“ …Tài năng nếu không được chăm sóc, vun đắp, trọng dụng thì hoặc sẽ thui chột, hoặc không phát huy được hết năng lực sáng tạo của mình. Những rủi ro, những thiệt thòi cá nhân của họ hợp lại có thể làm nên những bi kịch quốc gia – bi kịch của sự lạc hậu, dốt nát, đói nghèo… ”

Bồi dưỡng nhân tài giờ đây đã được Đảng và Nhà nước ta coi là một trong ba mục tiêu chiến lược của nền giáo dục quốc dân Việt Nam. Hà tất phải bình luận về tầm quan trọng của công việc này đối với tương lai của đất nước, vận mệnh của dân tộc. Những nỗ lực của Nhà nước, gia đình và xã hội trong những năm gần đây đương gặp nhau trên lĩnh vực này, hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, đây là một công việc hết sức to lớn, phức tạp và tinh vi.

Gắn liền với chiến lược phát triển đất nước, nó đòi hỏi những cố gắng hết sức bền bỉ, dẻo dai, những biện pháp mạnh bạo và đồng bộ trên cơ sở xác định đúng đắn những mục tiêu trước mắt và lâu dài, phù hợp với nhu cầu của xã hội, hoàn cảnh của đất nước và cục diện thế giới. Có những công việc tưởng chừng giản đơn hơn nhiều, được đặt ra ngay từ những ngày đầu cách mạng, nhưng đến nay, sau nửa thế kỷ, chúng ta vẫn chưa hoàn thành, thí dụ, việc xoá nạn mù chữ. Cho đến nay, ở mọi miền đất nước, ngay cả ở thủ đô Hà Nội, vẫn còn không ít người mù chữ hoặc, điều đáng lo lắng hơn, mù chữ trở lại. Thế thì làm thế nào để cho quốc sách bồi dưỡng nhân tài sớm đem lại những thành quả vững chắc và ngày càng to lớn, giúp con rồng Việt Nam cất cánh, như mọi người Việt Nam yêu nước mơ ước? Dưới đây chỉ là một vài suy nghĩ nông cạn và vụn vặt, không ngoài mục đích góp thêm một tiếng nói công dân về một vấn đề quốc sự.

Trước tiên, vẫn cần xuất phát từ một sự thật hiển nhiên : người tài bao giờ cũng hiếm, nhân tài là của quý hiếm. Năng khiếu đã không thể là phổ biến, nhưng từ năng khiếu trở thành tài năng là cả một quãng đường dài khúc khuỷu, đầy trắc trở và tai biến, với những quy luật chọn lọc, đào thải khắc nghiệt. Khoa học hiện đại nói rằng, cứ một ngàn người ra đời trên hành tinh này thì có một người sinh ra với những tiềm năng thiên tài, nhưng chỉ một trong mười nghìn thiên tài tiềm năng ấy sau này trở thành thiên tài thực thụ. Tôi không tin lắm vào những số liệu thống kê bình quân ấy.

Sự ra đời của những thiên tài hình như tuân theo những quy luật bí ẩn nào đó, mà khoa học chưa và rất có thể cũng chẳng bao giờ khám phá ra. Nhưng dưới góc độ của vấn đề mà chúng ta đương đề cập, thì các thiên tài đều có một đặc điểm chung, nhất quán là họ chỉ cần được đào tạo, bồi dưỡng ở mức tối thiểu, họ tự mình làm nên những kỳ tích, những “phép lạ” ở cõi trần thế này.

Còn tài năng thì lại khác. Tài năng nếu không được chăm sóc, vun đắp, trọng dụng thì hoặc sẽ thui chột, hoặc không phát huy được hết năng lực sáng tạo của mình. Những rủi ro, những thiệt thòi cá nhân của họ hợp lại có thể làm nên những bi kịch quốc gia – bi kịch của sự lạc hậu, dốt nát, đói nghèo. Cho nên, tất cả các quốc gia văn minh đều thực hiện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, những chính sách khôn khéo, tinh vi, được cân nhắc từng ly từng tý, nhưng thường không tuyên bố thành lời, thành văn bản.

Với nhiều hình thức, phương thức đa dạng, với những hệ thống ưu tiên khác nhau tuỳ thuộc mục tiêu chiến lược và hệ giá trị của từng quốc gia, từng dân tộc, có một nguyên tắc và một phương pháp được quán triệt trong công việc đào tạo tài năng, đó là nguyên tắc đặc tuyển (tuyển chọn vào những cơ sở đào tạo đặc biệt) và phương pháp làm việc với từng cá nhân (sản xuất những độc bản, chứ không hàng loạt). Hãy lấy một nước phát triển có quan hệ lâu đời với ta làm ví dụ.

Tài năng nếu không được chăm sóc, bồi dưỡng sẽ thui chột

Ở Pháp, trong hệ thống đào tạo đại học, bên cạnh mạng lưới các Viện Đại học quốc gia (Université) đào tạo đại trà lực lượng lao động tinh nhuệ cho các ngành khoa học, công nghệ, kinh tế v.v… có hai ba trường đặc biệt tuyển đào tạo những nhân tài đích thực (ấy là chưa kể mạng lưới các trường năng khiếu nghệ thuật chuyên ngành). Những trường ấy mang những tên cổ rất khiêm tốn, tương phản với uy tín của chúng : École Normale Supérieure (Trường Cao đẳng sư phạm), École Polytechnique (Trường Bách khoa).

Nếu để vào học các Viện Đại học, sinh viên chỉ cần đăng ký (rồi nếu không đủ sức học sẽ bị đào thải trong quá trình đào tạo), thì ở các trường đặc tuyển này, người ta tổ chức thi tuyển qua ba – bốn vòng (với các lớp bồi dưỡng ngắn hạn và trung hạn giữa các vòng) để cuối cùng chọn lấy 1 trong 200 – 300 thí sinh. Nếu sinh viên các Viện Đại học không được hưởng học bổng (ai có hoàn cảnh nghèo khó thì được trợ cấp theo tuyến bảo hiểm xã hội), thì học sinh các trường đặc tuyển được cấp học bổng rất cao, kèm theo các điều kiện học tập, sinh hoạt tương xứng. Thí dụ, sinh viên trường École Normale Supérieure – Trung tâm đào tạo các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản và các giảng viên cho các trường đại học – được hưởng học bổng bằng 1.800 USD/tháng, tương đương với lương một viên chức cấp vụ ở các Bộ. Sinh viên Trường Polytechnique đào tạo chuyên gia cho các ngành khoa học ứng dụng và công nghệ, hưởng học bổng thấp hơn -1.400 USD/tháng. Chỉ riêng sự chênh lệch về học bổng giữa học sinh hai trường “quý phái” này cũng đủ nói lên định hướng và hệ giá trị mà Nhà nước và xã hội Pháp theo đuổi (khác với Mỹ và Nhật chẳng hạn).

Nếu sinh viên các Viện Đại học, cũng như ở ta, rất nhiều khi tốt nghiệp là thất nghiệp, thì các sinh viên từ trường NormalePolytechnique khi còn ở trường đã được mời mọc cộng tác với các viện nghiên cứu, các công ty, doanh nghiệp nổi tiếng và được dành sẵn chỗ làm việc ở những nơi sang trọng ấy. Cả hai trường NormalePolytechnique đều được sáng lập từ cuối thế kỷ XVIII, sau thắng lợi của cuộc cách mạng tư sản dân quyền và hoạt động liên tục từ bấy đến nay dưới nhiều chính thể khác nhau, hun đúc nên hàng trăm nhân tài đã trở thành danh nhân của nước Pháp.

Romain Rolland, con một gia đình thợ mộc cha truyền con nối ở vùng Bourgone, mà hình ảnh người cha và quê hương ông đã làm sống lại rực rỡ trong tiểu thuyết bất hủ Colas Breugnon, học qua trường Normale và sau đó được đào tạo thêm 3 năm tại Viện Hàn lâm Pháp tại La Mã – một trung tâm lâu đời hợp tác văn hoá – khoa học giữa Pháp với các nước châu Âu – không những đã trở thành một nhà văn lớn, tên tuổi lẫy lừng khắp năm châu, mà còn là một nhà khoa học nhân văn, một tư tưởng gia kiệt xuất – một đại trí thức tầm vóc thế giới mà với ông, các vĩ nhân thế kỷ này như Gandhi, Tagor, Einstein, Albert Schweitzer… thấy vinh dự được trao đổi thư từ. Macxim Gorki, một người Nga cùng lứa tuổi và cũng xuất thân từ nhân dân lao động như Romain Rolland, nhờ tài năng kiệt xuất của mình cũng sớm nổi tiếng toàn cầu, giao du với các danh nhân thế giới, chơi thân với Rolland, nhưng, chỉ kinh qua các “trường đại học của cuộc sống”, càng giao du với trí thức thượng lưu trong và ngoài nước, Gorki ngày càng cảm nhận sâu sắc sự thiếu hụt nền học vấn hàn lâm ở mình. Chính vì thế, ông đã có những cố gắng phi thường để giữ gìn cho nước Nga nhiều trí thức lớn trong những năm cách mạng và nội chiến. Cũng trong những năm khói lửa ấy, ông đã kiến nghị với Lênin mở ngay một trường đại học đặc biệt, đào tạo, bồi dưỡng những văn tài cho xã hội mới. Trường ấy mang tên Gorki, đã ra đời năm 1933 và trong 60 năm hoạt động, đã đào tạo cho các dân tộc trong Liên bang Xô Viết trước đây và cả các nước anh em một đội ngũ những người cầm bút đông đảo, trong đó không ít nhà văn, nhà thơ có biệt tài (chỉ cần nhắc đến tên tuổi : Simonov, Triphonov, Aitmatov, Gamzatov, Blaga Dimitrova… )

Nhưng nếu sau sáu thập kỷ, dưới mái trường ấy chưa trưởng thành một danh nhân văn hoá nào có tầm cỡ như Gorki và Rolland, thì có lẽ một trong những nguyên nhân chính là vì nó đã được tổ chức và hoạt động không hoàn toàn theo đúng những ý đồ, chủ kiến của Gorki. Một trường mà sinh viên là đặc tuyển, thì thầy giáo lại phải càng được đặc tuyển như thế nào? Một trường mà những người học nghề là những tài năng và những bầu tâm huyết, thì những người truyền nghề phải có tài và có tâm như thế nào? Một trường mà sứ mệnh là xúc tác cho sự ra đời những tác phẩm nghệ thuật chân ch&iacu
te;nh, thì trong đó phải ngự trị một không khí sáng tạo lành mạnh, không khí văn hoá đích thực không bị khuấy động bởi những nhân tố phi nghệ thuật, phi văn hoá như thế nào? Một trường mà phương thức hoạt động của nó, như đã nói ở trên, là sản xuất những độc bản, chứ không phải hàng loạt, thì phải được Nhà nước đầu tư, xã hội trợ giúp như thế nào?

Những vấn đề hệ trọng hàng đầu ấy và một loạt vấn đề khác luôn luôn được đặt ra trước các trường năng khiếu nghệ thuật ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và ở nước ta hôm nay. Ở đâu những vấn đề ấy được giải quyết đúng đắn, thông minh và đồng bộ thì sự nghiệp đào tạo nhân tài ở đấy đạt được những thành tựu rực rỡ, như thí dụ ở Nhạc viện Chaikovski, Nhạc viện Rimski – Korsakov ở Liên Xô trước đây.

(Còn nữa)
Giáo sư Phạm Vĩnh Cư – Theo Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *