Có một sự thật là : chúng ta đang quá tự tin vào cuộc sống của mình khi thấy chúng ta xây được nhiều hơn những ngôi nhà to và đủ tiện nghi, khi tài khoản của chúng ta trong nhà băng cứ mỗi ngày một đầy thêm, khi chúng ta cười nói trong những nhà hàng sang trọng, khi chúng ta thi đua nhau khoe những chiếc xe hơi đời mới của mình… Nhưng có bao nhiêu người trong một ngày có được một lần tự hỏi mình có làm gì tổn thương người khác không? Năm nay là một năm mà những người có lương tâm rất đau lòng về sự hành bạo của người lớn đối với những đứa trẻ… Không còn cách nào khác, tôi và chúng ta lại phải nói đến điều này một lần nữa. Nói cho đến khi điều đó không còn đe dọa chúng ta như chính lúc này.
Điều kinh hoàng hơn nữa khi báo chí nói đến một số bậc cha mẹ gửi con cho bà Hoa trông coi đã đồng ý cho bà Hoa được quyền dọa nạt, đánh đập những đứa con của mình. Có một cái gì đó thật sự không ổn trong lương tâm con người chúng ta. Cái gì đang phá vỡ nền tảng lương tâm con người trong xã hội chúng ta? Cái gì đã chiến thắng một cách ghê gớm chủ nghĩa nhân văn, hay nói một cách đơn giản là tình thương yêu con người trong xã hội chúng ta?
Điều thứ nhất tôi muốn nói đến, đó là chủ nghĩa vật chất. Điều này nghe có vẻ sáo mòn, nhưng lại là một hiện thực. Tôi đang nói đến chủ nghĩa vật chất, chứ không nói đến cuộc mưu sinh của con người từ thuở hồng hoang. Mưu sinh để tồn tại. Còn chủ nghĩa vật chất là sự hưởng thụ. Ở đó, con người coi trọng vật chất và chứa đầy dục vọng sở hữu và hưởng thụ nó. Chính thế mà có biết bao gia đình đã bỏ quên con cái để lao vào làm giàu. Đã giàu rồi lại muốn giàu nữa. Giàu hơn rồi lại muốn hơn thế nữa. Cuộc làm giàu với sự kích động rồ dại của đồng tiền đã làm con người chà đạp lên tất cả. Tôi có cảm giác cả xã hội đang háo hức như bị lên đồng vì cuộc chạy đua này. Và họ bỏ lại sau lưng họ những giá trị nền tảng của hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc gia đình hay xã hội. Bởi thế, trong tâm thế của quá nhiều người, tình thương yêu bây giờ như là sự hão huyền, như là sự vô bổ, như là một thứ xa xỉ phẩm chẳng có tác dụng gì. Cho nên, những hành vi giá lạnh, vô cảm và những trách nhiệm của tình thương yêu lại trở thành giá trị của chủ nghĩa thực dụng. Bạn sẽ bị cười chê và coi thường khi bạn đứng ở đâu đó nói về tình thương yêu con người và đồng loại. Bạn sẽ trở lên “trơ trẽn” và bị “tẩy chay”. Đây là sự thật. Đây không phải là bài tiểu luận về đạo đức học. Tất cả như thế sẽ tất yếu mang lại những điều đau lòng mà chúng ta đang chứng kiến.
Điều thứ hai tôi muốn nói đến là dân trí. Dân trí của xã hội chúng ta dù được cải thiện, nhưng vẫn là một nền dân trí quá nhiều lo ngại. Các nguyên lý đạo đức giảng dạy trong nhà trường và xã hội không khác gì các công thức toán học khó nhớ. Cái gốc của đạo đức chưa được dạy đúng trong nhà trường và xã hội. Nếu chuyện bạo hành đối với trẻ em chỉ là chuyện hy hữu, thì tôi không nói đến một cách nghiêm túc và gay gắt như trong những bài báo của tôi trên Phụ nữ Thành phố. Nhưng vì nó đã thành một bệnh dịch. Nó đang lan rộng. Gốc của đạo đức là mỹ học. Nếu con người nhận biết được vẻ đẹp của một cái cây, của một bản nhạc, và ngay cả của một đám mây mơ hồ trên bầu trời và biết yêu thương một con vật… thì con người sẽ biết yêu con người dù trong mọi hoàn cảnh tồi tệ của đời sống.
Nhưng nhà trường đã không dạy cho các công dân tương lai của chúng ta những điều đó một cách thực sự. Có bao nhiêu cử nhân văn chương hay nghệ thuật rung động trước những điều tôi vừa nói đến. Tôi là người tiếp xúc với thành phần này của xã hội rất nhiều. Tôi nhận thấy hầu như quá ít người nói về những điều tôi đang nói. Tôi chỉ thấy họ nói về việc làm, thu nhập và những hưởng thụ vật chất khác. Điều đó là mối quan tâm chính đáng của họ và của cả tôi nữa. Nhưng lẽ nào, những rung động thầm kín và tinh tế cùng với sự ân hận hay dày vò về những gì không phải mà họ, hay tôi hay chúng ta đã làm – nền tảng của chủ nghĩa nhân văn – lại không có khả năng trú ngụ ở một chốn nào đó trong lòng họ và đôi lúc, cho dù ngắn ngủi, thức dậy trong họ?
Điều thứ ba tôi nói đến, đó là luật pháp. Quá lâu rồi, chúng ta chỉ coi chuyện bạo hành trẻ em như là chuyện của “gia đình tôi”, hay là biện minh cho những hành động phi nhân tính đó là sự dạy dỗ, là “yêu cho vọt, ghét cho chơi”. Chúng ta đã và đang xây dựng một xã hội văn minh thì chúng ta không thể lấy chuyện nội bộ của gia đình mình, của làng xã mình, của cơ quan mình để rồi chỉ là giải quyết nội bộ. Sự thật về bạo hành đối với trẻ em trong các gia đình, các nhà trẻ và trong các trường học trầm trọng hơn những gì chúng ta đang chứng kiến. Hệ thống luật pháp lâu nay không hỗ trợ hiệu quả cho việc giáo dục của xã hội chúng ta. Bởi thế, ngoài ý thức được tính nhân văn của mỗi con người trong xã hội, thì con người phải ý thức được sự vi phạm luật pháp của họ. Bởi luật pháp đã không thực sự có ý thức về chuyện này, đồng thời thiếu sự chặt chẽ về pháp lý, cho nên con người tự cho mình quyền dạy dỗ con cái và học sinh bằng bạo hành. Những bạo hành đối với trẻ em, dù cho đó là con đẻ của họ, thì họ vẫn phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh và cụ thể của luật pháp ngoài sự trừng phạt của dư luận xã hội.
Sau khi chứng kiến việc lên án và xử lý theo luật pháp của những vụ bạo hành đối với trẻ em trong mấy năm trở lại đây, không ít người nghĩ chuyện bạo hành như thế sẽ giảm đi. Nhưng thực tế, nó lại tăng lên và nghiêm trọng hơn. Luật pháp được sinh ra dựa trên nhiều cơ sở, trong đó, chủ nghĩa nhân văn là cơ sở nền tảng. Bởi luật pháp là để điều hành xã hội và bảo vệ con người. Bởi thế, chúng ta có thể không học nước ngoài nhiều thứ, nhưng tính nhân văn trong luật pháp thì phải học. Bất cứ ai ở hầu hết các nước trên thế giới có hành vi phi nhân tính hay có nguy cơ dẫn đến hành vi phi nhân tính đối với trẻ em đều bị lên án và đưa ra xử lý theo luật pháp. Cho dù lúc này luật pháp đã tham gia có hiệu quả trong một số vụ đối với những kẻ bạo hành trẻ em, nhưng vì chúng ta có một thời gian quá dài trước đây luật pháp hầu như không trực tiếp xử lý những tội ác đó, nên đó cũng là một trong ba nguyên nhân chính tôi nói đến trong bài này đã gián tiếp tạo cơ hội cho con người phạm tội.
Với những nguyên nhân cơ bản như vậy, chúng ta sẽ phải tiếp tục chứng kiến những bạo hành đối với trẻ em tương tự trong thời gian tới đây. Bởi những bài học về chủ nghĩa nhân văn không phải là những công thức toán học để chúng ta đưa cho mọi người và nói với họ hãy học thuộc lòng trong một đêm.
Minh Luận – Theo Vietimes