Ngoài hai cuộc chiến tranh, lịch sử Việt Nam thế kỷ XX có một thời kỳ mang lại cảm hứng mãnh liệt cho nghệ thuật, nhưng đến nay vẫn chưa được phản ánh đúng tầm : thời bao cấp. Như một cuốn “nhật ký thời bao cấp”, cuốn sách của Giáo sư Đặng Phong là một trong những nỗ lực ghi lại những năm tháng ấy.
Tên sách : TƯ DUY KINH TẾ VIỆT NAM
Tác giả : Đặng Phong
Phát hành : NXB Tri thức & Phương Nam Books
*****
Khác với chiến tranh, thời bao cấp chỉ mới kết thúc cách đây chưa đầy hai thập niên, và hàng triệu nhân chứng của nó hiện giờ vẫn còn sống. Vẫn sống và vẫn nhớ như in những gì gắn với nó : con người, sự kiện, thói quen, hành vi, lời ăn tiếng nói; vô số chuyện cười, ca dao, tục ngữ, phim ảnh, bao nhiêu bi kịch, nước mắt, nụ cười… Tất cả đã tạo nên cả một nền văn hóa và là nguồn cảm hứng lớn cho nghệ thuật.
Đã có những bộ phim nổi tiếng : Chuyến xe bão táp, Hà Nội mùa chim làm tổ. Có những vở kịch của Lưu Quang Vũ : Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng.
Có những bài ca mà giờ đây nghe hát lên, ai đã từng sống qua thời kỳ cả nước xếp hàng cũng thấy rạo rực "tinh thần bao cấp" : Mùa xuân từ những giếng dầu, Bến cảng quê hương tôi…
Nhưng đó là những tác phẩm ra đời trong thời bao cấp. Còn các tác phẩm của "người bây giờ" viết về những năm tháng ấy thì nhìn chung chưa đủ sức phản ánh được một cách đầy đủ và chân thực cả một giai đoạn trong lịch sử đất nước. Ít nhất cũng chưa có cuốn sách nào đủ để làm người đọc phải bồi hồi cảm xúc khi đọc và nhớ lại một thời đã qua.
Xét ở khía cạnh đó, Tư duy kinh tế Việt Nam : Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 – 1989 của Giáo sư Đặng Phong là một cuốn sách hay. Vì đó là cuốn sách phản ánh thời bao cấp một cách đầy đủ nhất từ trước đến nay, trên phương diện kinh tế.
Bìa cuốn sách – (Ảnh nguồn : sachhay.com) |
Khách quan và khoa học
Cuốn “nhật ký” của Giáo sư lịch sử kinh tế Đặng Phong chia thời bao cấp thành ba giai đoạn : 1975 – 1979, 1979 – 1986, 1986 – 1989 và bám sát theo từng chuyển biến, thay đổi của nền kinh tế trong ba giai đoạn đó.
Viết một cuốn sách lịch sử phải đảm bảo các tiêu chí chính xác, khách quan, khoa học. Tư duy kinh tế Việt Nam đã hướng tới đáp ứng những đòi hỏi đó, ở chỗ nó cung cấp rất nhiều thông tin và kiến thức lịch sử kinh tế.
Với nhiều bạn đọc, có thể nhờ cuốn sách này, lần đầu tiên, bạn sẽ được biết về những giai đoạn cũng khá dầu sôi lửa bỏng đối với đất nước, như những năm ngay sau ngày thống nhất 30/4.
Đó là giai đoạn mà chúng ta "say sưa với thắng lợi", muốn "nhanh chóng thực hiện nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa", nên đã tiến hành cả ba cuộc cách mạng : khoa học kỹ thuật, văn hóa tư tưởng, quan hệ sản xuất.
Những cơ sở kinh tế ở miền Nam cũ bị xóa bỏ, tịch thu, quốc hữu hóa, người dân bị đưa đi vùng kinh tế mới để học tập thông qua lao động. Điều đó, như tác giả viết, đã đẩy hai triệu người vào con đường bất đắc dĩ : vượt biên!
Đó cũng là giai đoạn mà chúng ta tiếp quản cả một đất nước – một nền kinh tế, trong tình trạng thiếu kiến thức về quản lý và tư duy kinh tế thì còn khá ấu trĩ. Chính điều đó đã dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề về sau này, được tác giả phản ánh rất đầy đủ :
"Nông dân vẫn là tầng lớp khó khăn nhất. Năm 1977, trong dịp Tổng Bí thư đi thăm tỉnh Hà Nam Ninh, có hứa rằng chỉ vài năm nữa thì mọi nhà nông dân đều có TV, tủ lạnh… thì bây giờ miếng cơm ăn cũng không có đủ, nhiều vùng đói to".
Mậu dịch quốc doanh – một trong những hình ảnh không thể nào quên của thời bao cấp – (Ảnh nguồn : ttvnol.com) |
Bạn đọc cũng sẽ được chứng kiến, qua lời kể của hàng chục nhân chứng, những bi kịch thật sự của người dân. Ông Tư Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Long An, kể lại về phong trào đưa dân đi vùng kinh tế mới : "Mỗi người được cấp một lô đất. Nhưng nhìn ra chỉ thấy cỏ mọc dày đặc. Máy ủi, máy cày không có. Phải cuốc bằng tay, chặt bằng dao. Làm sao họ sản xuất được? Có một ông người Hoa nhìn tôi rưng rức nước mắt và kêu trời : Tôi là giống người, tôi không phải giống trâu bò, tôi không ăn cỏ được!… "
Để đảm bảo tính khách quan và chính xác của thông tin, tác giả đã gặp và phỏng vấn hàng chục nhân vật như ông Tư Tâm, trong đó đặc biệt là những người đã từng làm việc gần gũi các cán bộ lãnh đạo – như ông Trần Việt Phương, nguyên trợ lý của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; hoặc những gương mặt đóng vai trò quan trọng trong “cuộc chiến” Đổi mới mà nổi lên là Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt (Cuốn sách này cũng được tác giả trân trọng đề tặng : Để tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Dễ dàng nhận thấy mọi chuyển biến của nền kinh tế đất nước đều gắn chặt với những quyết định của các nhà lãnh đạo, được thể hiện ra thành những chủ trương, chính sách của chính phủ. Bởi thế, nói là lịch sử thời bao cấp, nhưng cuốn sách thực chất ghi lại lịch sử chuyển biến tư duy kinh tế của những người điều hành đất nước.
Nhờ cuốn sách này, bạn đọc sẽ được biết cả thời kỳ "đấu tranh" giữa hai đường lối tư duy : bảo thủ và đổi mới. Bạn sẽ thấy rằng sự ra đời của cái mới cần sự quyết tâm, lòng can đảm và thậm chí, cả một chút may mắn đến từ thời cuộc. Tóm lại, cái mới cũng đòi hỏi sự trả giá.
Những trang viết lịch sử kinh tế đầy cảm xúc
Viết về lịch sử, mà lại là lịch sử kinh tế, tác giả rất dễ sa vào khuynh hướng kể lể, tầm chương trích cú, trình bày bảng biểu số liệu, hồ sơ cả tập, vừa khô cứng vừa… dễ thành nhàm chán.
Nhưng với Tư duy kinh tế Việt Nam thì khác. Giáo sư Đặng Phong, ngoài việc đưa vào những phát biểu, hồi tưởng chân thật của các nhân vật lịch sử, còn trích cả nhiều bài báo, tranh châm biếm cùng thời kỳ đó (từng đăng trên những báo Văn nghệ, Lao động, Đại đoàn kết v.v… ).
Điều đó đã làm nên sự nhẹ nhàng cho cuốn sách, cũng là phong cách riêng trong cách viết sử của Đặng Phong.
Là một cuốn sách khoa học xã hội, nhưng – với văn phong của tác giả – Tư duy kinh tế Việt Nam cũng chứa đựng nhiều cảm xúc. Như là thái độ điềm tĩnh và xây dựng của Giáo sư Đặng Phong khi nói về những sai lầm mà giới lãnh đạo – do bị những giáo điều ngăn chặn tầm nhìn – đã mắc phải khi chuyển từ quản lý đất nước thời chiến sang quản lý kinh tế trong thời bình.
Như là sự cổ vũ cho những quyết tâm đổi mới, dựa trên kiến thức và tư duy khoa học; sự cổ vũ cho tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm. Và, nổi lên trên tất cả, chúng ta có thể cảm nhận tình yêu nước của chính tác giả.
Mua sắm hàng Tết ở Hà Nội thời bao cấp – (Ảnh : Eva Lindskog) |
Nhưng quan trọng hơn, cuốn sách mang lại cảm xúc cho độc giả. Người đọc như cảm thấy bầu không khí ngột ngạt của "đêm trước đổi mới", như sống lại những năm tháng đen tối của khủng hoảng kinh tế, như được chứng kiến sự gay go và phức tạp của cuộc đấu tranh giữa hai đường lối cho đến khi cả nước thống nhất một tư tưởng : Đổi mới hay là chết?
Dĩ nhiên, cuốn sách không xao nhãng mục đích cao nhất là cung cấp kiến thức, nên có đầy đủ cả biên niên sử các sự kiện kinh tế cùng rất nhiều số liệu thống kê để thỏa mãn nhu cầu tra cứu của độc giả.
Nếu ở tác phẩm đồ sộ và công phu này có gì gọi là nhược điểm, thì đó là một cảm giác mơ hồ mà nó tạo ra cho người đọc : Dường như tác giả vẫn còn có những điều chưa nói hết, những chỗ phải bỏ qua hoặc tìm một cách nói giảm, nói tránh sự thật. Có thể đó cũng chỉ là một cảm giác mà chính cách viết nhẹ nhàng và điềm tĩnh của Giáo sư Đặng Phong đã mang tới.
Nhưng cho dù có thế, những gì cuốn sách mang lại vẫn là quá nhiều, quá đầy đủ so với tất cả những tài liệu về lịch sử kinh tế mà người đọc chúng ta từng tiếp cận kể từ năm 1975 đến nay.
Đoan Trang
Theo TVN