Trên thế giới, căn bệnh rối loạn tâm thần mà tác giả Jamison nói đến trong Tâm hồn không tĩnh lặng đã giết chết hàng chục nghìn người mỗi năm. Đó là một trạng thái tâm thần đáng sợ, nhưng mang lại cảm giác rất tuyệt vời. Đó là sự kích động đến cao độ như một đứa trẻ, đồng bóng như một cô gái mới lớn, phiền muộn đến ngã lòng như một thiếu nữ và rồi chìm vào chu kì hưng – trầm cảm.

Tên sách : TÂM HỒN KHÔNG TĨNH LẶNG
Tác giả : Kay Redfield Jamison
Phát hành : NXB Thông tấn

*****

"Năm 1974, tôi 28 tuổi, khi nộp hồ sơ xin làm giáo sư trợ giảng môn Tâm thần học tại Trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA), tôi đã bị điên từ lâu rồi. Chỉ trong vòng ba tháng, tôi bị điên đến mức không nhận ra nổi. Và đó là sự khởi đầu của cuộc đấu tranh lâu dài và tổn hại của tôi chống lại việc sự dụng thuốc…. "

Một điều đặc biệt – Kay Redfield Jamison – tác giả của Tâm hồn không tĩnh lặng cũng từng là một trong số những người bị mắc bệnh hưng – trầm cảm nặng, hay nói cách khác, bà cũng từng mắc phải căn bệnh điên tai quái.
Trên thế giới, căn bệnh rối loạn tâm thần này đã giết chết hàng chục nghìn người mỗi năm. Đó là một trạng thái tâm thần đáng sợ, nhưng mang lại cảm giác rất tuyệt vời. Đó là sự kích động đến cao độ như một đứa trẻ, đồng bóng như một cô gái mới lớn, phiền muộn đến ngã lòng như một thiếu nữ và rồi chìm vào chu kì hưng – trầm cảm.

Nạn nhân của căn bệnh này hầu hết là những người trẻ tuổi. Trong số họ, rất nhiều người có tài và rất thông minh, đều có ích cho xã hội, nhưng căn bệnh vừa là kẻ thù, vừa là người bạn đồng hành quyến rũ chết người ấy sẽ không buông tha bất cứ ai, nếu họ không thể vượt qua được chính mình.

Toàn bộ cuốn sách là câu chuyện về cuộc đời của một người phụ nữ đầy tài năng và nhiệt huyết, vừa sống chung với bệnh tật, vừa theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Trong suốt cuốn sách là lời kể về quá trình của bệnh hưng – trầm cảm với các diễn biến từ nhẹ, hưng phấn, kích thích cho đến u uất, trầm cảm, ức chế, bạo lực và nặng nhất là dẫn đến tự tử.

Theo như Tiến sỹ Jamison thì :

"Cuộc chiến chống lại chính mình như tôi không phải là ít gặp. Một vướng mắc lớn trong điều trị hưng – trầm cảm ở bệnh viện là không phải bệnh viện không có những phương thuốc hiệu quả, thực chất là họ có, mà vấn đề là bệnh nhân không chịu uống thuốc. Tệ hại hơn nữa, do thiếu thông tin, do tư vấn tồi và do sợ ảnh hưởng đến tên tuổi và nghề nghiệp, người ta thậm chí còn không tìm cách điều trị nữa.

Tâm thần và suy nghĩ lệch lạc của bệnh hưng – trầm cảm có thể dẫn tới những hành vi chết người, phá hủy nền tảng của lý trí và thường làm xói mòn nhu cầu và nguyện vọng được sống. Đó là căn bệnh được bắt nguồn từ lí do sinh học,nhưng lại chứa trong nó yếu tố tâm lý. Đó là một căn bệnh độc đáo nếu xét về những lợi thế và niềm hứng khởi mà nó mang lại. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng dẫn tới những hậu quả nặng nề tới mức không thể chịu đựng nổi và không ít trường hợp dẫn đến cái chết"

Tác phẩm An Unquiet mind (Tâm hồn không tĩnh lặng) – Nguồn : wikipedia.org

Cuốn sách vừa là một lời tâm sự, vừa là lời lí giải cho căn bệnh về tâm lí rất phức tạp của con người. Không khô khan, dài dòng, mà thu hút, đầy thuyết phục, bạn sẽ lần theo từng lời kể đi qua từng giai đoạn trong cuộc đời tác giả. Những đổ vỡ của một gia đình vốn hạnh phúc, gen di truyền căn bệnh từ người cha, những thay đổi đột ngột của môi trường sống v.v… chính là những mầm mống để căn bệnh manh nha rồi phát triển. Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa bên trong và bên ngoài, sự cố gắng tỏ sự bình thường trước mọi người để có thể tiếp tục công việc nghiên cứu quả là quá sức gian nan và đầy khổ tâm!

"Tôi xuất hiện trước mọi người một cách vui vẻ và nhiệt tình. Tôi cũng nói chuyện khá bình thường với những người khác. Nhìn bề ngoài có vẻ như tôi vẫn khỏe.Chỉ có Chúa mới biết rằng tâm hồn tôi đang chết lặng đi và trái tim tôi đang rỉ máu từ hàng nghìn vết thương."

Đọc sách, ta hiểu thêm về lithi, những lợi ích và tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị. Một trong số những lần cực điểm của căn bệnh khiến người ta xấu hổ và cảm giác vô cùng tội lỗi, nhưng ngược lại, một trong những giai đoạn đầu phát bệnh thì trí sáng tạo, óc tưởng tưởng, sức lực và mọi giác quan của bạn đều được kích thích đến độ hưng phấn. Suy nghĩ nhanh, nhiều ý tưởng, ngủ ít, và công việc làm rất hiệu quả.Còn thuốc chữa trị thì lại làm mất đi các cảm giác ấy, mất đi sự hài hước, mất khả năng đọc và nhớ mọi thứ, giảm nhu cầu tình dục và đầu óc mệt mỏi.

Đó cũng là lí do tại sao Kay Jamison cũng như tất cả các bệnh nhân mắc hưng – trầm cảm khác từ chối uống thuốc. Và dĩ nhiên, căn bệnh ngày càng trở nên trầm trọng hơn…

Tình yêu, sự tin tưởng và cảm thông của gia đình, bạn bè đã đóng góp một phần không nhỏ vào nỗ lực vượt qua chính bản thân của Jamison để cuối cùng giành được chiến thắng. Hơn một lần trong cuốn sách đã nói rằng tình yêu không thể chữa khỏi căn bệnh một cách nhanh chóng, nhưng nó là một liều thuốc xoa dịu cho trái tim. Những mất mát, những nỗi đau sẽ dần vơi đi, cho dù cuộc sống là cả một sự đấu tranh dai dẳng và quyết liệt, thì ở đâu đó trong góc riêng của mỗi tâm hồn, tình yêu luôn ngự trị, để sẻ chia và hy vọng.

Có thể nói Tâm hồn không tĩnh lặng vừa là một câu chuyện đời, vừa là một đề tài khá lí thú về vấn đề tâm thần học cho những ai muốn biết và hiểu thêm về lĩnh vực thú vị này.

"Quá khứ thỉnh thoảng vẫn hiện về và sự cám dỗ muốn trở lại cảm giác hưng phấn trước kia vẫn còn đó, cho dù tần suất đã giảm dần. Tôi ngoái nhìn lại phía sau và vẫn cảm thấy sự hiện diện của một cô gái trẻ, mạnh mẽ và tiếp sau đó là một phụ nữ trẻ hung bạo, gây nhiều phiền toái, nhưng cả hai đều mang trong mình những giấc mơ cao đẹp, làm việc không mệt mỏi và chứa chan khát vọng lãng mạn."

Sherwin B.Nuland – tác giả của Chúng ta chết như thế nào : Suy ngẫm về chương cuối cùng của cuộc đời – đã nhận xét :

"Tiến sỹ Kay Jamison viết cuốn sách này với tư cách một người bệnh đang lành – một bác sĩ đã trải qua những gì mà người khác chỉ được biết tới qua đào tạo hay phỏng đoán. Bà đã phát hiện ra con đường độc đáo đến với sự sáng suốt trong tình trạng rối loạn thần kinh, một sự sáng suốt nói lên toàn bộ bản chất của con người. Nỗi đau của bà, thắng lợi của bà và lối hành văn độc đáo của bà là món quà mà Kay Jamison tặng cho độc giả. Chúng ta tự hào nhận ra những giá trị vô biên ấy trong cuộc đời của mỗi chúng ta."

An An – Theo TVN

——————————

Tác giả Kay Redfield Jamison

Kay Redfield Jamison là một giáo sư tâm thần học tại Trường Đại học Y, thuộc Đại học Johns Hopkins. Tiến sĩ Jamison trước đây từng là Giám đốc Bệnh viện rối loạn cảm xúc UCLA.

Bà được bầu là Nữ khoa học xuất sắc nhất của UCLA và nằm trong danh sách những bác sỹ xuất sắc của Mỹ với rất nhiều thành tích trong sự nghiệp nghiên cứu chứng hưng – trầm cảm.

Là tác giả của cuốn sách Đụng vào lửa : bệnh hưng – trầm cảm và tính cách nghệ sỹ. Tác giả của tám mươi bài viết khoa học về chứng rối loạn tâm thần, tự tử, liệu pháp tâm lí và lithi.

Đồng tác giả của sách giáo khoa về bệnh hưng- trầm cảm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *