi chưa bao giờ thấy chính quyền đặt ra vấn đề này.
Có không ít kiến trúc sư đã lên tiếng và đưa ra những giải pháp tuyệt vời về nhà ở ở nông thôn. Nhưng những công trình nghiên cứu của họ chỉ vang lên trong một cuộc hội thảo nào đó và lại bị rơi vào câm lặng. Những người nông dân không ý thức được điều đó. Cũng không ai nói cho họ hiểu điều đó. Với những đồng tiền ấy, với ao vườn ấy, với nhu cầu sống ấy, nếu chúng ta có ý thức, có thẩm mỹ và có Luật Xây dựng, chắc chắn chúng ta sẽ có những làng quê vừa truyền thống vừa hiện đại. Hình như chúng ta đang chỉ sống với những giấc mơ quá ngắn của năm năm, mười năm, mà không có được những giấc mơ của một đời người và của nhiều đời người. Với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ hai mươi năm nữa thôi, những làng quê truyền thống Việt Nam thơ mộng sẽ biến thành những khu dân cư hổ lốn, oi bức và nặng nề của những “lô-cốt” bê-tông. Và trong một khu dân cư như vậy thì chắc chắn những nét văn hoá truyền thống của những làng quê Việt Nam sẽ bị tiêu diệt. Hai mươi năm không phải là một thời gian dài, chỉ một cái tặc lưỡi quay đi của những người có trách nhiệm là khoảng thời gian ấy vút qua. Đến lúc ấy, chúng ta lại bừng tỉnh. Nhưng sự hối hận của chúng ta chắc chắn phải trả một giá vô cùng đắt mà bây giờ chúng ta không lường thấy được.
Không chỉ những người nông dân, mà ở chính Hà Nội, chúng ta được chứng kiến những ông trọc phú xuất hiện trong thời kinh tế thị trường. Hãy nhìn những ngôi nhà họ xây. Hãy nhìn những đồ dùng trong nhà họ dùng. Nhiều năm trước, tôi có đến một gia đình bắt đầu có tiền. Và tôi kinh ngạc khi thấy họ dùng đồ khảm trai tràn ngập trong nhà. Kinh ngạc hơn khi tôi nhìn thấy cả cái giá để giày dép cũng khảm trai. Nhưng không chỉ là những người dân, mà có không ít cơ quan nhà nước, đặc biệt các trụ sở của Quận uỷ hay Huyện uỷ v.v… thi nhau xây dựng như để khoe của. Nhìn những toà nhà như thế đã thấy cái phong cách của “quan dân” và đầy tính cửa quyền. Đó là văn hoá. Đó là tâm hồn. Hãy nhìn lại những gì mà chính quyền đô hộ Pháp xây ở Hà Nội trước kia. Những công trình đó thật uy nghi, nhưng cũng thật văn hoá và hài hoà. Năm 2002, ở sân bay thủ đô Malaysia, tôi có gặp một cô gái người Việt sang du học ở đất nước này. Cô gái đó quả thực như một tiệm kim hoàn di động. Cô đeo rất nhiều đồ trang sức bằng vàng trên người. Tôi hỏi cô vì sao lại đeo nhiều vàng như thế. Cô nói rằng, để cho họ biết người Việt Nam đâu có hèn, đâu có lạc hậu. Câu trả lời của cô gái ấy làm tôi chua chát nghĩ về niềm tự hào dân tộc, một niềm tự hào ngớ ngẩn và thảm hại. Cô có biết đâu rằng, vật trang sức quyền uy và quyến rũ nhất của con người hay của một dân tộc chính là văn hoá trong con người ấy và trong dân tộc ấy. Tôi từng chứng kiến những bữa tiệc tiếp khách nước ngoài ngập tràn bia rượu, ngập tràn thực ph
ẩm, cứ như là họ chỉ ăn uống lần cuối cùng trong cuộc đời. Và không ít người nước ngoài được tiếp đãi như thế, đã băn khoăn hỏi tôi vì sao người Việt Nam lại có thể lãng phí đến như vậy, trong khi Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Xin thông báo, Việt Nam còn là một quốc gia rất nghèo nhưng lại tiêu tiền thoải mái nhất. Chúng ta vẫn còn bị chủ nghĩa hình thức thống trị. Và chủ nghĩa hình thức đang biến chúng ta thành những trọc phú.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến cây cầu bắc qua sông Hồng – cầu Long Biên. Đấy thực sự là một vẻ đẹp và là một nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Hà Nội. Thế mà người ta đã từng ký để biến nó thành sắt vụn bán buôn hay bán lẻ gì đó. Chỉ một hành động ấy thôi đã đủ làm cho chúng ta biết văn hoá và trí tuệ của chúng ta đang ở đẳng cấp nào.
Nguyễn Quang Thiều – Theo VNQĐ