New Orleans ngập trong nước ba năm trước đây

Gần 160.000 người dân vô gia cư phải khăn gói từ giã mảnh đất nơi mình gắn bó, đi tìm những vùng đất mới hoặc vật lộn với cuộc sống trong những trại tị nạn. Trong khi đó, truyền thông thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng gần như “ruồng bỏ” cuộc mưu sinh gian khổ của những con người đáng thương ấy.

Đã ba năm trôi qua, những bài viết nhắc lại hồi ức về cơn bão thế kỷ vẫn như “sao buổi sớm” trên các mặt báo. Chỉ duy nhất hãng tin Reuters là có một bản tin ngắn với nội dung so sánh vẻ đẹp tao nhã của những đường phố trong cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp với những vùng đất ở miền Tây bang New Orleans, nơi “nhiều ngôi nhà vẫn còn bị tốc mái”.

Jim Amoss – vị Tổng biên tập 61 tuổi đã có gần 20 năm gắn bó với tờ Times-Picayune – cơ quan ngôn luận của người dân New Orleans – buồn bã chia sẻ, gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng :

“Hình như người Mỹ đã quên mất rằng vẫn còn có hàng trăm nghìn con người đói khổ đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh hàng ngày. Chỉ có chúng tôi là tự nhắc nhở mình phải sống, phải vươn lên, phải tự hài lòng với những câu nói công thức tới mức khuôn sáo vẫn suốt ngày ra rả trên Đài phát thanh như : Chúng ta tin rằng, với ý chí bất tử của người dân New Orleans, rồi một ngày mảnh đất này sẽ hồi sinh trở lại. Hãy để họ tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình.

Vẫn biết người Mỹ luôn tin vào khả năng của chính mình, nhưng chúng tôi vẫn cần sự an ủi và thông cảm của người dân cả nước. Người ta nhìn chúng tôi như thể New Orleans là nỗi tủi nhục của đất nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tuy thế, vẫn còn có rất nhiều người tốt, từ bấy đến nay đã có hàng nghìn tình nguyện viên không quản ngại khó khăn vất vả, hết lòng giúp đỡ chúng tôi xây dựng lại mảnh đất này.”

Vẫn có một tờ báo sát cánh…

Tờ Times-Picayune được mệnh danh là người bạn đồng hành của dân nghèo, từ lâu đã trở thành cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân lao động của thành phố New Orleans. Những người làm báo ở đây tự hào vì luôn đi sâu đi sát với nhiều đề tài gắn liền với cuộc sống của người dân, từ các vấn đề chính trị ở tầm vĩ mô cho tới cuộc khởi công xây dựng một trường học mới.

Trong đó, đề tài nóng hổi và sâu sắc nhất phải kể đến chống tham nhũng. Tờ báo trở thành cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân lao động giám sát công tác tái định cư của thành phố. Bên cạnh đó, Times-Picayune còn nổi tiếng với những bài viết về chủ để chống phân biệt chủng tộc và bảo đảm an ninh cuộc sống.

The Times-Picayune, người bạn đồng hành của người dân nghèo New Orleans

Năm ngoái, ngay trong điều kiện ngành báo in Mỹ gặp phải muôn vàn khó khăn thì tổng doanh số phát hành của tờ này lên tới 180.000 ấn bản. Đây quả là một kết quả không tồi và càng khẳng định những nhà lãnh đạo của tờ báo đã đi đúng hướng.

“Mặc dù về quy mô, Times-Picayune vẫn chỉ là một tờ báo địa phương, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết mình để làm sâu sắc hơn nội dung. Chỉ có như thế, những người làm báo mới cảm thấy mình đã đóng góp được một phấn vào sự hồi sinh của mảnh đất nghèo này.”

Đặc biệt, Times-Picayune cũng là tờ báo duy nhất ở Mỹ luôn có những bài viết cập nhật về công cuộc khắc phục hậu quả do cơn bão Katrina để lại. Hai năm trước đây, Tổng biên tập tờ báo đã từng khẳng định với Hiệp hội báo chí Hoa Kỳ :

“Katrina sẽ là một dấu ấn, là cột mốc lịch sử trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cơn đại hồng thủy này sẽ còn được nhắc cho tới ngày nào bất cứ ai đã từng chứng kiến nó đều phải lìa khỏi cõi đời này. Katrina đã in sâu vào máu thịt của người dân New Orleans và những người làm báo chúng tôi phải có trách nhiệm viết về nó như viết về một phần của lịch sử.”

Khi bắt đầu đưa tin về công cuộc xây dựng lại cuộc sống sau bão của người dân mảnh đất thiên tai này, tờ báo cũng đã cử một cây bút và một phóng viên ảnh đi thực tế tại các vùng miền khác của Hoa Kỳ, nơi cũng đã từng phải hứng chịu những hậu quả như New Orleans. Đáng buồn thay, câu trả lời mà hai phóng viên này nhận được lại là :

“Hãy biết kiên nhẫn và đừng hy vọng quá nhiều ít nhất là trong vòng vài năm. Quan trọng hơn, đừng mong chờ sự hỗ trợ của chính phủ trong công cuộc khắc phục hậu quả sau bão nếu các bạn không muốn thất vọng. Sự hồi sinh của mảnh đất phải do chính bàn tay của những người dân lao động nơi đây gây dựng.”

Quả thực giờ đây – sau ba năm vật lộn với muôn vàn khó khăn – những người làm báo ở đây mới thấy thấm thía những vất vả mà người dân những nơi khác đã làm được để trở lại với cuộc sống bình thường sau những trận thiên tai. Chính phủ Liên bang hoàn toàn không giúp được gì nhiều, ngoại trừ những khoản tiền tái định cư và những đợt hàng cứu trợ ít ỏi mà các báo đài quốc gia vẫn luôn ca ngợi là biểu tượng cho tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Mỹ.

Quả ngọt cho New Orleans và cho những người làm báo

Có thể rất nhiều người sẽ hoàn toàn không chú ý tới thông tin một tờ báo sẽ trở lại với chuyên mục bình chọn top các nhà hàng được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đối với tờ Times-Picayune thì đó là cả một “cuộc cách mạng”.

Chuyên mục bình chọn các nhà hàng đẹp nhất trở lại như một minh chứng cho sự hồi sinh của mảnh đất này

 
Jim Amoss, vị Tổng biên tập đáng kính cho hay : “Đó là dấu hiệu cho thấy mảnh đất này đã bắt đầu hồi sinh. Người dân đã bỏ lại sau lưng những nỗi đau lịch sử, bắt tay vào xây dựng cuộc sống. Chúng tôi đã “đóng cửa” chuyên mục này từ khi cơn bão Katrina tràn vào thành phố. Giờ đây, chuyên mục trở lại vì bức tranh toàn cảnh kinh tế đã sáng sủa hơn, các nhà hàng đã quay lại với chu kỳ kinh doanh bình thường. Tờ thời báo New York Times cũng đã có một bài viết về sự kiện của chúng tôi bởi họ hiểu rằng câu chuyện về bánh mỳ và bơ có ý nghĩa như thế nào đối với thành phố này.”

Thay đổi căn bản nhất từ sau cơn bão Katrina đến nay chính là nhận thức của những người làm báo nơi đây về tầm quan trọng của Internet. Ấn bản trên mạng của Times-Picayune có tên là Nola.com đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

“Điều đó đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng tôi về truyền thông hiện đại. Chỉ mấy năm trước, các đồng nghiệp vốn gắn bó với báo in bao giờ cũng tỏ ra nghi ngờ về giá trị thực của Internet. Nhưng chính từ sau trận thiên tai kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ, các phóng viên của Times-Picayune đã ý thức được Internet chính là con đường ngắn nhất để chúng tôi đến gần hơn với độc giả.

Chỉ trong một đêm, sau khi các cây bút của tờ báo không quản ngại khó khăn chuyển đến độc giả những hình ảnh sống động nhất, số page view đã không ngừng tăng lên từ 700.000 lên 30 triệu. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng không bao giờ dám nghĩ tới con số đó” – Jim Amoss phấn khởi nói.

Hiền Vinh (Theo Independent) – Tuanvietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *