1. Nhiều ông bố mà mẹ khác không bao giờ để cho con cái động vào thứ gì cả. Bà không làm thế. Bà bảo nếu thế thì nó lớn lên không bao giờ biết làm cái gì cả, quan trọng hơn, là nó không biết quý trọng những gì người khác làm cho nó.
Vì vậy, mặc dù thằng bé gầy còm đến tội nghiệp, bà vẫn nhẩn nha dạy nó từng thứ từng thứ. Ban đầu chỉ là nhặt thóc, nhặt sạn, dần dần là vo gạo, rửa rau, rồi rửa bát, nấu cơm… Có mùa Đông, mất điện, nhà đơn sơ không có khu phụ kín đáo, cơm tối xong thằng bé vẫn ngồi một mình ngoài sân gió rít để rửa cả mâm bát cả nhà ăn xong, lúc đó, nó chưa đầy 6 tuổi.
2. Nhiều ông bố mà mẹ coi rất coi trọng chuyện con trai không được khóc. Bà không quá câu nệ như thế. Ngày nó còn bé tí, chưa tới 7 tuổi, bà đọc truyện cho con nghe. Đó là câu chuyện xúc động về một cậu bé không có cha, sống cùng người mẹ, và có bác hàng xóm là phi công chiến đấu. Hai bác cháu dần thân nhau, đứa trẻ coi ông như người cha của mình, cho tới một ngày động cơ máy bay hỏng, ông đã cố lái phi cơ xa khu dân cư và hy sinh vì nỗ lực cuối cùng đó…
Minh họa Lê Trí Dũng |
Thằng bé đã khóc khi nghe câu chuyện đó. Bà trân trọng cái sự “biết khóc” của nó, bà lặng lẽ tìm cắt từ trong báo cũ câu chuyện nhỏ và đóng lại ngay ngắn thành tập mỏng cho con.
3. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng con trai thì không cần, và thậm chí có khi phải tránh cho xa mấy cái trò khâu vá, thêu thùa, họ bảo mấy cái trò con gái đó, con trai không bao giờ làm.
Bà lại nghĩ khác. Bà lặng lẽ dạy nó biết cầm kim đan, khâu vá, cả thêu nữa. Cái tay be bé của nó dần dần cũng tập tọng những đường chỉ “móc xích”, “cành cây” như ai. Bà bảo nó rằng biết đâu, khi lớn lên không phải lúc nào con cũng có bàn tay phụ nữ bên cạnh, những lúc đó thử hỏi áo rách, quần tuột chỉ, hay tự dưng đứt khuy, nếu không biết tự làm thì ai sẽ làm cho? Đàn ông quan trọng là biết tự mình làm mọi việc, bất kể đó là việc gì – bà bảo nó thế, đừng câu nệ việc lớn việc nhỏ, việc “đàn bà” hay “đàn ông”.
4. Nhiều ông bố bà mẹ thấy con khôn ngoan theo kiểu lắm mưu mẹo láu cá thì mừng lắm. Bà không thích thế. Bà dạy con trai rằng “sự thật là điều dễ nói nhất” thông qua việc sưu tầm các câu chuyện về lòng tự trọng, về tính thật thà cho con đọc. Bà muốn con luôn nói thẳng, nói thật, dù điều đó khó nghe.
5. Nhiều ông bố bà mẹ coi đánh con là việc bình thường. Bà không đánh con hoặc cháu bao giờ. Kể cả có lần, thằng bé lợi dụng lúc cả nhà đi vắng, rủ rê nhau, rồi mấy thằng bằng tuổi nhau leo đi leo lại qua bờ tường các nhà, trượt trên mái nhà bếp vốn đã mục nát để leo về. Khi biết chuyện, bà mắng nó ghê lắm, nhưng bà không đánh. Hàng xóm bảo: Bà này lạ, nó nghịch như thế, leo trèo như khỉ, nếu ngã thì gãy chân gãy tay là cái chắc, sao không đánh cho nó lần sau chừa đi chứ. Bà vẫn không đánh. Bà bảo nó hiếu động, thích trèo, mà không lường trước được là cái mái bếp đó mục nát, nên thực ra tội của nó chưa tày đình đến thế, chưa cần đánh.
Cho tới một lần, một lần duy nhất, bà đã tát nó thật đau và cũng thật mạnh. Đó là khi bọn trẻ chơi ngoài hè phố, đúng đợt đang có sửa vỉa hè, thằng bé nghịch ngợm cầm nắm cát ném vào mặt một thằng khác, nhỏ hơn nó một chút. Bà dẫn con vào buồng, bà phân tích cho nó thấy cái việc ném cát đó xấu thế nào, nguy hiểm thế nào vào mắt thằng bạn, rồi bà tát nó. Bà bảo sau này ra đời không được làm tổn thương ai, nhất là khi người đó yếu hơn con…
6. Nhiều ông bố bà mẹ bảo con một là được chiều lắm, dễ thành hư hỏng. Bà bảo con một hay con gì đi nữa, thì cũng dễ thành hư hỏng như nhau, nếu lúc nào nó cũng chỉ nghĩ tới mình trước…
Thằng bé đó lớn lên, không thành người đàn ông hoàn hảo. Nhưng ít nhất, nó cố giữ nguyên tắc sống tự lập – cái gì tự mình làm được thì không phải nhờ vả ai cả. Nó tôn trọng sự thật, bảo vệ lòng tự trọng của mình. Lớn lên, không phải lúc nào nó cũng phải cầm kim khâu, cũng có nhiều lúc nó phải cầm bào, cầm búa.
Thằng bé đó lớn lên, không thành người đàn ông hoàn hảo. Nhưng may thay, nó cũng dần nhận ra rằng cuộc đời không bao giờ là hoàn hảo, tuy vậy, nó cũng cố đừng ném cát vào mắt người khác, vì bất kể lý do gì…
Theo Minh Đức (TT&VH)