Năm Mậu Tý hung hãn đã trôi qua, chúng ta chờ đón năm Kỷ Sửu, có thể còn vất vả, nhưng hy vọng sẽ hiền hòa và dễ chịu hơn. 5 sự kiện nổi bật của năm cũ gắn liền với 5 điều ước cho năm mới xin được độc giả chia sẻ để cùng nhau vợi bớt ưu tư và khơi dậy niềm tin mới.
1. Năm 2008 qua đi cùng với những trận bão lụt kinh hoàng. Thiên tai đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng ở các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai thành phố lớn nhất ở hai đầu đất nước như ở trong cơn “đại hồng thuỷ” : mưa triền miên ở Hà Nội và triều cường mênh mang ở TP Hồ Chí Minh là những sự cố hàng nửa thế kỷ nay mới lại có. Thiệt hại nhiều cũng do công tác dự báo kém. Ngành khí tượng thủy văn rất mang tiếng vì dự báo thiếu chính xác liên tục.
Cầu trời sang năm mưa thuận gió hòa cho đồng bào ta đỡ cơ cực. Mong rằng các cấp lãnh đạo của Thủ đô và TP HCM rút được ra những bài học bổ ích trong việc ứng phó với các tình huống đặc biệt nghiêm trọng và khẩn cấp để hạn chế tối đa tác hại của các loại thiên tai, dịch bệnh… mà không phải có thêm cuộc tổng diễn tập nào.
Hy vọng rằng ngành khí tượng thuỷ văn của nước ta từ nay được đầu tư thích đáng, bắt đầu từ việc tăng cường năng lực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực này, để dần dần dự báo được đúng hơn và sớm hơn, góp phần phòng tránh và hạn chế thiên tai.
2. Thảm hoạ môi trường với sự cố VEDAN đã rung một hồi chuông cảnh báo quyết liệt cho toàn xã hội. “Cháy nhà mới ra mặt chuột” : Dòng sông Thị Vải và nhiều dòng sông khác phải đến kỳ hấp hối mới thấy hết được Luật Bảo vệ môi trường bị vi phạm đến mức độ nào? Ai vi phạm? Vì sao vi phạm mãi như thế được? Vì sao không xử lý nghiêm minh được?… Đấy là các câu hỏi nhức nhối còn để lại cho nhiều năm sau.
Hy vọng rằng sang năm mới, chính quyền các cấp ra tay trừng phạt thích đáng những người có tội trong vụ VEDAN và giải quyết thỏa đáng đơn khiếu nại của hàng nghìn hộ nông dân ở Thị Vải – Đồng Nai, để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mong sao Vịnh Hạ Long, Hồ Trị An, sông Cầu và nhiều vùng biển, hồ nước và các dòng sông khác được cứu chữa kịp thời, để đất nước này mãi mãi tươi xanh, mát lành như ngày xưa…
3. Lạm phát tới 22% trong những tháng đầu năm 2008 đã đe dọa trực tiếp đến sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế đang phát triển với tốc độ khá cao trong gần 10 năm liên tục. Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, bộc phát vào giữa năm 2008, bắt đầu từ khủng hoảng tài chính – bất động sản của Mỹ và các nền kinh tế lớn, đã gây khó khăn thêm nữa cho nền kinh tế Việt Nam vốn nhỏ bé và kém sức đề kháng.
Như lửa đổ thêm dầu, đùng một cái, ngày 4 tháng 12, tại Hội nghị nhóm tài trợ cho Việt Nam, đại sứ Nhật Bản (nước cấp vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam) bất ngờ tuyên bố nước này sẽ dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam cho đến khi nghi án tham nhũng đầy tai tiếng liên quan đến việc hối lộ của Công ty Tư vấn PCI trong Dự án Đại lộ Đông Tây ở TP Hồ Chí Minh được làm rõ. Khó khăn lại chồng chất khó khăn…
Hy vọng rằng gói 8 giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ đưa ra từ giữa năm, cộng thêm với khoảng 6 tỷ USD kích cầu đầu tư và tiêu dùng gắn liền với gói 5 giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế mà Chính phủ mới tung ra gần đây sẽ phát huy hết hiệu lực để trong năm 2009 nền kinh tế nước nhà có thể bình ổn và tiếp tục tăng trưởng.
Mong rằng việc Chính phủ ta phối hợp với phía Nhật Bản xử lý nghiêm minh vụ PCI sẽ củng cố được niềm tin của các nhà đầu tư vào sự quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta.
4. Năm qua, làng báo chí nước nhà có vẻ ít sôi động. Một số tờ báo lớn lâu nay được bạn đọc ưa thích giờ trở nên hơi nhạt nhẽo, vì vậy mà số lượng phát hành cứ tụt xuống hàng ngày. Đó là điều rất đáng lo ngại. Và như một hệ quả tất yếu : báo chí không chính thống, các trang web cá nhân (blog) bùng phát đến con số hàng triệu, như để thế chỗ một phần cho báo chí chính thống. Đó là điều rất đáng quan tâm…
Ước mong sao năm tới, nền báo chí và xuất bản nước nhà lại có cơ hội tưng bừng khởi sắc, để cuộc sống tinh thần của nhân dân ta phong phú hơn và phấn chấn hơn.
Báo chí và xuất bản là mặt tiền, là thước đo của mỗi nền dân chủ. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản dân chủ và công bằng.
Sách và báo chí còn là vật mang, là phương tiện trường tồn của các nền văn hóa. Chúng ta muốn có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì một lần nữa, trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản tiên tiến và nhân bản.
Những nhiệm vụ nặng nề ấy không phải của riêng ai, mà của tất cả : Nhà nước, cộng đồng người viết và cộng đồng người đọc. Hy vọng rằng đời sống tinh thần của nhân dân ta ngày càng phong phú, đa dạng và có cơ hội thăng hoa nhờ sự nỗ lực từ cả ba phía : người đọc, người viết ( kể cả các bloger) và Nhà nước.
5. Năm 2008 là năm bùng nổ của các ý kiến về Giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sau hàng chục năm dồn nén bức xúc về sự bất cập của nền giáo dục nước nhà, năm qua, sự bất bình của dư luận xã hội đã lên đến đỉnh điểm.
Những phê phán gay gắt, những đề xuất đầy tâm huyết đến từ mọi phía : các chính khách, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà giáo, các em học sinh… Mọi người đòi hỏi cần phải có một cuộc cải cách giáo dục toàn diện và triệt để. Ấy vậy mà mọi việc của ngành giáo dục vẫn cứ đâu vào đấy, vẫn như cũ, vẫn quá tự tin để tiếp tục những đề án đổi mới thiếu cơ sở khoa học, không hiệu quả và rất tốn kém…
Ước gì các vị lãnh đạo của ngành giáo dục hãy thử một lần nghĩ rằng mình có thể sai (tính có thể sai là bản chất của tri thức khoa học) để bình tĩnh lắng nghe và đối thoại với công luận nhằm tìm ra giải pháp đúng đắn chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng, nền giáo dục nước nhà đang khủng hoảng và phái tiến hành một cuộc cách mạng. Nói thế không có nghĩa là “sổ toẹt” mọi thành tựu đã có của ngành giáo dục, không có nghĩa là xoá đi tất cả để làm lại từ đầu; mà chỉ có nghĩa là tư duy giáo dục cũ, hệ thống giáo dục cũ, nội dung giáo dục cũ, phương pháp giáo dục cũ v.v… đã không còn thích hợp nữa và phải thay đổi.
Để tình trạng suy thoái giáo dục này xảy ra, không phải chỉ có ngành giáo dục và càng không phải chỉ có lãnh đạo giáo dục chịu trách nhiệm, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của tất cả các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng để cải cách, để chấn hưng giáo dục thì trước hết và quan trọng nhất phải là sự thay đổi nhận thức về thực trạng nền giáo dục của chính ngành giáo dục.
Hy vọng rằng năm 2009, những cuộc tranh, thảo luận sẽ đi đến những nhận định đồng thuận để bắt đầu vào giai đoạn cải cách triệt để và toàn diện nền giáo dục nước nhà như ý nguyện của toàn dân.
Chu Hảo – TVN