(TuanVietNam) – Các luật sư sở hữu trí tuệ Mỹ đang tranh cãi nhau về việc Shepard Farrey dựa theo bức ảnh Tổng thống Obama của nhiếp ảnh gia Mannie Garcia làm áp phích quảng cáo cho chiến dịch mang tên “Hy vọng” của mình.
Việc bức ảnh thời sự đó có được phép sử dụng tự do hay không là một vấn đề đau đầu cho các luật sư. Nhưng tuyệt nhiên không một ai tranh luận xem bức ảnh có phải là một tác phẩm nghệ thuật hay chỉ đơn thuần là một bức ảnh thời sự.
Bức ảnh này được nhà nhiếp ảnh Mannie Garice chụp trong khi ông còn làm việc cho hãng tin AP năm 2006. Giờ đây, bức ảnh đang được bán ở Phòng trưng bày nghệ thuật Chelsea với số lượng có hạn, chỉ 200 phim dương bản. Mỗi bức đang được bán với giá 1.200 đô-la.
![]() |
Bức ảnh Obama gốc và bức tranh cổ động |
Tác giả cũng không hề nhận ra bức ảnh của mình
Ông Garcia – một phóng viên ảnh tự do – trạc ngũ tuần, sống ở vùng ngoại ô Washington đã chụp ảnh ông Obama ở Câu lạc bộ Báo chí quốc gia ngày 27/04/2006. Nhiệm vụ của ông lúc đó là chụp ảnh diễn viên George Clooney vừa trở về sau chuyến thăm các trại tị nạn ở Dafur, Su-đăng. Thượng nghị sĩ Obama – bang Illinois – lúc đó cũng đi cùng George Clooney đã vô tình lọt vào ống kính của Garcia.
Hơn một năm sau, Shepard Farrey click chuột đúng vào bức ảnh đó khi ông đang tìm kiếm một bức chân dung ông Obama trên Google để làm áp-phích quảng cáo. Nhưng ông không ghi lại địa chỉ của bức ảnh trên Internet. Vì thế mà các điều tra viên đã phải mất hàng tháng trời để tìm ra bức ảnh giống hệt bức của ông Garcia.
Tháng trước, ông Garcia đã xuất hiện trong chương trình “Fresh Air” trên sóng radio để thảo luận về bức ảnh của mình. Terrus Cross, dẫn chương trình, đã hỏi ông những gì dường như đã quá rõ ràng, kiểu như : “Ông đã nhìn thấy tấm áp-phích đó phải không? Nhưng ông đã không nhận ra đó chính là tấm ảnh ông chụp à?”.
Ông Garcia cho biết, ông chưa bao giờ nghĩ về mối liên hệ này. Trong đời làm nhiếp ảnh của mình, ông đã chụp hàng ngàn bức chân dung. Bức chân dung ông Obama chỉ được chụp trong nháy mắt và không có chủ đích nào cả. Và ngày hôm đó, 27/ 4, cũng không lấy gì làm đặc biệt. Ông cũng không thể nhớ hết từng bức ảnh mà ông đã chụp.
"Con tinh tinh cũng chụp được bức ảnh như thế"
Thế kỷ 20 đã chứng kiến nhiều bức ảnh và thước phim thời sự góp phần thúc đẩy các cuộc cách mạng và sau này trở thành những hình ảnh quen thuộc trên các bảng thông báo, hội trường bảo tàng và thậm chí cả trên áo phông. Bức chân dung nhà cách mạng Che Guevara là một ví dụ. Giống như Garcia, nhiếp ảnh gia Alberto Korda đang khám phá điều gì khác và bức chân dung Guevara vô tình lọt vào ống kính. Chỉ sau khi bức ảnh được ra mắt công chúng thì các hoạ sỹ mới tái hiện và đưa nó tới đỉnh cao.
Nhà phê bình văn hoá Luc Sante – người đã dạy một khoá ảnh báo chí theo phong cách nghệ thuật vào mùa thu ở Đại học Bard, New York – đã đem ví dụ này ra để thảo luận theo quan điểm nghề nghiệp, cách tiếp cận và những gì người xem cảm nhận được.
Ông viết trong một tin nhắn gửi qua email : “Hai bức ảnh Obama và Guevara có một đặc điểm chung cơ bản là mắt hướng lên trời, khuôn mặt ở vị trí trung tâm và xung quanh là khoảng trống”.
Ông nhận xét : “Một bức ảnh như thế thì một đứa trẻ, một rô-bốt hay thậm chí một con tinh tinh cũng chụp được. Nó không khó như việc vô tình chụp được ảnh Shakespear. Hai tấm ảnh này có được chủ yếu là nhờ vào may mắn và không thể so với các tác phẩm nhiếp ảnh báo chí kiệt xuất khác”.
![]() |
Dù có nói là Garcia chỉ may mắn khi chụp bức chân dung Obama, nhưng với tấm ảnh Bush này, nhiều người phải thừa nhận Garcia có duyên "chộp ảnh" |
Ít ra thì Garcia cũng chụp được một bức chân dung Tổng thống khác khi ông còn làm việc cho một hãng tin .
Chỉ vài tháng trước khi chụp bức ảnh ông Obama, ông đã có cơ hội gặp Tổng thống Bush trên chiếc không lực khi ông Bush đang nhìn chăm chú vào đống đổ nát mà cơn bão Katrina để lại. Khuôn mặt ông bừng lên qua ánh sáng cửa sổ.
Bức ảnh đó ngay lập tức được giới phê bình xem như một áp-phích tuyên truyền, bởi vì nó đã diễn tả mối quan tâm lo lắng của Tổng thống về nỗi đau hậu Katrina. Tuy nhiên, một năm sau đó, cũng chính bức ảnh này được giới phê bình nhận xét theo hướng đối lập. Người ta cho rằng trong bức ảnh, Tổng thống không biểu lộ một chút xúc động nào về nỗi đau khổ của dân chúng.
Nhưng từ hai bức ảnh về 2 vị Tổng thống này, ông Sante cũng phải công nhận rằng, ông Garcia quả là thiện xạ, chụp ảnh theo bản năng và thói quen đã làm cho ông có một cái nhìn nhạy bén trong khi mục tiêu vẫn không ngừng di chuyển.
Nhiếp ảnh gia nghệ thuật hay nhiếp ảnh gia thời sự?
Ông Sante bình luận, nếu một phóng viên ảnh chụp được 1.000 tấm thì có thể có tới 938 bức không có giá trị nếu nhìn lần hai; 16 tấm có thể được sao lại và chỉ có một tấm đạt đến đỉnh cao.
Ông Garcia dường như cũng có quan điểm tương tự. Mặc dù ông đã ký kết một hợp đồng in 40 bức chân dung Tổng thống Obama cho Phòng trưng bày nghệ thuật Danziger Projects ở Manhattan, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, ông không phải là một nghệ sỹ.
Ông nói : “Tôi tránh tự gọi mình là một nhiếp ảnh gia nghệ thuật. “Một nhiếp ảnh gia thời sự”, tôi hài lòng với cụm từ này”.
![]() |
Chân dung nhà cách mạng Che Guevara cũng được sáng tác từ một bức ảnh chụp vô tình |
Tuy nhiên cũng giống như nhiều nhà báo ảnh khác, ông muốn phân biệt hai cụm từ “chụp ảnh” và “tạo ảnh”. Ông bảo rằng ông không chụp ảnh, mà ông sáng tạo ra chúng và sử dụng các công cụ là điều cần thiết. Ông có nhiều máy chụp ảnh rất đắt tiền có chế độ cài đặt tự động. Nhưng ông lại là người điều khiển mọi thứ, điều khiển tốc độ, điều khiển thời gian dừng máy.
James Danziger – chủ phòng tranh đang bán các bức ảnh ông Obama, sở hữu một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn ở Houston – là người dẫn đầu nhóm điều tra bức ảnh gốc mà ông Farrey sử dụng. Ông cho biết, ông không ngần ngại gọi bức ảnh đó là một tác phẩm nghệ thuật.
Ông Danziger đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí biên tập khác nhau cho Thời báo London và tạp chí Hội chợ phù hoa. Ông nói : “Không có sự ngẫu nhiên cũng như động lực trong những gì ông ấy đã làm. Sự khác nhau giữa một người chụp ảnh trong tích tắc và một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là ở hàng trăm quyết định mà họ đưa ra. Việc ghi lại khung cảnh, góc độ, sự biểu cảm trên khuôn mặt ông Obama là một quyết định mang tính trọng đại mà ông Garcia đã làm".
Anne Wilker Tucker – người phụ trách ảnh ở Bảo tàng Nghệ thuật Houston – cho biết, cô đã mua bức ảnh ông Garcia chụp và cả bức họa áp phích của ông Farrey. Đã có lúc cô tự hỏi : “Chúng ta sẽ sưu tầm bức ảnh của Garcia mà không có bức tranh của ông Farrey ư?”.
Cô ấy không đồng ý với gia đình cho rằng thành công của ông Garcia chỉ là sự may mắn.
Và với ông Garcia, vấn đề sáng tạo còn cơ bản hơn thế nhiều. Ông nói : “Với những gì đang đến, điều đầu tiên bạn phải tiếp cận ngay. Bạn không thể có được những bức ảnh đẹp nếu bạn không biết chớp lấy những khoảnh khắc quan trọng”.
Thanh Huyền (Theo IHT) – TVN