Cách đây vài năm và cũng kéo dài đến vài năm, liên tục trên một tờ báo hàng ngày xuất bản ở thủ đô, cố định ở một vị trí trang hai, luôn luôn có thông tin quảng cáo ngắn của một hiệu ép plastic ở Cửa Nam, rằng nơi đây mới là thứ thiệt, địa chỉ thế này thế này, phải tìm đúng chỗ kẻo nhầm của giả… Cơn cớ là ông chủ cửa hiệu tức khí người hàng xóm (lại cùng số nhà mới buồn), thấy bên này làm ăn được liền đeo biển tranh bấu “thị phần” còm của ông. Hồi rày không thấy thông tin ấy trên báo nữa, có lẽ do các “hiệu” ép plastic di động đã đầy nhóc mặt đường.
Hiện tượng này khá phổ biến ở Hà Nội, nhất là đối với các hàng ăn uống. Hễ hàng xóm có thương hiệu, khách kéo đến ùn ùn, là mờ mờ nhân ảnh dựng luôn một ngôi hàng y chang bên cạnh. Phở gà Nam Ngư, phở thập cẩm Lê Văn Hưu, vằn thắn Mai Hắc Đế… từng là những nạn nhân; thôi thì đủ, không sức thống kê. Gần đây nhất là ồn ào câu chuyện Quán Ngon. Thương hiệu này nổi tiếng ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khách trong nước, quốc tế nườm nượp. Rồi cũng bị cướp sống, một cách “ác liệt” hơn nhiều : Gần như cùng một thời điểm, ở cả hai thành phố này, Quán Ngon hết hợp đồng thuê “trụ sở” liền được mời đi chỗ khác chơi, “Đây được tính cho công việc khác, nhé!”. Thế, chủ quán cuốn xéo rồi, đợi ít bữa cho êm êm, ta dựng lại chẳng thiếu một thứ gì không giống cũ, đương nhiên là cả cái tên. Ta còn nói đây là duy nhất, các nơi khác (ám chỉ nơi Quán Ngon chuyển đến) là dỏm. Trời!
Người ta bảo chẳng có gì lạ, bắt chước là tập tính của người mình, bắt chước góp phần mở rộng và phát triển, cũng được đấy chứ? Vả lại thời buổi kinh tế thị trường, cùng kiếm ăn cả thôi, tha cho họ! Bạn nghĩ sao, cái sự việc ấy nên được gọi là gì? Và nữa, nếu nó xảy ra không đơn thuần nhằm mục đích kinh tế như những chuyện dưới đây :
Mấy chục năm trước, một ca khúc đẹp vinh danh vị anh hùng nổi tiếng thời nội chiến của Liên Xô Tsa-pa-ép được một nhạc sĩ ta “mời” về làm bài hát ca ngợi lãnh tụ. Người ta phát hiện ra, nhạc sĩ “lặn” luôn cái nhạc danh của mình, không bao giờ thấy nổi lên nữa. Việc thế là xong, cũng chẳng có ồn ào dư luận. Cả bấy nhiêu năm cũng chỉ một, hai “vụ” như vậy. Bây giờ khác rồi. Hình như người ta bạo dạn hơn trong thời hội nhập thì phải. Năm nào cũng có chuyện tương tự được đăng tải. Văn thơ, sách, báo thì không ít; nhạc, họa, tạo hình cũng đông đông. Công luận gọi việc ấy là “đạo”, thoạt nghe thấy rùng mình (thì “đạo” là một trong “tứ đại tai” : thủy, họa, đạo, tặc giáng xuống con người mà lại!). Nhưng gọi mãi quen tai, nhờn. Cầm nhầm của nhau đã là cái sự ngượng rồi, đằng này chẳng chịu, người ta đăng đàn cự cãi. Đủ cách “nập nuận”. Nhạc sĩ : Nó xuất hiện trong giấc mơ, tôi chỉ việc ngồi dậy chép lại. Vâng, cũng có thể được nghe ở đâu đó rồi lặn vào tiềm thức lúc nào chẳng hay. Họa sĩ : Người ta ngáp thì tôi không được quyền ngáp hay sao. Xem lại đi, tranh của họ chỉ có mỗi cái mồm, còn của tôi, đông mồm hơn nhiều chứ! Thi sĩ : Tôi có bằng chứng bài của mình xuất hiện trước, được làm từ trước; đây bản nháp viết tay còn lưu giữ – gạch gạch xóa xóa nhé – đề ngày 13, trước bài kia cả tuần. Còn Tiến sĩ, ông này khóc không khóc được, cười không cười nổi, vì : Ta vừa tố cáo nó “đạo” giáo trình của ta thì lại bị tố lại là ta “đạo” của… ông nước ngoài! Cứ ỗn ão ồn ào, vui và buồn!
Gần đây, lại có câu chuyện lạ lùng một họa sĩ “đạo” tranh của chính mình (!). Ông không có tranh mới, bèn chép lại một bức tranh cũ của mình đem đi dự thi, một cuộc thi không chấp nhận những bức tranh được vẽ từ trước. Họa sĩ : Tôi bôi màu khác, nghĩa là khác hoàn toàn đấy chứ! Nhân câu chuyện này, người ta còn “tố” ra trong giới hội họa đã xuất hiện tranh giả sơn dầu, giả khắc gỗ xử lý nhờ vi tính.
Vậy theo bạn, xảy ra trong hàng ngũ văn nghệ sĩ trí thức – giới tinh hoa của đất nước – thì cái sự ấy nên được gọi tên là gì?
Vĩ thanh – Báo chí vừa cho biết, ông Bộ trưởng ở một nước Tây Âu đang bị tố là đạo văn cho công trình luận án tiến sĩ. Dù rằng ông không thừa nhận, và dù rằng được Thủ tướng ủng hộ, ông vẫn tuyên bố tạm treo cái Initial Tiến sĩ dính theo tên của mình cho đến khi một cuộc điều tra đưa ra kết luận chính thức.
Bồng Lai
Nguồn : Văn nghệ