"Xì căng đan" bằng cấp

Từ trái qua: giải Vàng Đỗ Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Thị Ngọc Bích và giải Bạc Huỳnh Thanh Tuyền, Lê Xuân Vĩnh Thụy trong cuộc thi Siêu mẫu VN 2009 (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng).

Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã chính thức công bố quyết định miễn nhiệm chức danh với ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch VN. Điều này xuất phát từ những đơn thứ tố cáo các sai phạm của ông Dũng của các anh chị em nghệ sĩ trong Nhà hát.

Bên cạnh những tố cáo về việc ông Dũng "khai man" năm sinh để giữ ghế, điều hành quản lý yếu kém khiến Nhà hát kịch VN nhiều năm đi tụt lùi, có một số khoản chi tiêu thiếu minh bạch, thì lý do chính được xác định là ông không có bằng đại học. 

Theo quy trình bổ nhiệm cán bộ, giám đốc phải có bằng đại học. Đó là điều khó có thể làm khác khác khi quy định pháp luật còn nguyên hiệu lực. Nhưng nếu ở vị trí Giám đốc, ông Dũng quản lý, điều hành tốt, để Nhà hát kịch VN xứng với danh xưng "anh cả đỏ" thì thế gian sẽ nhìn vào đó để "chấm công" đối với ông, có khi chẳng cần quan tâm đến việc ông có bằng này hay cấp nọ.

Tuy nhiên điều này trong thực tế đã không xảy ra – như trong một đánh giá tổng kết của chính Cục Nghệ thuật – Biểu diễn về sự thiếu sinh khí trong các hoạt động của Nhà hát trong nhiều năm liền. Bây giờ, NSND Lê Hùng sẽ thay thế ông Nguyễn Anh Dũng để làm giám đốc của Nhà hát Kịch VN, đồng thời vẫn đảm nhiệm cương vị giám đốc của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Trước đó, Hoa hậu VN 2008 Thùy Dung cũng bị "mắc kẹt" vào vấn đề bằng cấp. Ban tổ chức quyết giữ vương miện cho Thùy Dung bằng cách tuyên bố không cần phải có bằng PTTH vẫn đạt điều kiện thi Hoa hậu, mặc cho dư luận tha hồ tranh cãi đúng – sai.

Chuyện cũ không nhắc lại thêm nữa làm gì, điều còn gợn đến bây giờ chỉ là biểu hiện của sự thiếu trung thực từ phía Thùy Dung và gia đình với cuốn học bạ mà sơ sẩy bị lộ ra, với bảng điểm đầy đủ của lớp 12 (dù Thùy Dung nghỉ học giữa chừng, năm nay mới vừa thi tốt nghiệp). 

Ở VN, danh hiệu, giải thưởng cũng là một thứ "bằng cấp", vì thế mà người ta luôn hối hả đi săn tìm nó. Cuộc thi Siêu mẫu 2009 vừa diễn ra, bên cạnh những ì èo, tranh cãi về chuyện Vĩnh Thụy, Huỳnh Thanh Tuyền xứng đáng được giải nhất hay Hoàng Long, Ngọc Bích xứng đáng hơn như kết quả cuối cùng, thì chuyện bằng cấp đã gây ra nhiều nghi ngờ ngay trước đêm chung kết.

Theo quy định, thí sinh phải "có bằng phổ thông trung học". Có thí sinh được vào vòng chung kết nhưng lại thiếu tiêu chuẩn này nên đã phải bỏ cuộc và không ít thí sinh đứng trước nghi vấn "bằng giả, bằng thật" khiến BTC lúng túng. Đáng nói là người mẫu Vĩnh Thụy – ứng cử viên sáng giá nhất – cũng rơi vào vòng nghi ngờ "chưa có bằng tốt nghiệp PTTH". 

Vĩnh Thụy trả lời báo chí là mình "có", tuy nhiên, xác minh cuối cùng, cho đến hôm nay vẫn chưa được đơn vị tổ chức (Công ty Cát Tiên Sa, Tạp chí Thời trang trẻ và HTV) đưa ra.

Sự việc bất ngờ xảy đến như thế có thể đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, khiến Vĩnh Thụy khó tập trung trong những buổi thi cuối, gây ảnh hưởng đến thành tích cuối cùng. Qua đây, công chúng cũng có quyền đặt câu hỏi, việc Vĩnh Thụy chỉ đạt giải Bạc có phải là "bước lùi" cần thiết của Ban tổ chức trước nghi vấn về chuyện "bằng cấp" kia, để dư luận bớt cày xới chuyện này? Cùng với đó, Ban tổ chức "đôn" thí sinh khác lên để trao giải Vàng trong tình huống này sẽ thuận tiện hơn chăng? 

Bây giờ, Vĩnh Thụy hay Ban tổ chức có trình ra bằng cấp thế nào thì đối với những người thưởng thức cái đẹp, quan tâm đến nhu cầu giải trí, thì tấm bằng chắc cũng không thể thay thế được thực lực. 

Đã đi thi thì mọi thí sinh đều phải tuân thủ quy chế của cuộc thi, nếu không thì phải bị loại để đảm bảo sự công bằng. Còn khi hoạt động bên ngoài, mỗi người mẫu sẽ ghi dấu ấn tên tuổi cho mình bằng chất lượng trình diễn, lối ứng xử chuyên nghiệp trước công chúng chứ không phải nhờ có bằng kia, cấp nọ. 

Cấp bằng cho sự trung thực

Nam vương mù chữ Andre Reithebuch sau khi đăng quang

Cuộc chạy đua bằng cấp mà có người gọi là "quốc nạn" hiện nay là mối nguy cho xã hội. Điều này đang được cảnh báo rất nhiều vì đó là khi người ta mải mê tìm đường tiến thân bằng danh "ảo", chỉ lo dựng nhà mà không cần xây móng, và vì thế, nhà có thể đổ bất cứ lúc nào.

Còn nếu không trung thực, tìm đường qua mặt người khác để tiến thân mà thiếu vốn văn hóa thì cũng gây nên sự bất bình đẳng, không phục, đến lúc "cái kim trong bọc lâu ngày cùng lòi ra" mới càng khó ăn khó nói.

Mới đây thôi, Andre Reithebuch, 22 tuổi, người vừa đoạt vương miện trong cuộc thi Người đàn ông đẹp nhất Thụy Sĩ 2009, đã gây sốc với lời “tự thú” rằng mình không biết viết.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Tele Zueri tròn một tháng sau khi trở thành nam vương, Andre Reithebuch kể rằng bản thân mới chỉ học đọc khi đang ở trong quân đội và mẹ đẻ chính là người đã giúp anh điền phiếu đăng ký dự thi.

Chuyện này e rằng khó có ở Việt Nam; mà nếu ai làm thế, có khi còn bị chê là hồ đồ, ngu dại (!). 

Trở lại với Reithebuch, sau lời tự thú công khai, anh đã bị một vài tờ báo ở Thụy Sĩ gọi là chàng đẹp trai "không có óc"; thế nhưng phải thừa nhận rằng đâu phải ai khi đứng trước vinh quang cũng có hành động thực sự dũng cảm và trung thực như Reithebuch? 

Xét ở một góc độ nào đó, lời "tự thú" của tân Nam vương còn có ý nghĩa đánh động đối với Thụy Sĩ – một đất nước tưởng như hoàn hảo và ưu việt nhưng hiện tượng " mù chữ" diễn ra phổ biến, hiện đang là một vấn nạn trầm trọng bị che giấu. 

Ở đất nước sử dụng ba ngôn ngữ chính gồm tiếng Đức, Pháp, Italia; hiện có gần 800.000 người mù chữ luôn được tiếng là văn minh, giàu có như Thụy Sĩ (dân số trên 7,5 triệu) thì tất nhiên "chàng trai đẹp" Andre Reithebuch vẫn bảo toàn được ngôi vị Nam vương. 

Hậu đăng quang, nếu anh ra sức khắc phục điểm khuyết thiếu do chính anh nói ra, qua chứng chỉ, bằng cấp, thì cũng chưa chắc đã bền vững bằng việc anh chứng tỏ được danh hiệu đã trao cho mình là xứng đáng thế nào…

Theo Bùi Dũng – TuanVietNam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *