BIỂN HỒ MÊNH MÔNG
Biển Hồ, hay còn gọi là TONLE SAP, hình thù như một củ khoai lang, nằm chếch về phía Nam so với trung tâm của đất nước Campuchia. Nó nằm lọt trong địa phận của 5 tỉnh, gồm : Kom Pong, Chhnang, Pursát, Kom Pong Thom, Siêm Riep, Bát Tam Bang. Diện tích rộng đến 13.000 km vuông, chỗ sâu nhất vào mùa mưa đến 20 mét. Đây là một trong những cái hồ rộng nhất của trái đất.
Quốc tế và đặc biệt là các nước châu Á rất quan tâm đến cái hồ này bởi tầm ảnh hưởng của nó đến rất nhiều nước. Thứ nhất, đây là cái nôi duy trì và sinh sản của các loài cá nước ngọt đối với các nước có ảnh hưởng sông Mê-kông. Trên những họa tiết của ngôi đền Angkor ghi lại sinh hoạt, sản vật của Biển Hồ của hàng ngàn năm trước, đã có những loài cá mà trên thế giới không có. Đặc biệt, du khách sửng sốt trước hành trình của một loài cá mình ngựa đầu cá nhưng rất giống với sư tử. Tuy nhiên, loài cá này ngày nay đã bị tuyệt diệt. Tương tự như thế, một số loài cá quý hiếm trên thế giới có mặt ở Biển Hồ cũng bị diệt vong. Ngày nay, người ta tính có đến hơn 230 loài cá nước ngọt có mặt tại biển Hồ.
Thứ hai, các nhà khoa học cho rằng, Biển Hồ là cái túi chứa nước qua châu Á. Vào mùa nước, nước từ Tây Tạng chảy về nguồn theo sông Mê-kông phần lớn được chứa trong Biển Hồ, còn lại mới tràn qua các nhánh sông khác. Và nếu không có cái túi chứa nước ấy thì nhiều vùng ở Cam puchia, Thái Lan và ĐBSCL Việt Nam sẽ bị nhấn chìm trong nước vào mùa lũ. Hiện nay, người ta còn nhìn nhận Biển Hồ là nguồn sống cho một bộ phận rất lớn dân cư Campuchia và nó như một nguồn tài nguyên nước ngọt khổng lồ cho nông nghiệp của vùng đồng bằng rộng lớn Campuchia.
Biển Hồ cũng là nơi hơn một ngàn năm trước, thủy binh của đế chế Angkor tập luyện chiến đấu và sau đó hình thành môn đua ghe ngo và ngày nay, ở nhiều nước có môn đua này như Thái Lan, Lào, Việt Nam….
Từ thành phố du lịch Xiêm Reap, chúng tôi đi xe 15 phút là tới một địa điểm du lịch của Biển Hồ. Muốn ra thăm Biển Hồ bằng những chiếc ghe gỗ, chạy máy xe trong vòng 1 giờ, bạn phải trả 20 USD. 20 USD tuy không nhỏ, nhưng cũng chẳng lớn chút nào so với việc được chiêm ngưỡng một kì quan thiên nhiên và những tập quán sinh hoạt lạ lùng của nó. Quanh năm suốt tháng, ở đây lúc nào cũng không ngớt khách du lịch. Họ ở khắp nơi trên thế giới đến. Khi đến bến mua vé xong là xuống thuyền chạy khoảng 20 phút là ra đến Biển Hồ. Trong 20 phút chờ ngắm Biển Hồ, du khách cũng được xem một “nếp ở” đặc biệt của cư dân quanh Biển Hồ. Tức là họ sống trong một căn nhà rất tạm bợ, hễ nước hồ dâng cao vào mùa lũ là họ khiêng căn nhà của mình lên xe chạy lũ mà không cần phải tháo rời.
Và rồi Biển Hồ mở ra trước mắt chúng tôi một không gian bao la không thấy bờ bến ở đâu. Mùa này, nước hồ sát kiệt, có những chỗ đi ra khỏi bờ hơn 1 km mà chỉ sâu ngập lưng quần. Nước hồ đục ngầu phù sa và cực kì ô nhiễm. Đi ra Biển Hồ là chúng ta bắt gặp cái xã hội con người trên Biển Hồ. Đó là những quần cư đông đúc với hàng ngàn ngôi nhà sống thành làng thành xóm, có hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… Thật là cảm động khi chúng tôi bắt gặp một cái làng Việt Nam. Ở đó có cả trường học, ghi biển hiệu trường : “Trường học Việt Nam”. Nghe chúng tôi nói tiếng Việt, lập tức cả xóm xôn xao vẫy tay chào. Cư dân ở các làng trên Biển Hồ sống trong những căn nhà bè hoặc trên những chiếc ghe có làm mái nhà. Có những hộ sống giản đơn hơn thì sống trên một ghe nhỏ. Trên những căn hộ trên nước ấy, người ta có nuôi thú vật, gia súc và trồng cả hoa kiểng nữa. Chứng tỏ rằng, họ ở đây đã rất nhiều năm và cũng không biết bao giờ mới hồi cố thổ. Và cái tập quán ăn ở trên Biển Hồ ấy có từ xa xưa. Người ta ở trên Biển Hồ lấy nước hồ ăn uống rồi lại đi toalet xuống hồ. Nghe nói, trong nhóm cư dân của biển Hồ có rất nhiều kẻ “du thủ du thực” vì trốn chạy pháp luật mà ra đây ở.
Cư dân của Biển Hồ sống bằng rất nhiều nghề. Những cái nhà bè to là nơi đón khách du lịch dừng chân để ngắm cảnh. Ở đó, người ta bày bán bia, rượu, nước giải khát hoặc hàng lưu niệm. Tại đây, hễ du khách uống hai chai bia Angkor thì được chủ nhà hàng tặng cho một đĩa tôm luộc.
Số dân khác thì làm nghề đưa rước khách du lịch hay bán hàng mậu dịch cho cư dân các làng trên Biển Hồ.
![]() |
Và số người đông nhất là làm nghề khai thác tôm cá trên Biển Hồ mà sinh sống. Ở các cửa vào Biển Hồ có rất nhiều áp-phích, khẩu hiệu cấm đánh bắt, xiệt điện tôm cá, thế nhưng nghề khai thác tôm cá ở đây lại phát triển rất dữ. Ven bờ hồ, người ta bố trí nò, đó tầng tầng lớp lớp, còn ở ngoài khơi thì đánh lưới, giăng câu. Cá nước ngọt như cá lóc, cá bông, cá tra… ở Biển Hồ rất to, hàng chục kg. Thịt cá rất ngon mà giá cả rất rẻ, một kg cá lóc có 20.000 đồng Việt Nam. Có một loài cá mà cư dân Biển Hồ xem là cá tạp, chỉ dùng làm mắm, có tên gọi là cá trèn. Vậy mà khi vào nhà hàng, họ chiên cho chúng tôi lại thấy rất ngon. Mỗi con to cỡ bắp tay người lớn. Và Biển Hồ là nơi cung cấp tôm cá cho gần như khắp đất nước Campuchia và cho cả Thái Lan, Sài Gòn. Trong đó, đặc biệt là mặt hàng khô cá lóc, vừa ngon vừa rẻ.
Rời Biển Hồ, trí óc tôi mở ra những điều mới lạ về thế giới và lòng tôi cũng thật sự ngậm ngùi khi sau lưng tôi đang xa khuất dần cái làng Việt Nam nhỏ bé trên muôn trùng sông nước, ở nơi đất khách quê người.
PHAN TRUNG NGHĨA – Theo SCLO