Lịch bay khá chuẩn và chỉ ít phút sau, chúng tôi bỗng thấy bầu trời khá quang đãng. Nhìn từ cửa sổ máy bay, dưới mặt đất là trùng trùng điệp điệp núi non, sông suối. Những đỉnh núi trắng xoá. Cả những cao nguyên cũng đầy tuyết phủ. Tuyết lấp lánh phản chiếu ánh sáng mặt trời. Khi bay được hơn một giờ, thấy một cảnh tượng khá lạ mắt. Đó là những dãy núi cao, mà đỉnh thì bằng phẳng như được cưa tiện. Thiên nhiên tạo ra cảnh quan này hay do chính con người tạo nên? Nếu tạo hoá đã sinh ra như vậy thì thật kỳ lạ. Núi không có chóp. Cứ như những thớt gỗ xếp san sát nhau. Tôi có cảm giác do con người tạo nên kỳ quan này. Về việc san núi mở đường, ngăn sông lấp biển… thì người Trung Hoa có thể làm được bất cứ điều gì. Và thực tế, họ đã tạo ra những công trình vĩ đại như Vạn lý trường thành chẳng hạn. Vậy thì có thể lắm, những chóp núi kia bị “cưa tiện” phẳng phiu là do con người tạo nên.
Đó chính là ấn tượng đầu tiên của tôi khi còn chưa đặt chân lên đất Thiểm Tây – nơi được coi là Bảo tàng lịch sử của đất nước Trung Hoa vĩ đại.
*
* *
Trước chuyến bay, chị Vương Xảo Hoa (chúng tôi, tuỳ theo tuổi, gọi thân mật là “chị Vương” hoặc “em Vương”) – cán bộ đối ngoại của Hội Nhà văn Trung Quốc – thông báo cho chúng tôi biết, Thiểm Tây lạnh lắm đấy. Lạnh hơn nhiều ở Bắc Kinh. Thế là chúng tôi khoác đầy áo rét lên người.
Cũng dễ hiểu thôi, Thiểm Tây nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Bắc Kinh. Thì cũng giống như ta đi từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc, như lên Lào Cai, Lai Châu chẳng hạn. Nhưng hẳn là cái lạnh ở Thiểm Tây còn dữ dằn hơn cái lạnh ở vùng Tây Bắc của ta.
Kỳ lạ thay, khi bước ra khỏi máy bay, chúng tôi thấy bầu trời trong vắt, mây trắng như bông, ánh nắng chan hoà. Đương nhiên, thời tiết vẫn lạnh, nhưng cái lạnh mà có nắng thì thật dễ chịu. Nhà văn Vương Hiểu Vỵ – cán bộ Hội Nhà văn Thiểm Tây – ra đón chúng tôi, trong lúc tay bắt mặt mừng đã nói rằng : “Cả chục ngày qua trời u ám xám xịt. Hôm nay, nhờ có khách quý đến thăm mà có nắng đấy!”. Câu nói thật ấm áp.
![]() |
Tây An |
Con đường từ sân bay về thành phố Tây An – thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây – thật đẹp. Sạch và đẹp. Đẹp và sạch. Đó là một điệp khúc ùa vào trong suy nghĩ của chúng tôi suốt quãng đường đi. Vương Hiểu Vỵ (lão tướng Thẩm Tổ Anh – phiên dịch theo đoàn – gọi là Vương Khiểu Vỵ, còn chúng tôi gọi thân mật là “ông Vương” hoặc “Vương tiên sinh”) là người rất sắc sảo. Tận dụng thời gian ngồi trên xe, ông Vương đã tranh thủ giới thiệu những nét khái quát nhất, cơ bản nhất về Tây An, về Thiểm Tây, để Đoàn nhà văn Việt Nam (đều lần đầu đến thăm) hình dung ra mảnh đất dày đặc các di tích lịch sử này. Cách giới thiệu của ông Vương súc tích, biết nhấn vào các điểm chính. Tóm lại là rất có nghề. Một ấn tượng đối với ông Vương là…mồm như tép nhảy, thao thao bất tuyệt, đôi khi thêm vào những chi tiết rất dí dỏm, khiến người nghe bị cuốn hút. Chúng tôi nói vui, là ngành du lịch Trung Quốc nên trao cho ông Vương một giải thưởng danh dự, vì đã quảng bá không công cho họ.
Theo giới thiệu của ông Vương, thành phố Tây An có khoảng 8 triệu dân (có lẽ gấp đôi Hà Nội trước khi mở rộng), vậy mà đi trên đường phố Tây An, thấy rất thưa thớt. Không biết Tây An có cấm xe máy như ở Bắc Kinh? Bởi xe máy rất ít trong thành phố. Hầu như chỉ là xe chuyên dùng, chở hàng hoá (rất gọn), không thấy xe”trưng diện”. Ô-tô khá đông. Nhưng đi lại trật tự, tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ giao thông. Để ý thấy nhiều xe ta-xi có vách ngăn giữa khách phía sau và người lái. Theo “lão tướng” Thẩm Tổ Anh, thì ở Tây An cũng có tình trạng cướp của hoặc cướp ta-xi. Nghĩa là vách ngăn chống cướp. Ông Thẩm giải thích thêm, lúc đầu, thành phố có chủ trương tất cả các xe ta-xi đều phải có vách ngăn. Sau có ý kiến phản đối, bởi vách ngăn gây phản cảm cho khách, nhất là khách du lịch nước ngoài. Bởi thế, việc ngăn vách không bắt buộc nữa. Xe nào ngăn hay không, tuỳ. Trên dọc đường đi, chúng tôi cũng gặp những xe ta-xi không có vách ngăn.
Một ấn tượng rất khó quên ở Tây An, là cái sự sạch sẽ đến mức khó tin. Đi hàng giờ bằng xe hơi, mà không thấy túi rác vứt bừa, không thấy bụi đất, không thấy phế thải. Công trường xây dựng rất nhiều, nhưng chỗ nào cũng sạch sẽ, gọn ghẽ. Các xe tải khi vào nội thành được xả rửa rất kỹ. Không hề thấy một tí bụi đất vương vãi trên đường. Trong nội thành, vỉa hè, đường phố cứ sạch như chùi. Có cảm giác người ta lau hè phố, chứ không phải quét. Cũng không thấy nhân viên quét rác. Chỉ thấy người đi nhặt rác. Những mẩu rác nho nhỏ, có lẽ do trẻ con vô ý vứt ra hè. Tuyệt nhiên không có chuyện vỉa hè bị lấn chiếm. Thi thoảng có cảnh “bán dạo” ở một vài chỗ "đất kẹt”, tức là một khoảng trống nhỏ nhoi ở ngã ba, ngã tư, gần lề đường.
Khi đến Thiểm Tây, chúng tôi mới nhận ra rằng, chỉ có quỹ thời gian ba, bốn ngày thì quả thật đáng tiếc cho một chuyến đi. Có lẽ phải ở Thiểm Tây tối thiểu hai tuần, may ra mới đi hết những “trọng điểm”. May ra thôi.
Để bù lại sự thua thiệt vì thời gian ít ỏi, ông Vương đã giúp chúng tôi đi thăm nhiều di tích, danh lam thắng cảnh bằng… miệng. Nói nôm na, là kể lại cho chúng tôi nghe những nơi không có điều kiện tới. Trước hết là ở Tây An.
Tây An đã được hình thành cách đây hơn 3.000 năm. Đây từng là thủ đô của nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa. Xưa kia, Tây An còn có tên là Hàm Dương, Trường An. Bởi thế, Tây An được coi là Viện Bảo tàng lịch sử tập thể của Trung Quốc.
Tây An có Bảo tàng Bán Ba ở ngoại vi thành phố, bảo tồn gần như hoàn chỉnh các di tích còn sót lại của thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ cách đây 6.000 năm. Viện Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây được coi là “Quốc gia chi bảo” (tài sản quý của quốc gia). Khu Ly Sơn ở phía Đông Tây An có phong cảnh vô cùng tráng lệ, nổi tiếng với cảnh hoàng hôn đẹp, đã được mang “thương hiệu” hoàng hôn Ly Sơn. Dưới chân Ly Sơn có đầm Hoa Thanh với đầm nước nóng nổi tiếng, nơi người đẹp Dương Quý Phi từng đến tắm và xông hơi. Cung Hoa Thanh, nơi đã diễn ra câu chuyện tình “lãng mạn nhất mọi thời đại” giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, cũng ở khu đầm này. Nhưng Tây An chỉ là một phần nhỏ những di tích lịch sử của Thiểm Tây. Các di tích khác đều rất nổi tiếng, nằm rải rác khắp trong tỉnh. Cách Tây An khoảng 3 giờ xe chạy có di tích Kiều Sơn với khu lăng Hoàng đế Thuỷ tổ của Trung Hoa. Đó là lăng Hoàng đế Hiên Viên, được coi là “ông Tổ” thống nhất các dân tộc Trung Hoa từ 5.000 năm trước (giống như mộ Tổ Hùng Vương ở ta). Khu này được gọi là “Hoàng đế lăng”.
Khu Hoàng đế lăng không lớn, bao bọc bởi rừng bách có tới 80.000 cây che phủ, được coi là rừng bách lớn nhất Trung Quốc. Đền Hiên Viên dưới chân Kiều Sơn có cây bách đại thụ, tương truyền 5.000 năm tuổi, do chính tay Hoàng đế trồng, cao gần 20 mét, tám người ôm không xuể.
Thiểm Tây còn giữ nguyên vẹn khu thành cổ, được xây dựng từ thời Hán Cao tổ (Lưu Bang) và như vậy, nó đã tồn tại hơn 2.000 năm nay. Cũng còn cả vết tích cung A Phòng do Tần Thuỷ Hoàng xây dựng mà sau đó Hạng Vũ đã thiêu cháy trong 7 ngày đêm. Có tài liệu còn nói rằng, cung A Phòng cháy ròng rã trong 3 tháng mới tắt.
*
* *
Đến Thiểm Tây mà chưa đến khu lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng thì cũng coi như chưa đến Thiểm Tây vậy.
Có lẽ cùng chung ý nghĩ, nên Hội Nhà văn Thiểm Tây đã bố trí cho chúng tôi đến tham quan di tích này, và xuất phát từ sớm, để tranh thủ tối đa thời gian đi thăm khu mộ.
Khu lăng Tần Thuỷ Hoàng (còn gọi là lăng mộ nhà Tần) nằm ở phía Đông thành phố Tây An. Như ta đã biết, mặc dù thống nhất được Trung Hoa sau nhiều thế kỷ đánh nhau liên miên, cực kỳ hùng mạnh về quân sự, nhưng nhà Tần chỉ tồn tại có 15 năm (221 – 206 TCN). Một triều đại quá ngắn ngủi, nhưng đã để lại những cải cách lớn về chính trị, luật pháp, kinh tế và đặc biệt về quân sự. Họ có một đội quân vô địch. Họ đã tiến hành xây tiếp để nối liền từ Lâm Thao (Cam Túc) đến Liêu Đông, dài hơn 5.000 dặm, tạo nên một Vạn lý trương thành vĩ đại, là 1/7 kỳ quan của thế giới, vẫn còn tồn tại tới nay. Nhà Tần còn tạo ra một khu lăng mộ, được coi là “kỳ quan thứ 8 “ của thế giới.
Mặc dù đã được giới thiệu, nhìn qua ảnh chụp, chúng tôi vẫn hết sức ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy khu mộ. Cả một rừng tượng, như một đội quân đang duyệt binh trước mặt. Ông Vương cho biết, hiện có 3 khu hầm mộ, đặt tên là khu số 1, số 2, và số 3. Nơi chúng tôi đến, chỉ là 1 trong 3 khu mộ. Số tượng tìm thấy trong 3 khu mộ là trên 8.000 bức. Cứ nghĩ rằng, với số lượng tượng khổng lồ như vậy, hẳn sẽ được đúc từ một khuôn. Nhưng cũng theo ông Vương, 8.000 bức tượng là 8.000 khuôn mặt, hình dáng khác nhau. Những con ngựa cũng khác nhau như vậy.
Những pho tượng này đều có kích thước bằng người thật, ngựa thật. Đứng về mặt điêu khắc thì đó là những nghệ nhân có tay nghề cao, hình hoạ rất chuẩn xác và nhất là rất sống động. Theo truyền thuyết, Tần Thuỷ Hoàng đã huy động hàng vạn nghệ nhân từ khắp mọi miền trên đất nước Trung Hoa rộng lớn để về tạc tượng. Không phân biệt già trẻ, sang hèn, miễn là có tài. Lại có truyền thuyết nói rằng, sở dĩ các bức tượng không giống nhau và sinh động như vậy là do người này lấy mẫu người kia để tạc. Cho nên, không chỉ khác nhau khuôn mặt, mà cả râu ria, lông mày, tóc tai… cũng rất khác nhau. Thậm chí bàn tay còn thể hiện cả vân tay. Ở đội kỵ binh, những con ngựa cũng sinh động không kém. Chúng đứng với tư thế mà người ta cứ nghĩ, chúng sắp bước đi hoặc sắp phi nước kiệu. Tưởng chừng chúng đang thở và sắp… hí!
C
húng tôi còn được dành gần một ngày để đi thăm khu di tích có tên chùa Pháp Môn. Muốn nói đến chùa Pháp Môn, có lẽ phải dành riêng một bài báo khác. Tôi chỉ xin vắn tắt một vài nhận xét, rằng đây là một công trình đồ sộ, mênh mông. Nói tóm lại là hoành tráng đến kinh ngạc. Con đường dẫn vào khu chính của chùa Pháp Môn gọi là Phật Quang (ánh sáng của Phật) rộng như một xa lộ, dài tới mức du khách phải đi bằng xe chạy điện một đoạn dài, để chỉ đi bộ một đoạn ngắn, mới có đủ sức tham quan khu chùa.
Không chỉ chùa Pháp Môn, không chỉ khu lăng mộ nhà Tần, hầu hết các công trình xây dựng, các di tích lịch sử trên đất Trung Hoa đều đồ sộ, mênh mông. Từ ngàn xưa, người Trung Hoa đã có ý thức xây dựng công trình nào thì phải làm đến nơi đến chốn. Làm thật đồ sộ, nguy nga. Cái gì to thì thật hoành tráng. Cái gì nhỏ thì thật chi tiết, cầu kỳ.
Trên đường trở về thành phố Tây An, chúng tôi được "Vương tiên sinh” tranh thủ cung cấp thêm những thông tin về mảnh đất cổ Thiểm Tây. Như chúng ta đã biết, Tây An từng là “kinh đô” của nhiều triều đại phong kiến. Ví dụ nó là “đô” của nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường v.v… Nhân câu chuyện vui, ông Vương nói rằng, ngày nay, Trung Quốc đã thay đổi cách nhìn đối với những nhân vật được coi là “bạo chúa” như Tần Thuỷ Hoàng, Tào Tháo…Nhiều nhà khoa học cho rằng, Tần Thuỷ Hoàng đã có công lớn trong việc thống nhất các đơn vị đo lường trên toàn lãnh thổ Trung Hoa. Đó là một cải cách vĩ đại. Đúc các bức tượng chôn trong lăng mộ cũng chính là một việc làm nhân đạo, thay thế việc chôn sống người khi các Hoàng đế băng hà. Có truyền thuyết nói rằng, người con kế vị ngôi Hoàng đế đã không nghe lời răn dạy của cha, mà chôn sống các cung phi cùng những người thợ xây dựng khu lăng, nên chỉ tồn tại được hơn chục năm và cũng kết thúc luôn triều đại nhà Tần. Thật đáng tiếc!
Đối với nhân vật Tào Tháo – được coi là bạo chúa thời hậu Hán – cũng đã có cách nhìn khác hẳn. Tào Tháo không chỉ là người mưu lược, nhà quân sự đại tài, mà còn là một nhà thơ lớn. Ông dùng một chính sách cai trị uyển chuyển. Lúc rắn, lúc mềm. Nhưng lúc nào cũng hợp tình hợp lý. Cứ ví như việc ông cho đốt tất cả các thư “làm phản” của các quan lại dưới trướng ông, khi có người tìm thấy trong dinh thự của Viên Thiệu, là một hành vi độ lượng, khoan dung hiếm có. Hay việc ông dung nạp Trần Lâm, mặc dù trước đó, Trần Lâm đã làm một “bản hịch” réo chửi đến tận cha ông của Tào Tháo, là một việc làm không chấp nhặt, sáng suốt, biết dùng người. Ông Vương nói rất hóm hỉnh rằng, nếu Tào Tháo còn sống thì (chúng tôi) sẽ bầu Tào Tháo làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thiểm Tây(!). Một ý kiến rất bất ngờ.
Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất khi thăm Thiểm Tây, chính là con người. Cách tiếp đón, gặp gỡ, hội thảo, cách hướng dẫn tham quan du lịch, cách chiêu đãi, mời cơm… Tất cả đều đủ độ, chừng mực, không mất thì giờ vô ích, không lãng phí.
Trươc khi đi Trung Quốc, có người nói với tôi rằng, liệu chừng mà đối phó nếu như anh uống rượu vào loại tồi. Bởi sẽ có những cảnh chuốc rượu và khó lòng từ chối. Cũng sẽ phải đôi phó với những bữa “nhậu nhẹt” thâu đêm suốt sáng. Nhưng khi đến Bắc Kinh, đến Tây An, Thượng Hải, thì đó là những nhận xét sai lầm. Không có chuyện chuốc rượu. Không có chuyện “nhậu nhẹt” thâu đêm… Ở đâu, sự tiếp đón cũng đều chừng mực.
“Vương tiên sinh” đối với tôi, còn có những kỷ niệm riêng rất ấn tượng. Trong một bữa cơm thân mật buổi tối, tôi đã cao hứng ký hoạ chân dung tặng “Vương tiên sinh”. Bức chân dung vẽ vội, chỉ điểm những nét chính. Vương dơ lên ngắm nghía, dán lên tường và lẩm bẩm cái gì tôi không hiểu. Tôi cầu cứu “lão tướng” Thẩm Tổ Anh. Thẩm “lão tướng” tủm tỉm cười : “Vương bảo, vì nói nhiều quá, “nó” không vẽ mồm”.
Câu nhận xét dí dỏm, thông minh mà rất tình người. Tôi nhờ Thẩm “lão tướng” dịch cho Vương “tiên sinh”, rằng đó là : “Câu nói hay nhất trong ngày”.
Chúng tôi cùng cười vang…
Đỗ Bảo Châu – Theo HNV Việt Nam