Đi ruộng mà mang đôi giày ống cao tới đầu gối. Mới hừng sáng đã lò mò vô ruộng. “Hành tung” khó hiểu của ông những ngày đầu về ấp đã khiến không ít người dân đâm nghi ngờ. Nhưng không lâu sau đó, thái độ ân cần, gần gũi của ông đã xóa tan mọi mối nghi.
“Kẻ lạ mặt”
Dì Hai Xuyên, nông dân ấp Cầu Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cứ nhắc đi nhắc lại chuyện hiểu lầm của bà con trong ấp đối với Tiến sĩ Nguyễn Như Cường những ngày đầu ông mới đến: “Ổng làm nhiều chuyện ngược đời, bảo sao tụi tui không nghi ngờ? Lội ruộng thuở đời ai mang dép, mà ổng mang tới giày ống nữa kia. Còn sáng sớm, nông dân vùng này có thói quen ra đồng trễ, đợi cơm nước xong đi một mạch chiều về. Ổng thì trời mới mở mắt đã xuống ruộng. Trời ơi, giờ đó có nước đi… ăn trộm chớ làm gì?”. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Cái “tội” lớn nhất của ông là dám “bắt” bà con sạ thưa. Trước nay ai cũng sạ 20-25 ki lô gam lúa giống/công. Bây giờ ông Cường bắt chỉ sạ 8-10 ki lô gam/công. Sạ dày còn thất lên thất xuống, sạ thưa như ổng “làm rau ăn mắm kho còn hổng đủ”. Ai cũng lo lắng, sợ năm nay mùa màng lại thất trắng như năm ngoái.
Thế rồi bà con bí mật theo dõi ông. Người được phân công là thầy giáo Thạch Sane, một trí thức lớn tuổi có uy tín nhất trong ấp.
Sau mấy ngày “trinh sát”, thầy Sane báo lại: “Sở dĩ ông Cường phải mang giày ủng là vì ông bị bệnh thấp khớp kinh niên. Chân bị ướt là bệnh tái phát liền. Còn ổng ra đồng sớm là để canh coi mật độ con rầy phát triển như thế nào. Để trưa thì coi không chính xác. Mục đích là để có biện pháp phòng chống rầy nâu có hiệu quả. Ông được Viện Bảo vệ thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cử xuống nhằm giúp bà con gỡ lại mùa màng đã mất hồi năm ngoái. Ông này người tỉnh Hà Nam, đi vô đây, bỏ vợ đang mang bầu ở ngoải một thân một mình, tội lắm!”.
Nghe lời thầy Sane, bà con cảm thấy mình thật có lỗi. Nhưng còn cái vụ kêu sạ thưa, sao khó làm theo quá. Thầy Sane giải thích: “Tui nghe ông Cường nói hồi năm ngoái mình cũng sạ dày mà thất cũng hoàn thất. Vậy tại sao mình không sạ thưa thử coi. Nếu có thất thì cũng chỉ mất phân nửa lúa giống, mà giống thì có Nhà nước đưa xuống, còn thuốc thì có Công ty Bảo vệ thực vật An Giang hỗ trợ miễn phí”. Nghe có lý, bà con gật đầu ưng bụng.
Thay đổi một tập quán
Ông Cường ít nói, nhưng hễ bà con thắc mắc điều gì, ông giải thích thật cặn kẽ. Bà con nói hiểu rồi, ông vẫn chưa yên tâm, lại kêu làm thử, làm không được ông làm mẫu trước cho coi. Sau đó ông kêu làm lại nhiều lần, tới khi nào được mới thôi. Ví dụ như hướng dẫn bà con cách đề phòng rầy nâu trên cây lúa. Trước đây chẳng ai quan tâm đến việc này, khi lúa bệnh mới tìm cách trị. Ông cố gắng giải thích rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Giống như trẻ em, chích ngừa trước vẫn tốt hơn chờ khi phát bệnh mới đi chữa, có khi quá muộn. Như vậy, muốn phòng tốt thì phải thường xuyên thăm ruộng, mà phải đi thật sớm mới phát hiện có rầy hay không.
Để thuyết phục bà con đi ruộng sớm, ông Cường nghĩ: “Mình nói tiếng Bắc khó nghe, sao không nhờ ông Sane nói lại với bà con. Hơn nữa, ông Sane là “lão làng”, chỉ cần ông hiểu là cả ấp hiểu theo”. Vậy là ông Cường giải thích cặn kẽ mọi vấn đề về cây lúa cho ông Sane. Là một trí thức, ông Sane nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật mới và chợt hiểu ra thành ý của ông Cường. Thế là từ những ngày đầu “gườm” nhau, hai người trở nên thân thiết hơn.
Sau vài ba ngày, không biết ông Sane nói thế nào mà bỗng dưng bà con ra đồng thật sớm. Họ đi tìm ông Cường để hỏi han đủ thứ, từ việc ngâm ủ giống cho đến phòng bệnh cho lúa. Ông giải thích với bà con: “Biết được mật độ rầy nâu nhiều hay ít, kết hợp với quan sát số lượng rầy vào đèn ban đêm, mình sẽ có kế hoạch phun thuốc sớm để diệt rầy. Thậm chí, nếu rầy ít, không cần phải phun xịt, vừa tốn tiền vừa ô nhiễm môi trường”. Nói không chưa đủ, ông kéo bà con xuống ruộng, quơ tay qua đám lúa nhổ thử một cây rồi đưa cho mọi người coi, rồi giải thích con rầy bám cây lúa chỗ nào, truyền bệnh ra sao. Ông đếm kỹ từng con rầy rồi nói: “Bà con nhớ nhé: 7-8 con/cây thì mật độ thấp, không cần phải phun xịt; 50-60 con/cây thì phải lo xịt rồi đó. Đừng để nó tăng tới 100-120 con thì mệt. Giống như chí trên đầu, mới có vài con thì bắt nó đi, để lâu ngày chúng đẻ thành “ổ” trên đó thì chỉ có nước… cạo trọc”. Cách so sánh ví von pha lẫn hài hước như vậy khiến cho ai nấy cười nghiêng ngả. Vậy là bà con hiểu ra.
Sau khi sạ, do nắng hạn nên có một vài hộ lúa bị le hoe. Theo tập quán, bà con muốn bỏ hết, sạ mới toàn bộ. Thế nhưng ông Cường bảo cứ dặm lại, chịu khó mất công mà lúa sẽ tốt và tiết kiệm chi phí. Ông giải thích: “Cây lúa được 30 ngày rồi, giống như đứa con đã được 5 tuổi, lỡ có bệnh thì chữa cho hết. Hổng lẽ bỏ nó đi sinh đứa khác? Hơn nữa, thời điểm này lúa đã qua thời kỳ nguy hiểm, nếu sạ lại liệu sẽ không còn rủi ro?”.
Từ đó, bà con đã đi thăm lúa từ sáng sớm, sạ giống thưa và biết cách theo dõi mật độ rầy nâu rồi có biện pháp phòng chống hữu hiệu.
Cùng dân chống hạn
Đầu tháng 4-2007, huyện Tiểu Cần có kế hoạch xuống giống sớm vụ Hè -thu để nhân giống lúa mới. Lúa sạ được 15 ngày thì bị khô hạn, có nguy cơ chết cháy. Trong khi đó, nước dưới kênh lại mặn, cả cánh đồng 114 héc ta bị héo vàng. Trước tình cảnh đó, dù không có nhiệm vụ gì trong chương trình này nhưng ông Cường vẫn đứng ngồi không yên. Cả đêm ông thức trắng bên dòng kênh bê tông nước đong đầy mà xót xa cho cánh đồng lúa chết khát bên trong. Ngồi buồn, ông thò tay khoát nước vuốt lên mặt. Bỗng ông giật mình vì cảm thấy nước ngọt. Ông nếm thử nhiều lần nữa, quả thật, nước ngọt chứ không mặn như nhiều người vẫn nghĩ. Ông tức tốc chạy kêu các kỹ sư của ban nông nghiệp xã ra coi. Mọi người bàn nhau tìm cách xả nước vô ruộng. Nhưng tới lúc mở được van xả nước thì nước… lại mặn. Thế là phải vội vàng đóng lại. Ông Cường ngẫm nghĩ: “Sao có những lúc nước ngọt lại xen vào? Có thể canh lúc nào nước ngọt xả vào được không?”.
Vậy là bất kể đêm tối, ông và các kỹ sư lấy máy ra đo độ mặn hàng giờ liền và phát hiện có những thời điểm nước có độ mặn ở mức cho phép (dưới 2%0), cây lúa chịu được. Ông quyết định xả cống cho nước vào ở một điểm nhất định để thử nghiệm. Khoảng 1giờ sau thì độ mặn tăng dần lên mức hơn 2%0. Ông nghĩ ra, có thể xả nước vô trong một giờ, làm nhiều lần trong vài ngày sẽ có đủ nước chống hạn. Ông cùng các kỹ sư chia nhau lội bộ giáp vòng chu vi con kênh dài hơn sáu cây số vặn mở từng van xả nước vô ruộng. Tới lúc nước có độ mặn cao lại phải vặn van đóng cống lại. Cứ vậy chạy tới chạy lui hết đóng lại mở, hết đo nước lại nếm nước… lòng vòng cả đêm.
Sáng sớm hôm sau, bà con ra đồng lấy làm lạ “sao trời không mưa mà tự nhiên đồng đầy nước?”. Hỏi ra mới biết ông Cường và các kỹ sư đang hốc hác vì thức đêm lo xả nước cho bà con. Chẳng kịp ngủ nghê, ông gọi ngay thầy Sane phổ biến cho bà con “canh me” sẵn đầu ruộng của mình. Hễ kỹ sư đo độ mặn thấy được là mọi người đồng loạt xả nước vô. Liên tục trong năm ngày sau đó, ông Cường trực chiến cả đêm trên đồng để canh mặn, xả nước cùng với bà con. Cánh đồng sau đó được cứu thoát.
Thầy Sane nói với chúng tôi: “Tụi tôi gọi ông Cường là “ông thần rầy nâu” vì nhờ ông mà vụ này né được rầy, lúa tốt trúng mùa. Chớ năm ngoái thất lắm, có chỗ bệnh vàng lùn xoắn lá tiêu hết”. Còn ông Trương Văn Út, Phó chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, thì nói vui: “Gọi ông Cường là “thần nông” thì đúng hơn, bởi ông tối ngày ở ngoài đồng. Có ông Cường, tụi tôi tự tin làm tiếp vụ thu – đông nhân giống lúa mới phục vụ toàn tỉnh, chứ trước đây thì không dám. Năm ngoái toàn huyện thiệt hại gần 40 tỉ đồng vì dịch rầy nâu. Năm nay coi như ổn”.
|
Đạt Thịnh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn