Blogger có tầm sẽ tự định hướng cho mình cách đi thế nào để đóng góp cho cái chung và giữ được thương hiệu. Blog xấu và đen sẽ tự đào thải trong quá trình tiến hóa. Viết câu chuyện riêng để bàn tới phát triển chung và kể câu chuyện chung kèm theo ý nghĩ riêng, đó mới là "Sổ tu dưỡng” thời Internet.
(Mến tặng các bạn học cũ Trường cấp 3 Lương Văn Tụy-Ninh Bình, khóa 1968 -1 970. Xin cảm ơn mái trường đã chắp cánh cho thế hệ chúng tôi).
![]() |
Những người ngày xưa từng viết sổ tu dưỡng… Ảnh : Nguyễn Văn Hành (Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Bạn đọc thử tưởng tượng đây là một entry trên blog. Là câu chuyện chung của nhiều người hay chỉ là vấn đề riêng tư để chia sẻ với… chính mình?
Sổ tu dưỡng đoàn viên : «Đây là phần riêng tư của tớ»
Chẳng hiểu số phận đưa đẩy thế nào mà tôi trở thành Bí thư Chi đoàn năm học lớp 9 ở Ninh Nhất, một vùng quê Hoa Lư (Ninh Bình) khi trường thị xã sơ tán chiến tranh về nơi đó. Tuổi trăng tròn 15 – 16 phải “thôi nôi” với chiếc khăn quàng đỏ, được đeo huy hiệu Đoàn, đến lớp phải bỏ áo trong quần, đi dép và có một vật bất ly thân là Sổ…tu dưỡng.
Bây giờ, nói đến Sổ tu dưỡng, hẳn nhiều bạn trẻ sẽ ngỡ ngàng lắm, vì nó có thể là một khái niệm xa lạ với thời hiện đại. Nhưng khi ấy, Sổ tu dưỡng như hình với bóng của lứa học sinh chúng tôi. Sổ khá giống nhau, được mua của mấy bà hàng xén, bìa mầu nâu đỏ hoặc xanh, giấy vàng khè và không dòng kẻ. Đoàn viên ghi nhật ký hàng ngày, đạo đức thế nào, làm được điều gì tốt, giúp người khác ra sao và gọi đó là cách “tu dưỡng bản thân”.
Trong sổ chỉ được ghi những điều liên quan chung đến lớp, Chi đoàn hay trường, cảm nghĩ về sự “phấn đấu” của mình ở mức nào, mà không được ghi nhật ký mang tính chất cá nhân. Tôi không nhớ đó là qui định của Đoàn hay chỉ có trường tôi mới như thế.
Cuối tuần, Bí thư Chi đoàn thu gom lại, đọc Sổ tu dưỡng của tất cả đoàn viên và ghi lời phê. Người tốt được ghi : “Có tinh thần vươn lên”, người đi học muộn được câu : “Cần cố gắng đúng giờ”… Rồi, “Bạn Hành phải bỏ áo sơ-mi trong quần và đi dép đến lớp”, hay : “Bạn Hằng không được lấy tay che miệng khi phát biểu”…
Với một học sinh cấp 3, hàng ngày phải ghi nhật ký tu dưỡng để cho người khác đọc, quả là tra tấn. Vì thế, những bạn có cá tính, coi đây là sự giả dối. Họ đau khổ thật sự khi buộc phải để cho người khác “đọc” những cảm nghĩ riêng tư của mình nên đã không chịu viết và đương nhiên, trong con mắt tập thể, đám này trở thành học sinh “cá biệt, chậm tiến”. Nhưng những bạn đó có biết đâu người “thẩm định” là tôi cũng bị cực hình tương tự.
Số đông đám bạn láu cá, nhờ một “cây văn” trong lớp ghi vào một sổ để cả bọn mượn chép và cuối tuần nộp. Nếu bạn kia nghỉ, coi như cả lớp để “quên ở nhà”. Hãy tưởng tượng một người đọc 40 – 50 cuốn giống nhau và lời phê cũng… giống nhau(!)
![]() |
Nguồn ảnh : Corbis |
Tôi ước mong bài viết này khi đăng lên được những “bác” học sinh phổ thông thời 1960 – 1970 phản hồi có chính xác hay không. Ai gửi một copy Sổ tu dưỡng lên mạng càng thú vị, vì giờ nó là vật “quý hiếm”.
Một lần, tôi giở trang cuối của một cuốn sổ thấy vẽ trái tim và mũi tên xuyên qua với máu chảy. Bạn đó viết trang đầu : “Bí thư thân mến ơi, đây là phần riêng tư của tớ. Nếu đọc thì đừng báo cáo với Đoàn trường”.
Không khỏi tò mò, tôi đã đọc trộm. Có những chỗ, bạn ấy viết về sự đau khổ vì không có dép đến lớp, hay tâm sự không đủ tiền mua sổ khác để làm nhật ký, đành viết chung với Sổ tu dưỡng. Rồi bất ngờ có một đoạn : “Mình bắt đầu thầm nhớ anh giáo sinh trẻ từ Đại học Sư phạm đang thực tập tại trường. Hôm nào không nhìn thấy bóng áo trắng, quần kaki và cặp kính cận trí thức ấy, lòng ta buồn vô hạn”.
Viết lại những dòng này, tôi mong bạn – bây giờ chắc là một bà gần 60 – tha thứ vì tôi đã vi phạm quyền riêng tư. Thế hệ chúng tôi đã trải qua một thời chỉ được viết những cái chung, không được nói cái riêng trong Sổ tu dưỡng.
Blog sẽ ở lại…
Tuổi trăng tròn tụm năm tụm ba chia nhau vài trang thơ hay cuốn truyện “cấm” dưới gốc bàng sân trường đã qua đi. Internet giờ đã mang đến cho giới trẻ một khoảng trời khác về thông tin vô tận và khả năng trao đổi email với người bên kia trái đất trong giây lát, mang lại cho nhân loại một cuộc sống “ảo” khác.
Một loại "Sổ tu dưỡng” khác đã ra đời trên Internet, đó chính là blog, giúp cho con người được thả hồn suy nghĩ trên màn hình máy tính thay vì ngòi bút và trang giấy.
![]() |
Nay, ai trong số họ lại tiếp tục viết blog? Ảnh : Nguyễn Văn Hành (Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Ngày xưa, Bí thư Chi đoàn được xem Sổ tu dưỡng. Có bạn cảm thấy xấu hổ khi ghi những suy nghĩ riêng tư vào trong đó. Nhưng thời đại blog khác hẳn. Con người đã cởi mở hơn nhiều và họ muốn chia sẻ suy nghĩ với nhiều người. Thậm chí post ảnh “nóng” một chút càng hay, nhiều hit càng thích.
“Nhờ blog, chúng ta biết các công dân nước khác nghĩ gì về chúng ta, họ đang ca ngợi hay chỉ trích. Chúng ta cũng hiểu hơn về cách mà thế giới đang nhìn chúng ta. Thế giới đã thay đổi, blog đã ra đời và blog sẽ ở lại cùng với sự phát triển của con người”. |
Có blog chỉ viết về đứa con mới sinh hay kem da. Một entry bàn về giao thông thành phố. Lác đác vài tin vỉa hè về tham nhũng hay tội phạm. Đọc blog của những trí thức, người cầm bút hay nhân sỹ nổi tiếng thật thú vị. Vừa xuất hiện trên blog hôm trước, hôm sau đã thấy trên trang báo Online. Có entry không được đăng hay xuất bản, nhưng bị cắt cúp.
Phần comment vô cùng thú vị. Cùng một bài, người thích, kẻ chê và cả anh chàng rỗi việc đi “nhặt sạn” và chế giễu những phản hồi. Thế giới “ảo” giấu mặt mới đa dạng làm sao. Văn hóa và tầm suy nghĩ của blogger, khả năng thẩm thấu blog của bạn đọc cũng hiện lên trong đó.
Phát biểu của bà Robin Sproul, Phó Chủ tịch Hãng truyền hình ABC News, Giám đốc Văn phòng ABC News tại Washington DC khá sâu sắc : “Nhờ blog, chúng ta biết các công dân nước khác nghĩ gì về chúng ta, họ đang ca ngợi hay chỉ trích. Chúng ta cũng hiểu hơn về cách mà thế giới đang nhìn chúng ta. Thế giới đã thay đổi, blog đã ra đời và blog sẽ ở lại cùng với sự phát triển của con người”.
Blog – Ứng xử hay là quản lý đây?
Giống như Internet, thông tin trên blog có ích và vô ích, kể cả có hại đều song hành. Trong toàn cầu hóa và hội nhập, nếu biết sử dụng mặt tốt của loại truyền thông mới này, xã hội sẽ tiến nhanh hơn. Nếu chỉ vì vài mặt trái mà kìm hãm hoặc ngăn sông cấm chợ, ta sẽ làm hại chính mình.
Phát biểu về quản lý blog, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng : "Đã là nhật ký cá nhân (blog) thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là người thân của mình đọc. Nếu đưa ra đại chúng thì không thể là nhật ký, mà vô tình biến nó thành trang thông tin điện tử, như vậy phải chịu sự quy định như đối với trang thông tin điện tử".
![]() |
Nguồn ảnh : Corbis |
Tôi bỗng nhớ lại chuyện xưa, thời chỉ được viết về cái chung trong Sổ tu dưỡng cho một người đọc – Bí thư Chi đoàn – người phụ trách “linh hồn” của mọi người trong một tập thể, không được viết cái riêng. Còn thời nay, chỉ được bàn về cái riêng mà không được bàn tới cái chung. Phải chăng, chúng ta đang đi từ thái cực này sang thái cực khác. Khác nhau về thời đại, nhưng hình như vẫn giống nhau kiểu tư duy cách đây nửa thế kỷ, máy móc, sơ lược, hình thức?
Đất nước muốn phát triển cần có sự đóng góp của từng người dân, bằng sức lao động, tiền bạc, hành động cụ thể hay kể cả một ý kiến. Góp chất xám bằng những trăn trở riêng tư về một vấn đề chung trên blog đóng vai trò lớn trong tiến trình đi lên của dân tộc. Không tờ báo nào đủ sức đăng tải hết ý nghĩ của hàng chục triệu người viết. Blog là cơ hội, là cánh cửa mở ra cho cả nhân loại cầm bút và chia sẻ tri thức.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tin rằng, trong tương lai, blog sẽ làm xã hội thông thoáng, cởi mở, đầy đủ thông tin và hiểu biết lẫn nhau hơn. Thông qua đó, sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ và nâng cao xã hội.
Nhớ lại thời xa xưa và vài lầm lẫn trong quá khứ đã làm nhiều tài năng kiệt xuất như Văn Cao, Phùng Quán hay một số người cầm bút khác phải chựng lại trong sự nghiệp. Nếu không, chúng ta còn được nhiều bản nhạc hay hơn “Suối mơ”, “Thiên thai” hay truyện “Vượt Côn đảo”…
Quản lý văn hóa và thông tin quả rất khó. Và quản lý blog trong thế giới mở càng vô vàn thách thức. Ở tầm vĩ mô, lãnh đạo đất nước lo lắng về blog là đương nhiên. Giới blogger nên góp ý kiến chân thành và xây dựng văn hóa blog. Ta nên tìm phép ứng xử với blog hơn là quản lý.
Sức sáng tạo của quần chúng và sự tự do phóng khoáng trong suy nghĩ làm nên sức mạnh trí tuệ của một dân tộc. Ta nên ứng xử với blog sao cho mỗi cá thể thời “bàn phím và con chuột” được tự do viết về mọi vấn đề của đất nước, không bị ràng buộc bởi một qui định khắt khe hay lo sợ những chàng Bí thư “ảo” trên mạng nhòm vào màn hình.
Blogger có tầm sẽ tự định hướng cho mình cách đi thế nào để đóng góp cho cái chung và giữ được thương hiệu. Blog xấu và đen sẽ tự đào thải trong quá trình tiến hóa. Viết câu chuyện riêng để bàn tới phát triển chung và kể câu chuyện chung kèm theo ý nghĩ riêng, đó mới là "Sổ tu dưỡng” thời Internet.
Nước ta có hơn một triệu blog và sẽ còn tiếp tục phát triển. Ai là người đọc và duyệt các blog như tôi đã từng duyệt Sổ tu dưỡng Đoàn viên.
Thời ấu trĩ, tự cho mình là người có tầm văn hóa cao hơn các bạn trong lớp, tôi phê vào sổ “tốt” hay “xấu”. Hôm nay, sau 40 năm nhìn lại, các bạn đồng liêu đã có người làm Thứ trưởng, Giám đốc Trường đại học nổi tiếng hay vài tướng tá quân đội. Còn tôi lọt đọt làm nhân viên hạng hai “sáng cắp ô đi, chiều xách ô về”. Chợt thấy hiện ra “tầm vóc thật” của chàng Bí thư nhà quê khi phê Sổ tu dưỡng thuở nào.
Hiệu Minh – Theo VNN