Trong buổi tọa đàm về thơ Xuân Quỳnh tối ngày 28/2/2011, có rất nhiều chia sẻ, đồng cảm, thậm chí tri ân từ phía độc giả đối với những vần thơ đầy ắp yêu thương của nữ sĩ. Những nhận định về thơ Xuân Quỳnh của các nhà phê bình
Trong số những ý kiến của cử tọa, lời nhận xét của nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh khiến tôi suy nghĩ nhiều. Chị nói rằng, Xuân Quỳnh không tự tin trong tình yêu. Quả đúng. Thế nhưng, nếu đúng như nữ sĩ Vi Thùy Linh nghĩ, đó là điểm yếu của người phụ nữ Xuân Quỳnh trong đời thực thì tôi lại thấy, đó là ưu thế của Xuân Quỳnh với tư cách là một nhà thơ. Với tình yêu, tôi chợt nghĩ, chẳng ai có thể tự tin cả. Bởi càng tin càng thấy mong manh. Càng yêu càng thấy lo lắng. Càng có càng thấy dễ mất. Có vẻ như, chỉ những ai chưa thực sự có được gì trong tay mới tự tin hoàn toàn được. Lại nhớ những bông hoa "sặc sỡ đến lo âu" trong thơ Olga Berggoltz. Nhà thơ Bằng Việt dịch như thế, dường như cảm được cái khoảnh khắc “nhất thời” đầy bất trắc của những bông hoa cuối mùa, khi khoe sắc rực rỡ nhất cũng là lúc bắt đầu cho ta cảm giác mơ hồ về sự úa tàn. Cũng như Xuân Quỳnh từng viết : “Hôm nay yêu mai có thể xa rồi… ” (Nói cùng anh). Hay như Nguyễn Du trong “Kiều” cũng để nhân vật của mình thốt lên khi ái ân đang nồng đượm : “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao!”… Quy luật của tình yêu là thế. Và Xuân Quỳnh, với sự nhạy cảm của người phụ nữ làm thơ, hơn ai hết biết được điều này rất rõ, bằng trái tim. Tôi cho rằng, giả sử người mà Xuân Quỳnh trao gửi tình yêu không phải là một người trai đa tài nhiều người mến mộ như Lưu Quang Vũ, mà là một ai đó khác thì trước tình yêu, Xuân Quỳnh vẫn “không tự tin” như thế mà thôi. Những hoang mang, những dự cảm xa xôi, những mơ hồ đau đớn trong cả những phút giây đang tận hưởng tình yêu vẫn không thể khác : “Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/ Những cửa sổ toa tàu chẳng đóng?/ Dải hồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh… ” (Tự hát)
Điều đáng nói là, Xuân Quỳnh biết cách, có thể bằng vô thức, nói về những dự cảm mong manh ấy một cách tinh tế qua những chi tiết tưởng chừng giản dị bâng quơ – một tiếng còi tàu, một ánh lửa le lói trong rừng, một hơi lạnh thoáng qua bàn tay… – khiến người đọc trong mỗi trường hợp của cuộc đời mình, đều có thể nhận được sự đồng cảm, gần như là một sự chia sẻ. Vì thế mà một độc giả trong buổi tọa đàm, khi đứng lên đọc bài thơ “Lại bắt đầu” đã tâm sự rằng bài thơ đã đi cùng chị qua hạnh phúc và đau khổ, để chị có thể khỏe mạnh và vui tươi sống với cuộc đời như ngày hôm nay. Lạ thay, một người xa lạ trong khán phòng đối với chị là tôi bỗng cảm thấy gần gũi và gần như là hiểu được chị, vì có chung một sự đồng cảm với thơ Xuân Quỳnh.
Ngồi trong buổi tọa đàm, tôi lại cứ nhớ buổi trò chuyện về thơ Lưu Quang Vũ diễn ra cách đây cũng chưa lâu, tại chính gian phòng này. Thơ Vũ, thơ Quỳnh – mỗi người một vẻ riêng – nhưng đều để lại những ám ảnh, mà thơ ca, dù là thơ trẻ hiện đại hay là kiểu thơ mà giờ đây người ta quen gọi là thơ truyền thống, muốn đạt đến được điều gì thì cuối cùng, đó vẫn là “sự ám ảnh”. Sự ám ảnh mà người đọc nhận được từ những câu thơ ghi lại khoảnh khắc của cảm xúc hay một ánh chớp chói lòa của lý trí, cũng như nhau thôi. Trong biết bao bài thơ, hàng trăm câu thơ của Vũ, tôi không hiểu sao cứ bị ám ảnh nhất hình ảnh “mặt buồn như sỏi dưới hang sâu” (Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn… ). Và vì thế mà Lưu Quang Vũ, thơ anh đối với tôi là nỗi buồn – “Buồn như sỏi dưới hang sâu!”. Dường như đâu đó, tôi từng gặp những nỗi buồn như thế trên đường đi của mình, cho dù chẳng biết sỏi dưới hang có thể buồn đến thế nào! Chỉ có thể cảm được, bằng một sự đồng cảm mà nhà thơ đã khơi dậy trong tôi khi tôi đọc thơ anh. Một trong những cái bóng của nỗi buồn như sỏi ấy, tôi nhớ nhất những gương mặt của một nhóm lính Nga đứng ngồi lơ ngơ bên ngoài Cung Đại hội Điện Kremlin. Bấy giờ, sau cuộc chiến tranh
Còn Xuân Quỳnh thì lại ám ảnh tôi bằng một tiếng còi tàu :
“Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã
(Sân ga chiều em đi)
Tôi cho rằng, đây là một trong những câu thơ hay và tài của Xuân Quỳnh. Kỹ thuật của Xuân Quỳnh là đây! Có ai đó nhận xét, thơ Quỳnh quá thiên về cảm xúc mà coi nhẹ kỹ thuật! Tôi thì lại hiểu “kỹ thuật” theo một cách khác. Nó không phải là cách ta loay hoay xếp đặt câu chữ, cắt gọt, thêm bớt, đưa vào đó những thủ pháp phức tạp, tìm cách nói khác đi điều ta vừa nghĩ ra trong đầu, cho nó mới hơn, cho nó khác hơn điều ta đang thực lòng muốn nói. Đối với tôi, những gì nhà thơ dường như vô thức viết ra, có thể chẳng sắp đặt gì nhiều, nhưng là một sự lóe sáng của kỹ thuật, cái thứ kỹ thuật đã thấm vào ngòi bút nhà thơ lúc nào không biết nữa. Nói về sự chia xa bằng cái thảng thốt qua tiếng còi tàu như thế, thật là tuyệt bút! Và thế là, thơ Xuân Quỳnh đối với tôi luôn là dự cảm day dứt về sự xa cách, điều mà nhà thơ luôn đấu tranh để chống lại, ước mong khắc khoải một sự sum họp bình yên.
Nếu sinh thời, Xuân Quỳnh chưa có được điều đó, thì hôm nay, trong căn phòng đầy ắp những tri ân thương nhớ của độc giả và những người thân hướng đến chị, hẳn cuối cùng chị đã được toại nguyện.
Thụy Anh
Theo phongdiep.net