![]() |
Bìa cuốn Bí mật ở Cannes – Tác giả : Trung Nghĩa |
Đó là những dòng được đề trang trọng ở đầu cuốn sách Bí mật ở Cannes – một thiên ký sự ghi lại quá trình tác nghiệp tại Cannes lần thứ 61 của nhà báo Trung Nghĩa. Cuốn sách mở ra một thế giới luôn khiến công chúng háo hức, hiếu kỳ : thế giới của những người nổi tiếng – những ngôi sao mà sự xuất hiện của họ khiến cả thế giới phải dõi theo – những diễn viên, đạo diễn tài năng cùng những tác phẩm điện ảnh đáng ngưỡng mộ.
Trên thảm đỏ…
Bí mật ở Cannes mô tả lại khoảnh khắc mà tác giả được tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng nhất của làng điện ảnh thế giới. Mỗi nhân vật để lại một ấn tượng riêng, đem đến cho Trung Nghĩa một cảm xúc riêng.
Đó là một chút ngẩn ngơ khi gặp lại Angelina Jolie và Brad Pitt tay trong tay đầy hạnh phúc : "Như hôm nay ở Cannes, tôi lại ngẩn ngơ trước sự hạnh phúc của Bradagelina trên thảm đỏ buổi công chiếu Kungfu Panda. Tình yêu quả luôn làm cho con người ta thăng hoa và tươi đẹp hơn. Nụ cười Angelina Jolie vẫn rộng mở và quyến rũ hơn bao giờ hết trong một buổi chiều mà màu váy xanh rêu của Jolie như muốn nhuộm cả thành Cannes… "
![]() |
Cặp đôi số 1 của Hollywood – Brad Pitt & Angelina Jolie trên thảm đỏ Cannes 61 – Nguồn : theinsider.com |
Đó là chút xuyến xao trước vẻ dịu dàng của người đẹp La-tin Penelope Cruz : "Cruz mặc bộ váy giản dị hai dây màu xanh biển bó sát thân hình. Gương mặt cô mang nét đẹp La-tin đặc trưng, vừa mặn mà vừa duyên dáng, thu hút sự chú ý của mọi người… "
Một chút nuối tiếc cho quá khứ vàng son của tay đấm thép Mike Tyson – cựu võ sĩ đến Cannes nhân dịp bộ phim tài liệu về đời mình được trình chiếu : "Mọi người hô mãi, Tyson mới chậm rãi giơ nắm đấm bàn tay phải của anh lên. Mọi người hô nữa, Tyson cực chẳng đã mới khẽ cười thật nhẹ. Cuộc đời Tyson quá nhiều thăng trầm. Tôi có ý nghĩ về một xã hội đã đưa Tyson lên đỉnh cao và chính xã hội đó đẩy anh xuống vực sâu… "
Đọc sách của Trung Nghĩa cứ giống như là chúng ta đang được anh cho xem những tấm hình trong máy ảnh, hết tấm này đến tấm khác, chân thực và sinh động, vừa xem lại vừa được nghe anh thuyết minh. Đó là câu chuyện về cuộc đời các ngôi sao, về tài năng và sự cống hiến của họ, về những tác phẩm điện ảnh mang tên họ, gắn liền với họ, cộng vào đó là những suy nghĩ, trăn trở… đôi khi nhanh và gấp gáp như tiến độ công việc của nhà báo ở Cannes, đôi khi lại là những khoảng lặng, những điểm dừng để suy ngẫm và chiêm nghiệm.
Paparazzi, anh là ai?
"Ở những chiến dịch tác nghiệp dài ngày và liên tục như Cannes, các phóng viên ảnh phải tranh thủ mọi giây phút có thể nghỉ ngơi để nạp năng lượng "chiến đấu" tiếp. Chúng tôi cũng chẳng khác gì cục pin Lithium nhét trong khe dưới máy ảnh, đương nhiên có lúc hết pin và cần được sạc điện.
Nhiều người cứ nghĩ làm người tiếp xúc và chụp ảnh chân dung các ngôi sao thì sướng lắm. Thế nhưng công việc của chúng tôi như thế nào? Và làm sao để chụp được những bức ảnh độc đáo nhất?"
![]() |
Tác giả Trung Nghĩa tại LHP Cannes 61 – Nguồn: dantri |
Đó là những lời bộc bạch của Trung Nghĩa về nghề nghiệp – một phần nhỏ bên cạnh những trang ghi chép và đề cập tới điện ảnh. Đến Cannes, anh không chỉ mang vinh dự là nhà báo trong nước đầu tiên được cấp thẻ hành nghề chính thức, được gặp gỡ và chụp ảnh các ngôi sao hàng đầu, mà còn được tiếp xúc và làm việc bên cạnh các đồng nghiệp đến từ khắp năm châu.
Qua Bí mật ở Cannes, người đọc còn không khỏi cảm thấy xúc động và hâm mộ khi biết đến Guy Kinziger – một nhiếp ảnh gia dù phải ngồi trên xe lăn nhưng vẫn không từ bỏ nghề nghiệp, một Robert Saint-Clair đã có 30 năm tác nghiệp ở Cannes, và vẫn đang ngày đêm miệt mài với công việc mang đến cho công chúng những bức ảnh đẹp.
Chúng ta liệu đã biết một điều : Người tạo ra chúng là một paparazzi đã già, tác nghiệp trên thảm đỏ bằng những bước chân giả và đôi nạng sắt?
Và còn đó… những giấc mơ…
Gặp gỡ những ngôi sao hàng đầu, thưởng thức những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, chứng kiến khoảnh khắc vinh danh của những tài năng trong làng điện ảnh thế giới, Trung Nghĩa lại nghĩ đến nền điện ảnh nước nhà.
Chúng ta không phải không có những nhân tố tài năng. Có thể chúng ta còn thua kém nhiều quốc gia phương Tây về công nghệ, nhưng bù vào đó, ý tưởng, sức sáng tạo, nguồn đề tài chắc chắn là còn rất dồi dào. Nhiều nền điện ảnh khác của châu Á – dù còn khó khăn – đã không ít lần khiến cả Liên hoan phim phải ngả mũ kính phục với những giải thưởng danh giá.
Năm 1993, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đến từ Đài Loan đã giành giải thưởng của Ban giám khảo Cannes với phim The Puppet Master (Bậc thầy múa rối). Cùng năm đó, đạo diễn Trần Khải Ca đoạt Cành cọ vàng với Farewell My Concubine (Bá vương biệt cơ). Một năm sau, đến lượt Trương Nghệ Mưu được trao giải thưởng lớn với To Live (Phải sống). Năm 1997, đạo diễn Iran Abbas Kiarostami đoạt giải Cành cọ vàng với bộ phim Taste of Cherry (Hương vị anh đào) v.v…
![]() |
![]() |
Taste of Cherry và To Live – hai trong nhiều bộ phim châu | Á đã được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes danh giá – Nguồn: imdb.com |
Trước những thành công của điện ảnh nhiều nước trong khu vực, Trung Nghĩa đã đặt ra câu hỏi cho điện ảnh Việt Nam : "Liệu các nhà quản lý điện ảnh, sản xuất phim và đạo diễn của Việt Nam cũng sẽ như đồng nghiệp Châu Á : không than vãn khó khăn để tiếp tục cuộc chơi?"
Chủ tịch Ban giám khảo Cannes 2008 Sean Penn đã khẳng định : "Kết quả giải Cannes không chọn giống Oscar!" Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Cannes là nơi tôn vinh dòng phim nghệ thuật. Nó được xem là "bà đỡ" mát tay cho những tài năng điện ảnh xuất sắc vốn còn thuộc dạng "ngọc trong đá", là nơi chấp nhận mọi trào lưu, phong cách làm phim sáng tạo, độc đáo, phá vỡ những khuôn thức, thậm chí cực đoan (miễn là tác phẩm hay và thuyết phục). Chính vì vậy mà không ít lần, Ban giám khảo Cannes đưa ra kết quả gây nhiều tranh cãi.
Viết Bí mật ở Cannes, Trung Nghĩa đã dẫn lời đạo diễn Vương Gia Vệ, khi làm Chủ tịch Ban giám khảo Cannes 2006, rằng nếu như mỗi thành phố trên thế giới này đều có ngôn ngữ riêng thì "Ở Cannes, đó là ngôn ngữ của những giấc mơ."
"Họ Vương triết lý rằng, thật khó đoán được ước mơ của ai đó nhiều hay ít hơn người khác. Nhưng "Nếu ai không thể ngóng đợi gió, thì vẫn cứ nên mở rộng cửa sổ nhà mình." Vương Gia Vệ muốn được chia sẻ những ước mơ sáng tạo từ những tài năng xuất sắc trong nền điện ảnh thế giới đương đại. Ông cho rằng, giám khảo Cannes có mục tiêu là "luôn giữ những cánh cửa sổ rộng mở ở mức có thể"… "
Hoàng Hải Anh – TVN