Có lẽ điểm mới nhất tại phiên cuối cùng Quốc hội khóa 12 là các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã hát Quốc ca khi chào cờ bế mạc kỳ họp. Đây là một khởi đầu tốt đẹp nếu như ta biết không những suốt nhiệm kỳ này mà nhiều nhiệm kỳ trước đó, các ĐBQH chỉ đứng nghe nhạc hay nghe dàn hợp xướng hát chứ không ai tự mình hát Quốc ca.
Đấy không hề là chuyện nhỏ. Một khi tại Quốc hội các ĐBQH không ai hát Quốc ca thì khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, người ta chỉ nghe nhạc mỗi khi chào cờ, tạo ra thói quen rất xấu, bởi vì Quốc ca chính là quốc hồn của dân tộc, như một nhà báo có lần đã lên tiếng. Kết quả là rất nhiều người không thuộc Quốc ca. Một giảng viên đại học cho biết, kết quả điều tra ở một trường đại học có khoảng 95% sinh viên (SV) viết sai lời bài hát Tiến quân ca, 40% viết sai tên tác giả và chỉ khoảng 10% biết được năm ra đời của bài hát. Đấy không chỉ là bi kịch văn hóa, nó hệ lụy đến điều thiêng liêng này: tình yêu Tổ quốc.
Ảnh minh họa: hoabinh.edu.vn |
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Tôi rất nhớ câu chuyện của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhắc lại tại hội nghị Mặt trận Tổ quốc năm ngoái: “Khi tham dự một nghi lễ ở nước ngoài, trong khi nước bạn cử quốc ca, quốc thiều, từ vua đến dân đều hát quốc ca, trong khi đó, các thành viên của chúng ta không ai hát khiến vị lãnh đạo nước ngoài phải hỏi Chủ tịch nước ta rằng Quốc ca Việt Nam không có lời à?”. Đấy là một bài học đắng ngắt cho thói quen xấu nói trên.
Ông Dương Trung Quốc nhắc lại “bài học đắng ngắt” này khi một lần nữa ông lại lên tiếng tại Quốc hội về việc hát Quốc ca: “Các vị đều nhớ ở ngay đầu nhiệm kỳ XI chúng tôi đã tha thiết muốn các ĐBQH hát Quốc ca, không phải nhờ đài, nhờ người khác hát hộ. Thế mà đến hôm nay (cuối nhiệm kỳ XII) chúng ta vẫn chưa làm được” (theo Vietnamnet). Bức xúc của ông Dương Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Rất khó chấp nhận dân Việt đứng nghe Quốc ca như nghe bài hát nào đó, Quốc ca của ai đó, ĐBQH là người đại biểu của nhân dân lại càng khó chấp nhận.
May thay, cuối cùng các ĐBQH cũng đã hát Quốc ca. Gần đây Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca, theo đó thì các cháu ở các trường mầm non cũng sẽ được học hát Quốc ca. Rất đáng hoan nghênh. Trong công văn, Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh: “Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân. Hiện nay, ở nhiều nơi, trong lễ chào cờ Tổ quốc, mọi người đã không hát Quốc ca hoặc thay hát bằng việc nghe nhạc hay nghe lời bài Quốc ca. Điều đó làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc”.
Đúng. Nhưng đó không phải chỉ là việc riêng của ngành giáo dục, toàn xã hội phải ý thức một cách sâu sắc ý nghĩa của việc chào cờ và hát Quốc ca. Nói cách khác, không chỉ sinh viên học sinh, mọi công dân đều phải có trách nhiệm hát Quốc ca khi chào cờ. Thiết nghĩ Chính phủ nên có thông tư chỉ rõ điều này. Được như vậy sẽ không còn ai coi chuyện hát Quốc ca chỉ là hình thức, hát cũng được, không hát cũng xong. Không còn chuyện đại hội chi bộ, kết nạp đảng viên người ta chỉ chào Đảng kỳ, không hát Quốc ca. Và mỗi lần chào cờ sẽ không còn chuyện dân ở cơ sở, nhân viên ở cơ quan thì hát Quốc ca, thủ trưởng và quan khách chỉ đứng yên không hề mở miệng, một nhầm tưởng hài hước của cái gọi là quyền quan trên.
Theo Nguyễn Quang Lập (PNO)