Lý thuyết là mầu xám, cây đời mãi mãi xanh tươi – một triết lý sâu sắc, đơn giản, trở thành câu thơ nổi tiếng của Goethe trong vở kịch “Faust” – thường được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc đi nhắc lại với nhiều người chung quanh mình trong công việc, đến mức trở thành một quan niệm, một phương thức làm việc, và còn hơn thế nữa : một phương thức và một lẽ sống…
Sau này, trong những ngày được giúp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi có dịp làm "nhân chứng" cho ảnh hưởng lan tỏa của điều nhắc nhủ nêu trên.
Một lần tình cờ, tôi hỏi anh Sáu Dân nhân lúc đang phải triết lý về cuộc đời :
– Anh Sáu ạ, điều gì khiến anh có ấn tượng sâu sắc như vậy khi anh thường nói với chúng tôi về lời nhắc nhủ của anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng)?
– Chuyện đó quan trọng lắm : Điều nhắc nhủ ấy của anh Tô khiến tôi hiểu Ông Cụ đầy đủ hơn, dạy tôi cách học Ông Cụ, không như thế thì không thể hiểu được Ông Cụ!
Anh Sáu nói như thế về Bác Hồ với tất cả kính yêu và mến phục của mình.
Ngày tháng vùn vụt trôi đi trong công việc ngập đầu, hầu như không thấy anh Sáu viện dẫn sách vở hay lý luận ra để giải thích quyết định của mình. Ngay cả trong những công việc rất khó, anh Sáu không lý luận dài dòng, mà đi thẳng vào tình huống, vào công việc, nói rõ mục đích phải đạt được. Đôi ba lần, gặp phải công việc còn nhiều ý kiến tranh cãi ngang ngửa, nếu cần thúc giục những người chung quanh động não góp ý, tôi thấy anh Sáu không áp đặt ý kiến của mình, mà thường nhắc đến những quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giờ phút quyết định vận mệnh đất nước, hoặc trong tình huống hiểm nghèo.
– Không chần chừ được. Thời cơ không chờ đợi! Nếu Bác không quyết nắm lấy thời cơ thì làm sao có Cách mạng Tháng Tám, làm sao thành công được! Cứ suy nghĩ kỹ mà xem… Khó khăn của chúng ta bây giờ ăn nhằm gì!
– Phải đi nước ngoài thương thuyết trong tình hình đất nước nghìn cân treo sợi tóc, việc quán xuyến cả đất nước, Bác trao vào tay cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đức độ nào, tầm nhìn và sự từng trải nào khiến Bác dám quyết như vậy?
Vân vân…
Anh Sáu không giải thích, không nói nhiều, mà cứ nêu câu hỏi như thế, đòi hỏi mọi người chung quanh phải suy nghĩ, phải noi gương để tìm ra giải pháp cho vấn đề đang đặt ra trước mặt!
![]() |
Bác Hồ… |
Tôi nhớ lại, đấy là những lúc anh yêu cầu chúng tôi tìm mọi lý lẽ và chuẩn bị mọi việc để trình bày với Bộ Chính trị quyết định những việc hệ trọng : sớm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Trong bối cảnh lúc bấy giờ, cần nói thẳng thắn là phía ta có "hội chứng Mỹ" rất nặng, rất lo ngại "diễn biến hòa bình", đầy nghi ngờ sự thao túng của các nước lớn đối với WTO, lo mở cửa nền kinh tế, chế độ chính trị của đất nước sẽ bị uy hiếp, vân vân…
Khổ một nỗi, hồi ấy, lực cản đối với những quyết định hệ trọng như thế rất lớn! Gần như là một lẽ tự nhiên! Kể cả trong hàng ngũ trí thức nữa, chứ không phải chỉ trong những cán bộ chính trị! Hiểu rõ lịch sử vô cùng gian truân đất nước đã trải qua, sẽ hiểu được sự giằng co quyết liệt này để quyết định cho đất nước những bước đi tất yếu như vậy!
Tôi không muốn tôn sùng vai trò cá nhân, nhưng nhìn lại lịch sử thì cần công bằng. Trong sự hiểu biết của mình, tôi dám cả quyết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, kể cả sau này với tư cách cố vấn, thực sự là người tiên phong của những người đi tiên phong trong lựa chọn những quyết định thay đổi hẳn cục diện đất nước như vừa trình bày trên.
Trong những năm tháng ấy, tâm sự với chúng tôi, anh Sáu cho biết, anh luôn luôn nghĩ đến những quyết định và việc làm của Bác, để học tập, để noi gương, để mổ xẻ cặn kẽ tình huống công việc mình đang đối mặt, nhất là để kiên định quan điểm và sự lựa chọn quyết định của chính mình. Trong những năm tháng giúp anh Sáu, hình như tôi chưa thấy một lần nào có chuyện anh Sáu nói hay viết "Hồ Chủ tịch nói rằng… ", "Hồ Chủ tịch dạy rằng… ". Quả thực đến nay, tôi chưa tìm lại được một diễn văn nào của anh Sáu trong thời gian tôi giúp việc có trích nguyên văn một câu nói nào đó của Bác! Có điều kiện, tôi sẽ xác minh kỹ hơn để khẳng định điều này. Song tôi tin rằng, hầu như ở anh Sáu không có chuyện lý luận hay ngôn từ theo kiểu trích cú tầm chương như vậy mỗi khi nói về Bác Hồ, dù là trong hội nghị, buổi nói chuyện hay là trong các cuộc họp bàn công việc với những người chung quanh.
Trong những năm tháng làm việc cạnh anh Sáu, không dưới một lần, anh em chúng tôi hỏi trực tiếp – đương nhiên là để hiểu rõ cái chất "Sáu Dân" của anh :
– Anh Sáu ạ, sao anh hay làm trái Nghị quyết của Đảng thế?
– Thế thì tôi đáng bị kỷ luật nặng rồi!
– Nếu chiểu theo câu chữ của văn bản chính thức thì không oan, anh Sáu ạ!
– Tôi hiểu câu hỏi của các anh…
Mỗi lần trả lời loại câu hỏi này trong các vấn đề khác nhau, chúng tôi hiểu thêm một khía cạnh mới trong suy nghĩ của anh.
Không biết bao nhiêu lần, anh thường nói với chúng tôi : Không nên và không được tư duy theo cách đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống. Cũng không thể nói : "Ý Đảng lòng dân" đến mức như là một khuôn sáo… Đúng ra phải nghĩ ngược lại : Đưa cuộc sống vào đường lối chính sách của Đảng, nguyện vọng của dân phải trở thành ý chí của Đảng! Tự nhận là con cháu Bác Hồ thì phải làm như thế, học tập Bác thì phải làm như thế…
Anh Sáu hỏi lại chúng tôi nhiều lần : Hãy thử tìm xem, trong Tuyên ngôn Độc lập, rồi đến Hiến pháp 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong nhiều sự việc quan trọng khác, và ngay cả trong Di chúc của Bác nữa, có thấy chỗ nào Bác làm theo cách "đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống" không? Hay là Bác xuất phát từ những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống vạch ra chương trình hành động cho đất nước, cho Đảng?
Anh Sáu nhấn mạnh : Cái chính là phải trung thành với mục tiêu của cách mạng và không được để lợi ích cá nhân xen vào. Nghĩ được như vậy thì sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Nghĩ được như thế, mới có thể hiểu được những quyết định có một không hai của Bác Hồ. Anh giục chúng tôi : Các anh cứ đi sâu tìm hiểu, phân tích những quyết định động trời của Bác thời kỳ cách mạng trứng nước, khi quyết định Toàn quốc kháng chiến, khi phát động Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… [1]. Phân tích cho kỹ xem kết luận như vậy có đúng không! Rõ ràng, chỉ có Bác mới dám quyết như vậy! Trung thành với sự nghiệp cách mạng mới dám quyết như vậy! Trung thành với "chủ nghĩa" thì không dám và không thể làm như vậy! Lần nào cũng thế, anh Sáu trở nên sôi nổi khác thường khi nói đến những chuyện này.
Chúng tôi hiểu thêm anh Sáu học Bác như thế nào. Nếu thống kê các việc "làm trái" như thế của anh Sáu, chắc chắn có thể kết luận : Trong mọi thời kỳ công tác và ở bất kể cương vị gì, anh Sáu cũng có hàng chuỗi các việc "làm trái" như thế – từ những năm tháng chỉ đạo kháng chiến trong vùng địch hậu, rồi đến cương vị đứng mũi chịu sào Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới được giải ph&oac
ute;ng, Thủ tướng Chính phủ, cố vấn…
Quả thực, vấn đề không phải là câu chuyện của câu chữ văn bản chỉ thị hay nghị quyết, mà là điều anh Sáu tâm đắc : Cây đời mãi mãi xanh tươi…
Khi nói đến Bác Hồ, hầu như trong hoàn cảnh nào cũng vậy, anh Sáu trước hết nói về tinh thần, về ý nghĩa, việc Bác làm, về cách xử sự tình huống của Bác, về cách Bác giải quyết vấn đề… trước hết là về lòng trung thành vô hạn với lợi ích dân tộc, là ý chí và sự mẫn tiệp của Bác trong sứ mệnh chèo lái con thuyền quốc gia, trong nhiệm vụ là biểu tượng tinh thần của dân tộc, trong cương vị là lãnh tụ sáng lập và rèn luyện Đảng…
Qua những mẩu chuyện cũ anh kể lại khi sống trong vùng địch hậu, cả những lúc cơ sở cách mạng mất trắng từng mảng lớn, bản thân tôi càng hiểu sâu sắc thêm Bác Hồ là linh hồn, là niềm tin bất khuất của đồng bào Nam bộ trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất! Có nhiều mẩu chuyện nhỏ rất cảm động. Anh Sáu tâm sự, nếu không có niềm tin sắt đá như vậy, chính anh cũng sẽ không dám dựa vào đồng bào, sẽ không có gan quay lại sống với đồng bào và xây dựng cơ sở mới ngay trong vùng địch đã chà đi xát lại sạch bong.
Trong những năm tháng giúp anh Sáu, điều anh Sáu nói với chúng tôi nhiều nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là những vấn đề liên quan đến Đảng, cụ thể là vấn đề dân chủ trong Đảng, đổi mới sinh hoạt Đảng, chống sự tha hóa của đảng viên – trước hết là những đảng viên có chức có quyền, về đổi mới xây dựng Đảng. Có lẽ sau này, có dịp, nhất là khi bàn đến đổi mới Đảng, các cơ quan nghiên cứu của Đảng nên sưu tầm và công bố những ý kiến đóng góp của anh Sáu chung quanh chủ đề xây dựng Đảng với tư cách là Đảng lãnh đạo đất nước trong thời bình để toàn Đảng và cả nước tham khảo.
![]() |
…và người học trò xuất sắc Võ Văn Kiệt |
Câu hỏi lớn nhất bàn về xây dựng Đảng anh Sáu nêu ra cho chúng tôi là : Vì sao Bác Hồ, chỉ có Đảng với 5.000 đảng viên, đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám và giành lại được đất nước?
Tôi không thể nhớ lại được anh em chúng tôi trong nhóm giúp anh Sáu, với tính cách nguyên là các thành viên trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng do anh Sáu thành lập, đã có bao nhiêu cuộc họp bàn và tranh luận với anh Sáu chung quanh chủ đề này. Cứ mỗi khi buổi thảo luận kết thúc, anh Sáu thường kết luận với câu hỏi mới, đặt vấn đề mới cho cuộc họp sau. Bao nhiêu cuộc họp như thế thì chịu, không nhớ được. Ít nhất là phần lớn các cuộc họp của chúng tôi trong hai, ba năm cuối cùng trước khi anh Sáu đi xa đều xoay quanh chủ đề này. Điều tôi hoàn toàn chắc chắn, cuộc họp cuối cùng của anh Sáu với chúng tôi, chỉ một hai tuần trước khi anh Sáu lâm bạo bệnh, là bàn về đổi mới Đảng như thế nào. Viết đến đây, tôi liên tưởng đến lời dặn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người : "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng… ".
Trong những năm tháng này, ngoài anh em chúng tôi, anh Sáu còn đi gặp không biết bao nhiêu chiến hữu và bạn bè của mình ở khắp đất nước. Trong những chuyến đi như vậy, bàn về xây dựng Đảng là chủ đề chính của anh Sáu. Khi về, anh kể lại cho chúng tôi nghe nhiều thông tin phong phú về tình hình các Đảng bộ địa phương.
Chủ kiến của anh Sáu là : Cách mạng Tháng Tám, Bác đã lãnh đạo Đảng với 5.000 đảng viên làm nên sự nghiệp, trước hết vì đường lối cách mạng đúng, người lãnh đạo sáng suốt, đảng viên chiến đấu ngoan cường, số lượng đảng viên không phải là điều quyết định… Anh dẫn chứng, trong Cách mạng Tháng Tám, nhiều nơi không có đảng viên, nhưng nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, tự vùng lên cướp chính quyền, tự lập nên chính quyền cách mạng…
Anh Sáu phân tích : Không tin vào nhân dân, không dựa vào nhân dân như thế, làm sao cách mạng có thể thành công? Làm sao có thể bảo vệ được cách mạng trong những hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc? Vì coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì không độc quyền yêu nước, nên Bác thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, trở thành hiện thân của đại đoàn kết dân tộc, thực sự phát huy được sức mạnh vô địch của nhân dân! Quan trọng hơn tất cả, chỉ có như vậy, Bác mới làm cho sự nghiệp cách mạng trở thành sự nghiệp của nhân dân. Anh Sáu thẳng thắn : Phải thừa nhận, chính điểm này chúng ta học tập Bác chưa tốt, làm chưa tốt. Bác nói xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân chính là nói theo tinh thần này! Anh Sáu hỏi lại chúng tôi : Trong lịch sử chính phủ các thời kỳ cho đến nay, có thời kỳ nào có được đông đảo các nhân sỹ trí thức lớn ngoài Đảng tham gia như chính phủ cụ Hồ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không? Tại sao bây giờ, hễ là Bộ trưởng nhất thiết cứ phải là Ủy viên Trung ương mà lại không phải là trí thức có đức có tài đúng với lĩnh vực phụ trách? Ngoài Đảng cũng được chứ sao? Tại sao bây giờ không chọn được người tài đức vào đúng chỗ đúng việc? Đảng ta bây giờ với 3 triệu đảng viên, nếu cứ 3 loại đi 2 yếu kém, Đảng vẫn còn được một triệu đảng viên có đủ phẩm chất, vẫn nhiều gấp 20 lần khi làm Cách mạng Tháng Tám, nếu có đường lối đúng đắn, vẫn hoàn toàn có thể lãnh đạo thành công xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất dân chủ và giầu mạnh… Phải học Bác như thế từ trong lý tưởng, trong thực tiễn…
Trong nhiều buổi họp khác nhau, anh Sáu còn nhắc đi nhắc lại : Tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do!", tinh thần "Độc lập, tự chủ và sáng tạo" thì phải học Bác suốt đời! Anh nhấn mạnh : Cứ khi nào không thấm nhuần hai điều cốt yếu này, là cách mạng y như gặp khó khăn, là y như phát sinh nhiều vấn đề…
Có thể nói, qua những buổi trao đổi như thế, hầu như bao giờ cũng sôi nổi, chúng tôi chẳng những hiểu thêm anh Sáu học tập Bác Hồ như thế nào, mà còn hiểu rõ được cái chất "Sáu Dân" của người đảng viên Võ Văn Kiệt, nhất là trong tình hình ngày nay, cái tính Đảng chân chính trong con người đảng viên, trong bản chất và đường lối chính sách của Đảng hình như rất ít được nói tới, được coi trọng mỗi khi bàn về Đảng, về xây dựng Đảng.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực là người hiểu sâu sắc Bác Hồ, nêu một tấm gương sáng về học tập tư tưởng và đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là học trò xuất sắc của Người.
Hà Nội, 19/5/2010
———————————————-
[1] Những câu chuyện này diễn ra vào lúc anh Sáu và chúng tôi có nhiều cuộc thảo
luận đánh giá lại lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám, với mục đích tìm hiểu những vấn đề liên quan đến đổi mới Đảng cho phù hợp với đòi hỏi của giai đoạn cách mạng hiện tại. Trong những cuộc thảo luận như thế, chúng tôi đụng chạm tới nhiều sự kiện phức tạp : Cách ứng xử với các đảng phái và các nhân vật chính trị khác chính kiến và đối lập, đối phó với những lực lượng chống phá Cách mạng Tháng Tám và Tầu Tưởng, việc Bác chủ động đề nghị Việt Nam đứng trong khối Liên hiệp Pháp trong quá trình thương lượng không thành với Pháp, việc Bác quyết định nhất thời giải tán Đảng để tránh né những đòn chí mạng đánh vào nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời trứng nước, việc Bác chủ động cho tiến hành chủ trương tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, các hòa hoãn chính trị nhằm tranh thủ thời gian tối thiểu chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến chống Pháp, việc Bác phát động toàn quốc kháng chiến chống Mỹ xâm lược trong bối cảnh phe xã hội chủ nghĩa rạn nứt và chia rẽ ngày càng sâu sắc, vân vân…
Nguyễn Trung – Theo TVN