7/09, 4:43 pm
Bàn về văn hóa tiết kiệm
Từ khi giá xăng dầu tăng vọt, tiết kiệm trở thành câu chuyện mang tính thời sự trên phạm vi toàn thế giới. Vanhoahoc.edu.vn xin giới thiệu bài viết của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm bàn về vấn đề này từ góc nhìn văn hoá.
Từ câu chuyện sinh nhật…
Từ khi giá xăng dầu tăng vọt, tiết kiệm trở thành câu chuyện mang tính thời sự trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông đại chúng lại bàn nhiều đến việc tiết kiệm. Tai một buổi tọa đàm ở một tòa báo về cuộc vận động thực hành tiết kiệm mà tôi được mời tham dự, có người nêu ra trường hợp một em học sinh đề xuất không tổ chức sinh nhật để tiết kiệm như một sáng kiến cần nhân rộng. Tôi phản đối việc này vì cho rằng tiết kiệm không có nghĩa là cắt giảm mọi nhu cầu vật chất và tinh thần cần thiết của con người. Tổ chức sinh nhật cũng như nhiều phong tục tập quán khác là những thành tựu văn hóa mà con người phải đạt tới một trình độ phát triển như thế nào đó mới có được. Hoạt động này cũng như mọi hoạt động văn hoá khác, tất nhiên đòi hỏi phải có chi phí. Người giàu có thể bỏ ra vài triệu, thậm chí chục triệu cho một lễ sinh nhật, nhưng cũng có lễ sinh nhật chỉ tốn đôi ba trăm ngàn, có khi là vài chục ngàn mua quả cóc, quả ổi để tổ chức trong ký túc xá sinh viên. Chi nhiều hay ít là tùy hoàn cảnh mỗi người, mỗi gia đình. Điều quan trọng trong những hoạt động như thế không phải là ở quy mô tầm cỡ của chi phí, mà là ở giá trị tinh thần, ý nghĩa giáo dục thiêng liêng mà mà nó mang lại. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói rằng tiết kiệm không phải là bủn xỉn, “không phải xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Các em muốn tiết kiệm là có ý thức tốt, nhưng người lớn chúng ta nên phân tích cho các em hiểu, việc gì nên, việc gì không.
Và các khái niệm “tiết kiệm”, “hà tiện”, “lãng phí”…
Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng, trong hoàn cảnh có nhiều người còn nghèo như nước ta hiện nay thì việc tổ chức một lễ sinh nhật tiêu tốn tiền triệu sẽ là xa xỉ quá mức. Song thực ra, mọi sự so sánh phải luôn đặt trong đúng hệ toạ độ văn hoá của nó. Một sự so sánh mà trong việc gì cũng lấy đời sống của những người nghèo nhất làm chuẩn mực thì sẽ là vô cùng phiến diện. Không nên bắt người có thu nhập 50 triệu một tháng phải chi tiêu giống như người có lương 5 triệu, cũng không nên bắt người có lương 5 triệu phải chi tiêu giống người có lương 500.000. Một xã hội phát triển theo hướng kinh tế thị trường thì không thể tránh khỏi có sự phân hóa giàu nghèo (mọi cố gắng chỉ có thể giảm mức khác biệt chứ không thể xoá bỏ nó); mỗi giới sẽ có lối sống khác nhau, các mối quan hệ xã hội khác nhau, và mặt bằng chi tiêu cũng không thể giống nhau.
![]() |
Vậy tiết kiệm như thế nào là đúng đắn? Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành năm 2006 có định nghĩa : “Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định”. Theo tôi, có thể nói một cách ngắn gọn rằng tiết kiệm đúng đắn là chi tiêu hợp lý. Chi tiêu hợp lý là chi tiêu phù hợp với khả năng của mình và yêu cầu của công việc. Nếu chi vượt quá khả năng tài chính cho phép của mình hoặc vượt quá mức mà công việc yêu cầu thì đó chính là lãng phí. Ngược lại, chi ở mức quá thấp so với yêu cầu là hà tiện. Việc hà tiện không phải lối không những không tiết kiệm, mà còn làm lãng phí thêm. Ví dụ, thay vì chi 20.000 cho một bữa ăn, ta chỉ chi 10.000 và tự hào là đã tiết kiệm một nửa. Nhưng rồi với bữa ăn 10.000, đồ ăn thiếu vệ sinh, không đủ chất, sinh bệnh tật, ốm đau, phải nhập viện chữa trị – ấy thế là sinh ra lãng phí hơn nhiều lần. Kiểu tư duy tiểu nông, tầm nhìn hạn hẹp rất hay có vụ “tiết kiệm” kiểu đó. Hà tiện không những gây lãng phí, mà còn làm hỏng việc, phản giáo dục, phản văn hoá. Thay vì bật đèn đủ sáng để làm việc thì lại tiết kiệm tắt đèn, dẫn tới hỏng mắt, phải đeo kính. Tiết kiệm được mấy đồng chi cho một lễ sinh nhật, con người sẽ mất đi một tập quán văn hoá tốt đẹp…
Cũng cần phân biệt “lãng phí” với đầu tư. Ăn đủ lượng và chất để có sức khoẻ làm việc, đãi khách đủ mức cần thiết về lượng và chất theo tập quán của từng nền văn hoá để tạo dựng hoặc duy trì một mối quan hệ làm ăn tốt – đó không phải là lãng phí, mà là đầu tư. Nguyên tắc của đầu tư là trước mỗi việc cần chi phải tự mình xác định xem vốn liếng mình có bao nhiêu, mình định hướng tới mục đích gì, hiệu quả thế nào, rồi căn cứ vào đó mà quyết định mức chi thích hợp, như vậy thì sẽ không lo gì là lãng phí hay hà tiện.
Đến cuộc vận động thực hành tiết kiệm hiện nay…
Cuộc vận động thực hành tiết kiệm mà một số báo chí đang triển khai mạnh mẽ hiện nay là rất cần thiết và đem lại hiệu quả thiết thực, song, nó chưa chú ý thích đáng đến việc phân biệt các loại đối tượng, và do vậy cũng chưa có biện pháp thích hợp cho từng loại.
Trong việc tiết kiệm, có hai loại đối tượng rất cần phân biệt, đó là những người xài tiền của mình, do chính mình làm ra, và những người xài tiền của người khác.
Với loại đối tượng thứ nhất là những người tiêu bằng đồng tiền xương máu do chính tay mình làm ra thì dù là một cá nhân hay một tập thể kiểu như các công ty tư nhân, cách tiêu dùng phổ biến thường gặp là hợp lý, nếu không hợp lý thì thường thiên về hà tiện chứ ít khi lãng phí. Có thể có trường hợp người ngoài nhìn vào thì có cảm giác là lãng phí, nhưng với người trong cuộc thì việc tiêu xài đó là có mục đích, có chiến lược hẳn hoi, nên không lãng phí chút nào. Vì vậy, việc hô hào loại đối tượng này tiết kiệm cũng cần, song hiệu quả sẽ không nhiều.
Loại đối tượng thứ hai là những người tiêu bằng tiền của người khác thì cách tiêu dùng phổ biến thường gặp mới thiên về lãng phí. Cá nhân thì thường là các cậu ấm cô chiêu con nhà khá giả được cha mẹ cưng chiều. Rồi những kẻ nhờ móc ngoặc hoặc thông qua những quan hệ này khác mà rút ruột bạc tỷ của nhà nước, kiếm được những đồng tiền bất chính một cách quá dễ dàng. Báo chí đã kể và phanh phui không ít những trường hợp tiêu xài tiền triệu một ngày mà không hề biết xót ruột. Với tập thể thì đó là những tổ chức cơ quan đang sử dụng ngân sách của nhà nước, các cơ sở kinh doanh do nhà nước quản lý chưa được cổ phần hoá – họ sử dụng tiền của một tập thể có tên chung chung là “nhà nước” (thực chất là tiền của dân đóng góp) và vì là tập thể chung chung, vô hình, nên người tiêu tiền xưa nay ít khi biết “xót ruột”. Tiền đó dân gian có cách gọi rất hình tượng là “tiền chùa”, bên cạnh một khái niệm gần nghĩa là “của chùa” và một loạt cụm động từ với nghĩa là "không tốn tiền của mình" như : “làm chùa”, “ăn chùa”, “ở chùa” v.v…
Với loại đối tượng này không chỉ cần sự vận động, mà cao hơn, cần có những chính sách cụ thể, những hình thức xử lý đủ sức răn đe. “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” do Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực từ 1-6-2006, trong đó đã quy định rất rõ các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong bảy lĩnh vực quan trọng : (a) quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; (b) đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước; (c) quản lý và sử dụng trụ sở làm việc, nhà
công và các công trình phúc lợi công cộng; (d) quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; (e) đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; (f) quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; (g) sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Tuy có luật rồi, nhưng cho đến nay, tình trạng xài vốn vay ODA phung phí, những dự án đầu tư tràn lan, những vụ tham nhũng lớn… vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả. Năm 2006, Chính phủ tiến hành hơn 12.600 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 4.000 tỷ đồng. Báo “Nhân dân” ra ngày 02-07-2008 cho biết, có nơi, có lúc, tình trạng lãng phí còn ngày càng phổ biến gây bất bình trong nhân dân : một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mua sắm và sử dụng ô-tô, trang bị làm việc vượt quá mức quy định; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đã dùng xe ô-tô công đi cúng, đi lễ, xem hội hè, gây lãng phí tài sản công hoặc tổ chức lễ cưới quá lớn tại các khách sạn, nhà hàng sang trọng ngay trong ngày làm việc, gây lãng phí cả về vật chất và thời gian. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trong bài trả lời phỏng vấn của báo “Tuổi trẻ” ngày 28-7-2008 thì : “Có nhiều nguyên nhân, trước hết là ở ý thức chấp hành luật của những người có liên quan, bao gồm cả người có thẩm quyền và người thực thi”.
Vấn đề thật đáng để chúng ta suy nghĩ : Trong khi các nước khác không cần ra luật tiết kiệm, vậy tại sao Việt Nam phải có riêng một “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”? Phải chăng vì tình trạng lãng phí trong lĩnh vực sử dụng ngân sách và tài sản công ở Việt Nam cao hơn ở các nước khác? Có luật rồi mà việc thực hiện vẫn không nghiêm, tình trạng lãng phí vẫn tràn lan, mà nguyên nhân trước hết là ở “ý thức chấp hành luật của những người có liên quan, bao gồm cả người có thẩm quyền và người thực thi”. Vậy thì nguyên nhân của ý thức chấp hành luật kém này là ở đâu?
Theo chúng tôi, nguyên nhân cuối cùng chính là ở cái căn tính văn hoá của một dân tộc nông nghiệp : Nông dân vốn rất tiết kiệm chứ không lãng phí, song tâm lý tiểu nông chỉ tiết kiệm tài sản của mình, của cộng đồng nhỏ của mình, còn tài sản không phải của mình thì không việc gì phải tiết kiệm, và nếu có thấy người khác lãng phí thì mình cũng không quan tâm (!). Đó là lý do vì sao người Việt Nam ra nước ngoài không biết bảo vệ tài sản công : ở những chỗ để báo phát miễn phí, lẽ ra mỗi người chỉ lấy một tờ thì người Việt Nam rút vô tội vạ; chim, vịt, cá nuôi công cộng bị người Việt Nam đua nhau bắt làm thịt ăn một cách không thương tiếc… Người nông nghiệp sống theo lệ làng, theo tình cảm trong cộng đồng làng xã nên không có truyền thống tôn trọng pháp luật. Chỉ từ sau đổi mới, Việt Nam mới bắt đầu đào tạo luật sư, mà đào tạo cũng theo lối nông nghiệp trọng tình, tình trạng cán bộ các cấp ghi tên học tại chức để kiếm cái bằng luật cho oai là khá phổ biến. Chừng nào chưa tuyên chiến với những hạn chế này của truyền thống văn hoá nông nghiệp thì mọi cuộc vận động đềh chỉ dừng lại ở phong trào hình thức, mọi luật pháp sẽ chỉ như phát súng bắn không có đạn, mang tính nửa vời…
Và văn hóa tiết kiệm
Mặt khác, cuộc vận động thực hành tiết kiệm mà báo chí đang dấy lên hiện nay thực chất là một hoạt động mang tính đối phó với hoàn cảnh giá cả leo thang, xăng dầu phải bù lỗ, điện thiếu… hơn là một việc làm mang tính bài bản, lâu dài. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Quốc hội ban hành năm 2006 gần như đã rơi vào quên lãng. Thử hỏi, nếu giá dầu không lên, điện sản xuất dư thừa thì liệu báo chí có dấy lên cuộc vận động tiết kiệm này hay không? Hay ngược lại, lại vận động tiêu dùng? Bản chất của nền kinh tế hàng hóa là kích thích tiêu dùng, nên trong nền kinh tế hàng hóa, một khi hàng hoá sản xuất dư thừa thì dù người dân không có nhu cầu, các công ty cũng quảng cáo, tiếp thị tới nơi tới chốn để “kích cầu” mà!
Vì vậy, chỉ vận động tiết kiệm không thôi thì không đủ. Đã đến lúc chúng ta cần phải nghĩ đến những cái lớn lao và bài bản hơn. Đó là khôi phục và xây dựng một truyền thống văn hoá tiết kiệm.
Văn hoá tiết kiệm không phải đi tìm đâu xa, nó đã có trong máu thịt của chính chúng ta. Người Việt Nam vốn có truyền thống tiết kiệm. Hàng mấy nghìn năm nay, người nông dân Việt Nam luôn có tư tưởng “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè tiết kiệm”; sinh hoạt thì theo nguyên tắc “Ăn chắc mặc bền”. Khi mua một món đồ, họ thường chọn những thứ “nồi đồng cối đá” để mua. Khi nó hư hỏng, họ cố sửa chữa để dùng tiếp, hoặc ít nhất cũng lọc r
a một vài bộ phận còn tốt để dùng. Nhưng chúng ta đang phá đi cái văn hoá thực chất đó để thay bằng cái văn hoá phương Tây coi trọng bao bì hào nhoáng. Ở một số món hàng, bao bì có khi chiếm tới bảy phần mười giá trị. Với hàng chục trang quảng cáo trên các báo, hàng giờ quảng cáo trên các đài phát thanh truyền hình, các phương tiện truyền thông đại chúng đang cổ động cho văn hoá tiêu dùng phương Tây, khuyến khích người dân thấy đồ hỏng thì vứt đi mua thứ mới. Vừa lãng phí tiền của, vừa tạo nên một hậu quả không khắc phục nổi là rác thải. Đến nỗi nước này lén đem rác đổ vào nước khác!
Đã nhiều năm nay, chúng ta mắc một căn bệnh trầm kha là chạy theo phương Tây. Văn hoá Việt Nam vốn có truyền thống ăn mặc thoáng mát theo cách ứng xử của người xứ nóng. Nhưng ta đã từ bỏ nó để theo người Tây (vốn ở xứ lạnh, cần ấm) mặc com-lê cà-vạt (cho lịch sự!). Để rồi ngày nay ta lại theo Tây, Nhật vận động bớt mặc com-lê cà-vạt để hạn chế dùng máy lạnh.
Văn hoá Việt Nam vốn có truyền thống làm nhà thoáng mát để đối phó với nắng nóng. Nhưng chúng ta đã theo phương Tây bịt kín các cửa sổ lại để lắp máy lạnh. Ta quên rằng phương Tây xứ lạnh, có xài máy lạnh thì nhu cầu cũng rất thấp, năng lượng tiêu hao không tốn là bao. Còn xứ ta nóng quanh năm, xài máy lạnh quanh năm thì điện nào, tiền của nào chịu cho nổi! Ấy là chưa kể khí thải CO2 của từng ấy máy lạnh trong cả nước thải ra sẽ gây ô nhiễm môi trường tới cỡ nào!
Bên cạnh đó, quan niệm sống truyền thống của người Việt Nam là “vừa phải”, “cầu vừa đủ xài”, nó luôn hướng con người đến thái độ “tri túc” để không có những ham muốn vô tội vạ. Nhưng nền kinh tế hàng hóa hiện nay lại luôn khuyến khích tiêu dùng, tạo nên sự lãng phí đến từ hai phía : Người dân thì lãng phí tiền bạc; doanh nghiệp thì lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Đi theo nền kinh tế hàng hoá và thị trường, cả hành tinh hiện nay đang xài tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ. Nơi nơi đang hối hả đua nhau hút dầu từ lòng đất, khai thác than đá, sử dụng nước ngọt, biết bao loài động vật thực vật đang trên bờ diệt chủng. Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Xài tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ không chỉ là lãng phí, mà là chúng ta đang đánh cắp tài sản của chính con cháu mình! Chủ nghĩa tư bản “người bóc lột người” của thế kỷ XIX mà K.Marx đã chứng kiến (bóc lột đồng đại) đang được thay bằng một thứ chủ nghĩa tư bản mới mà thời nay bóc lột thời sau, hiện tại bóc lột tương lai, cha anh bóc lột con cháu (bóc lột lịch đại). Kiểu bóc lột này tinh vi và nguy hiểm hơn gấp bội lần, vì kẻ bị bóc lột – là con cháu chúng ta – thì hoặc còn nhỏ hoặc chưa ra đời nên không bao giờ kêu ca được!
Phải chăng cái văn hoá tiết kiệm này sẽ là một trong những chỗ khác biệt giữa kinh tế thị trường nói chung và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà các nước như Việt Nam, Trung Quốc đang đi tìm?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Theo VHH